Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

Khi “công bộc” có quyền bắn thẳng vào dân

Chuyên gia pháp luật Lê Cao
Khoản 2, Điều 18 dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ quy định:
“Trường hợp có căn cứ thực tế để cho rằng hành vi chống người thi hành công vụ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ hoặc của người khác hoặc có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hoặc nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ, kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra và bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.”
Chính quyền, ở đây là Bộ Công an mong muốn nhằm chi tiết hóa quy định nổ súng của người thi hành công vụ có thẩm quyền đã được quy định tại khoản 3 Điều 22 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 (đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2012).


Cưỡng chế ở Tiên Lãng & Chống người thi hành công vụ
Tuy nhiên, lại đi “chi tiết” hóa quy định của Pháp lệnh bằng một “căn cứ thực tế” mơ hồ, tin tưởng hoàn toàn vào cảm nhận chủ quan của người thi hành công vụ và cho họ quyền được phán xét hành vi của người dân là “có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” thì được nổ súng trực tiếp vào người!
Như vậy, bản thân quy định của Nghị định đã tách ra độc lập chứ không còn là hướng dẫn, chi tiết Pháp lệnh nữa, trao cho người thi hành công vụ một cái quyền tự phán quyết tính mạng, sức khỏe của người dân dựa trên cảm nhận chủ quan của họ.
Trong khi đó, pháp luật hiện hành đã có các quy định điều chỉnh, xử lý hành vi chống người thi hành công vụ rất cụ thể tại Nghị định73/2010/NĐ-CP, Bộ luật hình sự. Đồng thời, pháp luật hiện hành cũng đã có các quy định về miễn chế tài đối với các trường hợp bắt buộc phải phòng vệ chính đáng để bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tài sản của cá nhân, tổ chức... Như vậy, trong phạm vi công vụ hay ngoài thực tiễn đời sống đã đặt ra các khả năng đối phó một cách chính đáng đối với hành vi dùng vũ lực, vũ khí trái pháp luật.
Do đó, một khi đã có quy định về các trường hợp được nổ súng, nguyên tắc thực thi các trường hợp đó thì người thi hành phải thực hiện đúng các quy định đó. Không thể lại trao thêm cho lực lượng thi hành công vụ quyền “được bắn” mà nhiều người gọi là quyền được “thi hành án” dù chưa có quyết định, bản án của Tòa.
Nhưng, đằng sau chuyện này là gì?
Con số được Bộ Công an nêu trong dự thảo Tờ trình Nghị định gom lại trong 10 năm từ năm 2002 đến tháng 6 năm 2012 cho thấy: có 8.513 vụ, với 13.706 đối tượng vi phạm, trong đó, số vụ việc xử lý hình sự là 6.882 với 11.131 đối tượng; số vụ việc xử lý hành chính là 1.594 với 2.811 đối tượng. Trong đó trên 90% số vụ chống người thi hành công vụ là chống lại lực lượng Công an.
Những con số đó nói lên rằng đã và đang có những xung đột, một khoảng cách khá xa giữa “Công an nhân dân” và “nhân dân”. Vì sao giữa “công bộc của dân” và dân lại có khoảng cách ấy, một khi mối quan hệ đó đã được hiến định? Mặc dù ở đây phải khẳng định, cũng có người dân hành xử đúng pháp luật, có người dân hành xử trái pháp luật, nhưng có khi nào chúng ta bàn đến cách hành xử của “công bộc” đối với dân? Thực tiễn cuộc sống chỉ ra tình trạng “chửi dân”, hách dịch với nhân dân thì không thể thống kê, và cũng chẳng thấy ai làm. Mới đây, chẳng phải có tin cán bộ ngân hàng nhà nước mỉa mai dân đó sao, lại ông cục phó bảo các nhà báo thiểu năng này nọ...

Đừng đổ hết cho dân mà dân tội.

Điều 8 Hiến pháp 1992 quy định như sau về công bộc của dân: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, viên chức nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền.”
Gần dân có khó đâu, biết được đích thực giới hạn quyền lực của mình khi được trao, nhận thức đúng công việc mà dân giao, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của “người nhà nước” như hiến định, luật định. Gần dân đâu chỉ dừng lại ở việc đi xe đạp chạy xuống hỏi thăm dân cho dân thấy mình thân thiện dễ gần, như cách làm mới đây của công an một phường ở Đà Nẵng?
Hình thức chỉ có giá trị đầy đủ khi phía trong nó là một nội dung, bản chất trung thực.
Đứng rất xa dân nên đã có rất nhiều quy định được ban hành ra thiếu thực tiễn, hiệu quả điều chỉnh các quan hệ xã hội không có, thậm chí phản tác dụng, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, của nhà nước. Đứng rất xa dân nên khi dân thấy việc thêm “quyền bắn vào dân” cho công bộc ắt sẽ làm dân lo lắng.
Một khi chưa hiến định được việc kiểm soát, giám sát, chế tài quyền lực của dân được giao vào giới công quyền. Một khi chưa có cơ sở nào hiện tại để tránh lạm quyền mà còn tăng thêm quyền cho công bộc của dân trong một hiện trạng giữa dân và “công bộc” đang còn khoảng cách quá lớn. Một khi chỉ tăng quyền tự vệ cho chính quyền mà không tăng quyền được bảo vệ quyền lợi, tính mạng, sức khỏe cho dân. Thì thực sự quyền lực đang nằm ở đâu?

Trước khi trao quyền phải kiểm soát được quyền

Việc lập pháp hiện nay chính cũng là điều cần làm đó. Nhưng, thay vì nghiên cứu và làm điều ấy, người ta lại cứ động viên dân trao quyền mà không chấp nhận ý kiến của dân về việc tạo ra một cơ chế kiểm soát được quyền dân trao cho “công bộc”. Lẽ ấy sinh ra sự lạm quyền ngày càng nhiều, sự nghịch hướng trong mối tương quan giữa người dân và “công bộc” của dân ngày càng tăng. Quyền lực dần chuyển sang phía thiểu số, trí tuệ, năng lực, sức vóc của một dân tộc bị kìm tỏa bởi ý muốn cảm tính của một bộ phận “lợi ích nhóm” ngày càng hiện hữu.
Từ câu chuyện người dân sợ một số người có ý định đưa súng cho “công bộc” bắn thẳng vào mình, thì việc nhân dân đòi lại quyền lập pháp cho mình thực là điều rất hệ trọng.
Chỉ dân tộc, mà ở đó nhân dân có thực sự quyền của mình về lập hiến, lập pháp, lập quy một cách thực chất ở các cấp độ trực tiếp, gián tiếp khác nhau thì mới mong tạo ra được một cơ sở giám sát quyền lực để chống lại lạm quyền.
Cũng chỉ có một dân tộc mạnh mẽ hùng cường và có quyền tự quyết trên cơ sở ý chí nhân dân mới đủ sức mà dựng xây một đất nước hùng cường, mới đủ sức mà canh, mà giữ biên cương, chủ quyền lãnh thổ.
Quyền của nhân dân không phải ngẫu nhiên mà có mà phải giành giật, phải kiếm tìm, phải thuyết phục, phải khai sáng, phải biết tự nhân dân nắm lấy. Để có được quyền nào đó của mình trong một nhà nước pháp quyền, trước hết nhân dân phải có được thực sự cho mình quyền làm hiến pháp...
Lê Cao

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"