Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

Ai đang mơ hồ về Đa Nguyên Đa Đảng?

Tấn Hà

Bài bút chiến với báo Vietnamnet
Trên trang Vietnamnet ngày 09/03/2013 có bài “Không nên mơ hồ về Đa Nguyên Đa Đảng”. Thực ra nói “bút chiến” với báo Vietnamnet là chưa hoàn toàn chính xác, vì họ chỉ đưa lại tin cuộc tọa đàm về sửa đổi Hiến pháp 1992 diễn ra tại Sài Gòn (TPHCM), giữa trường Đại học Quốc gia và Tạp chí Cộng Sản mà thôi. Nhưng một điều chắc chắn là sự biên tập của Viẹtnamnet hoàn toàn phải theo chỉ đạo của tòa soạn do các cán bộ đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) quản lý.

Ông NCT tại cuộc tọa đàm ngày 09/03/2013

Rõ ràng là báo Vietnamnet đã chủ ý đưa tin về cuộc tọa đàm kể trên nhằm mục đích chính trị. Vậy bút chiến với họ để họ có cái nhìn đúng đắn về vấn đề Đa nguyên Đa đảng, đồng thời qua bút chiến, khái niệm Đa nguyên Đa đảng bị đánh tráo trong cách diễn giải của các thuyết trình viên tại cuộc tọa đàm vừa kể cần phải được bạch hóa, góp phần giải độc cho bạn đọc của Vietnamnet là điều cần thiết.

Trước hết cần nhấn mạnh rằng, hiện nay, để tập trung đối phó với những ý kiến kiến nghị đóng góp sửa đổi Hiến pháp của nhân dân tự phát, khởi đầu bằng Bản kiến Nghị của 72 Nhân sĩ Trí thức, và bản Dự thảo Hiến pháp của họ đã dấy lên một làn sóng dư luận rộng rãi về việc cần xóa bỏ Điều 4 và sửa đổi một số điều khoản căn bản của bản Hiến pháp năm 1992, ĐCSVN đã tung ra những cuộc tọa đàm, hội thảo tại nhiều tỉnh thành trên cả nước do chính họ chủ xướng, nhằm lái dư luận theo hướng đồng tình với Bản dự thảo của họ.
Đối với cuộc tọa đàm ngày 09/03/2013 do Tạp chí Cộng Sản – một cơ quan tuyên vận chính thức của ĐCSVN thực hiện, lẽ dĩ nhiên họ phải ca ngợi bản thân để tự bảo vệ vị thế chính trị của mình là điều dễ hiểu. Nhưng cách lý luận của thuyết trình viên, đặc biệt là thuyết trình viên tiến sĩ viện sĩ Nguyễn Chơn Trung, đã rơi vào ngõ cụt, vì bản thân họ cũng chỉ là những "chiếc máy nói" mà thôi…
Với những lời giới thiệu có cánh, nghe qua thì hết sức “dân chủ” và “tự do” là “không có vùng cấm”, một số đại biểu “tung” lên chủ đề về “chế độ chính trị mà Việt Nam nên lựa chọn để đưa vào Hiến pháp”. Và cũng ngay sau đó có nhiều người “hứng” ngay bằng việc giải thích tại sao không nên bài bác Đa nguyên Đa đảng mà chỉ bài bác những lợi dụng Đa nguyên Đa đảng mà thôi…
Theo TS. VS Nguyễn Chơn Trung, từng là Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt ở Nước ngoài phát biểu thì, “bản thân tư tưởng đa đảng, đa nguyên không sai nhưng có sai hay không là ở người sử dụng nó như thế nào. Bác Hồ khi thành lập nước cũng mời các đảng phái có nhiều xu hướng chính trị khác nhau tham gia nhưng với mục tiêu là chống Pháp xâm lược, xây dựng hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước. Nhưng càng về sau, khi đối đầu với sự sống chết nhiều đảng tự rời bỏ kháng chiến, thậm chí theo giặc để chống lại cách mạng, chống lại nhân dân.”
Đây là những lời phát biểu mang tính ngụy biện rất tinh vi. Một mặt nó làm người ta nghĩ rằng ĐCSVN không chống Đa nguyên Đa đảng. Nhưng mặt khác nó lại khẳng định Đa nguyên Đa đảng là không tốt, vì người ta “sử dụng” nó không đúng hoặc không biết cách. Sẽ là một điều lý thú cho các nhà nghiên cứu chính trị trên thế giới nếu họ nghe được lời nói của ông viện sĩ Nguyễn Chơn Trung, khi ông ta nói rằng Đa nguyên Đa đảng là phải biết sử dụng (?) chúng.
Đa nguyên là một hình thái xã hội mang tính nguyên thủy, nó hiện diện ở bất kỳ đâu, tại bất cứ quốc gia nào trên thế giới, và không cần ai phải thiết lập nên chúng vì bản chất tồn tại của vũ trụ là đa nguyên. Còn đa đảng là tại một quốc gia, trong xã hội dân sự tôn trọng sự đa nguyên (sự khác biệt), nhiều đảng phái chính trị được bình đẳng hoạt động, theo nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh. Những đảng phái ấy là tiềm năng cho một chính phủ dân bầu, do đại diện ưu tú của dân lập ra và chính phủ đó là của dân, vì dân.
Như vậy Đa nguyên Đa đảng hoàn toàn dễ hiểu, nó là một hình thái mở trong sinh hoạt chính trị tự do, tôn trọng sự khác biệt, và điều quan trọng nhất, nó hoạt động nhằm hướng tới sự tiến bộ và tự do cho xã hội. Không ai có thể sử dụng Đa nguyên Đa đảng vì bản thân sự đa nguyên đa đảng đã là những hoạt động độc lập. Người ta có quyền chấp nhận nó hoặc không, không phải là bằng cách sử dụng nó như ông Nguyễn Chơn Trung nói, mà chỉ có thể bằng cách ủng hộ hay tẩy chay nó.
Ông Trung cho rằng ông Hồ Chí Minh mời các đảng phái tham gia chính phủ khi thành lập nước (1945) chỉ với mục tiêu là “chống pháp, xây dựng hòa bình và thống nhất đất nước” là sai lịch sử. Bối cảnh Việt Nam lúc đó là “một cổ nhiều tròng”, ĐCSVN rất cần các đảng phái khác hỗ trợ về nhân vật lực để có thể tạm đứng vững, họ đã phải thương lượng với Việt Quốc và Việt Cách chứ hoàn toàn không phải là “mời” với thiện ý như ông Trung nói. Như vậy vai trò của Đa nguyên Đa đảng là hết sức quan trọng.
Là một chính trị gia, hẳn ông Nguyễn Chơn Trung phải biết, vụ án Ôn Như Hầu xảy ra vào ngày 14/07/1946 là do Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp chỉ đạo tàn sát các đảng phái khác trong chính phủ chỉ vì họ có quan điểm khác biệt về chủ trương đường lối của Chính phủ Liên hiệp. Lẽ ra chỉ cần bỏ phiếu là có thể giải quyết được vấn đề theo nguyên tắc chính trị "thiểu số phục tùng đa số" thì ông Hồ lại bất ngờ tấn công bạo lực để giành quyền kiểm soát chính phủ, đó là một tội ác!
Không phải đến tận bây giờ người ta người ta mới biết rằng, không cần cái ĐCSVN của ngài tiến sĩ Nguyễn Chơn Trung thì Việt Nam mới có độc lập. Ngày 09/08/1941 Hiến chương Đại tây Dương (Atlantic Charter) do Anh và Mỹ ký kết đã cam kết trao trả độc lập cho các nước Á – Phi sau chiến tranh thế giớ II. Và đầu năm 1945 có 50 nước thuộc phe Đồng minh đã lập ra Liên Hiệp Quốc, ban hành “Quyền dân Tộc tự Quyết”. Như vậy việc ĐCSVN cứ nhất quyết phải chiến tranh với Pháp là một quyết định sai lầm hết sức ngu ngốc. Nếu như họ biết tôn trọng tiếng nói đa nguyên của các đảng phái khác thì thảm họa đã không xảy ra cho Việt nam bằng hai cuộc chiến tranh đẫm máu từ 1946 đến tận 1975.
Từ những lý luận sai lạc và không đúng sự thật, ông Nguyễn Chơn Trung vội vã kết luận: “Lịch sử đã chứng minh không có đảng nào xả thân quên mình làm nên thành tựu vĩ đại như vậy. Từ đó ta khẳng định không có đảng nào thay thế Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay dù Đảng ta còn nhiều khuyết tật cần phải sửa chữa để làm tốt hơn vai trò của mình”. Tạm cho là ĐCSVN của ngài Nguyễn Chơn Trung đã “xả thân” thật thì cái gọi là xả thân đó cũng vô nghĩa vì nó đã đem lại đau thương thay vì hạnh phúc.
Thử hỏi các nước như Liban và Syrie năm 1946 được Pháp trao trả độc lập là nhờ “kháng chiến” như Việt Nam hay do yêu cầu của Liên Hiệp Quốc? Và các động thái của người Pháp thương thảo với Hồ Chí Minh, sau khi Đảng Cộng Sản Đông Dương giải tán và thành lập Chính Phủ Liên Hiệp Quốc Gia với Quốc dân Đảng và Đồng minh Hội, Hai bên đã ký hai hiệp ước Pháp Việt trong năm 1946 có ý nghĩa gì? Nếu như ông Hồ và ĐCSVN biết tập hợp tiếng nói đa nguyên và biết hy sinh quyền lợi của ĐCSVN thì chắc chắn Việt Nam có độc lập mà không phải hy sinh xương máu.
Có lẽ câu nói của Nguyễn Chơn Trung đúng ở điểm này, họ đã làm nên thành tựu “vĩ đại” là hy sinh hàng triệu nhân mạng trong hai cuộc chiến từ 1946 đến 1975 để bảo vệ thành công vị trí cầm quyền của ĐCSVN. Đổi lại, hơn 3 triệu con dân Việt Nam đã chết một cách oan ức và vô nghĩa. Buồn hơn, cho đến hôm nay Việt Nam vẫn là nước nghèo nàn lạc hậu và phi dân chủ vào bậc nhất thế giới, nợ nần chồng chất, tham nhũng lan tràn, bất công ngập cổ và không có tự do dân chủ…
Cuối cùng, người thiệt hại chính là nhân dân Việt Nam. Kẻ thủ lợi đích thị là ĐCSVN vì họ đã đạt được mục đích là duy trì sự cầm quyền suốt 68 năm qua. Mặc dù ông Nguyễn Chơn Trung xác nhận, “đảng ta còn nhiều khuyết tật cần sửa chữa” nhưng người này lại không thể đưa ra cách sửa chữa nào! Đã gọi là khuyết tật nghĩa là cái gì đó mang tính cố hữu, người ta không thể sửa mà chỉ có thể duy trì nguyên trạng hoặc phải thay thế. Theo cách nói của ông Trung thì có lẽ đó là sự… duy trì, tiếp tục duy trì sự tồn tại của ĐCSVN.
Vậy ai đang mơ hồ về Đa nguyên Đa đảng? Đó chính là những luận điểm sai lạc nay đã biến thành luận điệu rẻ tiền. ĐCSVN không phải là không biết Đa nguyên Đa đảng chính là tự do chính trị. Mọi thành đảng phái chính trị trong xã hội đều phải cạnh tranh lành mạnh và có cơ hội cầm quyền như nhau nếu họ được nhân dân chọn lựa. Và chỉ có bằng con đường đó thì mới lựa chọn ra được những con người có thực tài ra lãnh đạo đất nước. Nhưng vì cố vị tham quyền ĐCSVN chính là người đang quyết tâm ngăn chặn tiến trình Đa nguyên Đa đảng. Mặt khác, để mị dân họ vẫn nói là “tư tưởng đa đảng đa nguyên không sai”.
Tấn Hà

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"