Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

Lộ trình xây dựng một hiến pháp dân chủ (Phần I)

Mai Thái Lĩnh

danluan_b0137.jpg
...không dựa trên cơ chế “xin-cho”, không khoán trắng tương lai đất nước
cho bất kỳ một cá nhân hay một lực lượng chính trị nào cả.

Hạ tuần tháng 1 năm 2013, trước Tết Nguyên đán, đã xảy ra một sự kiện gây chấn động dư luận. Đó là việc 72 vị nhân sĩ, trí thức đã cùng nhau ký một bản kiến nghị có tên là “Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992” (đề ngày 19-1-2013). Điều đáng chú ý là trong danh sách những người khởi xướng, có ít nhất một nửa là đảng viên cộng sản, trong đó có những người đã từng giữ chức vụ cao hoặc đã từng làm cố vấn cho các nhà lãnh đạo cao cấp trong hệ thống chính trị hiện hành. Lướt qua nội dung của kiến nghị cũng như bản dự thảo Hiến pháp đính kèm (được coi như một tài liệu để tham khảo và thảo luận), chúng ta dễ dàng nhận thấy những người ký kiến nghị đã bày tỏ một quan điểm về hiến pháp chẳng những vượt ra khỏi khuôn khổ của hiến pháp hiện hành (tức Hiến pháp 1992 - bản sửa đổi năm 2001) mà còn vượt xa bản hiến pháp đầu tiên do Đảng Cộng sản soạn thảo dưới danh nghĩa của tổ chức Việt Minh (tức Hiến pháp 1946).

Được công bố trên trang mạng Bauxite Vietnam đầy uy tín, chỉ tính cho đến ngày 28-2-2013, tức là chưa đầy một tháng rưỡi kể từ ngày công bố, đã có hơn 6 ngàn chữ ký được thu thập để ủng hộ bản kiến nghị này. Đây là một kết quả không thể xem thường, nhất là trong hoàn cảnh của một chế độ toàn trị nổi tiếng là khắt khe bậc nhất trên thế giới. Không thể giữ im lặng trước sự kiện này, vào hạ tuần tháng 2 năm 2013, trong một chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Vĩnh Phú, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu như sau:
“… Vừa rồi đã có các luồng ý kiến thì cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chứ gì nữa … Xem ai có tư tưởng là muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Muốn “tam quyền phân lập” không? Hả? Muốn “phi chính trị hóa quân đội” không? Người ta đang có những quan điểm đấy!… Đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! Chỉ ở đâu nữa nào? … Tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể … thì nó là cái gì?! … Cho nên các đồng chí quan tâm xử lý cái này.”
Qua phát biểu của người đứng đầu đảng cầm quyền, chúng ta có thể thấy rõ sự khác biệt về quan điểm trong nội bộ những người cộng sản, một khoảng cách chênh lệch rất xa giữa một bên là quan điểm thủ cựu của Bộ chính trị Đảng Cộng sản – bộ máy quyền lực cao nhất của Đảng, và phía bên kia là quan điểm của những đảng viên cộng sản có tư tưởng cởi mở, tiến bộ - phản ánh phần nào ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Nhưng một sự kiện khác xảy ra sau đó lại làm nổi bật mâu thuẫn trầm trọng hơn giữa ý chí của Đảng và nguyện vọng của nhân dân: ngay sau khi kênh truyền hình trung ương VTV1 phát đoạn video này trong chương trình thời sự 19h ngày 25-2-2013, nhà báo Nguyễn Đắc Kiên làm việc tại báo Gia Đình & Xã Hội đã phản ứng bằng một bài viết đăng trên blog của anh, qua đó anh công khai phản đối ý kiến của ông Tổng bí thư và tuyên bố ủng hộ đa nguyên, đa đảng. Trong vòng chưa đầy 24 giờ, anh bị tòa báo đuổi việc.
Điều đáng chú ý là trong bài viết của mình, nhà báo Nguyễn Đắc Kiên đã đưa ra lời tuyên bố gồm 5 điểm trong đó điểm đầu tiên thể hiện một lập trường hết sức dứt khoát về vấn đề hiến pháp: “Tôi không chỉ muốn bỏ Điều 4 trong Hiến pháp hiện hành, mà tôi muốn tổ chức một Hội nghị lập hiến, lập một Hiến pháp mới để Hiến pháp đó thực sự thể hiện ý chí của toàn dân Việt Nam, không phải là ý chí của đảng cộng sản như Hiến pháp hiện hành.”
Đây không phải chỉ là ý kiến riêng của nhà báo trẻ Nguyễn Đức Kiên mà còn là ý kiến của rất nhiều người Việt yêu nước, yêu dân chủ. Chính vì thế, chỉ vài ngày sau đó, vào ngày 28-3-2013, lời tuyên bố của công dân Nguyễn Đắc Kiên đã trở thành Lời tuyên bố của các công dân tự do với 5 điểm có nội dung tương tự, chỉ khác nhau một điểm căn bản: thay cho đại từ “tôi” là đại từ “chúng tôi”. Kết thúc bản tuyên bố là một lời mời gọi: “Xin hãy chung tay để cho LỜI TUYÊN BỐ CÔNG DÂN TỰ DO này trở thành sợi dây bền vững kết nối hàng triệu triệu trái tim Việt Nam”. Cùng với bản kiến nghị do 72 nhân sĩ, trí thức đề xướng, lời tuyên bố này – xuất phát từ sáng kiến của các blogger trẻ, càng thể hiện rõ nguyện vọng thật sự của toàn thể nhân dân Việt Nam trong vấn đề hiến pháp.
Bài viết này được viết với mục đích cung cấp thêm những nền tảng lý luận và cơ sở thực tế của vấn đề sử dụng quyền lập hiến, một mặt cốt để làm rõ vấn đề “sửa đổi hiến pháp hay viết lại hiến pháp”, và đó cũng là cách góp phần tìm kiếm một giải pháp, một lộ trình phù hợp với hoàn cảnh của đất nước ta trong giai đoạn đặc biệt quan trọng hiện nay.
Phần I: SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP HAY VIẾT LẠI HIẾN PHÁP?
Trước tiên, để có thể hiểu rõ sự xung đột về quan điểm xung quanh vấn đề hiến pháp, chúng ta cần tìm hiểu đôi chút về khái niệm “quyền lập hiến”. Mặc dù ngành luật học ở nhiều quốc gia trên thế giới đều có bộ môn Luật hiến pháp (droit constitutionel, constitutional law), nhưng không phải ở đâu giới luật học cũng quan tâm đến vấn đề “quyền lập hiến”. Trong bài này, tôi sẽ dựa vào những nghiên cứu luật học của nước Pháp, một quốc gia tuy là cái nôi của cuộc cách mạng vĩ đại làm rung chuyển toàn bộ thế giới, nhưng lại là một trong những quốc gia phải trải qua rất nhiều truân chuyên trên con đường ổn định hệ thống chính trị dân chủ (tính từ cuối thế kỷ 18 đến nay, nước Pháp đã có tổng cộng 17 bản hiến pháp).
Hai loại quyền lập hiến:
Emmanuel-Joseph Sieyès (một lý thuyết gia của cuộc Cách mạng Pháp) là người đầu tiên nêu ra khái niệm “quyền lập hiến”. Trong tác phẩm nổi tiếng Đẳng cấp thứ ba là gì? (Qu'est-ce que le Tiers-État?) công bố năm 1789, ông viết: “Trong mỗi bộ phận, hiến pháp không phải là kết quả của quyền hiến định, mà là kết quả của quyền lập hiến”.
Sự khác biệt là ở chỗ: quyền lập hiến (pouvoir constituant)“quyền làm ra hiến pháp”, trong khi quyền hiến định (pouvoir constitué) là “quyền lực được tạo ra bởi hiến pháp”. Như chúng ta đã biết, do ảnh hưởng chủ yếu của Montesquieu, người ta thường chia quyền lực Nhà nước thành ba nhánh chính: quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Ba quyền lực đó là quyền lực hiến định, chúng được tổ chức và vận hành dựa theo hiến pháp, trong khuôn khổ của hiến pháp. Quyền lập hiến là nguồn gốc của các quyền hiến định, đương nhiên phải cao hơn các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Tuy nhiên, quyền lập hiến không phải lúc nào cũng thể hiện giống nhau. Nếu quan sát kỹ lịch sử của các quốc gia trên thế giới, chúng ta thấy có khi quyền lập hiến được sử dụng để “làm ra một hiến pháp mới”, có khi chỉ được sử dụng để “sửa đổi, bổ sung một hiến pháp đã có sẵn”.
Việc phân biệt hai loại quyền lập hiến này là thành quả nghiên cứu của thế kỷ 20, và người đầu tiên khám phá ra sự khác biệt này là Raymond Carré de Malberg (1861-1935) – nhà luật học và hiến pháp học nổi tiếng đã khởi xướng trường phái thực nghiệm trong luật học (positivisme juridique) tại Pháp. Trong tác phẩm Góp phần vào lý thuyết tổng quát về Nhà nước (Contribution à la théorie générale de l'Etat) xuất bản năm 1922, Carré de Malberg phân biệt giữa “quyền lập hiến trong việc thiết lập hiến pháp đầu tiên của Nhà nước”“quyền lập hiến trong một Nhà nước đã hình thành”. Theo ông, vấn đề quyền lập hiến trong việc thiết lập hiến pháp đầu tiên của Nhà nước không phải là vấn đề thuộc lĩnh vực pháp lý: “việc hình thành đầu tiên của một Nhà nước, cũng như tổ chức đầu tiên của nó, chỉ có thể được xem như một sự kiện thuần túy – không thể xếp vào bất kỳ phạm trù pháp lý nào, vì sự kiện đó không bị chi phối bởi những nguyên tắc của luật học”.
“Quyền lập hiến trong việc thiết lập hiến pháp đầu tiên của Nhà nước” về sau được đặt tên là quyền lập hiến nguyên thủy (pouvoir constituant originaire)“quyền lập hiến trong một Nhà nước đã hình thành” được gọi tên là quyền lập hiến phái sinh (pouvoir constituant dérivé). Nói một cách dễ hiểu hơn, quyền lập hiến nguyên thủy là quyền làm ra một bản hiến pháp mới, còn quyền lập hiến phái sinh là quyền sửa đổi một bản hiến pháp đang có hiệu lực.
Nhiều nhà luật học sau đó (như Georges Burdeau, Roger Bonnard, Guy Héraud, Georges Vedel) đã góp phần làm rõ các đặc điểm của hai loại quyền lập hiến này:
Quyền lập hiến nguyên thủy là một quyền lực không có giới hạn, bởi vì khi làm ra một hiến pháp mới, nó không bị hạn chế bởi bất cứ bản hiến pháp nào có trước nó, không bị lệ thuộc vào bất cứ quy định pháp lý nào có trước nó. Nó sinh ra từ một khoảng trống pháp lý (vide juridique), do chỗ không có một hiến pháp hoặc hiến pháp đã bị hủy bỏ. Còn quyền lập hiến phái sinh là một quyền lực bị hạn chế, bởi lẽ nó là một quyền lực sinh ra từ quyền lập hiến nguyên thủy, có được thẩm quyền pháp lý là nhờ vào trật tự pháp lý hiện hành – trước hết là dựa vào một bản hiến pháp có trước. Những điều kiện để sửa đổi hiến pháp (vd: ai được quyền sửa đổi hiến pháp, sửa đổi hiến pháp phải dựa theo thủ tục nào, v.v…) thường đã được quy định bởi chính bản hiến pháp sẵn có.
Các nhà luật học người Pháp phân biệt hai loại khoảng trống pháp lý:
- Loại thứ nhất được gọi là khoảng trống pháp lý đã hiện hữu (vide juridique déjà existant) xuất hiện trong những hoàn cảnh nảy sinh một Nhà nước mới, một quốc gia mới. Trong tình hình như thế, quyền lập hiến nguyên thủy lấp đầy khoảng trống pháp lý bằng cách làm ra một hiến pháp mới, thiết lập một nhà nước mới. Nhà nước mà nó thành lập là một Nhà nước hoàn toàn mới không tồn tại trước đó; hiến pháp mà nó thiết lập cũng là hiến pháp đầu tiên của Nhà nước. Một khoảng trống pháp lý như thế có thể xảy ra trong các hoàn cảnh như: chiến tranh, giải trừ chủ nghĩa thực dân, chiến tranh giành độc lập, sự hợp nhất giữa các quốc gia độc lập thành một liên bang, sự giải thể của một Nhà nước, v.v…
- Loại khoảng trống pháp lý thứ hai được gọi là khoảng trống pháp lý được tạo ra (vide juridique créé), xuất hiện trong hoàn cảnh thay đổi chế độ trong một Nhà nước đã tồn tại. Trong trường hợp này, đã có sẵn một trật tự pháp lý hiện hành. Quyền lập hiến nguyên thủy trước hết phải hủy bỏ một hiến pháp đã tồn tại, tạo ra một khoảng trống pháp lý và sau đó, lấp đầy khoảng trống ấy bằng cách làm ra một hiến pháp mới. Nói cách khác, quyền lập hiến nguyên thủy trước hết làm động tác phá hủy, sau đó mới làm động tác tái xây dựng. Hiểu theo nghĩa đó, người ta có thể nói quyền lập hiến nguyên thủy có hai mặt: một có tính phủ định (hủy bỏ hiến pháp) và một có tính xây dựng (thiết lập hiến pháp). Guy Héraud gọi phương diện phủ định của quyền lập hiến nguyên thủy là quyền giải trừ hiến pháp (pouvoir déconstituant). Trong giả thuyết này, người ta không tạo ra một Nhà nước mới mà chỉ làm mới lại nền tảng của Nhà nước hay nói cách khác, thay đổi chế độ trong một Nhà nước đã tồn tại. Các nhà luật học ghi nhận rằng một khoảng trống pháp lý như thế có thể xảy ra sau một cuộc cách mạng, một cuộc đảo chính hay một cuộc chiến tranh đã lật đổ chế độ chính trị hiện hành.
Điều cần nhấn mạnh là trong khi quyền lập hiến phái sinh rút thẩm quyền pháp lý từ quyền lập hiến nguyên thủy, từ trật tự pháp lý hiện hành, từ một bản hiến pháp đã có hiệu lực, thì quyền lập hiến nguyên thủy không cần dựa vào bất cứ cái gì khác ngoài bản thân nó. Mặt khác, trong khi quyền lập hiến phái sinh (tức là quyền sửa đổi hiến pháp) là một đối tượng nghiên cứu của luật học thì quyền lập hiến nguyên thủy (tức là quyền làm ra một bản hiến pháp hoàn toàn mới) lại là một sự kiện nằm ngoài phạm vi của luật học.
Sửa đổi hiến pháp hay viết lại hiến pháp mới?
Vận dụng quan niệm về hai loại quyền lập hiến vào hoàn cảnh hiện nay của nước ta, chúng ta thấy điều gì?
Trước hết, cuộc “sửa đổi Hiến pháp 1992” mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang tiến hành hiện nay chỉ gói gọn trong phạm vi “sửa đổi Hiến pháp”, tức là phạm vi của quyền lập hiến phái sinh.
Trong “Thông báo Hội nghị lần thứ 5 BCHTW Đảng khoá XI” (tháng 5 năm 2012), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rõ: “… sau 20 năm thi hành Hiến pháp năm 1992 (có bổ sung, sửa đổi năm 2001), Đại hội XI của Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), có nhiều vấn đề mới được đặt ra, một số quy định của Hiến pháp năm 1992 đã bị thực tiễn vượt qua, không còn phù hợp. Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là yêu cầu khách quan, cần thiết để thể chế hoá Cương lĩnh của Đảng và là công việc đặc biệt quan trọng, nhạy cảm phải có quan điểm toàn diện, biện chứng, lịch sử cụ thể và thực tiễn.
Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, phân tích toàn diện và nhấn mạnh việc nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp phải căn cứ vào Cương lĩnh, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, tình hình của đất nước; trên cơ sở tổng kết thực tiễn 20 năm thi hành Hiến pháp năm 1992 và kế thừa những quy định còn phù hợp của các bản Hiến pháp (1946, 1959, 1980, 1992).”
Ông nhấn mạnh: “Chỉ sửa đổi những vấn đề đã rõ, được thực tế chứng minh là đúng, đã đủ cơ sở và tạo được sự thống nhất cao.”
Điều đó cho thấy việc sửa đổi Hiến pháp 1992 có một số đặc điểm như sau:
- Vẫn dựa vào quan niệm truyền thống của tất cả các đảng cộng sản xưa nay (Hiến pháp chỉ là cụ thể hóa, thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng Cộng sản cầm quyền);
- Vẫn dựa vào truyền thống lập hiến của Đảng Cộng sản Việt Nam từ trước đến nay (các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992);
- Thủ tục sửa đổi vẫn căn cứ bản hiến pháp hiện hành (Hiến pháp 1992, phiên bản sửa đổi năm 2001). Điều 147 của bản hiến pháp này ghi rõ: “Chỉ Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp. Việc sửa đổi Hiến pháp phải được ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.”
Ngược lại, xét về yêu cầu khách quan của sự phát triển của đất nước và nguyện vọng chung của nhân dân thì việc sửa đổi Hiến pháp theo tinh thần như trên là hoàn toàn bất cập. Tất cả những ý kiến trên các trang mạng phi-chính thống hiện nay đã cho thấy rõ điều đó. Và hàng ngàn chữ ký ủng hộ Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 của các nhân sĩ, trí thức cũng như sự xuất hiện Lời tuyên bố của công dân ngày 28-2-2013 càng cho thấy rõ điều đó.
Cách đây hai năm, trong một bài phỏng vấn của đài VOA, tôi đã nêu nhận định: “Hiến pháp phải được sửa đổi một cách căn bản chứ không thể chỉ sửa đổi một cách lặt vặt hay chỉ dừng lại ở một số chi tiết nhỏ nhặt.” Căn cứ vào diễn biến của quá trình sửa đổi hiến pháp do Đảng Cộng sản tiến hành trong thời gian vừa qua, căn cứ vào lý thuyết lập hiến của các luật gia nổi tiếng của nước Pháp vừa được trình bày tóm lược trên đây, và nhất là căn cứ vào nguyện vọng của nhân dân thể hiện qua các ý kiến cực kỳ phong phú được thể hiện trên mạng Internet, tôi nghĩ rằng cần phải diễn đạt lại ý kiến nói trên một cách rõ ràng và phù hợp với khoa học hơn:
“Đã đến lúc cần phải viết lại một Hiến pháp mới thay vì sửa đổi Hiến pháp cũ”.
Có một số lý do khiến cho nước ta cần phải viết một bản Hiến pháp mới:
- Tất cả các bản hiến pháp do Đảng Cộng sản Việt Nam soạn thảo và ban hành từ trước đến nay đều phạm phải những khuyết điểm nghiêm trọng. Ngay cả những nhân vật cao cấp nhất như ông Nguyễn Văn An (nguyên ủy viên Bộ chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội) cũng phải thừa nhận: các bản hiến pháp về sau như các Hiến pháp 1959, 1980 và 1992 đều kém hơn so với Hiến pháp 1946. Mà ngay cả bản hiến pháp đầu tiên (Hiến pháp 1946) thì cũng đã phạm phải những khuyết điểm nghiêm trọng, như tôi đã phân tích trong bài viết “Những khuyết điểm nghiêm trọng của Hiến pháp 1946” công bố cách đây nửa năm.
- Tất cả các bản hiến pháp nói trên đều không mở đường cho sự hình thành một chế độ pháp trị hiện đại (rule of law). Bất cứ trong giai đoạn nào (kể cả giai đoạn 1946-1954) cũng đều có những cá nhân hay tổ chức đứng trên luật pháp, định đoạt luật pháp. Có thể lấy ngay bản Hiến pháp 1946 làm ví dụ. Luật cải cách ruộng đất năm 1953 là do sự đề xuất của Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh (chức vụ Chủ tịch Chính phủ thực chất là Chủ tịch Nước kiêm Thủ tướng), bản dự thảo luật là do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng chịu trách nhiệm. Thế nhưng, vào năm 1956, khi tiến hành kiểm điểm về những sai lầm trong công tác cải cách ruộng đất, người ta chỉ thấy kiểm điểm về phía Đảng chứ không thấy kiểm điểm nghiêm túc nào về phía Chính phủ. Vào ngày 30-10-1956, tại cuộc họp của Mặt trận Tổ Quốc Hà Nội, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã đề nghị thành lập “một ủy ban điều tra gồm các vị đại biểu Quốc hội, Mặt trận, Đảng Lao động với sự cộng tác của các vị thẩm phán cao cấp, giàu kinh nghiệm để lập một hồ sơ theo phương pháp pháp lý để nhận định, trên quá trình đi từ lãnh đạo qua chỉ đạo đến chỗ thực hiện chính sách, trách nhiệm ở chỗ nào và do những ai phải chịu.” Đề nghị hợp lý này đã hoàn toàn bị bỏ qua. Việc kiểm điểm và thi hành kỷ luật cũng chỉ làm cho chiếu lệ, không đúng với nguyên tắc của một Nhà nước tự nhận là “dân chủ cộng hòa”.
Kể từ bản Hiến pháp 1959 trở về sau, tình trạng Đảng đứng trên pháp luật ngày càng lộ liễu, thậm chí còn được hợp pháp hóa bằng điều 4 của các Hiến pháp 1980 và 1992, một điều khoản công khai bác bỏ nguyên tắc “thượng tôn pháp luật” (la primauté du droit) – nguyên tắc căn bản của mọi chế độ pháp trị hiện đại.
- Nhìn chung, tất cả các bản hiến pháp trong quá khứ đều bị vô hiệu hóa ở một mức độ nào đó, vì Hiến pháp không phải là văn bản pháp lý cao nhất ở nước ta. Trong thực tế, bên trên Hiến pháp còn có một văn bản pháp lý cao hơn nữa: đó là Cương lĩnh của Đảng. Mỗi lần Đảng thay đổi cương lĩnh (tức là một chương trình hành động trong một thời gian dài), Đảng lại chỉ đạo sửa đổi hiến pháp, nghĩa là viết lại hiến pháp để phục vụ cho một “giai đoạn cách mạng mới”. Hiến pháp 1946 ra đời nhằm phục vụ cho một giai đoạn trong đó Đảng Cộng sản khoác chiếc áo “dân tộc” để giành quyền lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Sau khi đã nắm quyền trên một nửa nước, cảm thấy chiếc áo “dân tộc” không đủ ấm, Đảng đã tiến hành thay thế hiến pháp cũ bằng một bản hiến pháp mới nhằm thiết lập chế độ tập trung dân chủ trên toàn miền Bắc, khoác thêm chiếc áo “chủ nghĩa xã hội” để công khai nhận viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc nhằm tiếp tục cuộc chiến tranh chiếm trọn quyền lực trong cả nước - dưới danh nghĩa “chống Mỹ, cứu nước”. Năm 1980, sau khi giành được chính quyền trong cả nước, Đảng công khai mặc chiếc áo “chủ nghĩa xã hội” cho cả nước bằng bản Hiến pháp 1980 – trong đó có điều 4 hợp pháp hóa vai trò độc quyền lãnh đạo của Đảng. Khi tình trạng kinh tế ngày càng suy thoái, hệ thống cộng sản sụp đổ trên phạm vi toàn thế giới, Đảng đành phải quay trở lại với con đường phục hồi kinh tế thị trường, từng bước hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu để hòng cứu vãn “sự lãnh đạo của Đảng”; đó chính là lý do ra đời của bản Hiến pháp 1992.
Điều đáng nói là trong khi cởi mở về kinh tế để thu nhặt từng đồng đô-la, Đảng vẫn quyết tâm siết chặt trong lĩnh vực chính trị cũng như trong lĩnh vực văn hóa – tư tưởng. Đó chính là nguyên nhân sâu xa khiến cho nền giáo dục ngày càng suy đồi, luân lý đạo đức xuống cấp trầm trọng, nạn tham nhũng có cơ hội phát triển tràn lan.
Có thể nói những hạn chế của bản Hiến pháp 1992 cũng như của bản Dự thảo sửa đổi do Quốc hội hiện hành soạn thảo đều bắt nguồn từ chỗ: Cương lĩnh của Đảng quyết định Hiến pháp của quốc gia. Một khi cương lĩnh của Đảng chưa thay đổi thì Hiến pháp cũng không bao giờ có thể thay đổi. Đó chính là hậu quả của chế độ “đảng trị” – một chế độ mà Đảng đứng trên Nhà nước, Cương lĩnh của Đảng đứng trên Hiến pháp, kỷ cương của Đảng đứng trên pháp luật.
Chính vì thế, để có một bản hiến pháp đáp ứng được các yêu cầu khách quan của sự phát triển của đất nước, vừa đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân vừa phù hợp với các yêu cầu của thời đại, không thể dừng lại ở việc sửa đổi Hiến pháp mà phải viết lại hoàn toàn một bản Hiến pháp mới. Và để viết một bản Hiến pháp mới, không thể sử dụng quyền lập hiến phái sinh (tức quyền sửa đổi hiến pháp) mà phải sử dụng quyền lập hiến nguyên thủy – tức là quyền viết một bản hiến pháp mới, không lệ thuộc vào bất cứ bản hiến pháp nào có trước.
Như trên đã nói, quyền lập hiến nguyên thủy chỉ được thực hiện trong hoàn cảnh có sự thay đổi về tương quan lực lượng chính trị trong thực tế, ví như sau một cuộc đảo chính (tức chuyển đổi quyền lực từ bên trên) hay một cuộc cách mạng (tức là chuyển đổi quyền lực từ bên dưới). Nhưng ở nước ta, cho đến nay, vẫn chưa xảy ra một cuộc cách mạng hay một cuộc đảo chính nào cả. Vậy làm thế nào để có thể thực hiện quyền lập hiến nguyên thủy mà không diễn ra những xáo trộn không cần thiết, những đổ vỡ không đáng có nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện quyền lập hiến nguyên thủy, thiết lập một bản hiến pháp mới?
Để trả lời câu hỏi đó, cần vạch ra một lộ trình phù hợp với tình hình hiện tại, một lộ trình khả thi nhưng phải bảo đảm được quyền làm chủ của nhân dân, không dựa trên cơ chế “xin-cho”, không khoán trắng tương lai đất nước cho bất kỳ một cá nhân hay một lực lượng chính trị nào cả. Chúng ta sẽ bàn đến lộ trình ấy trong phần sau của bài viết.
Đà Lạt ngày 2 tháng 3 năm 2013
Mai Thái Lĩnh

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"