Nguyễn Thị Từ Huy
Trao đổi với Đông La
Nguyễn Thị Từ Huy
Một người bạn chuyển cho tôi bài viết « Nguyễn Thị Từ Huy ăn cháo đá bát » của tác giả Đông La ở đường link này :
Có lẽ những người có kinh nghiệm sẽ khuyên tôi đừng nên nói gì, đừng
nên mất thời gian, vì thời gian của chúng ta phải dành cho những việc
cấp bách hơn. Nhưng tôi vẫn nói một vài lời, lí do sẽ được giải thích ở
cuối bài.
Tôi cho rằng, dù muốn hay không, chúng ta đang sống trong một thời
đại đa nguyên (bất chấp những ý chí muốn áp đặt một đường lối duy nhất,
một cách suy nghĩ duy nhất). Vì thế, một điều tự nhiên là chúng ta có
những cách nhìn nhận và những cách quan niệm khác nhau, do đó dẫn đến
những cách hành động khác nhau, và dẫn tới những cách đánh giá khác
nhau. Giá trị của dân chủ là ở chỗ, trước khi đi tới sự thống nhất, hoặc
dù cho không đi tới sự thống nhất, thì mọi ý kiến và mọi cách suy nghĩ
đều được tôn trọng như nhau, nếu chúng không có tính chất xúc phạm cá
nhân.
Vì vậy trao đổi này xuất phát từ sự tôn trọng mà tôi dành cho các phán xét của Đông La.
Trước khi nói chuyện của tôi, tôi muốn trao đổi với Đông La về một
vài điểm liên quan tới sự miệt thị mà ông dành cho các trí thức đã ký
kiến nghị đòi tự do cho Nguyễn Phương Uyên, trong bài viết « Trí thức
bầy đàn » trên blog của ông, ở đường link :
Ông gọi các trí thức ấy là « trí thức bầy đàn ».Và phán xét hành động ký thư ngỏ của họ là « phạm pháp bầy đàn ».
Ông có thể không ký kiến nghị, và theo tôi, ông cũng chẳng có gì sai
khi không ký, đấy là lựa chọn cá nhân của ông. Nhưng các trí thức đã ký
kiến nghị, họ cũng không sai, đấy là lựa chọn của họ. Nói rằng họ sai
lúc này e là quá sớm, lịch sử sẽ phán xét một cách công bằng các phán
quyết của ngày hôm nay. Nói rằng họ phạm pháp thì không biết điều luật
nào có thể dùng làm cơ sở cho quy kết đó của ông ?
Còn nếu nói họ bầy đàn thì rất thiếu chính xác. Họ chỉ có một trăm
bốn bốn người trên tổng số chín mươi triệu người. Thực ra họ rất đơn
độc, rất cô đơn. Họ là thiểu số của thiểu số. Đúng ra, phải nói rằng,
những người không ký kiến nghị (trong đó có tôi, tôi cũng đã không ký)
mới là thuộc về bầy đàn, nếu nhìn theo nhãn quan của ông. Vì thế nếu ông
cho rằng một số vô cùng ít ỏi làm một việc mà đa số những người khác
không làm là bầy đàn thì sẽ không chính xác. Ngoài ra, nếu ông gọi họ là
trí thức bầy đàn chỉ vì họ tập hợp lại với nhau vì một mục đích mà họ
cho là cao đẹp thì ông cũng cần gọi những trí thức hàng đầu thế giới như
Maurice Blanchot, André Breton, Margeritte Duras, Claude Simon… là trí
thức bầy đàn, bởi họ đã ký tuyên bố để phản đối chiến tranh Algérie, có
121 trí thức Pháp đã ký vào tuyên bố đó, họ chống lại cuộc chiến tranh
do chính phủ Pháp tiến hành. Và nếu theo cách mà ông phán xét tôi, thì
họ cũng là những người chống chính phủ của họ.
Bây giờ nói sang chuyện tôi có phải là kẻ ăn cháo đá bát không. Từ
quan điểm của ông, ông đánh giá tôi như vậy. Tôi chấp nhận cách đánh giá
đó.
Còn đây là suy nghĩ của tôi. Tôi không nhìn việc chúng tôi được nhận
học bổng của chính phủ như là một ơn huệ, mà nhìn việc đó trong một mối
quan hệ bình đẳng. Chính phủ có một khoản ngân sách để đào tạo những
người có khả năng chuyên môn cao. Để thực hiện được chương trình đó, cần
có những người có đủ năng lực đi học. Nếu không có những người đi học,
thì chính phủ cũng không thực hiện được chương trình này, không chi được
tiền, không giải ngân được. Để thực hiện chương trình này, cả chính phủ
lẫn người đi học đều có đóng góp như nhau. Tôi đã trải qua kỳ thi
nghiêm túc, nhận được học bổng bằng chính khả năng của mình, không nhờ
quen biết, không nhờ các mối quan hệ, không bỏ tiền ra để chạy học bổng.
Tôi không phải là người vô ơn, tôi thể hiện lòng biết ơn của mình bằng
cách không để tiền của chính phủ lãng phí. Tôi đã dành toàn bộ thời gian
của mình cho việc học tập và kết thúc luận án của tôi đúng thời điểm
quy định, không kéo dài thời gian, đồng thời đã cố gắng để luận án được
đánh giá ở mức cao nhất, như chính ông đã nhận thấy, và sau đó trở về
làm việc cho đất nước. Trong khi đó, nếu ông đã tìm hiểu thì hẳn ông
cũng phải biết rằng, rất nhiều người sau khi bảo vệ xong đã không quay
về. Và tôi không có ý định lên án họ. Tôi hiểu vì sao họ không quay về,
tôi hiểu cả mơ ước cũng như cả những nỗi khổ tâm của họ.
Còn những việc tôi làm mà ông cho rằng chống chính phủ, thì từ cách
hiểu của tôi, tôi lại thấy mình đang giúp cho chính phủ. Một chính phủ
mạnh sẽ xem các phản biện và các chỉ trích của người dân như là những
liều thuốc kháng sinh không thể thiếu, chính phủ sẽ dùng chúng để trở
nên mạnh hơn. Không có một chính phủ nào, không có một nhà nước nào là
hoàn hảo, vì thế các chính phủ, các nhà nước thực sự mạnh hiểu rõ giá
trị của các phản biện, hiểu rõ giá trị của khoa học và tri thức. Không
phải ngẫu nhiên mà tôi đưa tri thức và khoa học đặt vào trong lo gic của
phản biện. Những người làm khoa học, những người góp phần tạo ra tri
thức hiểu rõ rằng làm khoa học chính là một quá trình phản biện, thậm
chí phủ định. Ông cứ nhìn tốc độ phát triển của máy tính thì thấy, các
khám phá mới, các phát minh mới ra đời tạo ra sự thay đổi, tạo ra sự cải
tiến cho máy tính, cũng có nghĩa là các yếu tố cũ hoặc bị phủ định,
hoặc được phát triển. Khi nói được phát triển thì cũng có nghĩa là một
bộ phận cũ phải bị thay thế.
Ta có thể thấy là nếu một chính phủ sợ thay đổi, sợ sự phát triển thì
chính phủ đó không thể mạnh được. Chính phủ không mạnh thì dĩ nhiên đất
nước không thể mạnh được. Điều mà tôi và những người lên tiếng phản
biện mong muốn là có một chính phủ mạnh, để đất nước có thể mạnh lên.
Dĩ nhiên, đấy là quan điểm của tôi. Tôi không có hy vọng sẽ thuyết
phục được ông. Nhưng tôi thấy cần phải trình bày công khai, cũng như ông
đã trình bày công khai các ý kiến của ông.
Theo nhận định của một số người bạn có kinh nghiệm thì bài viết của
ông có thể là sự chuẩn bị hay mở đường cho « những động thái chính thức
». Tôi chẳng có tí kinh nghiệm nào. Tôi chẳng biết động thái nào đang
chờ đợi tôi. Dù thế nào thì cũng phải chờ câu trả lời của thực tế.
Cuối cùng, tôi có gì để đáp lại những quy kết, những phán xét mà ông dành cho tôi?
Tôi chẳng có gì hết ngoài một thứ duy nhất.
Đó là niềm tin vào lương tri của ông, vào tính thiện trong con người
ông, vào khả năng nhận thức và ý thức về sự công bằng của ông.
Tất nhiên tôi biết rằng có thể ông sẽ muốn biến tôi thành kẻ lố bịch
với cái niềm tin ngây thơ khờ khạo đó của tôi, như ông đã muốn làm với
nhiều người khác trong các bài viết của ông. Dễ lắm, chỉ cần nhắm mắt
lại, khép trí não lại, khép chặt trái tim lại, và viết về người khác như
mình muốn, từ quan điểm của mình, từ định kiến của mình. Chẳng có gì dễ
hơn thế. Nhưng vấn đề sẽ là ở chỗ, chưa chắc điều ông muốn lại có thể
đưa ông tới hiệu quả như ông muốn. Bởi lẽ người đọc luôn có sự độc lập
của họ, luôn có khả năng phân tích, xét đoán của họ. Họ có lý trí và
trái tim của họ.
Cho dù ông có dẫm đạp lên niềm tin của tôi, cho dù ông có phỉ báng
nó, phỉ nhổ nó, lên án nó, giày xéo nó dưới chân ông hay dưới ngòi bút
của ông, thì tôi vẫn kiên định với niềm tin đó. Của tin còn một chút
này. Đó là điều duy nhất giúp tôi còn có thể sống sót và làm việc trong
một xã hội như thế này.
Để đáp lại sự phán xét của ông, tôi tặng ông tất cả niềm tin vào
những giá trị mà ông có khả năng gìn giữ và xây dựng, mà chúng ta có khả
năng gìn giữ và xây dựng. Dù rằng lúc này có thể đã là quá muộn.
Trân trọng!
Nguyễn Thị Từ Huy