Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

Dòng tộc Đẻng và nhạc phẩm "Không còn ai"

Nguyễn Ngọc Già

Trời đất bỗng như quay cuồng trước mắt ông!
Một ông lão tóc trắng như cước, hom hem, ho khùng khục, nằm sốt li bì với cái đầu nhức như búa bổ cùng cái khăn ướt đặt ngay ngắn trên trán với một giàn bác sĩ, y tá vây quanh lo sốt vó!
Ông lão thều thào trong mê sảng: "Nó giết tôi rồi! Nó giết tôi rồi!".
Dạ dày ông chợt quặn lên, như có ai nắm chặt và bóp nghiến nó! Ông nhăn mặt cố nén cơn đau, tiếp tục rên rỉ:
"Tại sao lại thế này hả giời?!".
"Tôi có làm chi nên tội mà sao ông giời nỡ nào đối xử với tôi như thế?!"
Tội nghiệp!
Nhiều tiếng rì rầm khuyên nhủ lo tịnh dưỡng, càng làm ông cáu tiết về nỗi nhục đến không tả nỗi cho dòng họ nhà ông - dòng họ trị vì bao năm qua trên xứ Lừa!

Một dòng tộc "bách chiến bách thắng"; một dòng tộc ồn ã như tiếng "phèng la chậu thiếc" trên phần "Lừa" còn lại của thế giới; một dòng tộc luôn hãnh tiến và đầy thách đố trước mọi kẻ thù; một dòng tộc luôn ngẩng cao đầu với "khí" và với "tiết" đã làm nên hồn cốt, đã tạo ra giống nòi hùng anh; một dòng tộc quyền uy, kiêu dũng - dòng tộc có cái họ không tài nào lẫn lộn vào đâu được - "Đẻng".
Lần này, cái nỗi nhục khốn nạn nhất đập thẳng vào cả họ nhà ông, lại do một thằng oắt con, hỉ mũi chưa sạch gây ra! Ông lão như thấy trời long đất lở! Đầu óc ông lại tiếp tục cuồng quay như đất sụp đổ dưới chân ông!
Ông quắc đôi mắt đỏ rực với cơn sốt cao 39 độ bách phân. Ông kéo phăng cái khăn ướt vướng víu trên đầu ném xuống sàn. Cái ném quá mạnh làm cho mái tóc trắng như cước bung xung, bù xù trước trán và ông hét lạc giọng:
- Dẹp ngay! Dẹp hết! Tôi đã chết đâu mà các người xúm xít bao quanh đông thế! Biến hết đi!
Mọi người hốt hoảng, nhìn ông như một con quỷ già hiện hình với mái tóc trắng xóa. Họ thật sự sợ hãi bởi chưa bao giờ nhìn thấy ông hung tợn đến như thế, dù đôi khi ông cũng thiếu kìm chế trong việc hầu hạ có đôi lần bị chểnh mảng bởi những con Lừa quanh ông!
Ông bật đứng lên như cương thi và xô mạnh cả bình oxy mà nhà thương vừa mang đến cách đấy không lâu nhằm trợ giúp cho ông.
Ông nghiến răng nghiến lợi, nhảy xổ đến trước màn hình computer và nhoay nhoáy lướt... web.
Mọi người bất ngờ trước những động tác thuần thục mà họ chưa bao giờ nhìn thấy trước đây của ông. Họ ngờ rằng, bấy lâu nay ông vẫn vào báo mạng đấy chứ, nhưng là lúc mọi người không còn ở trong phòng hầu hạ ông.
Một vài ánh mắt ái ngại nhìn ông. Một vài ánh mắt lại thảng thốt vì lâu nay ông luôn chậm rãi, khoan thai và từ tốn, cớ sao hôm nay ông tỏ ra nhanh nhẹn bất thường như thế?!
Ông chẳng quan tâm đến chung quanh, ông mải miết lướt hết từ trang web này đến trang blog khác!
Từng dòng chữ lướt trên đó, chẳng ai dám đến gần. Ông đọc bằng mắt mà người ta nghe cả tiếng rin rít như hơi thở của rắn hổ mang chúa! Không khí sợ hãi đến ngột ngạt bao lấy cả gian phòng rộng lớn và sang trọng.
"A! Hay nhỉ?! Giờ còn làm thơ à?! Thằng ranh!"
"Hừm! Lại còn dịch ra tiếng tây, tiếng u nữa á?!"
"Hay lắm! Hay lắm!"
Ông nghiến răng kèn kẹt. Giọng nói vừa lạnh, vừa sắc vừa đầy phẫn hận, trên bộ mặt căng cứng và xanh mướt sau 3 ngày nằm vùi không ăn uống. Các bác sĩ phải truyền đạm cho ông.
Ông ngộp thở và chếnh choáng. Ông lảo đảo không tựa nổi trên ghế, suýt ngã sóng soài khi nhìn thấy mấy chữ "nhà tù cộng sản" - nơi mà thằng oắt con đòi vào!
Mọi người vội vàng xúm đến đỡ ông và dìu ông nhẹ nhàng nằm xuống trên chiếc giường gỗ cẩm lai rộng lớn như long sàng mà chỉ dành riêng cho ông. Chiếc giường gỗ quý với nệm trắng muốt, êm, mát, nhưng... ông lại cảm thấy lạnh cả châu thân. Lạnh lắm!
Ông rít lên cùng đôi mắt long lên sòng sọc:
"Tắt ngay máy điều hòa!"
Mệnh lệnh lập tức được thi hành.
"Ra ngoài hết!"
Những bước chân rón rén rút lui. Hai người sau cùng, thân tín nhất của ông, khẽ khàng lui gót, trước khi không quên, thật cẩn thận, nhẹ nhàng đóng hai cánh cửa nặng chình chịch được làm bằng gỗ lim trăm năm tuổi. Họ biết, giờ chỉ cần một tiếng động nhỏ thôi, không phải xuất phát từ ông, thì bất kỳ ai cũng hiểu nó như là lệnh xử giảo, dù vô lý, bởi họ đâu có làm gì nên tội đối với ông! Tâm thần ông không ổn rồi!
Còn lại một mình ông...
Nằm im trong vài phút, ông cố trấn tỉnh và cảm thấy hơi thở nhẹ nhàng hơn. Bớt lạnh đôi chút. Ông buông lỏng người trên chiếc giường thênh thang chỉ mình ông...
Ông càng nhớ đến thằng oắt con, càng căm giận. Càng thấy những bài thơ của nó như đang trêu ngươi ông, càng cảm thấy đau đớn, bởi ông là một bụng thơ mà chả nhẽ nó không biết sao? Ôi giời! Tại sao nó không biết ông là "vua lẩy Kiều" nhỉ? Tại sao thế?! Giời ơi là giời!
Ông nhớ lại cái ngày mà ông đăng quang làm hoàng đế...!
Sao ngày vui chóng tàn đến thế! Mới đây thôi mà...!
Cái ngày mà ông chẳng tài nào quên nổi tâm trạng lâng lâng, đê mê và chếnh choáng như vừa cạn chung rượu "Mao Đài" do Thái Thượng Hoàng ban tặng!
Tại sao vậy?! Giời ơi! Không lẽ phận số nàng Kiều vận vào ông một cách khốn khổ khốn nạn thế này sao?! Không! Ông không tin! Bởi dòng tộc Đẻng của ông là dòng tộc vô thần! Ông không phải là kẻ mê tín dị đoan!
Ông quay quắt nhớ! Nhớ đến quặn thắt tâm can. Cái ngày ấy... Cái ngày mà ông lẩy rằng [1]:
"Chén vui nhớ bữa hôm nay
Chén mừng xin đợi ngày này... năm năm sau"
khi ông giao trọng trách cho một quan đại thần, dù đầu hơi hói một chút, nhưng hắn cũng khá trung thành với dòng tộc "Đẻng".
Ông tự đấm ngực mà rằng: Giời ơi là giời! Sao lúc ấy, mình lại lẩy thế này nhỉ:
"Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn
Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay".
Ai ngờ! Ngày hôm nay con chuồn chuồn cánh mỏng kia đã vận vào mình mất rồi! Ông khóc. Khóc âm thầm. Khóc sùi sụt. Ông sợ bên ngoài chúng nó nghe thấy. Ông cố phải tiếp tục đóng cho tròn vai kịch để còn bảo vệ cái dòng tộc Đẻng này nữa!
***
Chiều xuân vẫn còn lẩn khuất đâu đây...
Trở mình. Ông nhẹ nhàng ngồi dậy, bước đến cửa sổ, đúng hơn là rón rén, đẩy nhẹ hai cánh cửa gỗ lim quý giá. Ông mở toang cả hai cánh. Một làn gió mơn man thổi nhẹ vào ông.
Ông cảm thấy dễ chịu hơn cùng với những giọt lệ khóc thầm vừa nhỏ xuống.
Thoáng tiếng chim vàng anh hót đâu đây và mùi hoa hồng thoang thoảng từ mảnh vườn rộng lớn trong hoàng cung của ông.
Đào đã tàn lụi từ lâu rồi. Những gốc đào đã được bứng khỏi để đưa về nhà vườn chăm sóc. Năm sau nó sẽ được mang đặt về chỗ cũ để ông thưởng ngoạn trong những ngày xuân quý phái của dòng tộc ông, mà năm nào dân Lừa cũng tụng ca mải miết. Không biết xuân năm sau có còn không?! Ông thở dài sườn sượt...
Những vệt nắng hoàng hôn bỗng trở nên héo úa đến kỳ lạ. Những tia nắng cuối ngày xiên qua cửa sổ, nằm chỏng chơ và bơ vơ trên chiếc bàn làm việc bằng gỗ gụ - nơi ông thường thức khuya để viết những bài giảng cho con cháu dòng tộc Đẻng mà ông yêu quý!
Ông thích chiều hoàng hôn, bởi nó tạo cho ông cảm giác ấm áp và êm đềm, mượt như nhung lụa mà tạo hóa ban tặng cho ông khi được sinh ra và lớn lên trên những thảm đỏ trong dòng tộc danh giá, nhưng hôm nay, ông không cảm thấy cái ánh chiều tà nhẹ vương trên đồi như ngày xưa.
Ông không còn là chàng trai của văn chương thi phú nữa rồi! Thật thế sao?! Ông chua chát!
Chiếc lá bàng bỗng rơi đánh xoạc qua mắt ông, xuống mảnh vườn xanh mướt mà ông hay dành những giờ phút hiếm hoi rảnh rỗi để dạo quanh cho khuây khỏa cùng bầy tùy tùng vây quanh. Ông đuổi chúng đi rồi, giờ chỉ còn mình ông...
Ông cảm thấy thật cô đơn. Ông nhớ những bài giảng huấn cho dòng tộc mà ông luôn dành sự đam mê cho nó! Giờ đây, những bài giảng huấn do tổ tiên dòng tộc ông truyền lại nằm chỏng chơ và hiu hắt trên chiếc bàn quý giá kia!
Ông ngước nhìn lên bầu trời với những áng mây xám đang bao phủ lấy vầng mặt trời đang sắp lui về bên kia chân trời. Chút ánh nắng rơi rớt lại đậu trên vai ông. Già nua và cũ kỹ. Màu tím hoàng hôn làm cảnh vật trong sân vườn như héo hon thêm. Chiều dần buông lững lờ, nhường cho bóng tối chập choạng đang phủ đầy quanh ông...
Lim dim đôi mắt, từ đó người ta nhìn thấy dòng lệ rỉ ra trong khóe mắt mờ đục.
Ông hẫng hụt và bẽ bàng!
Từ khung cửa sổ, nhìn xuống phòng gia nhân bên dưới, không xa lắm, một tiếng hát trong trẻo nhưng buồn hắt hiu cất lên [2]:
Không còn ai tôi đi một mình
Không còn ai chia sớt nồng say
Không còn ai chia lời thở than
Đêm tôi về độc bước đơn côi!
Rồi tiếng hát đó vút cao, nó vút cao như cào xé lòng ông:
Không còn ai tôi đi một mình
Cùng với bóng qua cánh đồng đời
Chỉ một màu rêu phong cỏ úa,
Phiến đá buồn ngồi hát chông chênh.
Bất giác ông nghĩ: "Sao mà mong manh thế!". "Hết rồi thật ư?!"
Tiếng hát vẫn nhè nhẹ cứa vào lòng ông. Nhức nhối và âm ỉ.
Người xa khuất như mây mịt mù
Còn lại tôi xanh rêu đời mình,
Mai tôi về mưa thu che lối
Băng qua trời tôi cõng bóng tôi.
Ông lảm nhảm một mình:
"Không! Tôi không tự cõng nổi bóng tôi đâu!"
"Tôi phải làm gì đây!"
"Người ơi! Người ở đâu mà xa khuất không về với con?!"
"Con cô độc quá!"
Mong manh và bãng lãng như khói lam chiều, hình ảnh tiên vương ùa về trong ông.
Giọng hát buồn hiu kia bỗng nấc lên! Nấc lên một cách tức tưởi như sẻ chia cùng ông:
Không còn ai
Không còn ai
Không còn ai
Tôi khóc...
Một mình...
Ông khụy xuống!
Ông cảm thấy nghẹt thở. Hình ảnh tiên vương đang chập chờn vẫy ông, cười buồn và nhẹ nói rằng: "Không còn ai đâu con ạ!. Dòng tộc Đẻng của chúng ta đã đến lúc diệt vong...!"
Ông gục hẳn xuống bên bậu cửa sổ, tay vẫn còn níu chặt khung cửa. Cặp kính trên mắt ông rơi ra.
Một tiếng nấc nhẹ. Lòng ngực ông phập phồng. Thoi thóp. Ông thở những hơi thở cuối!
Một chú chuồn chuồn ớt, từ đâu bỗng bay đến đậu trên bàn tay khẳng khiu và gầy guộc của ông... bên cửa sổ.
Nguyễn Ngọc Già
_______________

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"