Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Nhà báo Hồ Thu Hồng

Hai hôm liền thấy trên facebook nhiều người điểm tin/bình luận sự kiện nhà báo Hồ Thu Hồng - tổng biên tập tờ Thể thao TP.HCM vừa bị cách chức, mà lý do theo báo Thanh Niên, bên cạnh những sai phạm gì đó (chưa rõ là sai phạm gì) trong quản lý tờ báo còn có lý do từ nhiều bài viết trên blog của nhà báo này - blog Beo trên yahoo.
Chị nhà báo Hồng không phải là người đứng bên lề luận thời cuộc mà trong một ý nghĩa nào đó còn là “người trong cuộc” nên việc chị mất chức cũng là sự kiện có thể bình luận, theo yêu cầu bạn đọc tờ Thể thao Phường Giáp Bát, em gạch vài dòng:

- Cavenui lần đầu tiên trích dẫn blog Beo là khi LS Lê Công Định bị bắt, có nhận xét chị Beo đanh đá sắc sảo có thừa nhưng thiếu hụt kiến thức - kiến thức ở đây là thời sự quốc tế - khi chị nhận xét sai về Belarus. Đây là 1 mảng không mạnh của chị Beo, Cavenui đã từng đính chính lại chị khi chị cho rằng nhà đấu tranh nhân quyền người Nga Sakharov nhảy ra làm nghị sĩ “thân chính quyền” và “yêu Liên Xô gần chết” - những thông tin ngược hẳn với sự thật. Có lẽ chị bị nhận thông tin sai chứ không cố tình viết sai, vì sau đó có đăng lại đính chính của Cavenui trong blog của chị. Nhưng rõ ràng khi chị kể chuyện nước ngoài, nói đại loại rằng trưng cầu dân ý chả có ý nghĩa gì to tát, thì ta đừng có tin.
- Ngược lại với thông tin quốc tế, thông tin trong nước thì chị rất sẵn vì khả năng tiếp cận với các nguồn tin của một nhà báo đặc biệt. Nhưng thao tác của chị là “thả ra” những tin động trời, mang tính sát thương đối thủ rất cao, song lại chẳng có dẫn chứng đáng tin cậy. Cứ nói khơi khơi rằng có tài liệu Nga về bauxite mà nếu công bố thì các nhân sĩ bauxite sẽ bẽ mặt lắm, rằng có nhân sĩ bauxite kiện cáo anh em ruột để tranh 1 cái phích, rằng có nhân vật nổi tiếng bên lề trái thường khai báo với chính quyền để tố giác anh em…, nói thế thôi mà không xùy ra được bằng chứng nào. Blog cá nhân của chị, chị thích nói gì thì nói, ai tin thì tin, đó là quyền của chị, cũng như Cavenui chưa tin thì là quyền của Cavenui.
- Sợi chỉ đỏ xuyên suốt blog Beo là đả kích lề trái, thế nhưng lề phải của chị hơi khác lề phải, chẳng hạn, của báo Quân đội Nhân dân. BBC Việt Ngữ rất tinh ý khi chọn ra đoạn chị viết về bà Lê Hiền Đức - một nhân vật đang được lề trái tung hô, chị chửi bà Đức rất kinh, đồng thời dùng thứ ngôn ngữ mà lề phải không bao giờ dùng, khi nói về Hồ Chủ tịch. Khuyến mại thêm 1 đoạn nữa trong bài “Suy đồi của suy đồi” chị viết trên blog 3/8/2009:
Nếu tớ là trưởng ban tổ chức cái nghìn năm Thăng Long, tớ sẽ làm ngay 2 bộ film, một người Pháp đã đô thị hóa Hà Nội ra sao, một kia là dân Nghệ đã nhà quê hóa Hà Nội thế nào… Này nhé, người Pháp đã bưng thói quen aỉ đồng của dân annam vào toilet trong nhà, Nghệ mình làm cái nhà mán giữa nơi đẹp nhất xứ ngọa hổ phục long và đưa toilet trở ra ao cá”.
- Có thể đối với một bộ phận lề phải, những tuyên truyền chính phái đạo mạo và lên gân một thời đã tỏ ra không còn hữu dụng, thì 1 thứ giọng dưới cả dân dã, nhưng nếu phang được những đối thủ trước mắt, những đối thủ hiện hữu, rất nên tận dụng. Nhưng người có danh phận trong guồng máy, TBT 1 tờ báo lề phải, sử dụng thứ ngôn ngữ ấy, lại là chuyện cần xét lại. Có nhiều việc, rồi từ từ sẽ xét. Cho nên bây giờ lề phải mới xét…
- Nhiều năm nay, đặc biệt sau vụ bầu Kiên bị bắt, trên mạng đã có nhiều bàn tán về những đấu đá ở tầm cung đình. Suy luận theo logic, có thể là đấu đá thật, mà cũng có thể là “kẻ địch lợi dụng chia rẽ nội bộ ta”. Cho nên Quan làm báo dù tung hô đồng chí Y để đả kích đồng chí X thì 1 ngày đẹp giời nào đó, đồng chí Y vẫn có thể nói X và Y là những người bạn chiến đấu cùng đội ngũ, bọn Quan làm báo nọ bịa đấy. Và đấy bằng chứng đấy, thỉnh thoảng có thông tin sai về việc bắt ông Masan này nọ, nếu QLB mà thân cận với đồng chí Y như nó nói, làm sao đưa tin sai được. Còn chị Hồng bênh vực đồng chí X nhiệt tình, ngấm ngầm dè bỉu đồng chí Y và tỏ ra khinh miệt công khai đồng chí Z, lại đương chức 1 tờ báo lề phải, muốn lập luận theo cách tương tự em e là khó.
- Với những gạch đầu dòng ở trên, dễ thấy sự khác biệt trong tư thế và cách nhìn của Cavenui và chị Beo. Có thể bảo chị Beo viết 10 thì Cavenui không đồng tình đến 8. Nhưng 2 điều còn lại mà Cavenui đồng tình, thì thường là hơn cả đồng tình, có khi là tâm đắc. Nó thường không dính đến chính trị, chẳng hạn khi chị luận văn hóa, luận báo lá cải, luận vài chuyện xã hội. Đã nhiều người viết về nữ ca sĩ Thái Thanh, có những bài rất dài rất công phu, nhưng chị Beo chỉ viết đúng 1 câu thôi, mà cực kỳ trúng phoóc, không ai nói về Thái Thanh thần tình hơn thế: “Giọng ca Hà Nội nhất”. Giá như chị Beo không can dự vào chính trị, chỉ viết những thứ văn nghệ bình dân thế thôi rất có thể cavenui sẽ là fan của chị.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"