Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Nghĩ về các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam

Nguyễn Hưng Quốc

Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội ngày Chủ nhật 9/12/2012.
Cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Sài Gòn và Hà Nội vào Chủ nhật 9/12 vừa qua lại bị chính quyền ngăn chận và trấn áp. Nhiều người bị công an đến vây chặt đến độ không thể rời khỏi nhà được. Nhiều người khác bị bắt. Những người còn lại thì bị xua đuổi và cuối cùng, giải tán. Tuy vậy, dù chỉ tập hợp được vài ba trăm người và chỉ diễu hành được trong một khoảng thời gian ngắn, rất ngắn, chỉ vài tiếng đồng hồ, các cuộc biểu tình ấy, theo tôi, vẫn thành công.
Thành công ở bốn điểm chính:

Thứ nhất, người ta đã cất lên được tiếng nói của mình và tiếng nói ấy đã có âm vang, được tường thuật rộng rãi trên những cơ quan truyền thông nổi tiếng và có ảnh hưởng khắp thế giới: Dân chúng Việt Nam, bất chấp những sự đe doạ của chính chính quyền nước họ, đã không chịu khuất phục trước những hành động gây hấn và xâm chiếm ngang ngược của Trung Quốc. Họ thể hiện quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền và nhất là danh dự của đất nước.
Thứ hai, chính quyền Việt Nam càng ngăn chận và khủng bố dân chúng bao nhiêu càng bộc lộ bản chất nhu nhược, thậm chí, khiếp nhược của họ trước Trung Quốc bấy nhiêu. Thái độ đối với Trung Quốc trở thành một tiêu chí phân biệt dân chúng và chính quyền: Dân chúng, những người thấp cổ bé miệng, không hề có một vũ khí nào ngoài lòng yêu nước, hừng hực quyết tâm chống giặc và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ; chính quyền, với lực lượng công an trùng trùng điệp điệp, ngược lại, lúc nào cũng cúi đầu trước một nước Trung Hoa đầy tham vọng và dã tâm; hơn nữa, chỉ biết dùng vũ khí để trấn áp dân chúng của chính nước mình. Sự trấn áp càng khốc liệt, sự khác biệt ấy càng rõ ràng và bản chất của chế độ lại càng nổi bật.
Bởi vậy, có thể nói mỗi cuộc biểu tình, dù nhiều hay ít, cũng đều làm rơi một chiếc mặt nạ của chính quyền. Mỗi mặt nạ là một huyền thoại. Một lúc nào đó tất cả huyền thoại đều tan vỡ. Mà, hầu như ai cũng biết, sức mạnh và sức sống của chính quyền Việt Nam, cho đến nay, đều được xây dựng bằng những huyền thoại, từ các huyền thoại liên quan đến kháng chiến đến huyền thoại Hồ Chí Minh. Khi huyền thoại đổ, nhà cầm quyền trở thành chơi vơi. Không một lực lượng chính quyền nào có thể tồn tại trên một nền tảng chơi vơi như thế. Vấn đề chỉ là thời gian.
Thứ ba, như là hệ quả của hai điều trên, mỗi cuộc biểu tình trở thành một phiên toà xét xử nhà nước và đảng cầm quyền Việt Nam trước dư luận quốc tế. Chứ không phải sao? Cho đến nay, tất cả các cuộc biểu tình ở Việt Nam đều thu hút sự chú ý của giới truyền thông trên thế giới. Ở mọi bài viết, người ta đều tường thuật không phải bản thân cuộc biểu tình mà còn cả các sự trấn áp của chính quyền. Một sự trấn áp vừa dã man vừa vô lý: đối tượng của sự trấn áp là lòng yêu nước. Mỗi bài tường thuật như vậy, dù được viết một cách ngắn gọn và khách quan đến mấy, cũng đều trở thành một bản án đối với chính quyền Việt Nam trước bồi-thẩm-đoàn-nhân-loại.
Thứ tư, mỗi cuộc biểu tình là một đợt “tập huấn” của tiến trình dân chủ hoá. Một người bạn tôi, từ Việt Nam sang Úc chơi, nói với tôi điều này: Một trong những sự thay đổi lớn nhất ở Việt Nam từ năm 2007, lúc bùng nổ cuộc biểu tình chống Trung Quốc đầu tiên tại Sài Gòn, đến nay, là: dân chúng càng ngày càng bớt sợ chính quyền. Sợ, dĩ nhiên, vẫn sợ. Nhưng cảm giác sợ hãi càng lúc càng giảm. Anh nhớ, lần đầu tiên tham dự cuộc biểu tình chống Trung Quốc năm 2007, lúc nào anh cũng phập phồng. Tối hôm trước, anh không ngủ được vì lo lắng. Buổi sáng, bước ra khỏi nhà, anh thấy chân mình lóng ngóng. Nhập vào đoàn biểu tình, hai đầu gối anh bỗng dưng run lẩy bẩy. Sau đó, anh bị công an hành hạ đủ điều. Nhưng càng lúc anh càng thấy mình không còn sợ hãi nữa. Những lần biểu tình sau này, anh bị làm khó dễ nhiều hơn, nhưng anh lại thấy bình tĩnh hơn. Mà bạn bè chung quanh anh, ai cũng vậy.
Đối với một nhà cầm quyền tồn tại trên huyền thoại, tuyên truyền và khủng bố, không có gì đáng gì sợ bằng cả bốn điều vừa nêu.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"