Trong công cuộc đấu tranh cho nhân quyền, tự do và dân chủ của Việt
Nam, hình ảnh của những người phụ nữ luôn nổi bật. Họ có thể là những
blogger với những bài viết sắc sảo hay là những người luôn có mặt trong
tuyến đầu của những cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Mặc dù họ được cho
là phái yếu, nhưng sự cản đảm, dũng cảm trước sự sách nhiễu, bắt bớ và
cầm tù của chính quyền cho thấy họ là những phụ nữ mạnh mẽ. Mạng lưới
Nhân quyền Việt Nam đã quyết định trao giải thưởng Nhân quyền Việt Nam
2012 cho ba người phụ nữ dũng cảm. Đó là Phạm Thanh Nghiên, đã từng bị
kết án 4 năm tù và hiện nay đang phải chịu 4 năm quản chế. Tạ Phong Tần
đã bị xét xử sơ thẩm với mức án 10 năm tù, Huỳnh Thục Vy, tuy chưa chịu
cảnh tù đày, nhưng bản thân cô và gia đình đã phải chịu biết bao sự sách
nhiễu từ chính quyền địa phương. Ba người phụ nữ ở ba vùng miền khác
nhau của đất nước, họ có hoàn cảnh gia đình, văn hóa, giáo dục khác
nhau. Nhưng họ có một điểm chung đó là có tinh thần yêu nước, có trách
nhiệm với đất nước và dân tộc. Bằng sự can đảm của mình, họ đã và đang
nói lên nhưng bất công mà người dân Việt Nam đang phải gánh chịu và
những khát vọng tự do dân chủ của mọi người dân Việt Nam.
Việc họ được trao giải thưởng Nhân quyền Việt Nam 2012 là hoàn toàn xứng đáng.
Việt Nam cần phải thay đổi để có thể đem lại tự do và hạnh phúc cho mọi người dân. Nhưng muốn sự thay đổi diễn ra nhanh chóng để đáp ứng nguyện vọng và mơ ước của nhân dân thì chúng ta cần rất nhiều những người dũng cảm, sẵn sàng hy sinh tự do và hạnh phúc cá nhân của mình để đấu tranh cho nhân quyền, tự do và dân chủ.
Trong bất kỳ xã hội nào thì từng lớp thanh niên, sinh viên và trí thức luôn là động lực để thay đổi xã hội. Một đất nước còn những bất công, tham nhũng thì một phần nguyên nhân do thế hệ trẻ đã không quan tâm và thờ ơ với vận mệnh của dân tộc. Sự lãnh cảm của thế hệ trẻ với tình trạng của đất nước đem lại sự bất hạnh cho dân tộc.
Vượt qua nỗi sợ hãi, thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay phải đóng vai trò quan trọng và tích cực trong việc thay đổi xã hội. Và để thay đổi được xã hội thì bước đầu tiên là phải thay đổi nhận thức. Chúng ta cần phải nhận thức rằng tự do và dân chủ là tiền đề, là điều kiện then chốt để xây dựng xã hội tiến bộ. Không có tự do dân chủ thì quyền lực và của cải của nhân dân sẽ bị từng lớp quan chức tha hóa chiếm đoạt và tham nhũng. Họ sẽ biến của cải, tài sản quốc gia thành tài sản riêng và phục vụ cho gia đình và bản thân họ.
Ngày nay, công nghệ thông tin hiện đại đã giúp cho mọi người ở trong
cũng như ngoài nước dễ dàng trao đổi và thông tin qua lại. Thế hệ trẻ
Việt Nam cần phải sáng tạo để phát huy tối đa lợi thế của công nghệ
thông tin để giúp nhau cùng hiểu biết và cùng tiến bộ. Tạo sự liên kết
và cùng nhau thực hiện các quyền công dân đã được Hiến pháp ghi nhận như
quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp, lập hội, lập đảng và
quyền biểu tình để thay đổi xã hội theo hướng dân chủ tiến bộ.
Chúng ta cũng mong rằng các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, chính
phủ, quốc hội các nước sẽ dành nhiều giải thưởng hàng năm cho những
người dũng cảm và có thành tích xuất sắc trong công cuộc vận động cho tự
do, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Điều này sẽ cổ vũ và khích lệ
to lớn cho phong trào dân chủ còn non trẻ ở trong nước.
Chúng ta hy vọng và tin tưởng rằng thế hệ trẻ Việt Nam ngày hôm nay
sẽ đóng vai trò quyết định trong tiến trình dân chủ hóa đất nước. Mở ra
một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam xây dựng chế độ xã hội dân chủ,
công bằng và văn minh.
© Nguyễn Văn Đài