Tổng thống Hoa Kỳ vừa đi thăm Campuchia, Thái Lan và Miến Điện – các
nước láng giềng của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Mỹ đến
gần nước ta hơn bao giờ hết, cho nên những phát biểu của ông trong
chuyến đi này không khỏi có những âm hưởng đặc biệt đối với người Việt
chúng ta. Kể cả bài nói chuyện của ông với sinh viên Miến Điện mà âm
vang của nó rõ ràng là đã không dừng lại tại biên giới của những nước
này..
Ngày 19 tháng 11, Tổng thống Obama đến nói chuyện với sinh viên Miến
Điện tại Đại học Yangon. Giới truyền thông quốc tế nhận định ông Obama
là một nhà hùng biện, có cách nói riêng hấp dẫn, vừa biểu hiện một trí
tuệ uyên thâm, vừa có tình cảm chân thành nên có sức thu hút mạnh mẽ,
sâu sắc đối với quảng đại quần chúng. Đây là một bài nói chuyện trực
tiếp với giới trẻ Miến Điện, nhưng nó vang vọng đến tận thanh niên các
nước Đông Nam Á khác cũng như với tuổi trẻ ở mọi nơi chưa được hưởng tự
do, còn bị thống trị bởi các thế lực độc tài – độc đảng.
Đọc kỹ bài phát biểu này, nhiều đoạn cho tôi cái cảm giác là ông
Obama đang trao đổi với một cử tọa Việt Nam, với sinh viên, tuổi trẻ,
trí thức Việt Nam.
Tôi xin nêu ra sau đây một vài đoạn gây ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi.
“Chỉ một tù nhân lương tâm cũng là quá nhiều!”
Ở Miến Điện từng có hàng vạn tù nhân lương tâm dưới ách quân phiệt.
Bản thân bà Aung San Syu Kyi cũng bị mất tự do 27 năm. Ngoài ra còn
không biết bao nhiêu chiến sỹ bất khuất, nhà văn, nhà báo, giáo sư, nhà
sư chết trong tù. Nhưng một thời kỳ mới đã mở ra. Hàng nghìn tù chính
trị đã được trả tự do. Và bà Aung San Syu Kyi trở thành đại biểu Quốc
hội. Trong khi đó ở Việt Nam chỉ trong vòng mấy năm nay đã có hơn 60
công dân bị giam cầm chỉ vì yêu nước, chống bành trướng, đòi tự do chính
trị, tự do tôn giáo, tự do kinh doanh.
“Tôi bổ nhiệm các quan tòa nhưng tôi không thể bảo họ phán quyết như thế nào”
Đây là nguyên tắc cầm quyền của một chế độ dân chủ theo ba quyền phân
lập, có phân công, kiềm chế, kiểm tra nhau. Không thể có chuyện mọi vụ
xử tù nhân lương tâm hay các vụ tham ô lớn, Bộ Chính trị đều quyết định
trước mức tuyên án cho từng người, gọi là các vụ xử án tiền chế, án bỏ
túi, án phường tuồng, cứ ai chống bành trướng, đòi quyền tự do chính trị
và kinh tế, đòi quyền sở hữu ruộng đất là bị xử nặng nhất. Còn những kẻ
gây thất thoát hàng trăm nghìn tỷ đồng (hàng chục tỷ đôla) của nhân dân
thì được Bộ Chính trị «xin được kỷ luật» để tiếp theo là tha bổng, xí
xóa, hòa cả làng.
“Phải bảo đảm rằng người dân có quyền sở hữu mảnh đất mình sống và lao động trên đó”
Có nông dân và công dân Việt Nam lương thiện nào lại không nức lòng
tán đồng câu nói chí tình ấy của Tổng thống Mỹ. Trong khi đó Quốc hội Hà
Nội vừa bế mạc lại gác việc sửa đổi bổ sung Luật Đất đai, vì họ vẫn bám
lấy điều bất công phi lý là «ruộng đất thuộc sở hữu toàn dân do Nhà
nước thống nhất quản lý». Đây là trò cướp đất của nông dân một cách
trắng trợn và tàn bạo của đảng Cộng sản. Hiện 3 phần tư các vụ kiện cáo
liên quan đến chuyện ruộng đất. Hàng vạn, chục vạn nông dân bất mãn vùng
dậy đấu tranh đã bị đàn áp. Tiến sỹ Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ
Tài nguyên, giáo sư chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân, và luật gia
Trần Quốc Thuận đã cảnh báo về nạn cường hào địa chủ Đỏ, là nguy cơ tàn
phá triệt để nông thôn. Các vị này chắc chắn tán đồng ý kiến trên đây
của Tổng thống Obama.
“Thay vì bị lờ đi, các công dân phản đối việc xây dựng đập Myitsone đã được lắng nghe”
Tổng thống Obama nói thêm: «Tôi được biết trong cuộc bầu cử vừa
qua, một cử tri trong các bạn đã nói: ‘cha mẹ ông bà chúng tôi chờ đợi
điều này (nhà cầm quyền lắng nghe và làm theo ý người dân) nhưng không
bao giờ thấy điều đó tới.’ Bây giờ các bạn đã nhìn thấy».
Việc nhà cầm quyền từ bỏ công trình xây dựng đập lới Myitsone do các
công ty Trung Quốc thắng thầu là một quyết định gay go, làm Bắc Kinh nổi
giận. Họ dự kiến sẽ thu được hàng tỷ lợi nhuận và khống chế cả khu vực.
Nhưng do dân bản địa chống đối, do nguy cơ hủy hoại môi trường, cuối
cùng nhân dân đã thắng.
Vậy thì Bộ Chính trị ở Hà Nội còn do dự gì mà không từ bỏ việc khai
thác quặng bauxite ở vùng chiến lược Tây Nguyên theo ý nguyện của toàn
dân Việt Nam đòi hỏi?
“Quyền tự do cuối cùng tôi muốn nói đến là quyền mọi người được sống thoát khỏi sự sợ hãi”
Hai nhà lãnh đạo Barack Obama và Aung San Syu Kyi có chung quan điểm
về giải tỏa nỗi sợ hãi trong quan hệ giữa người với người. Nỗi sợ hãi
của người dân trước cường quyền thô bạo. Nỗi sợ hãi của kẻ cầm quyền lo
bị mất ghế, mất đặc quyền đặc lợi, bị nhân dân xuống đường hỏi tội,
trừng phạt. Nhà lãnh đạo Mỹ kêu gọi: Hãy để sự sợ hãi ở lại phía sau!
Tại Việt Nam, hàng loạt bạn trẻ đã rũ bỏ sợ hãi. Phạm Thanh Nghiên,
Nguyễn Phương Uyên, Huỳnh Thụy Vy, Đỗ Thị Minh Hạnh … nếu chỉ tính các
nữ nhi kiên cường, đã bỏ sợ hãi ở phía sau. Sẽ còn trăm ngàn bạn trẻ nam
nữ theo gương ấy, và cuối cùng rồi sẽ rõ ai phải sợ ai.
“Tăng trưởng mọi người được hưởng chỉ khi nào tham nhũng bị bỏ lại phía sau”
Vì đất nước ta phát triển khá trong 20 năm qua, tổng sản lượng PNB
tăng gấp 3 lần chứ có ít ỏi đâu. Nhưng ai đang hưởng những thành quả của
sự phát triển này? Không ai khác hơn là những người có chức có quyền.
Chưa bao giờ các quan chức CS cao cấp giàu có đến mức kinh khủng như
hiện nay. Đến nỗi ông Mười Hương, một đảng viên Cộng sản kỳ cựu, đã phải
thốt lên là kẻ ăn cắp mấy con vịt ở nông thôn thì bị hàng năm tù giam,
trong khi bọn tham nhũng to đầu trong chính phủ làm thất thoát và bỏ túi
hàng tỷ đô la lại chỉ bị khiển trách suông. Như viên đại tá công an
Lương Ngọc Anh và tòng phạm ở chóp bu nuốt chửng đến 20 triệu đôla, mà
rồi vẫn ung dung hưởng lạc.
Chỉ cần thu hồi 20% giá trị tổng sản phẩm do bộ máy quan liêu tham
nhũng hoang phí và cướp đoạt hằng năm là ta có thể xây đường sá tốt hơn,
kiến tạo một nền giáo dục có chất lượng, áp dụng một hệ thống y tế nhân
đạo, thực hiện bảo hiểm xã hội hữu hiệu cho toàn dân.
Trong bài nói của mình tại Đại học Yangon, nhà lãnh đạo Mỹ còn đề cập
đến nhiều vấn đề nóng hổi khác, nhưng với tôi, chỉ nội sáu ý kiến trên
cũng đã đủ để vạch ra một con đường ngắn nhất, thực tế nhất, và hiệu quả
nhất để nhân dân ta tiến tới dân chủ ở Việt Nam.
Xin cảm ơn Tổng thống Barack Obama.
© Bùi Tín