CON THỔ PHỈ VẪN LÀ CON THỔ PHỈ
Tác giả: Trần Duy Kiện
Tác giả: Trần Duy Kiện
Người dịch: Băng Tâm
Tập đoàn thống trị Đảng cộng sản Trung Quốc cho đến ngày hôm nay mặc dù đã có không biết bao nhiêu những lời nói dối hoa mỹ rất kêu, nhưng vẫn che đậy một sự thật cơ bản, đó là một nhóm thổ phỉ cướp đoạt tài sản của người dân.
Gần đây, sau khi xảy ra vụ Vương Lập Quân, chuyện “xướng hồng đả hắc” được phanh phui từ Trùng Khánh đã khiến ta phải giật mình vì cái sự cướp đoạt tài sản người dân của nó. Đằng sau khẩu hiệu chính trị với mũ áo đàng hoàng “xướng hồng đả hắc” của Trùng Khánh là sự cướp đoạt tài sản riêng của các doanh nghiệp tư nhân.
Theo “Báo cáo nghiên cứu về phương thức quản lí xã hội đánh xã hội đen của Trùng Khánh”, một nghiên cứu điều tra độc lập của Đồng Chi Vỹ hiệu phó Trường đại học Chính pháp, cho biết: “Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất của Trùng Khánh xuất thân từ ông trùm bất động sản có bạc tỷ, Bành Trị Dân bị kết án tù chung thân, bị tước mọi quyền lợi chính trị suốt đời, đồng thời bị tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân. Lý Tuấn chủ tịch Tập đoàn Tuấn Phong là doanh nghiệp tư nhân lớn thứ nhì xuất thân từ Trùng Khánh với số vốn tịnh 4 tỷ tệ đã trốn ra nước ngoài, bị truy nã, nhiều người nhà đã bị bắt hoặc bỏ trốn bị truy nã, các doanh nghiệp có liên quan được cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước tiếp quản. Trần Minh Lượng chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn Thực Nghiệp Giang Châu Trùng Khánh, có nguồn tin cho biết có số vốn đạt tới bạc tỷ, là doanh nghiệp tư nhân xếp thứ ba xuất thân từ Trùng Khánh, đã bị xử tử hình, tước mọi quyền lợi chính trị suốt đời, đồng thời bị tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân”.
Ở Trùng Khánh, ngoài 3 doanh nghiệp tư nhân giàu nhất bị khuynh gia bại sản, tan nát cửa nhà trong chiến dịch đánh xã hội đen, còn có một loạt doanh nghiệp tư nhân giàu bậc nhì khác cũng khuynh gia bại sản, tan nát cửa nhà trong chiến dịch đánh xã hội đen. Lê Cường, Vương Thiên Luân, Mã Đáng, Nhạc Thôn, Cung Cương Mô… bị xử tội nặng và bị tước đoạt tài sản cá nhân đều có xuất thân là những nhà doanh nghiệp tư nhân có số vốn hàng hơn trăm triệu. Trong số những người này, Lê Cường bị xử tù 20 năm, đồng thời bị phạt 5,2 triệu tệ; Vương Thiên Luân bị xử tử hình, hoãn thi hành án 2 năm, đồng thời bị phạt 100 triệu tệ; Mã Đáng bị kết án tù chung thân, tước mọi quyền lợi chính trị suốt đời, đồng thời bị tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân; Nhạc Thôn bị xử tử hình, tước mọi quyền lợi chính trị suốt đời, đồng thời bị phạt 150 triệu tệ; Cung Cương Mô bị kết án tù chung thân, tước mọi quyền lợi chính trị suốt đời, đồng thời bị tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân. Ngoài những người đã được báo chí truyền thông đưa tin công khai ra, Trùng Khánh còn có bao nhiêu là nhà doanh nghiệp tư nhân khác bị truy tố và xử tội”. Còn những tài sản bị tịch thu này bị cái gọi là doanh nghiệp quốc hữu tiếp nhận, một số đã bị rơi trực tiếp vào tay cá nhân trong quá trình chuyển hoán. Dĩ nhiên, những chuyện đã xảy ra ở Trùng Khánh cũng xảy ra ở cả nước, vụ Ngô Anh ở Chiết Giang chính là một ví dụ điển hình. Vị nữ doanh nhân này đang chờ Tòa án tối cao xem xét lại tội tử hình, người còn chưa chết, nhưng hơn 100 ngôi nhà và xe hơi sang trọng, đồ trang sức mà bà ta sở hữu thì đã bị xâu xé chia nhau. Cướp đoạt như vậy, kể từ năm ngoái các doanh nhân nhà nước đã bắt đầu con đường tháo chạy, làm dấy lên làn sóng di dân. Họ đã nhìn thấy được số phận của mình trong vô số các vụ án.
Các doanh nghiệp tư nhân hiện nay ở Trung Quốc là những doanh nghiệp đã bị Đảng cộng sản Trung Quốc truy diệt sạch vào năm 49, rồi bắt đầu được tăng trưởng và phát triển trở lại vào sau thập kỷ 80. Trải qua hơn 30 năm gian khổ phấn đấu, đồng thời với việc tích lũy được vốn của cải đáng kể, các doanh nghiệp tư nhân đã trở thành trụ cột trọng yếu của nền kinh tế Trung Quốc, nhưng rồi cũng đã đến lúc bị Đảng cộng sản Trung Quốc thèm khát. Do nền pháp chế của Trung Quốc không hoàn thiện, cùng với sự thịnh hành tham nhũng hối lộ, các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc khó lòng tránh khỏi những hành vi thế này thế khác không phù hợp với những quy định của luật pháp trong quá trình phát triển sinh tồn của mình, khiến cho chúng sớm trở thành chú cừu con đang chờ bị các tập đoàn nhà nước mổ thịt, một khi mâu thuẫn xã hội trở nên gay gắt, chúng sẽ bị đưa vào lò mổ bất cứ lúc nào, đồng thời cũng sẽ bị đặt lên bàn tiệc của các vị quyền quý để họ chè chén say sưa.
Ba mươi năm qua, các tập đoàn lợi ích nhà nước không chỉ cướp đoạt các doanh nghiệp tư nhân, mà còn cướp đoạt của cả công nhân và nông dân. Trong quá trình cải cách doanh nghiệp, nhà nước dễ dàng nắm được các doanh nghiệp là tài sản toàn dân, làm chủ doanh nghiệp dưới cái tên cán bộ thư ký, còn công nhân viên chức thì bị tống cổ về nhà với một khoản chi phí rất ít, trở thành “công nhân bị sa thải”. Cái kiểu cướp đoạt phất lên chỉ qua một đêm ấy đã từng có ở trên thế giới. Phong trào thu hồi đất đai và quây rào đất đai thậm chí đã biến cả những đất đai mà người dân dựa vào đó để sinh tồn thành vốn liếng buôn bán của chính phủ, rồi lại còn nói một cách trâng tráo rằng quyền sở hữu đất đai thuộc về nhà nước, còn nông dân chỉ có quyền sử dụng. Trong quá trình chuyển bán đất đai, những quan chức có nhúng tay vào chuyện mua bán đất đều được vớ bẫm. Tóm lại trong hơn 30 năm qua, chỉ cần gắn cái mác cải cách là có thể làm được bất cứ điều ác gì, tha hồ mà cướp đoạt, tới mức muốn cái gì là cướp đoạt cái ấy.
Sự cướp đoạt doanh nghiệp nhà nước, công nhân, nông dân của Đảng cộng sản Trung Quốc là lần cướp đoạt thứ hai tiếp theo sau đợt tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa kinh tế tư nhân vào thập kỷ 50. Sau khi Đảng cộng sản Trung Quốc lên cầm quyền, đã mở rộng phong trào cải tạo xã hội chủ nghĩa nông thôn tước đoạt tài sản của địa chủ phú nông ở “Khu giải phóng” ra toàn quốc, đến thời công xã nhân dân, mọi tài sản tư nhân của địa chủ phú nông đều trở thành “tài sản của công xã nhân dân”. Trong cuộc cải tạo công thương nghiệp thành phố được tiến hành vào thập kỷ 50, lại biến tài sản của các nhà công thương nghiệp tư nhân trong toàn quốc, với phương thức “công tư hợp doanh”, trở thành “chế độ sở hữu toàn dân”. Đến năm 1960, khi đã cướp đoạt sạch tài sản của các nhà tư sản, địa chủ phú nông, liền bắt đầu cướp đoạt tài sản của người dân thông thường. Khi tiến hành cải tạo nhà tư nhân ở thành phố, chủ yếu là đối với các cư dân, tất cả các nhà sở hữu tư nhân đều bị làm xiếc không bồi thường thành sở hữu của chính phủ. “Gió cộng sản nhất bình nhị điều”[i] lại càng trắng trợn bất chấp hơn, từ lương thực, gia cầm, rau cỏ mà xã viên kiếm được bằng lao động cho đến tất cả mọi vật dụng sử dụng trong nhà, các cán bộ đều có thể lấy không một cách tùy tiện.
Cải tạo chế độ sở hữu tư nhân ở nông thôn cũng như cải tạo công thương nghiệp ở thành phố, trong cả quá trình ấy đều kèm theo sự đẫm máu. Trung Quốc có hơn 20 triệu địa chủ phú nông thì đã bị giết mất hơn 2 triệu, số may mắn còn sống sót đều trở thành những tiện dân chính trị với nỗi sợ hãi kéo dài. Các nhà công thương nghiệp ở thành phố tuy không bị bắn chết như địa chủ phú nông ở nông thôn, nhưng trong quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa, trong phong trào “Tam phản ngũ phản”, thì lại bị bức phải tự tử rất nhiều. Thượng Hải độ nọ là quá giống với Trùng Khánh ngày nay: Mấy vị giàu nhất ở Thượng Hải như Lư Tác Phù của “Dân sinh”, Quách Lâm Sảng của “Vĩnh An”, Tẩy Quán Sinh của “Quán sinh viện”, tất cả đều bị bức phải tự tử, nhà cửa thì tan nát. Trần Nghị là thị trưởng Thượng Hải thời ấy đã dùng cách nói “bộ đội nhảy dù” để mô tả chuyện các nhà tư sản Thượng Hải nhảy lầu tự tử, số người biết được là nhiều.
Trung Quốc, khi kinh tế địa chủ ở nông thôn bị giết chết, dưới chế độ công xã nhân dân, mối quan hệ kinh tế và mối quan hệ sản xuất tự nhiên có từ mấy ngàn năm nay ở Trung Quốc đã bị hủy hoại chí mạng, và thế là đã xảy ra nạn đói lớn chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc, dẫn đến thảm kịch 45 triệu người bị chết đói. Còn sau cải tạo công thương nghiệp ở thành phố, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa được hình thành từ hơn 100 năm nay ở Trung Quốc đã bị quét sạch triệt để, sản xuất cung tiêu trong nền kinh tế kế hoạch của chế độ công hữu đã bị rơi tõm xuống đáy, sản phẩm công nghiệp của Trung Quốc không chỉ lạc hậu với thế giới, mà sản phẩm còn đơn điệu eo hẹp, tới mức ngay cả mua một bánh xà phòng, mua một bao diêm cũng phải dựa vào tem phiếu, nền kinh tế Trung Quốc dường như đã tới bờ vực của sự đổ vỡ.
Sau khi Mao Trạch Đông qua đời, cuối cùng thì Đảng cộng sản Trung Quốc cũng đã ý thức được sự sai lầm của quốc hữu hóa, và bắt đầu cải cách kinh tế theo tư nhân hóa, hơn 30 năm qua, khi nền kinh tế tư nhân của Trung Quốc rất khó đi vào quy mô, Đảng cộng sản Trung Quốc lại bắt đầu cuộc tiêu diệt và cướp đoạt lần hai. Thuộc tính tài sản của các doanh nghiệp hiện nay ở Trung Quốc được chia làm 3 loại:
Một loại là cái gọi là doanh nghiệp nhà nước với dầu mỏ, viễn thông, tài chính là chính, đều nằm trong tay các gia tộc cấp cao của Đảng cộng sản Trung Quốc. Gần đây, con trai của Ôn Gia Bảo là Ôn Vân Tùng làm chủ tịch Công ty thông tin vệ tinh quốc gia, con trai Lý Trường Xuân là Lý Tuệ Đích làm chủ tịch China Mobile. Còn con cái các ông lớn của Đảng cộng sản Trung Quốc như con trai Hồ Cẩm Đào, con trai Chu Dung Cơ, con trai Lý Bằng… đều đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước do một bên độc chiếm, những CEO này đã được mọi người biết đến từ lâu. Thế còn của cải trong những doanh nghiệp nhà nước này rút cuộc thuộc về ai là một vấn đề vĩnh viễn không được làm rõ, nhưng có một điểm có thể khẳng định là không những chẳng liên quan gì tới một đồng xu nào của người dân, mà trái lại là đối tượng bóc lột của những doanh nghiệp này.
Loại doanh nghiệp thứ hai chính là doanh nghiệp tư nhân dùng thủ đoạn lừa đảo cướp không lại từ doanh nghiệp nhà nước, những doanh nghiệp tư nhân này có chiếc phông của doanh nghiệp nhà nước, ông chủ đều là những cán bộ đảng kỳ cựu, là người thân của các cán bộ đương nhiệm, họ là những người giàu có mối quan hệ máu thịt với chính quyền.
Loại thứ ba là doanh nghiệp tư nhân khởi nghiệp gian khổ từ hai bàn tay trắng, họ phải chịu sự chèn ép của các ban ngành chính phủ, phải hối lộ thì mới có thể tồn tại và phát triển, là con cừu con cho các tập đoàn lợi ích của Đảng cộng sản Trung Quốc giết mổ. Nền kinh tế Trung Quốc có thể nói về cơ bản là do các bậc quyền quý của Đảng cộng sản Trung Quốc nắm giữ, có người nói 500 gia đình Đảng cộng sản Trung Quốc nắm giữ nền kinh tế Trung Quốc quả thực là cũng không ngoa.
Như trên đã nói, Đảng cộng sản Trung Quốc là một chính quyền cướp đoạt sạch sành sanh của cải của dân. Nếu như nói lần cướp đoạt thứ nhất là bỏ vào dưới chế độ công hữu với danh nghĩa giai cấp vô sản, thì lần cướp đoạt thứ hai là dùng cái tên cải cách để trắng trợn bỏ vào túi mình. Lần cướp đoạt thứ hai, tuy có khác về danh nghĩa, phương thức, tiểu xảo, nhưng có một điểm chung là trong cả quá trình cướp đoạt đều kèm theo sự tàn ác đẫm máu. Thế hệ hai Đảng cộng sản Trung Quốc, con cái của thổ phỉ vẫn là thổ phỉ. Khi Đảng cộng sản Trung Quốc đã tới thế hệ ba, thì liệu đời con của con có vẫn là thổ phỉ không? Câu trả lời là chắc chắn chúng sẽ lại là thổ phỉ, bởi vì của cải của Trung Quốc đều đã bị đời cha của chúng cướp hết rồi, chúng chỉ có thể là những tay chơi lo giữ chặt lấy đống của cải có sẵn và phung phí đống của cải ấy. Đảng cộng sản Trung Quốc từ thế hệ hai là đã hoàn tất sự chuyển giao quyền lực cha truyền con nối, từ thế hệ ba mới bắt đầu hoàn tất sự chuyển giao của cải cha truyền con nối. Kiểu thế tập phong kiến ấy đã trở thành điểm nút trong vấn đề Trung Quốc, đã trở thành nguyên nhân thực sự cản trở sự tiến bộ phát triển của Trung Quốc. Trung Quốc muốn tiến bộ, muốn phát triển thì một khi hệ thống cha truyền con nối này còn chưa được xóa bỏ, xin hãy đừng có bàn đến bất cứ cái gì.
Nguồn: peacehall.com
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
[i] Nguyên văn: “一平二调的共产风”. Hình thức biểu hiện chủ yếu của việc nổi “gió cộng sản” trong phong trào “Đại nhảy vọt” và công xã hóa. “Nhất bình”, vi phạm tính chất của chế độ sở hữu tập thể 3 cấp ở công xã, muốn cào bằng giàu nghèo trong các đội sản xuất của công xã; “nhị điều”, điều chuyển tài sản và nguồn quỹ của đội sản xuất một cách tùy tiện không bồi thường, điều các xã viên tham gia lao động nghĩa vụ một cách tùy tiện, phủ nhận quyền sử hữu và quyền sử dụng của đội sản xuất -ND.