Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

Mấy chất vấn gửi ông Đinh Đức Lập, Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết

Huỳnh Kim Báu

(Nguyên Tổng Thư ký Hội Trí thức yêu nước TP HCM)
Đọc bài “Sự thật đằng sau bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp trên một số trang mạng: Sự ngụy tạo có chủ đích!”, tôi rất ngạc nhiên về nhận định của “Nhóm phóng viên Thời sự - Chính trị”, căn cứ vào “kết quả” của cuộc “điều tra” do các tác giả thực hiện ở Hà Tĩnh, cho rằng “đa số tên người dân ký tên trên bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 hiện đang phát tán trên một số trang mạng là giả mạo” vì “Tại sao lại có nhiều bà con nông dân Hà Tĩnh ký tên trên mạng như vậy, trong khi nhiều người còn mơ hồ về internet” và vì “Người nông dân quanh năm vất vả lo làm ăn, họ lấy đâu ra thời gian mà lướt web, để ký tên kiến nghị những điều mà bản thân họ không hiểu”. Nhóm tác giả còn “trăn trở và tự hỏi”: “Vì sao họ lại kiến nghị những điều mà họ thừa biết sẽ làm rối loạn đất nước? Liệu có phải nhiều người dân bất bình với Đảng, Nhà nước đến vậy, khi mà Đảng, Nhà nước luôn chăm lo cho đời sống của họ ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn?”.

Xin ông Tổng Biên tập Đinh Đức Lập giải thích những thắc mắc của tôi.
1/ Về công lao của Đảng Cộng sản lèo lái con tàu quốc gia đem lại tự do, cơm no áo ấm cho Dân tộc Việt Nam, tôi hỏi ông các quốc gia trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia,... có thịnh vượng, giàu có và tự do hạnh phúc hơn Việt Nam không? Các quốc gia đó có Đảng Cộng sản cầm quyền hay không?
2/ Chủ xướng Kiến nghị 72 là những trí thức tiêu biểu, nếu muốn sử dụng thủ thuật ngụy tạo chữ ký của nông dân, chắc chắc quí vị đó không ai ngây thơ tập trung danh sách ngụy tạo ở tại một địa phương Hà Tĩnh.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2011 tỉnh Hà Tĩnh có 1.229.300 người. Theo bài báo, “tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng internet chỉ chiếm 20-30% trên toàn địa bàn tỉnh”, nghĩa là khoảng 245.000–368.000 người. Còn nếu hiểu 20-30% ở đây không phải là đối với số dân nói chung của toàn tỉnh, mà chỉ là đối với tổng số người dân nông thôn Hà Tĩnh mà thôi, thì số người ở nông thôn sử dụng internet cũng vào khoảng 170.000-250.000 với giả định dân nông thôn ở Hà Tĩnh chiếm 70% dân cư trong tỉnh. Danh sách những người ký kiến nghị cho đến nay là gần 9.000 người. Cho dù cả 9000 người này đều là người Hà Tĩnh, thì vẫn còn thua xa con số hàng trăm ngàn như đã phân tích ở trên. Đó là chưa kể người ký tên không nhất thiết phải tự mình truy cập internet! Như thế, lập luận của “nhóm phóng viên Thời sự - Chính trị” đã tự mâu thuẫn!
3/ Trong thời gian qua có nhiều người ký tên trong bản kiến nghị phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam, về thực thi quyền con người, về việc trả tự do cho Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, đã bị nhân viên an ninh răn đe, khủng bố với nhiều hình thức. Do đó việc không công bố trên mạng địa chỉ cụ thể của những người ký tên sau danh sách 72, là nhằm bảo vệ an ninh cho các công dân đã tham gia ký tên trong bản kiến nghị, thiết tưởng là điều dễ hiểu. Việc trang mạng Bauxite Việt Nam yêu cầu người ký tên “ghi rõ họ tên, nghề nghiệp, chức danh (nếu có) và địa chỉ”, không có nghĩa là phải nhất thiết công bố tất cả thông tin đó. Các tác giả bài báo trên không thể vin vào đó để đi đến kết luận hàm hồ rằng: “Như vậy có thể thấy, ngay việc đưa tên người ký đơn kiến nghị sửa đổi Hiến pháp, những người chủ trang mạng này đã không tôn trọng chính tiêu chí mà họ đưa ra ban đầu”.
Nếu ông Tổng Biên tập Đinh Đức Lập không trả lời được mấy chất vấn trên, thì tôi buộc phải cho rằng tờ báo Đại Đoàn Kết đã được sử dụng để cùng với bộ máy an ninh răn đe, khủng bố những người ký kiến nghị 72.
H. K. B.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"