Hóa ra chuyện kêu gọi bảo vệ Nhà nước XHCN để “bảo vệ sổ hưu
cho những người đang hưởng chế độ hưu và bảo vệ sổ hưu cho những người
tương lai sẽ hưởng sổ hưu” của Đại tá được dán nhiều nhãn “Phó Gíáo sư
–Tiến sĩ – Nhà giáo Ưu tú – Giảng viên Học viện Chính trị, Bộ Quốc
phòng” Trần Đăng Thanh, làm nhiều người phẫn nộ hơn tôi tưởng.
Trong số này có cả bác Nguyễn Quang Lập. Bác Lập mới post entry “Khổ
thân Tổ quốc XHCN” trên blog “Quê Choa”. Đọc xong, tôi muốn thưa với bác
Lập vài điều.
Trên đời này không có cái gọi là “Tổ quốc XHCN” chỉ có “Nhà nước
XHCN” thôi. Không trước thì sau, chẳng sớm thì muộn, “Nhà nước XHCN” sẽ
tiêu vong như nhiều thể chế chính trị khác đã ra ma trong quá trình tiến
hóa của nhân loại. Đó là quy luật, chẳng ai cưỡng được quy luật cả. Còn
Tổ quốc của chúng ta thì cả tôi lẫn bác và mọi người phải ráng mà bảo
vệ sự trường tồn của nó thôi! Tôi tin một người như bác Lập dư sức phân
biệt “Nhà nước XHCN” và “Tổ quốc” khác nhau ra sao nhưng nghe Đảng đánh
đồng “Nhà nước XHCN” với “Tổ quốc” mãi rồi thành quen nên đôi lúc lịu
lưỡi, nói lộn thành “Tổ quốc XHCN”! Chẳng riêng bác, tôi cũng có lúc như
vậy!
Ngặt ở chỗ, không giống như tôi, bác và nhiều người khác (khi biết
mình sai thì ráng sửa, biết nói lộn thì xin lỗi và nói lại cho rõ), xứ
mình có nhiều “thằng”, nhiều “con” (xin lỗi vì lối gọi thô lỗ này nhưng
vốn liếng tiếng mẹ đẻ có hạn, tôi không tìm được đại từ nhân xưng nào
chính xác hơn để diễn đạt ý mình), trước bàn dân thiên hạ vẫn nói láo
dẻo quẹo, tỉnh bơ, không hề biết ngượng.
Thiệt ra, xứ nào cũng có những “thằng”, những “con” như vậy nhưng ở
xứ mình, chuyện đó trở thành bi kịch cho cả xứ sở vì những “thằng”,
những “con” đó đã láo, còn ngu, lại có quyền sinh sát trong tay, định
đoạt mọi chuyện.
Người Việt mình hay dùng từ “điếm” để chỉ những kẻ lừa gạt người khác
nhằm trục lợi. Tuy nhiên “điếm” có nhiều loại. Nếu tôi không lầm, việc
phân loại “điếm” thường dựa vào “tri thức, khả năng tư duy, trình độ...
lừa đảo”. Đứng đầu hình như là “trí thức lưu manh”, kế đó là “điếm qúy
tộc”, “điếm hạng sang”, rồi tới điếm, hạng xoàng”... Riêng dân Nam bộ
còn một từ khác để chỉ thứ “điếm” mạt hạng, ai cũng biết là “điếm”, nên
làm “điếm” mà chẳng gạt được ai, đó là… “điếm vườn”.
Theo lối phân loại này, có thể xếp những “thằng”, những “con” mở
miệng ra là nói láo, nhưng nói láo rất ngu, chẳng gạt được ai ở xứ mình
vào hạng “điếm vườn”.
Bác bức xúc vì tay Đại tá Trần Đăng Thanh bảo rằng, làm gì thì làm,
không được “vong ân bội nghĩa” với Trung Quốc, rõ ràng là không sai
nhưng trách làm chi, tranh luận làm gì cho hao hơi, tổn sức, khi tay đại
tá đó và nhiều tay khác, kể cả đám lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ
đều thuộc loại nhai lại (ăn xong, ụa ra, nhai tiếp, nuốt lại theo bản
năng).
Vì cái “sổ hưu” và cả vì ưu thế có quyền sinh sát, định đoạt mọi
chuyện, đám này đâu thèm quan tâm đến tính hợp lý, khả năng thuyết phục
của luận điệu. Nếu thực sự thuộc loại thủy chung, “có trước, có sau”,
nghĩ tới “ân nghĩa” thì theo logic, trước tiên, họ phải nghĩ tới chuyện
“đền ơn” tiền nhân, “báo đáp” khát vọng “dân giàu, nước mạnh, xã hội
công bằng, văn minh” mà vì nó cả triệu người bỏ mạng trong các cuộc
chiến từ 1954-1975, bảo vệ biên giới phía Tây Nam, bảo vệ biên giới phía
Bắc chống chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc chứ. Tại sao họ không làm
mà chỉ quan tâm tới chuyện ghi nhớ công ơn Trung Quốc, ráng giữ để không
trở thành “vong ân, bội nghĩa” với đám đã dạy cho họ không chỉ một mà
rất nhiều bài học? Đảng Cộng sản Trung Quốc có phải là ông cố nội của họ
không? Câu trả lời chắc chắn là không! Họ nói láo chỉ để giữ cái gọi là
“ổn định chính trị”, sâu xa hơn là đừng để mất “sổ hưu”. Có ai tin họ
không? Tôi tin là không. Họ biết điều đó không? Tôi tin là có. Vậy tại
sao họ không nói kiểu khác, sang hơn? Tôi nghĩ là họ cũng muốn nhưng
nghĩ không ra vì họ là… “điếm vườn”. Sức nghĩ, khả năng tư duy của họ
chỉ tới đó thôi.
Xét cho đến cùng xã hội đảo điên, nhân tâm ly tán cũng vì “Điếm vườn”
làm cha! Có thể cũng tại vậy, cách nay cả chục năm, Bùi Chí Vinh - một
gã thuộc giới văn nghệ sĩ nhà bác – đã từng than: Ta sinh ra nhằm buổi
nhiễu nhương. Bất lương bàn luận chuyện hiền lương…