Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

Bao giờ ước muốn của Chí Phèo thành hiện thực?

Dân Luận
KhachTM1111 viết: ... xã hội nơi tôi đang sống không buộc tôi phải tha hóa mới nuôi nổi gia đình và lo cho các con học hành đến nơi đến chốn. ... Rất có thể trong những năm đầu vừa tốt nghiệp xong tôi vẫn còn sống theo lý tưởng đói cho sạch, rách cho thơm. Nhưng dần dà khi có con có cái thì chưa chắc tôi đã giữ vững tinh thần trong sạch để mặc con mình thua thiệt, trong khi chung quanh đầy rẫy những cảnh chụp giựt dể tiến lên.
Trong mấy chục năm làm việc tại đất nước thứ hai tôi thấy được rằng mình chỉ cần chu toàn công việc chuyên môn là được hưởng đồng lương xứng đáng với khả năng và được cất nhắc đều đặn đúng với năng lực, mà không cần phải đến nhà xếp thăm viếng quà cáp gì cả. ... tôi không cần phải tha hóa, và có muốn tha hóa cũng không biết tha hóa như thế nào.
 
Tôi rất thích bài viết này của bác KhachTM1111, rất dễ hiểu và có tính thuyết phục.
Là một học sinh du học, tôi từng nói chuyện với một số người chưa từng đến Mỹ, hoặc đã ghé thăm nhưng vì thăm theo kiểu "quan chức, du lịch" nên cách nhìn vẫn có ít nhiều sai lệch. Đa phần mọi người chỉ biết nước Mỹ như một đất nước rất giàu, hay can thiệp vào chuyện nước khác, tình hình trị an thì hơi nhiều bạo lực (vì có những vụ xả súng hay được nhắc đến trên tivi), người dân làm việc nhiều chết bỏ (không có thời gian đi nhậu, cà phê cà pháo với bạn bè như ở Việt Nam), đàn ông cũng phải làm việc nhà nhiều như đàn bà, người già sẽ bị con cái tống vào trại dưỡng lão v.v... Có người đã từng qua Mỹ, biết hơn, nhưng vì quyền lợi của mình nên vẫn có những ngụy biện kiểu như "nước Mỹ cũng đầy tham nhũng (lobby), chả khác ở Việt Nam".
Những người chưa từng qua một nước phương Tây, hoặc qua theo kiểu du lịch ấy có lẽ khó mà hình dung ra được cảm nhận của một người sống trong lòng xã hội phương Tây, được tiếp xúc với luật pháp của họ, cách hành xử của họ, môi trường sống của họ. Mà đó mới là những điều khiến cuộc sống của họ trở nên ưu việt và đáng mong ước, chứ không chỉ là sự giàu có hào nhoáng được thể hiện trong các bộ phim.
Chí Phèo: Ai cho tao lương thiện?
Những người ấy thường ngỡ ngàng khi nghe tôi đề cập đến những khía cạnh ít được nhắc đến hơn trên màn ảnh nhưng lại đáng ao ước với người sống ở Việt Nam. Ở Mỹ, tôi không phải lo về những hóa chất độc hại trong thực phẩm đang ngày ngày hủy hoại sức khỏe của cả gia đình, vì không hàng quán nào dám làm bậy dưới sự giám sát khắt khe của chính quyền và cộng đồng. Giá cả các vật phẩm thiết yếu rẻ và ổn định so với thu nhập người dân. Tôi không thích, nhưng không ghét hàng Tàu một cách ám ảnh như mọi người ở Việt Nam, vì sự kiểm soát chất lượng ở Mỹ tốt hơn, ít hàng nhái hàng giả. Khi đi bệnh viện, tôi không phải thủ những tờ tiền lẻ trong ví để mua lấy một nụ cười, một sự tận tâm làm việc, một mũi kim tiêm nhẹ nhàng của các y tá, bác sĩ. Khi gặp một người cảnh sát giao thông, nhất là khi đi chơi tối, tôi mừng lắm, vì biết rằng khu này an toàn và mình có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của họ, chứ không coi họ như những con quái vật chỉ biết nhũng nhiễu người dân, còn khi hữu sự thì cả tiếng đồng hồ không thấy ló mặt đến. Ở Mỹ, trừ khi lạc vào khu anh chị hoặc gặp cướp, tôi không thấy người ngay phải sợ kẻ gian. Tôi cảm thấy yên tâm và được bảo vệ bởi luật pháp, bởi những quy định rõ ràng, minh bạch, tiện lợi cho dân. Thật đáng buồn khi sống ở Việt Nam tôi không thể có niềm tin như vậy, mà chỉ có thể yên tâm nếu trong tay có thật nhiều số điện thoại của những “người quen” đầy quyền lực, để khi vô bệnh viện thì gọi anh A, xin cho con vào trường học thì gặp chị B, có sự cố với công an giao thông thì gọi chú X… Nhưng tôi chỉ là một người dân thường, không có nhiều số điện thoại như vậy, nên tôi thiết tha yêu mến một xã hội mà ở đó người dân trung lưu bình thường có thể sống được nếu chăm chỉ làm ăn, không cần phải dựa vào “quan hệ” hay “tiền tệ”, một xã hội mà ở đó có những ý niệm tối thiểu về lẽ công bằng, về sự cạnh tranh bình đẳng… Trong xã hội đó, người ta cư xử với nhau lành hơn, và chính tôi cũng trở nên hiền lành, ít bon chen hơn khi sống ở Việt Nam (Điều này, không chỉ tôi mà nhiều người bạn của tôi sang sống ở các nước phát triển như Nhật, Mỹ đều có sự thay đổi như thế).
Hiện giờ, tôi ở Việt Nam. Tôi mang những tờ tiền lẻ để “rải” khi đến bệnh viện. Tôi nhún nhường khi bị một thằng choai choai tạt đầu xe, không dám mở miệng cự nự. Tôi rồ máy xe ngay khi đèn đỏ ngã tư còn chưa hết 3 giây cuối cùng. Tôi lao thẳng lên vỉa hè, lạng lách trong những buổi chiều tan tầm đông nghẹt. Tôi lật giở sổ điện thoại để tìm người quen khi muốn tiếp cận một dịch vụ công nào đó. Tôi cầm bóp tiền và suy tính xem loại rau nào mùa này ít bị phun thuốc nhất. Tôi…
Thưa các bạn, tôi đã trở lại làm một người Việt Nam chính cống. Nhưng tận trong tim, tôi vẫn ao ước được sống cho ra hồn, được làm một người tử tế. Đúng hơn là, mong được xã hội cho phép mình làm người tử tế.
Bao giờ ước muốn của Chí Phèo thành hiện thực?

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"