Thiền Lâm, gửi RFA từ Việt Nam
Tại
đất nước chỉ bị cách biệt Việt Nam bởi chưa đầy một trăm cây số đường
biên giới Trung Quốc, nếu quả thực đảng cầm quyền đã xác định cần phải
thay đổi, nới rộng dân chủ và chia sẻ quyền lực chính trị, thì sự chia
rẽ của những người đối lập, dù mới chỉ là mầm mống, không những làm ảnh
hưởng đến tương lai của đảng đối lập mà nguy hiểm hơn cả là sẽ đẩy dân
tộc vào một ngã rẽ chia rẽ mới.
Tiền đề nguy hiểm
Không
tránh khỏi lối mòn phân tán quyền lực và hoang mang về ý thức hệ của
đảng cầm quyền vào thời kỳ cuối cùng, nội bộ của đảng phái đối lập chính
ở Myanmar cũng đang lâm vào một giai đoạn của những tiền đề nguy hiểm:
cạnh tranh quyền bính với nhau trong điều kiện còn chưa tiếp quản được
chính quyền.
Đại
hội đầu tiên vào đầu tháng 3/2013 của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân
chủ đã bộc lộ cái yếu điểm chết người như thế. Cũng là lần đầu tiên kể
từ khi thoát khỏi chế độ quản thúc vào cuối năm 2010, nữ chính trị gia
Nobel Hòa Bình Aung San Suu Kyi phải lên tiếng khẩn thiết kêu gọi sự
đoàn kết trong nội bộ của đảng này để tránh tình trạng xâu xé do tranh
giành quyền lực.
Thật đáng xấu hổ! Như câu tục ngữ cải biên “Tre không chịu già làm sao măng mọc”,
tại đất nước chỉ bị cách biệt Việt Nam bởi chưa đầy một trăm cây số
đường biên giới Trung Quốc, một số thành viên của đảng đối lập dù đã thọ
đến bát tuần nhưng vẫn không hề có ý định nhường chỗ cho giới trẻ -
những người được xem là sâu sát hơn với thực trạng của quốc gia.
“Tinh
thần huynh đệ rất quan trọng, và nếu Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã
vững mạnh trong quá khứ, đó là nhờ vào tinh thần đồng chí” – San
Suu Kyi tha thiết. Phát biểu trước cử tọa trong đại hội đảng đối lập, bà
cũng công khai thừa nhận “đã có tranh chấp” nội bộ trong những tháng
gần đây, và thành khẩn kêu gọi các đại biểu “tự kềm chế”, không xâu xé
nhau vì chỗ đứng.
Một
trong những nhà quan sát khắt khe trên thế giới - hãng tin AFP của Pháp
- cũng lo ngại một cách chân thành cho phong trào tranh đấu dân chủ còn
trong phôi thai ở Myanmar. Thậm chí trước đại hội đảng đối lập, có đến
bốn thành viên quan trọng bị trục xuất và không được quyền tham dự. Một
trong bốn nhân vật này, luật sư 66 tuổi Khin Maung Shein, đã tỏ ý rất
bực tức: “Lẽ ra việc đó không được phép xảy ra, vì không tốt cho cả
người lãnh đạo cũng như cho toàn đảng. Và đà này, nếu tiếp tục, sẽ tác
hại đến tương lai của đảng”.
Điều
được gọi là “tương lai của đảng” lại có tính quyết định đối với vận
mệnh hồi sinh của đất nước bị coi là thuộc loại nghèo đói và đã từng mất
dân chủ nhất thế giới này. Với tư cách là một đối trọng lớn nhất đối
với đảng cầm quyền của tổng thống Thein Sein, làm sao những người Liên
đoàn Quốc gia vì Dân chủ có thể nghiễm nhiên tiến tới cuộc bầu cử quốc
hội và cũng là bầu tổng thống vào năm 2015 với hành trang ganh tỵ, đố
kỵ, nói xấu lẫn nhau, kể cả việc bắt đầu dùng đến thủ đoạn chính trị để
triệt hạ nhau như một thứ vũ khí chẳng liên quan gì với mười điều cấm
của Đức Phật?
Làm gì?
Hãy
cẩn thận, cuộc đấu tranh cho nền dân chủ và cải cách chính trị ở
Myanmar đã mất ít nhất hai chục năm dằn vặt và khắc khoải trong áp chế,
nhưng có thể chỉ tốn hai năm chia rẽ là toàn bộ công sức và thành quả
trước đó sẽ bị từ chối. Không chỉ kém cạnh về thế lực so với đảng cầm
quyền, cái nghiệt ngã nhất có thể xảy đến với những người đối lập một
khi họ không biết cách tự kềm chế tham vọng quyền lực của mình nơi hiện
tại, và sẽ bị chính lớp dân chúng cùng đinh từ chối vai trò của họ trong
tương lai.
Được
“xóa án” và chuyển từ đấu tranh bí mật sang tranh đấu công khai bởi
những động thái không chủ yếu đến từ chính trường quốc tế, mà bởi chính
thái độ tự chuyển biến về tư tưởng và tự biến đổi về hành động của những
người trong đảng cầm quyền như Thein Sein, các thành viên của phe đối
lập có thể đã rơi vào một trạng thái choáng ngợp bởi tâm thế tự do đột
ngột - một dạng thái chân không chính trị. Khá nhanh chóng tiếp nhận
những quyết định “không tưởng” từ phía chính quyền như phóng thích vô
điều kiện tù nhân lương tâm, hủy bỏ đạo luật trấn áp những người bất
đồng chính kiến, hòa giải dân tộc và cho phe đối lập tham gia bầu cử bổ
sung vào quốc hội, lần đầu tiên từ nửa thế kỷ qua cho phát hành báo chí
tư nhân…, những người đối lập có vẻ đã không thật bình tâm và sáng suốt
trước câu hỏi “Làm gì?” - như tựa đề một tác phẩm chính luận của lãnh tụ
vô sản người Nga Vladimir Ilich Lenin.
Làm
gì? Nếu quả thực đảng cầm quyền đã xác định cần phải thay đổi, nới rộng
dân chủ và chia sẻ quyền lực chính trị nhằm tạo nên hình ảnh dễ chịu
hơn của Myanmar trên trường quốc tế, nhưng quan trọng hơn hết vẫn là
nhằm tránh cho đất nước này một cuộc đổ máu vô ích do bạo loạn nổi lên
từ lớp dân chúng cùng khốn, liệu những người có một xác suất nào đó để
thay thế đảng cầm quyền vào năm 2015 có thể chấp chính một cách thuần
thục, ít nhất trên phương diện điều hành nền hành chính quốc gia?
Có
quá nhiều công việc và vấn nạn như y tế, giáo dục, tình trạng kém phát
triển, tệ nạn tham nhũng cần phải giải quyết trong bối cảnh đất nước
chịu cảnh ngổn ngang xã hội và giao thời chính trị. Thế nhưng chắc hẳn
một số thành viên của phe đối lập tại Myanmar sẽ không mấy hài lòng khi
chứng kiến một đánh giá từ con mắt chuyên nghiệp chính trị như AFP: Liên
đoàn Quốc gia vì Dân chủ chưa có đủ khả năng đảm trách công việc lãnh
đạo đất nước.
Chỉ
cách trường hợp Myanmar vài năm, tình cảnh ở các nước Bắc Phi như
Tunisie, Ai Cập và Libya sau “Mùa xuân Ả Rập” vẫn còn gần như nguyên vẹn
trong buổi giao thời của lớp chính trị gia mới luôn bị khúc mắc bởi sự
đánh đố “Làm gì?”.
Và của cả những chính khách mới nổi hoàn toàn không biết phải làm gì.
Sẽ
không thể thỏa mãn được câu hỏi “Làm gì cho dân tộc?” nếu không biết tự
kềm chế tham vọng chính trị và vô số sân si phát sinh trong hoàn cảnh
mới. Sự chia rẽ của những người đối lập, dù mới chỉ là mầm mống, không
những làm ảnh hưởng đến tương lai của đảng đối lập mà nguy hiểm hơn hết
là sẽ đẩy dân tộc vào một ngã rẽ chia rẽ mới.
Với
một cách nhìn khác, những người Việt không có nhiều thành tích về đoàn
kết vào thời bình của dân tộc, liệu có tránh thoát được cái ngã rẽ khắc
nghiệt ấy?
Nguồn RFA