Phạm Thị Hoài
Sau đề nghị của tôi về xưng hô,
nhiều độc giả lưu ý rằng cha đẻ của cách xưng hô gia đình hóa trong xã
hội Việt Nam thời đại xã hội chủ nghĩa là vị “cha già dân tộc”, người tự
xưng là “Bác Hồ”. Theo tôi trường hợp “Bác Hồ” không hẳn như vậy.
Khác với những nhà lãnh đạo từ Lê
Duẩn trở đi sau này, Hồ Chí Minh thuộc thế hệ các nhà cách mạng xuất
thân kẻ sĩ – trí thức trong giai đoạn chuyển tiếp từ Nho học sang Tây
học. Xung quanh ông là những người mà tố chất kẻ sĩ – trí thức ấy không
chỉ biểu lộ qua sáng tác văn chương, từ Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ
Nguyên Giáp, Hoàng Văn Hoan… đến Xuân Thủy, Cù Huy Cận, Tố Hữu, Đặng
Thai Mai… Trước khi ngôn ngữ chính trị Việt Nam trở thành một hỗn hợp
của sáo mòn, đơn điệu, vô nghĩa và lố bịch như chuẩn mực ngày nay, nó đã
từng kết hợp được cả học vấn truyền thống lẫn ngọn lửa nóng rực của
cách mạng ở những năm tháng đầu. Cho đến nay tôi chưa thấy một văn bản
chính trị viết bằng tiếng Việt nào vượt qua bảnTuyên ngôn Độc lập do
Hồ Chí Minh soạn thảo năm 1945 về hình thức biểu đạt và chất lượng ngôn
ngữ: hàm súc, khúc chiết, sắc bén, chính xác, sáng rõ và giản dị. Ngay
cả câu mở đầu lấy từ Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ cũng là một mẫu mực
về dịch thuật. Hoặc ngòi bút chính trị của Hồ Chí Minh ở thời điểm ấy
đạt đến độ chín thích hợp nhất, hoặc giải phóng dân tộc khỏi ách thống
trị của thực dân Pháp là chủ đề tâm huyết nhất của cuộc đời ông, nên
những áng văn sau này của Hồ Chí Minh cũng không vượt qua được Tuyên
ngôn Độc lập. Song ngôn ngữ trong hai Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến
chống Pháp và chống Mỹ cũng như trong Di chúc vẫn cho thấy một khả năng
diễn đạt xuất sắc. Một người làm việc với ngôn ngữ như thế không thể
không có ý thức sâu sắc về cách xưng hô trong tiếng Việt.
Tôi không ngại nói quá khi khẳng định
rằng trước và sau Hồ Chí Minh, khó tìm thấy một người Việt Nam nào trải
qua nhiều tình huống xưng hô một cách tự nhiên và lịch lãm như ông.
Trong toàn bộ lịch sử Việt Nam, chắc chắn ông là người đứng đầu nhà nước
giữ kỉ lục về tiếp xúc với các tầng lớp và thành phần đủ mọi lứa tuổi
trong xã hội. Chúng ta hãy điểm một số cách xưng hô của Hồ Chí Minh
trong giao tiếp, trước khi “Bác Hồ” trở thành quy phạm xưng hô của người
Việt[1].
Xưng hô chính thức và đầu tiên của Hồ
Chí Minh trước công luận là trong câu hỏi nổi tiếng, khi ông đọc Tuyên
ngôn Độc lập ngày 2-9-1945: “Đồng bào nghe tôi nói có rõ không?“. Đồng
bào và tôi. Từ bao giờ cách gọi đồng bào này biến mất? Có lẽ từ khi ông
qua đời? Mỗi lần nói với toàn thể hay một tập hợp người Việt ông đều
dùng chữ đồng bào này. Ở các lời tuyên bố, kêu gọi, thường là Hỡi đồng
bào cả nước,Kính cáo đồng bào. Ở các cuộc tiếp xúc, thường là Thưa đồng
bào hayThưa đồng bào yêu quý. Trong thư, thường rất cụ thể: Gửi đồng bào
Công giáo, đồng bào Mán, đồng bào nông gia, đồng bào hậu phương, đồng
bào tản cư, đồng bào Nam bộ, đồng bào văn hóa và trí thức, đồng bào điền
chủ… Và xưng tôi hoặc chúng tôi, khi ông thay mặt chính phủ phát biểu.
Xưng hô cuối cùng của ông, trong Di chúc, cũng giữ nguyên như vậy: đồng
bào và tôi.
Từ vị trí xưng tôi hay chúng tôi, Hồ
Chí Minh uyển chuyển khi đứng trước những đối tượng khác nhau. Những
người như Nguyễn Hải Thần, Vũ Công Khanh được ông gọi là tiên sinh,
tướng Trần Tu Hòa làTrần tướng quân, giám mục Lê Hữu Từ là cụ, linh mục
Lê Văn Yên làngài, các ông Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Văn
Tố… đều là cụ, bác sĩ Vũ Đình Tụng là ngài, đại diện các gia đình hảo
tâm quyên góp cho chính phủ là các bà và các ngài, hội hảo tâm là quý
hội, một ông lang đạo ở Hòa Bình là ông, Chủ tịch Quốc hội là cụ chủ
tịch, một bộ trưởng là cụ bộ trưởng, đại diện các ủy ban nhân dân là các
bạn… Ông thưa các cụ và các chú, thưa các ngài trong giới công thương,
thưa các vị linh mục, thưa các vị kỳ lão và nhân dân, thưa anh chị em
thanh niên Nam bộ, thưa toàn quốc đồng bào và toàn thể đồng chí, thưa
các bậc phụ huynh, thưa các hiền nhân chí sĩ, thưa các bạn sĩ, nông,
công, thương, binh, thưa các ông bộ trưởng, thưa các bạn nhân viên chính
phủ, thưa hai cụ già du kích, thưa anh em họa sĩ, thưa các vị thân hào
thân sĩ, thưa những người bạn Pháp ở Đông Dương, thưa ngài Thống chế
Stalin, thưa bà cụ, thưa lão du kích… Trong một bức thư gửi ngụy binh,
ông gọi họ là anh em. Gửi những người đi lính cho Pháp và bù nhìn, ông
viết: tôi thiết tha kêu gọi các người. Viết thư cho gia đình mình, ông
đề: Gửi họ Nguyễn Sinh và xưng tôi. Tất cả cho thấy một nghệ thuật xưng
hô lão luyện.
Vậy “Bác Hồ” từ đâu ra?
Ngay trong tháng 9-1945, Hồ Chí Minh
xưng là Già Hồ gửi thư đến các trẻ em yêu quý. Trong “Thư gửi thiếu nhi
Việt Nam đêm Trung thu đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”
1945, ông viết: “Các em, đây là Hồ Chí Minh nói chuyện với các em… Các
em có hứa với tôi như thế không?… Chào các em, Hồ Chí Minh“, một phong
cách không giấu ảnh hưởng của ngôn ngữ và văn hóa phương Tây. Trong thư
gửi học sinh, ông cũng xưng là tôi, gọi học sinh là các em. Nói chuyện
với thanh niên, ông gọi họ là các anh em, xưng là tôi. Trong một bài thơ
tặng cháu Nông Thị Trưng, ông gọi cháu và xưng ta.
Lần đầu tiên Hồ Chí Minh xưng bác và
gọi cháu là trong “Trả lời thư chúc mừng của Hội Nhi đồng Công giáo khu
Thượng Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Đông” ngày 10-5-1947: “Bác cảm ơn các
cháu. Bác khuyên các cháu: Biết giữ kỉ luật, siêng học siêng làm, yêu
Chúa yêu nước. Bác hôn các cháu.” Và kí với Hồ Chí Minh, chứ không
với Bác Hồ. Ba tháng sau, trong “Thư gửi nhi đồng toàn quốc nhân kỉ niệm
Cách mạng Tháng Tám” năm 1947, danh xưng Bác Hồ xuất hiện và từ đó được
sử dụng.
Song tôi phải nhấn mạnh: Hồ Chí Minh
chỉ xưng bác trong hai trường hợp quan hệ. Thứ nhất, trường hợp bác –
cháu, với nhi đồng. Điều này không có gì là chướng. Ở tuổi 55 khi lên
làm Chủ tịch nước, đối với người Việt thuở đó Hồ Chí Minh đã là một
người già. Phóng viên báo chí thường gọi ông là Cụ Chủ tịch, cũng như
ông gọi những người trạc tuổi mình là cụ. Trong bối cảnh ấy, xưng hô bác
– cháu của Hồ Chí Minh với nhi đồng là tự nhiên. Không một nhà lãnh đạo
Việt Nam nào cho đến nay biết nói với trẻ em một cách nghiêm túc và tôn
trọng mà vẫn không kém thân thiết như “Bác Hồ”[2].
Cuối thư gửi nhi đồng, Hồ Chí Minh thường hôn các cháu. Trong một bức
thư, ông cònhôn các cháu rõ kêu, một cử chỉ rất Tây được diễn đạt rất
Việt.
Trường hợp xưng bác thứ hai của Hồ
Chí Minh là trong quan hệ với những người kém tuổi mình. Bác ở đây không
phải là bác – cháu, mà là bác – cô/chú
Chúng ta không lạ cách xưng tôi, gọi
một người kém tuổi là chú haycô nói chung, một cách xưng hô khá trung
lập, không nhất thiết gây ấn tượng gia đình chủ nghĩa mà vẫn giữ được sự
thân mật và khoảng cách tuổi tác. Với những người cộng sự gần gũi như
Vũ Đình Huỳnh, Cù Huy Cận, Đặng Thai Mai, Nguyễn Khánh Toàn…, Hồ Chí
Minh sử dụng cách xưng hô này. Xưng tôi hoặc anh. Gọi chú. Trong phạm vi
quan hệ hẹp, ít khi trước công luận.
Ở Berlin, nơi có cộng đồng Nghệ An
lớn nhất hải ngoại, tôi học được rất nhiều từ Việt cổ và những thói quen
ngôn ngữ khác xa tiếng Việt phổ thông. Người xứ Nghệ có thể
xưng tôi hay tui, tau với cha mẹ. Cha mẹ có khi gọi con cái, bất kể con
trai hay con gái, là ông. Và họ dùng tràn lan bác – chú, cứ nhiều tuổi
hơn xưng bác, ít tuổi hơn xưngchú, phơi phới giữa Berlin. Hồ Chí Minh,
người xứ Nghệ nổi tiếng nhất, bôn ba qua bao nhiêu xứ sở, ngôn ngữ và
văn hóa, có lẽ vẫn giữ thói quen xưng hô ấy.
Ông khá thọ và mất ở tuổi 79. Người
hơn tuổi ông thuở ấy không nhiều. Nên với đại đa số thì ông hoặc
là bác với các cháu nhi đồng theo trường hợp thứ nhất, hoặc
là bác với các cô, các chú theo trường hợp thứ hai. Một lúc nào đó, ông
đương nhiên trở thành và chỉ còn là “Bác Hồ”.
Gần nửa thế kỉ sau khi qua đời, Hồ
Chí Minh chưa thôi là điểm cọ xát gay gắt cho dân tộc mà ông đã dẫn ra
khỏi ách thực dân rồi dắt vào tròng chuyên chế. Cả vị thánh lẫn kẻ tội
đồ trong ông đều đã thuộc về lịch sử, đã hết hạn sử dụng, song dân tộc
bị chia rẽ sâu sắc này vẫn tiếp tục hoặc lấy ông làm cẩm nang và lá
chắn, hoặc dùng ông làm cái ổng nhổ để trút mọi oán hận. Ông là tấm gương khi
người ta không biết soi vào đâu nữa. Ông là nguyên ủy của mọi vấn nạn,
kể cả vấn nạn xưng hô, khi người ta không biết tìm đáp án từ đâu. Trong
sự tuyệt vọng của chúng ta, Hồ Chí Minh là chiếc bung xung lí tưởng.
Không phải vì công bằng mà tôi bênh
vực cách xưng hô của Hồ Chí Minh. Một người đầy ý thức tự thêu dệt huyền
thoại, một người không chùn tay cho vay khống những khoản tín dụng lịch
sử đáng ngờ như ông thì không chờ đợi gì nhiều ở lẽ công bằng cho cá
nhân mình. Điều tôi mong muốn đơn giản là: chúng ta hãy thôi tự lố bịch,
bằng cách chấm dứt cả những lời ca tụng nực cười lẫn những lời kết án
vô lối đối với Hồ Chí Minh. Trách nhiệm thật của ông ở những điểm hệ
trọng của lịch sử Việt Nam cận đại cần được phơi bày rốt ráo. Còn trong
sự nghiệp phá hoại văn hóa xưng hô của người Việt, vai trò thật của ông
nhỏ hơn tai tiếng rất nhiều.
[1] Tất cả các trích dẫn trong bài rút từ Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000.
[2] Để so sánh: năm ngoái một nhà lãnh đạo ngành giao thông Việt Nam đã chân tình khuyên học sinh như
sau: “Nếu các cháu khi đi xe gắn máy không được cha mẹ đội mũ bảo hiểm
thì kiên quyết không đi, hoặc hãy khóc to để được cha mẹ cho đội mũ bảo
hiểm khi tham gia giao thông”.