Lê Hiền Đức
Vụ cưỡng chế, thu hồi đất đai ngày 10-1-2012 đối với gia đình
ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng – TP Hải Phòng, qua các tin bài trên
phương tiện thông tin đại chúng và lời kể của nhân chứng, tôi hình dung
còn ghê gớm hơn cảnh đánh bắt, cướp bóc nhà viên ngoại họ Vương mà đại
thi hào Nguyễn Du tả trong Truyện Kiều: lũ sai nha đầu trâu mặt ngựa,
nách thước, tay đao biến thành mấy chục bộ đội, công an với đầy đủ súng
ống, đạn dược, xe chiến đấu, đằng đằng sát khí; chúng chẳng những vơ
vét, đập phá hết đồ đạc, của cải mà còn vứt bỏ bàn thờ, san bằng ngôi
nhà gạch 2 tầng kiên cố của gia chủ; dây vô lại thì buộc chặt 6-7 thâm
tình, đủ cả nam phụ lão ấu chứ không chỉ một lão một trai...
Tới vụ cưỡng chế, thu hồi đất đai ngày 24-4-2012 đối với 166 hộ nông
dân ở huyện Văn Giang – tỉnh Hưng Yên, tôi tận mắt thấy hàng ngàn cảnh
sát trẻ khoẻ, trang bị đến tận răng cùng nhiều lực lượng "tinh nhuệ",
nhiều phương tiện hiện đại khác của chính quyền xông vào đàn áp mấy trăm
dân quê hiền lành, chất phác mà quá nửa là ông già bà cả, phụ nữ, trẻ
em. Những ngày qua, chắc vì tập trung thực hiện nhiệm vụ chính trị trung
tâm là đưa tin bài về quan hệ "tốt đẹp" với Trung Cộng, về đời sống
tình ái, sinh hoạt, thú chơi của các mĩ nữ, đại gia, về các chuyện cướp –
giết – hiếp... mà 6-7 trăm toà báo ở Việt Nam hầu như không có tin bài
về vụ cưỡng chế, thu hồi đất đai đang làm chấn động dư luận này. Tôi thì
tay run run lần mò gõ bàn phím máy tính mà trong đầu vẫn hiện rõ mồn
một cảnh hàng chục cảnh sát chân đi giày đinh, đầu đội mũ sắt, người mặc
áo giáp, tay cầm mộc, tay cầm dùi cui lao vào đánh túi bụi một anh trai
làng tay không tuy anh ấy chẳng hề chửi bới, khiêu khích gì chúng.
Đã sống qua thời Việt Nam còn chịu ách cai trị của phong kiến, ách đô
hộ của thực dân, phát-xít, đã hoạt động hậu địch trong kháng chiến, đã
xem phim ảnh, nghe kể lại hoặc trực tiếp chứng kiến hàng trăm, hàng ngàn
vụ chính quyền "của dân, do dân, vì dân" cưỡng chế, thu hồi đất đai,
nhà cửa, tài sản đối với người dân dưới chế độ xã hội chủ nghĩa song tôi
chưa bao giờ thấy người dân bị đàn áp một cách man rợ đến như thế, với
quy mô lớn như thế.
Tại sao những năm gần đây ở Việt Nam, số vụ khiếu nại, tố cáo của
người dân về việc họ bị cướp đoạt đất đai và số vụ chính quyền cưỡng
chế, thu hồi đất đai đối với người dân cứ liên tục gia tăng với tốc độ
chóng mặt? Theo tôi, có nhiều lí do nhưng cơ bản nhất là Nhà nước đã
tước đoạt quyền sở hữu đất đai của mỗi người dân. Hiện trên thế giới, số
quốc gia mà ở đó cá nhân người dân không được quyền sở hữu đất đai chỉ
đếm trên đầu ngón tay. Chẳng nói đâu xa, ngay tại Việt Nam, dưới thời
Pháp thuộc và dưới chế độ Việt Nam cộng hoà, cá nhân người dân cũng đã
có quyền sở hữu đất đai. Chỉ dưới chế độ Dân chủ cộng hoà, nay là chế độ
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa, cái quyền ấy của cá nhân người dân mới bị
tước đoạt. Đảng cộng sản và Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
thừa nhận ở Việt Nam, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai rất
chồng chéo, rắc rối, có nhiều thiếu sót và mâu thuẫn nhau. Nhưng ai là
tác giả của chúng? Chính là họ. Ai được hưởng lợi từ chúng? Cũng chính
là họ.
Ngoài quyền sở hữu đất đai, người dân Việt Nam còn đã và đang bị
tước đoạt, xâm phạm một số quyền lợi rất cơ bản khác, trong đó có cả
những quyền hiến định như sở hữu tài sản, tự do cư trú, tự do báo chí,
tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do hội họp, biểu tình... Thêm nữa, họ
đã và đang bị bóp nặn ghê gớm thông qua các loại thuế, phí, lệ phí.
Nhiều năm nay, Việt Nam luôn ở tốp đầu của khu vực, thậm chí của cả thế
giới về tỉ lệ thu ngân sách. Nếu đọc lại bài thơ "Á tế á ca" từng có
trong sách giáo khoa phổ thông mấy chục năm, chúng ta sẽ thấy xét về
nhiều mặt, tình cảnh người dân Việt Nam hiện nay còn kém cả thời chịu
ách cai trị của phong kiến, ách đô hộ của thực dân, phát-xít. Có lẽ đó
là lí do bài "Á tế á ca" bị loại ra khỏi sách giáo khoa.
Quay trở lại chủ đề chính của bài viết này – chủ đề đất đai.
Nếu như trước kia, việc Đảng cộng sản dùng những câu "Ruộng đất về tay
dân cày", "Người cày có ruộng" để phất cờ hiệu triệu, lôi kéo đông đảo
nông dân tham gia cuộc đấu tranh đánh đổ thực dân, phong kiến được coi
là cách mạng thì ngày nay, việc cưỡng chế, ăn cướp bờ xôi ruộng mật của
nông dân để trao vào tay các đại gia không thể gọi bằng cái tên nào khác
ngoài "phản cách mạng". Nói cách khác, cuộc cách mạng mà lớp người
chúng tôi đã tham gia 60-70 năm trước nay đã bị phản bội một cách trắng
trợn, triệt để. Công hữu, sở hữu toàn dân chỉ là chiêu bài để tư hữu
hoá, tư nhân hoá, biến của chung thành của riêng.
Năm ngoái, khi đọc bài "Người bạn Ai Cập" của nhà báo Huy Đức, tôi rất tâm đắc với câu kết: "Những
chiếc xe tăng của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc khi nghiến nát
nhân dân vào đêm 3-6-1989 ở Thiên An Môn cũng đã nghiến nát hai từ "nhân
dân" trong cái tên của nó". Nay, mượn ý ông Huy Đức, tôi cho rằng
qua việc "tích cực", "hăng hái" tham gia các vụ cưỡng chế, thu hồi đất
đai đối với người dân, những lực lượng mang danh "Uỷ ban nhân dân",
"Công an nhân dân", "Quân đội nhân dân", "Viện kiểm sát nhân dân", "Toà
án nhân dân"... ở Việt Nam đã nghiền nát, phá sạch, đốt sạch chữ "nhân
dân" trong cái tên của chúng.
Nhưng chúng chỉ thủ tiêu được chữ "nhân dân" trong cái tên chúng mang
mà thôi còn nhân dân thì đời đời bất diệt. Chẳng kẻ nào có thể chống
lại ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Các vụ cưỡng chế, thu hồi đất đai
ở Tiên Lãng và ở Văn Giang cho thấy tại Việt Nam, mâu thuẫn giữa người
dân với kẻ rắp tâm ăn cướp đất đai, tài sản của họ đã lên tới đỉnh điểm,
đã tới mức không thể dung hoà. Trong cuộc đấu tranh giữ lấy đất, giành
lại đất, có thể nhân dân phải tạm lui bước vào lúc này, lúc khác, tại
nơi này, nơi khác song chắc chắn họ sẽ thắng, như bao đời nay vẫn thế.
Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ – thuyền bị lật mới biết sức dân như nước. Cứ cái đà này thì ngày ấy chẳng còn xa...
Lê Hiền Đức