Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

Hội tụ nguyên khí, khai phóng sáng tạo


Tôi ít khi đọc các băng-rôn khẩu hiệu ven đường, vì phần lớn nội dung của nó lặp đi lặp lại từ năm này sang năm khác; và vì mật độ quá dày, nếu đọc sẽ có nguy cơ gây tai nạn khi đi đường. Nhưng ngày 23.11.2012 vừa rồi, khi đang đi trên đường phố Sài Gòn, tôi giật mình khi thấy một băng-rôn có dòng chữ hoàn toàn mới lạ: “Lương sư hưng quốc”.
1. Thì ra vậy! Nhận định “giáo dục là chìa khóa của phát triển” không phải là vấn đề gì mới mẻ, mà đã được người xưa nhắc đến từ lâu rồi. Tìm hiểu thêm, tôi được biết đó là lời của Gia Định xử sĩ Võ Trường Toản nói cách đây hơn 200 năm. Quả thật rất đáng suy ngẫm: Cách đây hơn hai trăm năm, những vấn đề chúng ta đang bàn thảo hiện giờ, như nhà giáo và vai trò của giáo dục, đã được bàn thảo đến và tìm được câu trả lời.
Nhìn lại lịch sử xa hơn, cách đây hơn 500 năm, thấy trên tấm bia tiến sĩ đầu tiên dựng tại Quốc Tử Giám (1484) có khắc câu nói nổi tiếng của Thân Nhân Trung (1419-1499): "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”. Như vậy, bên cạnh việc giáo dục thì vấn đề trọng dụng hiền tài cũng đã được cha ông ta bàn thảo khá rốt ráo. Hiền tài đã được định danh là “nguyên khí quốc gia” – một nhận định không thể chính xác và súc tích hơn.

Phương Đông coi khí là nguồn gốc của sự sống: Khí tụ thì sinh, khí tán thì diệt. Chắc hẳn Thân Nhân Trung đã biết rõ điều này. Do đó, trong trường hợp này, có thể hiểu, hiền tài là nguồn gốc sự phát triển của đất nước.
Ngày nay, dù ở bất cứ nơi đâu, có nguồn gốc lịch sử, văn hóa ra sao, thì các nước muốn phát triển đều phải dựa vào hiền tài, và đều phải chú trọng giáo dục. Chẳng hạn, nước láng giềng Singapore, đã coi trọng dụng hiền tài, cùng với trung thực và thực tế, là những nguyên tắc trụ cột để phát triển đất nước. Giáo dục cũng đã được thừa nhận rộng rãi như là chìa khóa của phát triền bền vững. Ở châu Á, sự thành công của các tấm gương khác như Nhật Bản, Hàn Quốc,... – những nước dành đầu tư xứng đáng cho giáo dục - sau Thế chiến thứ II, đã thêm một lần nữa khẳng định cho thực tế này.
Vậy mà kỳ lạ thay, ngày nay chúng ta vẫn còn loay hoay bàn thảo những vấn đề mà cha ông ta đã đưa ra câu trả lời đích đáng từ hơn 500 năm về trước? Vì sao việc phát triển giáo dục và trọng dụng hiền tài đã không được thực hiện có hiệu quả? Chỉ có thể trả lời rằng: Lỗi này trước hết thuộc về những người có trách nhiệm trong hệ thống quản lý, khi đã chưa tạo ra được một cơ chế và môi trường đủ tốt để đủ thu hút hiền tài. Bên cạnh đó, hiền tài đất Việt – nguồn nguyên khí quốc gia – cũng chưa làm tròn được trách nhiệm của mình đối với đất nước. Bằng chứng là số người có bằng cấp, học hàm học vị cao ngày càng nhiều, nhưng đóng góp của người Việt vào kho tàng tri thức và văn minh nhân loại còn rất hạn chế. Số lượng các phát minh, sáng chế, các bài báo khoa học của Việt Nam, một đất nước gần 90 triệu dân, còn thua hàng chục lần so với mức chung của khu vực. Chẳng hạn, tổng số bằng sáng chế của Việt Nam từ xưa đến năm 2011, đăng ký tại Mỹ, là 16. Trong khi với Singapore, mới lập quốc được 47 năm với dân số hiện tại khoảng 5 triệu người (kể cả người nước ngoài), thì đến năm 2011 họ đã có tổng số 6288 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ (1).
2. Quan sát trẻ em người Việt Nam ở nước ngoài, tôi thấy ở bất cứ nơi đâu, các học sinh gốc Việt đều đạt những thành tích đáng nể. Khảo sát sơ bộ các gia đình bạn bè và những người quen biết đang sống ở nước ngoài, tôi được biết con em thường đều nằm trong nhóm dẫn đầu của lớp. Đó là lý do vì sao người Việt luôn được đánh giá là thông minh, tiếp thu nhanh, ham học. Điều đó cho thấy, tố chất của người Việt không tồi. Chỉ cần gặp môi trường thuận lợi, tố chất này sẽ bung ra và bồi đắp thành những tài năng trong đủ mọi lĩnh vực. Nhưng nghịch lý thay, xét trên bình diện cả dân tộc, thì Việt Nam lại bị xếp vào nước có chỉ số sáng tạo thấp. Theo đánh giá của tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2012, trong bảng xếp hạng chỉ số sáng tạo toàn cầu, Việt Nam xếp hạng 76 trong số 141 nước tham gia đánh giá (2).
Điều này có nguyên nhân chắc hẳn không phải từ các cá nhân người Việt, mà từ cả hệ thống, cơ chế. Nói cách khác, hệ thống, cơ chế, tổ chức ở Việt Nam đã chưa thể trọng dụng hiền tài và tạo điều kiện để sáng tạo có thể phát triển. Đó là lý do vì sao những câu chuyện cũ về giáo dục, về trọng dụng hiền tài, về nguyên khí quốc gia cứ lặp đi lặp lại hết thế hệ này đến thế hệ khác. Như thế, trọng tâm của câu chuyện về nguyên khí Việt không phải là có hay không, mà là tụ hay tán. Câu chuyện về trọng dụng hiền tài vì thế phải được đặt ra trước câu chuyện về đào tạo hiền tài. Vì nếu được trọng dụng thì hiền tài sẽ tự sinh sôi nảy nở, tự đào tạo mà thành. Còn nếu không được trọng dụng thì dù có bao nhiêu tài năng trong tay đi nữa thì cũng thành vô dụng.
Theo quan niệm của người xưa, nếu nguyên khí tụ thì đất nước đã phát triển. Nhưng tình trạng hiện thời của Việt Nam cho thấy, nguyên khí Việt đang bị hao tán khắp nơi mà chưa có cách nào để tụ họp nhằm kiến tạo một công cuộc phát triển mới.
Nhu cầu phát triển của Việt Nam đang đòi hỏi một sự hợp sức của mọi nguồn lực quốc gia, trong đó sự họp tụ của hiền tài là quan trọng nhất. Những tài năng của Việt Nam đang rải rác khắp nơi. Nguyên khí Việt đang bị tản mác. Dù được hô hào nhiều, nhưng thực hiện chưa được bao nhiêu, nên nguyên khí Việt vẫn chưa hội tụ.
3. Ngày 23 tháng 11 năm 2012, khi tham gia ngày hội “Sáng tạo vì khát vọng Việt” ở TPHCM, tôi lại thêm một lần nữa thấy rõ ràng rằng, Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn trong công cuộc phát triển và cạnh tranh toàn cầu. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là tài nguyên, hàng gia công hoặc hàng thô, có giá trị gia tăng thấp. Nền kinh tế đã không vận hành theo hướng phát triển bền vững, mà chỉ chú trọng vào việc đầu cơ chụp giật. Các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn mọi bề, dẫn đến việc đã và sẽ tiếp tục phá sản hàng loạt, đời sống người lao động khó khăn, tạo thêm nhiều hệ lụy xấu cho toàn xã hội.
Trước bối cảnh đó, việc tụt hậu và rơi vào nghèo khó là một nguy cơ lừng lững trước mắt. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng một trong những nguyên nhân chính là tiềm năng sáng tạo của người Việt đã không được giải phóng. Tài năng Việt chưa được trọng dụng tối đa để khởi nguồn cho sự phát triển mới. Nguyên khí Việt đã chưa thể hội tụ để tạo ra những dòng sinh khí mới cho đất nước.
Để cải thiện tình trạng này, việc cần làm trước hết là cần thẳng tay gạt bỏ những cản trở của công cuộc tụ họp này. Do đã trải qua một cuộc chiến dài và khốc liệt, di chứng chiến tranh, những vết thương tâm lý của người Việt vẫn chưa thực sự lành lặn, gây khó khăn cho việc tụ hội Nam – Bắc, trong – ngoài. Đây là những cản trở đến từ lịch sử, tuy vô hình nhưng có sức tàn phá ghê gớm. Vì thế, một cuộc hòa giải thành tâm giữa những người, những thế hệ một thời ở hai đầu chiến tuyến, để thống nhất lòng người về một mối nhằm kiến tạo một sự phát triển mới, bỗng trở thành cần thiết hơn bao giờ hết. Để có được hiệu quả, việc hòa giải này cần được tiến hành ở mức quốc gia, xuất phát từ những người có trách nhiệm cao nhất đối với đất nước. Khó thì cũng rất khó, mà dễ thì cũng rất dễ, vì giá của nó chỉ là sự thành tâm và bao dung của cả hai phía. Cùng một bọc trăm trứng, do một mẹ sinh ra, lẽ nào không thể thực hiện được?
4. Sau khi đã thực hiện được việc hòa giải hòa hợp dân tộc, thống nhất nhân tâm vì mục tiêu phát triển đất nước, điều cần làm là phải tạo dựng được một môi trường thuận lợi để sức sáng tạo của người Việt được giải phóng. Do sự khiếm khuyết mang tính bản chất về tri thức của mỗi cá nhân riêng biệt, nên một sự huy động trí tuệ toàn dân để phát triển đất nước là điều bắt buộc phải làm.
Muốn vậy, phải xây dựng được một môi trường văn hóa và làm việc dân chủ, pháp quyền. Dù đã được chính thức nói đến nhiều lần, nhưng dân chủ - pháp quyền vẫn chưa phát huy hết hiệu quả. Một sự thực hiện thực tâm và quyết liệt, dù đau đớn vì phải vượt qua những thói quen và lợi ích cũ, là không thể tránh khỏi để cải thiện tình hình.
Ngoài ra, Việt Nam là một bộ phận của thế giới. Mỗi hơi thở, mỗi nhịp đi của thế giới bên ngoài đều có ảnh hưởng tức thì đến Việt Nam. Dòng nguyên khí Việt chỉ phát huy tối đa tác dụng khi hội nhập được với dòng nguyên khí của thời đại. Vì thế, những cải cách căn cơ để Việt Nam hoàn toàn hội nhập với quốc tế, không chỉ trên lời nói mà còn trên việc làm, cũng cần được được triển khai, tạo môi trường rộng lớn cho dòng nguyên khí Việt luân chuyển và phát huy sức sáng tạo.
5. Nguyên khí Việt đang bị hao tán khắp nơi. Đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm phát triển của đất nước. Vì thế, nhu cầu hội tụ hiền tài – nguyên khí quốc gia – đang trở nên khẩn thiết hơn bao giờ hết. Thực tế này đòi hỏi những người có trách nhiệm cao nhất với đất nước cần phải hành động mạnh mẽ và có trách nhiệm hơn nữa. Những người lãnh đạo đất nước cần phải thành tâm và gương mẫu khơi dậy một khát vọng Việt Nam đủ lớn, đủ mạnh, đủ hấp dẫn để thu hút các dòng nguyên khí Việt đang tản mác khắp nơi tụ về một mối. Các kênh lưu chuyển cũng cần được khai thông. Môi trường làm việc và cơ chế đãi ngộ cũng cần được cải cách. Tất cả đều vì lợi ích quốc gia, vì sự phát triển của dân tộc, vì khát vọng một Việt Nam tỏa sáng.
"Lương sư hưng quốc". "Hiền tài là nguyên khí quốc gia". "Khí tụ thì sinh, khí tán thì diệt". Những nhắc nhở từ muôn năm cũ bỗng chốc dội về trong thời khắc giao mùa này. Đã đến lúc cần phải quyết tâm hội tụ nguyên khí Việt, chậm còn hơn không, vì tình thế đã khẩn trương và đất nước không có đường lùi.
(1) United States Patent and Trademark Office, Patents By Country, State, and Year - All Patent Types, Granted: 01.01.1977 - 12.31.2011.
(2) The Global Innovation Index 2012, WIPO.
__________________
Ghi chú: Bài trên Lao Động số Xuân 2013 có tiêu đề: Hội tụ nguyên khí, giải phóng sức sáng tạo.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"