Sự khủng hoảng giáo dục trước hết là khủng hoảng
về chất, điều đó cũng có nghĩa là giáo dục không chỉ tụt hậu mà đã đi
lạc hướng, trở thành lạc lõng, trong trào lưu chung của thế giới hiện
đại.
Việt ngữ có hai chữ “nhà tôi” (nghe) vừa thân thương, vừa trang trọng. My wife và ma femme của Anh với Pháp, khi so với nhà tôi, đều trở thành xoàng xĩnh!
Mà chả riêng gì “nhà tôi” đâu nhá. Mọi chức danh, cũng như
nghề nghiệp – trong tiếng Việt – hễ cứ bắt đầu bằng chữ “nhà”
là … có giá thấy rõ: nhà qúi tộc, nhà ngoại giao, nhà
truyền giáo, nhà ngoại cảm, nhà bình luận, nhà thiên văn, nhà
thám hiểm, nhà bác học, nhà nghiên cứu, nhà khảo cổ, nhà yêu
nước, nhà chí sĩ, nhà cách mạng, nhà soạn kịch, nhà soạn
nhạc, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo …
Trong những “nhà” vừa kể (có lẽ) nhà giáo là giới gần gũi
nhất, và được nhiều người tin tưởng nhất – trừ hai ông giáo
Sầm Đức Xương và Nguyễn Thiện Nhân.
Ngày 20 tháng 11 năm 2012, Bộ Giáo Dục & Đào Tạo đã trao danh
hiệu “ưu tú” cho nhà giáo Nguyễn Thiện Nhân. Sự kiện này khiến
cho “dư luận gầm gừ,” như cách tường thuật (rất giận dữ) của
bác Cánh Cò:
“Theo báo chí loan tải năm nay có 40 Nhà giáo nhân dân
và 570 Nhà giáo ưu tú trên khắp mọi miền đất nước được trao tặng danh
hiệu cao quý này, trong đó có một ‘suất’ cho Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân!
Dư luận gầm gừ, báo chí tiếp tục bình luận và người dân vẫn cắm
cúi với lon gạo của mình. Người ta không khỏi chạnh nghĩ đến cái danh
hiệu Nhà giáo ưu tú có làm ông Phó Thủ tướng xấu hỗ hay không khi chung
quanh ông, những người thật sự ưu tú lại không được cái vinh dự này. Còn
ông, nếu có một giải thưởng thích hợp nhất thì chỉ nên cho ông nhận
giải ‘Nhà giáo ưu tiên’ là cùng.
Bởi làm tới chức Phó Thủ tướng mà lại xếp hàng đặt cục gạch trước cái danh hiệu ‘ưu tú’ với những nhà giáo khốn khổ, bệnh hoạn hy sinh cả đời trong sự nghiệp giáo dục và cuối đời cần một danh hiệu dù là ‘đỏm đáng là chính’
để kiếm thêm thu nhập thì sự giành giật ấy phải nói là bản năng của một
đứa con nít chưa biết phân biệt thế nào là điều cần nên tránh và nhất
là em chưa học được bài học nhường nhịn cho đứa trẻ khác không có cơ hội
bằng mình.”
Bác Trương Duy Nhất cũng “gầm gừ” dữ dội:
“Trên cương vị Phó Thủ tướng như bây giờ, ông Nguyễn Thiện Nhân có cần phải ôm nhận thêm cái danh hiệu ‘ưu tú’
nữa? Sau bao nhiêu những hậu họa, tì vết để lại cho ngành giáo dục,
liệu ông Nhân có còn xứng đáng làm thầy, chứ đừng nói đến chữ ‘ưu tú’ (xem lại bài Giáo dục thời bất Nhân).”
Tui “xem lại” thử, và thấy cái ông Nhân này kỳ thiệt:
“Trước sự chìm khuất của các đời Bộ trưởng tiền nhiệm, ông Nhân đột
nhiên nổi như một vị Bộ trưởng có trách nhiệm và có tâm, có khao khát,
ước vọng thật sự ở việc ‘làm mới’ sứ mạng giáo dục.
Hàng loạt ý tưởng và chính sách từ ông đã thật sự cuốn thổi mặt bằng
giáo dục sôi sóng. Đây là những chủ trương, phong trào đã trở thành ‘thương hiệu’ cho giáo dục thời Nguyễn Thiện Nhân: cuộc vận động hai không: ‘Nói không với tiêu cực trong thi cử và nói không với việc chạy theo thành tích’; rồi sau thêm mấy không nữa như: ‘nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo’ và việc ‘ngồi nhầm lớp’ (cho học sinh không đạt chuẩn lên lớp), và’ nói không với đào tạo không theo nhu cầu xã hội’…
“Thêm nữa, chính ông Nhân cũng là người đưa ra ý tưởng khá kỳ cục gây nhiều bàn cãi: Ghi số tiền vay nợ vào bằng tốt nghiệp của sinh viên. Cũng chính ông làm được điều mà các đời Bộ trưởng trước không dám làm hoặc không làm được: tăng học phí!
Nhưng cũng chưa thấy thời nào, triều đại nào mà ngành giáo dục lại
phơi bày một khuôn diện nhem nhuốc, bầm vấy như thời ông Nhân. Học sinh
đâm chém nhau, đâm trọng thương cả thầy cô giáo, nữ sinh cũng bè hội
đồng đánh nhau để… quay clip chơi, bỏ học dắt nhau vào nhà trọ ‘thí nghiệm’
như người lớn, cô giáo thì dán băng keo bịt miệng đến chết con trẻ,
thầy giáo thì bán điểm gạ tình, mua trinh, hiếp dâm học trò… “
Nhà báo Cánh Cò và Trương Duy Nhất tuy đều hơi nặng lời
nhưng không ai có chút ác tâm nào với ông giáo Nguyễn Thiện
Nhân. Cả hai chỉ bầy tỏ sự thất vọng, bởi nhiều sự kiện
khách quan, chứ không “ngậm máu phun người” – như những ký giả
(hay còn có tên gọi chính xác hơn là kỹ giả) của nhà nước, khi họ viết về một nhà giáo khác:
- “Đinh Đăng Định – Kẻ Phản Quốc Hại Dân,” Thiên Triều, báo Công An Đà Nẵng.
- “Bắt Đối Tượng Chống Phá Nhà Nước Đinh Đăng Định,” C. Nguyên, báo Pháp Luật.
- “Thầy Đinh Đăng Định – Thiếu Đạo Đức Của Một Nhà Giáo,” Hoài Thu, Bạch Hoá Dân Chủ.
Họ kết tội sẵn cho nhà giáo Đinh Đăng Định (thiếu đạo đức,
phản quốc, hại dân, chống phá nhà nước…) thay cho toà án. Thái
độ hung hăng của cả giới truyền thông quốc doanh khiến tôi tò
mò muốn biết (thêm) xem ông Đinh Đăng Định đã “phạm lỗi lầm gì”
khiến cho cả một đám người xúm vào ném đá (rào rào) như
thế?
Và tôi tìm được một bức thư ngỏ mà nhà giáo Đinh Đăng Định viết trước khi bị bắt. Xin ghi lại nguyên văn, để rộng đường dư luận:
Daknong 18-10-2010.
Tôi là Đinh đăng Định, 47 tuổi.
Hiện làm giáo viên tại Trường THPT lê quý Đôn Daknong có chữ ký
thứ 629 (đến 18-10-210) bản kiến nghị dừng dự án Bô Xít Tây Nguyên đang
phát trên mạng BVN.
Sáng nay(18-10) ông HT trường THPT Lê Quý Đôn- Tuy Đức-Daknong
đưa cho tôi giấy mời do Thượng tá Đinh Tấn Lượng trưởng phòng ANCTNB sở
CA Daknong ký .
Mời tôi có mặt tại Trụ sở CA huyện Dakrlap hồi 8 giờ sáng mai để làm việc. Không nói lý do.
Suy xét, thấy mình không làm gì liên quan tới chính quyền. Nếu có
chỉ là ký vào kiến nghị dừng dự án Bô- Xit do nhóm các nhà trí thức yêu
nước : viện IDS cũ và BVN khởi thảo hôm 9-10-2010 đã loan tải trên BVN.
Kỹ hơn một chút tôi còn thấy mình, đã phát biểu tại phiên họp
công đoàn ngành GD tỉnh Daknong hôm 14-10-2010 tại VPSGD Daknong, rằng:
1/ yêu cầu CĐNGD (công đoàn ngành GD) lên tiếng,cứu hai nữ sinh
(Thúy và Hằng) ở Hà Giang là nạn nhân bị giới quan chức HG(cầm đầu là
cựu CT tỉnh NT-Tô) cưỡng dâm thành phạm nhân đang ở trong nhà giam, ra
khỏi nhà giam. Làm thế là góp phần xây dựng môi trường GD thân thiện.
2/ yêu cầu CĐNGD lên tiếng về dự án Bô-Xít Daknong, tôi kêu gọi
giáo chức Daknong ký vào Kiến Nghị đang phát trên mạng truyền thông hợp
pháp.
Cả 2 ý kiến đều không nhận được phản hồi đích đáng, dù là phản đối.
Ông CB tuyên giáo LĐLĐ Tỉnh có mặt nói: có quặng thì phải khai thác thôi…Một CBCĐ ở một huyện thì nói: Việc ở HG cao xa quá!…
Mở ngoặc: tôi là chủ tịch CĐ trường THPT Lê Quý Đôn; UVBCHCĐ
ngành GD Daknong. Tuy nhiên, ngay sau giây phút đó, tôi tuyên bố từ
nhiệm cả 2 chức vụ, minh bạch trước hội nghị Tổng Kết Năm Học của CĐNGD
Daknong. Ra về.
Xét thấy những gì mình đã nói và làm chỉ minh chứng về lòng yêu
nước, tinh thần trách nhiệm của con dân Việt với đất nước; trách nhiệm
của một nhà giáo với HS, của bậc phụ huynh với con cái. nhất quyết không
thể coi là chống đối nhà nước được.
Hôm nay 18-10-2010 tôi nhận giấy mời do CACTNB gặp, để làm gì?
Tôi không thể không đạt nhiều dấu hỏi. Bởi thực tế ở xã hội VN hiện đại
tình trạng công quyền( cả CA) tùy tiện hành dân, giết dân là sự thật.
Để bảo vệ an toàn cá nhân, tôi sẽ không tới CA theo giấy mời này chừng nào lý do chính đáng chưa được minh bạch.
Suy xét rộng hơn, thì hôm 9-10-2010, trước giờ Đại Lễ chính 1000 năm Thăng Long.
Tôi có, trả cho VNPT( trạm viễn thông Kiến Đức) một Modem kết nối
internet, vì nó kết nối không thành và tôi có viết tờ giấy trả với nội
dung (trích nguyên văn): đề nghị VNPT ném modem Made In China này vào
mặt bọn…đảng cộng sản chung quốc và hãy chuyển thị trường kinh doanh
sang Bắc Hàn và Trung Cộng…Viết thế này chắc cũng không phải tội lỗi gì,
nếu tội có CA hãy tìm giùm coi.
Là độc giả thân thiện của trang mạng BVN tôi gửi nơi đây lời cám
ơn sâu sắc tiếp nhận thư này và,đề nghị loan tải như một thư ngỏ gửi tới
ông Bộ trưởng CA Lê Hồng Anh, ông Bộ trưởng GD Phạm Vũ Luận và Nhà Cầm
Quyền tỉnh Daknong và cả ông Nguyễn Tấn Dũng thủ tướng nữa văn thư này
và lời nhắn:
Yêu nước không có độc quyền;
Tự do ngôn luận là giá trị căn bản của nhân loại.
Độc tài hết thời rồi.
Tự do ngôn luận là giá trị căn bản của nhân loại.
Độc tài hết thời rồi.
Thưa Quý Ngài.
ĐĐĐ
ĐT 01266745031
mail. dinhdangdinh@gmail.com
ĐT 01266745031
mail. dinhdangdinh@gmail.com
Theo BBC,
nghe được vào ngày 21 tháng 11 vừa qua:” Ông Đinh Đăng Định,
giáo viên Hóa ở tỉnh Đắc Nông, đã bị tòa giữ nguyên mức án sơ
thẩm là sáu năm tù trong phiên phúc thẩm vừa kết thúc sáng
nay. Ông Định bị kết tội ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’ theo
điều 88 Bộ Luật hình sự.”
Bản tin (thượng dẫn) còn trích lời của quan toà, tỉnh Dak
Nong, phê phán nhà giáo Đinh Đăng Định là “hạn chế về nhận
thức” và “có những suy nghĩ không phù hợp.” Cùng lúc, Bộ Giáo
Dục & Đào Tạo đã trao danh hiệu “ưu tú” cho nhà giáo nhà giáo
Nguyễn Thiện Nhân.
Những điểm tương phản trong sự nghiệp của “nhà giáo ưu tú”
Nguyễn Thiện Nhân và “nhà giáo hại dân” Đinh Đăng Định giúp cho
người ta hiểu tại sao “VN đang ngụp lặn ở nửa dưới của thế giới và
với xu hướng ngày càng chìm sâu, thụt lùi xa so với láng giềng ” – theo
như công bố của Tổ Chức Sở Hữu Trí Tuệ Toàn Cầu (World Intellectual Property Organization), được đăng tải trên báo Dân Trí, số ra ngày 08 tháng 8 năm 2012.
© Tưởng Năng Tiến