Hoàng Hạc/Người Việt
Trước vụ Văng Giang, nếu nói xa
hơn một chút, có thể nhắc đến Cồn Dầu, Dakmin, Can Lộc... và Tiên Lãng.
Những sự kiện này đều có chung một điểm là nhân dân nổi giận trước sự áp
chế vô lý của chính quyền lên quyền lợi của mình và phản đối, phản
kháng.
Trong vụ Văn Giang, người nông dân công khai gọi chính quyền là kẻ cướp đất. (Hình: Internet) |
Theo thời gian, những sự kiện này có cấp độ mạnh dần về cả hai phía, nhà nước và nhân dân.
Nếu như những sự kiện trước Tiên Lãng đều dừng ở mức biểu tình, treo
biểu ngữ phản đối chính quyền bất công thì từ Tiên Lãng trở đi, vũ khí
bắt đầu xuất hiện, cấp độ và qui mô phản đối cũng như cưỡng bức ngày
càng tăng cao.
Ở Tiên Lãng, gia đình anh Ðoàn Văn Vươn đã dùng súng hoa cải để đối
phó với các loại súng chuyên nghiệp cũng như chó săn và lựu đạn cay của
công an. Kết quả, súng đã nổ và mọi sự rơi vào giằng co bất phân minh,
gia đình anh Vươn gặp thêm nhiều khó khăn chồng chất vì chịu sức ép từ
chính quyền nhưng họ vẫn kiên định đấu tranh.
Ở Văn Giang, số lượng người bày tỏ thái độ bất bình và đấu tranh tăng
lên cao, lên đến vài trăm người, họ quyết chống đối đến cùng để bảo vệ
quyền lợi chính đáng của mình.
Ðể đối đầu với nhân dân, chính quyền đã huy động hàng ngàn công an,
cảnh sát đến trấn áp, dùng lựu đạn cay, dùi cui và quả đấm để đè bẹp,
bắt bớ nhân dân.
Có một mẫu số chung đáng nhớ ở tất cả những sự kiện liên quan đến đất
đai tại Việt Nam: Những quyền lợi của các đại gia, trọc phú, được công
an thay mặt nhà nước bảo vệ đến tận cùng; Quyền lợi của người dân không
được đoái hoài đến và thậm chí bị áp bức, đàn áp một cách dã man.
Trong những cuộc đàn áp này, nhà nước, chính quyền ra lệnh, công an
thực thi mệnh lệnh một cách không cần suy nghĩ, hành động và hành động,
khiến người chứng kiến phải đặt câu hỏi: Công an là ai? Họ có phải là
con người?
Công an là ai?
Xin thưa, họ là những con người được học hành, được đào tạo từ nhân dân để trở về phục vụ nhân dân.
Sở dĩ nói họ được đào tạo từ nhân dân là chính xác 100% bởi vì ngành
công an được đào tạo trong một môi trường đặc thù mà tất cả các ngành
khác không có được. Từ vấn đề học phí được miễn 100% trong quá trình học
cho đến sứ mệnh của họ trong tương lai: “Công an nhân dân.”
Và thử đặt lại vấn đề, đảng Cộng Sản, chính quyền, nhà nước Việt Nam
này tồn tại mấy mươi năm nay là nhờ đâu, nếu không dựa vào nhân dân, nếu
nhân dân không đóng thuế hằng ngày, hằng giờ để nuôi họ, liệu họ có tồn
tại được cho đến ngày hôm nay?
Và, các trường đại học có tồn tại được cũng hoàn toàn dựa vào công sức của nhân dân, hiểu trên mọi nghĩa đều như thế.
Trường đào tạo công an thì càng nặng nợ với nhân dân gấp nhiều lần
những trường khác, vì nhân dân đóng thuế hằng ngày để nuôi nấng họ từng
bữa ăn, cái giường ngủ, bộ áo quần, để họ học tập đến nơi đến chốn, tốt
nghiệp, ra trường với đầy đủ kỹ năng bảo vệ an ninh.
Nhưng, những sự kiện gần đây, từ những trí thức yêu nước xuống đường
biểu tình chống Trung Quốc cho đến những người dân thấp cổ bé họng kêu
gào đau đớn vì những quyền lợi xương máu của họ bị lấy đi không thương
tiếc... đều bị “công an nhân dân” quay mặt, đàn áp và giải quyết bằng
bạo lực.
Không biết, trong số công an tham gia những cuộc bắt bớ, có ai có
(hoặc từng có) cha mẹ là nông dân? Có ai từng chứng kiến những giọt mồ
hôi vắn dài trên trán, trên lưng của cha mẹ? Có ai từng nhìn thấy cha mẹ
cấp ca cấp củm từng đồng lẻ cho con mình ăn học, rồi mua sắm, rồi đóng
thuế, vì họ luôn ý thức đóng thuế là yêu nước?!
Cuộc cách mạng nông điền
Nếu chịu khó quan sát và xâu chuỗi mọi sự kiện, tình huống và kết
quả, sẽ cho ra được đáp án rất đáng xấu hổ: Nhân dân càng lúc càng xa
lánh, thậm chí có người thù hận công an, tương lai của ngành công an trở
nên đen tối.
Nói tương lai của công an đen tối là hoàn toàn có cơ sở, một chế độ,
một ngành nghề, một nhóm hay một đảng phái có tồn tại được hay bị bứng
gốc đều tùy thuộc vào thiện cảm và tấm lòng của nhân dân dành cho họ.
Chuyện đất đai, chuyện chủ quyền đất nước là vấn đề sống còn của nhân
dân, của dân tộc. Những ai chống đối và đàn áp những chí hướng bảo vệ
phần thiêng liêng này đều trở thành phản động trong con mắt nhân dân.
Và kết cục của một kẻ phản động sẽ như thế nào?
Sự kiện Văn Giang đã lộ rõ chân dung của kẻ phản động nhân dân, bất
chấp mồ hôi, xương máu và tiếng thở dài, tiếng kêu bi thương của họ mà
soán đoạt tận xương tủy.
Nhân dân sẽ đau đớn, nhân dân sẽ thù hận.
Nhưng, con tốt thí lần này dùng để ném về phía nhân dân lại là những
công an nhân dân. Một ván cờ quá hiểm độc, gây đau khổ cho cả nhân dân
và công an.
Vô hình trung, những đồng lương còi cọc cùng chức năng “bảo vệ đảng”
đã đẩy những công an ra chường mặt, chịu trận, chịu tội phản động trước
nhân dân, nhưng thành quả, miếng ngon thì lại thuộc về kẻ khác ở “phía
trên.”
Ðiều này nhắc nhớ đến những con chó săn tội nghiệp và những gã thợ
săn tinh ranh. Mỗi khi có mồi, những thợ săn thả chó và ra sức kích động
cho nó săn, nó có thể trả giá bằng tính mạng trong lúc tranh sống còn
với con mồi.
Nhưng, khi con mồi chết, gã thợ săn chễm chệ làm thịt con mồi chè
chén nó say, nếu còn chút trắc ẩn, gã thợ săn sẽ ném cho con chó một
miếng xương gọi là thưởng công.
Ðó là chưa nói đến chuyện lỡ có một giai nhân đến bên gã thợ săn nũng
nịu rằng mình đang thèm thịt con chó săn này vì nó đẹp, nó giỏi, thịt
của nó sẽ ngon!
Dù sao, những người công an, suy cho cùng, họ cũng đáng tội nghiệp vì
họ bị mắc bẫy ngay từ trứng nước. Phàm đã làm người, ai cũng mong muốn
con người hướng thiện, hành thiện lành, quay đầu là bờ...
Và, cái bẫy lớn nhất ở đây chính là những người “bề trên” đã phản bội
ra mặt đối với không những nhân dân mà cả công an, họ đã đẩy công an
vào tình thế đối đầu với nhân dân, chịu trận và gây hận thù với nhân
dân. Trong khi họ ngồi chễm chệ nhìn những con tốt mình thí chết dần
mòn...
Và, với đà trấn áp mỗi lúc một mạnh tay, qui mô càng thêm rộng và sắt
máu với nhân dân, thì câu chuyện khó mà dừng ở đây! Và, có khi nào
người công an tự hỏi về số phận của họ một khi Việt Nam xảy ra cuộc Cách
Mạng Nông Ðiền giống như Cách Mạng Hoa Nhài chẳng hạn?!