Tôi tin ông tướng Phạm Xuân Thệ là một người lính tuân thủ quân kỷ của quân đội và ông có được tưởng thưởng thì hẳn ông cũng chứng tỏ được tài năng quân sự của ông, nhưng đọc bài báo "36 năm, chuyện bây giờ mới kể" phỏng vấn của ông, tôi không khỏi ngậm ngùi làm một con tính, bởi từ trước tới giờ đọc các hồi ký hay phỏng vấn của các tướng VNCH, hiếm khi tôi thấy họ nhắc đến số thương vong. Hình như đó là sự khác biệt giữa những người tướng ở hai miền, một bên nói ra như một niềm tự hào, một bên tránh nhắc như một sự ngậm ngùi tổn thương cho chính người anh em mình.
Dù là địch hay bạn, khi nhắc lại lịch sử với một cung cách tự hào không khỏi xót lòng những người ở cả hai bên cuộc chiến. Cứ thử tính trận chiến Mắt ngọc mà ông nhắc đến từ ngày 29-7 đến 7-8 chỉ có 11 ngày mà tử thương đến 3028 người của cả hai phía, tính trung bình là 275 người một ngày. Tôi cứ tưởng tượng là quá nửa số người đang làm việc chung quanh tôi, nếu tất cả nằm lăn ra đó, khủng khiếp biết bao nhiêu, tưởng tượng thôi cũng đủ rùng mình. Giải phóng cho ai, mà anh em cùng chung tiếng nói lại giết nhau như thế? Bắc Hàn và Nam Hàn không hề làm chuyện đó, dù Bắc Hàn mới đây cũng đe doạ sẽ làm cho Nam Hàn thành tro bụi, Đông Đức và Tây Đức cũng không hề giết nhau. Tại sao chỉ có người VN lại thích giết nhau, thích làm một cuộc chiến tranh đổ máu để gọi là "thống nhất" đất nước? Tại sao báo chí lại chỉ chực chờ cái ngày này để nhắc lại một cuộc chiến làm đau lòng người? Đi từ Nam ra Bắc bao nhiêu nghiã trang tử sĩ quân đội Nhân Dân Việt Nam, không kể những nghĩa trang quân đội Việt Nam Cộng Hoà đã bị xóa sổ, gìữa bao nhiêu người gọi là mừng sự chiến thắng ấy, có biết bao bà mẹ đã mất con, dù là hy sinh hay tiêu diệt? Nhà nước kêu gọi hoà giải hoà hợp, nhưng truyền thông VN thì đợi ngày này để tuyên dương ai đó, ăn mừng trên sự đau khổ của nửa nước (có khi cả nước)
Đoạn trả lời dưới đây của ông tướng có thể cho thấy tính cách "dã man" của một đội quân VN, của con người VN được không? Môt bản chất hơn thua không có tính người?
Thay vì chọn lựa một cuộc đối thoại trong hoà bình, người ta đã xua quân để giết cho bằng được. Vâng, ngày ấy họ cũng đối thoại ở hội nghị Paris, này nọ, nhưng một mặt vẫn xua những người thanh niên ưu tú của đất nước vào chiến trường cho cái gọi là "giải phóng", thống nhất đất nước.
"Thật ra đây là vấn đề thuộc cấp cao hơn cho ý kiến vì còn nhiều vấn đề tranh cãi do cách nhìn nhận khác nhau trận đánh. Nhưng theo ý riêng của tôi, thì lúc đó, dù có 5 mũi đánh vào Sài Gòn, không mũi này thì mũi kia, song không chỉ huy cánh quân nào chịu “lùi” hay “dừng” nhường cho cánh quân khác vào Sài Gòn. Vì tất cả chiến dịch tập trung vào một mục tiêu là Sài Gòn, cũng là trận quyết chiến cuối cùng để dành toàn thắng. Ai cũng muốn vào Sài Gòn nên bất kỳ gì cản trở cho mũi tấn công của mình là phải đánh chiếm nhằm giải phóng đường tiến quân."
Cho nên giờ này đọc lại lịch sử, đọc những bài báo như thế này, tôi không mong nhớ tới một ngày 30-4 dù cho ngày đó có gọi là một ngày thống nhất đất nước chăng nữa. Bởi vì đã bao nhiêu máu anh em đã đổ xuống, thì không thể gọi đó là ngày chiến thắng.
2-5-12 đọc báo mới biết bài báo nói về ông tướng đăng hôm 29-4 đã được kéo xuống.
2-5-12 đọc báo mới biết bài báo nói về ông tướng đăng hôm 29-4 đã được kéo xuống.