Chu Hảo
Tôi xin ngả mũ kính chào người lính-thày thuốc của trại giam Thanh Hà
vì hành động dũng cảm đầy tính nhân văn khi công khai tuyên bố rằng :
Hãy để cho anh đưa Bùi Minh Hằng về nhà một cách an toàn rồi anh sẽ cởi
bỏ bộ quân phục đang mặc (xem Phương Bích). Trong một thể chế nói chung là không khuyến khích trau dồi và tôn trọng nhân cách, thì đấy là một cử chỉ thật đáng khâm phục.
Tôi tin rằng hàng ngàn cảnh sát, quân đội và dân phòng đã tham gia
vào cuộc đàn áp vi hiến và vô đạo đức những người dân không được luật
pháp bênh vực ở Văn Giang hôm 24/4 vừa qua, cũng như hàng triệu đồng
nghiệp của họ ở khắp đất nước này, sớm muộn cũng được biết đến sự việc
kể trên. Biết rồi để mà đắn đo suy nghĩ trước khi buộc phải tham gia vào
các cuôc đàn áp nhân dân tương tự mà không ai dám chắc là sẽ không xấy
ra ở quy mô lớn hơn với mức độ nghiêm trọng hơn.
Ngày 21 tháng 7 năm ngoái, cũng trên blog này, tôi đã lên tiếng phản đối hành động dã man của một sỹ quan an ninh Thủ đô đạp vào mặt người biểu tình yêu nước, và cảnh báo :
“Nó hết sức nguy hiểm là bởi vì, nếu chúng ta không kiên quyết
ngăn chặn thì lực lượng an ninh vẫn tự khẳng định mình là “ vì dân, của
dân ” sẽ trở thành lực lượng đàn áp nhân dân một cách thô bạo. Sự đàn áp
này khêu ngòi và kích động các hành vi bạo lực, có nguy cơ gây mất ổn
định chính trị vào đúng lúc, hơn bao giờ hết chúng ta cần sự ổn định
chính trị và đồng thuận xã hội để bảo vệ và phát triển đất nước trong
tình hình nóng bỏng hiện nay.
Nó hết sức nguy hiểm còn bởi vì, qua hình ảnh này, toàn thế giới
đang nhìn ta nghi ngại : liệu có nên làm bạn với một chính quyền có lực
lượng an ninh đối xử tệ hại như vậy đối với nhân dân mình ? ”.
Bây giờ thì lời cảnh báo ấy có vẻ như đã thừa ! (?). Chính quyền này hình như không biết sợ dân nữa rồi ! (?)
Tôi hết sức cảm phục và đồng tình với các tác giả của những bài viết
chí lý và thấu tình về sự cố Văn Giang như Nguyễn Minh Thuyết, Hoàng
Xuân Phú, Tương Lai, Nguyễn Trung, Phạm Đình Trọng, Nguyễn Quang Lập,
Nguyễn Xuân Diện, Huy Đức, Trần Quốc Thuận, Lê Hiền Đức, Nguyễn Khoa
Điềm, Thanh Thảo, Đào Tiến Thi, Nguyễn Thị Hồng, … cùng rất nhiều người
tâm huyết khác. Và cũng muốn góp thêm một tiếng nói để cùng các anh chị
góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ những người dân nghèo ở nhiều nơi trên
đất nước này đang bị dồn ép vào cảnh khốn cùng bằng các luật lệ phi lý
và các biện pháp trấn áp tàn bạo.
Nhưng nghĩ cho cùng, chỉ cần nhắc lại mấy câu trong bài thơ Đối thoại
của Nguyễn Minh Thuyết là đã đủ lắm rồi. Mấy vần thơ đau đớn ấy thế này
:
“Người thắng trận này không phải nhân dân
Dân là vậy
Chỉ thắng trong trận cuối
Nhưng chính quyền nhân dân thất bại
Khi tấn công những người mình nhân danh”.
Dân là vậy
Chỉ thắng trong trận cuối
Nhưng chính quyền nhân dân thất bại
Khi tấn công những người mình nhân danh”.
Bài thơ chỉ nói đến trấn áp mà lại mang tựa đề Đối thoại. Ta ngầm
hiểu : đối thoại bình đẳng là phương sách duy nhất đảm bảo sự không thua
cho cả hai bên. Nếu chính quyền vận dung pháp luật để bảo vệ quyền lợi
chính đáng của những người mình mang danh, chứ không phải chỉ vì lợi ích
nhóm, thì đã chẳng có trận mạc nào xẩy ra.
Còn trận cuối mà dân sẽ thắng là trận nào ?
Phải chăng là sự phanh phui đến cùng những khuất tất và những bất hợp
lý xung quanh dự án Ecopark để xử lý một cách nghiêm minh và thỏa đáng
trên cơ sở tôn trọng pháp luật và lợi ích của các bên, đặc biệt là của
người dân bị cưỡng chế, như tinh thần của Bản tuyên bố mới công bố trên
Bauxite Việt Nam, được khởi xướng bới nhóm GS Huệ Chi ?
Hay là cuộc vận động tẩy chay quyết liệt các dự án gây nhiều thiệt
hại cho nông dân giống dự án này, như tinh thần bức thư gửi các đối tác
của EcoPark (Công ty Savills và British University) do GS Phạm Quang
Tuấn (Úc) khởi thảo ?
Tôi nghĩ rằng việc tham gia ký tên vào hai văn kiện ấy là hành động thiết thực và kịp thời của chúng ta trong lúc này.
Đằng nào thì nhân dân cũng sẽ thắng ! Chính quyền trước sau rồi cũng
thua nếu tiếp tục đàn áp không nương tay những người cho mình mang tên.
Nguồn: Diễn Đàn online