Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

Tòa phúc thẩm Cù Huy Hà Vũ

J.B Nguyễn Hữu Vinh - Tôi đi dự phiên tòa phúc thẩm Cù Huy Hà Vũ (Kỳ 6)

J.B Nguyễn Hữu Vinh
nguyenhuuvinh.jpg
Sau phần tranh tụng, bào chữa của các Ls, nhất là Ls Trần Đình Triển, không khí trong phòng xử án căng như dây đàn. Bởi chủ tọa phiên tòa, Viện Kiểm sát từ thế chủ động tố tụng kết án, chủ động điều khiển phiên tòa… đã bị các Ls đẩy vào trạng thái bị động bằng chính những luận cứ, chứng cớ và các điều luật cách rõ ràng. Ở đó họ chứng minh Chủ tọa phiên tòa đang vi phạm luật pháp, phiên tòa đang vi phạm các điều luật trong bộ luật tố tụng hình sự của nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Sự lúng túng thể hiện rõ nhất là khá nhiều lần, Chủ tọa phiên tòa cứ nhầm lẫn linh tinh như gọi Ls là bị cáo…
Dù phía dưới, thân nhân của bị cáo Cù Huy Hà Vũ là con số hết sức khiêm tốn, đa phần là “nhân dân” được chọn đi dự tòa và công an, nhưng cha ông ta đã nói là “nói phải thì củ cải cũng nghe” nhiều người ngán ngẩm lắc đầu mỗi khi Ls chỉ ra những điều sai phạm theo các điều luật.

Cù Huy Hà Vũ tự bào chữa

Sau khi các Ls xong phần tranh tụng của mình thì đến phần bị cáo Cù Huy Hà Vũ tự bào chữa. Ngay khi bắt đầu được nói, Cù Huy Hà Vũ (CHHV) đã yêu cầu:
CHHV: Đề nghị trả tôi văn bản tự bào chữa.
Chủ tọa: Đã có 4 luật sư rồi nên không cần cung cấp bản tự bào chữa nữa. (?)
Không biết bộ luật TTHS có ghi điều nào quy định là đã có luật sư thì bị cáo không cần văn bản tự bào chữa cho mình hay không, tôi chỉ biết mọi người nhìn nhau ngơ ngác khi Chủ tọa phiên tòa tuyên bố điều này.
CHHV: Tôi đã yêu cầu ngay từ đầu là đưa trả tôi văn bản tự bào chữa của tôi và các bộ luật, tài liệu để tôi nghiên cứu và tự bào chữa. Không đưa cho tôi văn bản và các bộ luật để tôi tự bào chữa tại phiên tòa, có vi phạm pháp luật không?
chutoanguyenvanson.jpg

Chủ tọa: Tòa chỉ yêu cầu bị cáo bổ sung, vì đã có 4 Ls bào chữa rồi.
CHHV: Đây là vụ án hoàn toàn trái pháp luật, vì đã được khởi tố và thu thập chứng cứ trái pháp luật. Chứng cứ cho phiên tòa phải được thu thập đúng trình tự pháp luật mới có giá trị xét xử.
- Việc khống chế máy tính của tôi để lấy tài liệu rồi in ra là việc làm bất hợp pháp.
- Do việc bắt giữ đã dựa trên việc lấy chứng cứ bất hợp pháp nên đó là việc làm bất hợp pháp.
- Tôi thấy Tòa cũng mệt nên tôi thông cảm, nhưng tôi là người quan trọng nhất trong buổi tòa ngày hôm nay, tôi mà bị kết án, thì hội đồng xét xử cũng sẽ bị kết án như thế.
- Vì tôi không có hành vi tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN theo pháp luật quy định là nhà nước của dân, do dân và vì dân…
- Trong mọi bài viết, trả lời của tôi không có nội dung nào chống lại nhà nước của dân, do dân, vì dân như pháp luật quy định.
- Tòa và Viện Kiểm sát phải tìm ra được chỗ nào là chỗ chống nhà nước, nếu không thì không thể kết luận tôi có tội.
- Tôi khẳng định gia đình và tôi chiến đấu cho nhà nước Việt Nam từ bao đời nay.
- Tôi viết về Đảng, về cuộc chiến tranh thì không có nội dung nào chống lại nhà nước CHXHCNVN. Còn Chủ nghia xã hội, Chủ nghĩa Mác – Lenin không phải là nhà nước.
Chủ tọa: Thì các Ls đã nói rồi.
CHHV: Tôi là người đang dự bị đi tù nên tôi phải nói.
- Vấn đề đa đảng, đảng không phải là nhà nước.
- Chủ nghĩa Xã hội là phản quy luật xã hội.
Sau đó, Cù Huy Hà Vũ nói thêm một số vấn đề để tự bào chữa, dù ông không được có bản tự bào chữa mà ông viết sẵn, không có các bộ luật cần thiết để trích dẫn, dẫn chứng, không có giấy bút để chuẩn bị cho việc bào chữa của mình.
Nhưng việc tranh luận tự bào chữa của ông chứng tỏ trí nhớ siêu việt và chính xác của ông tại phiên tòa này.
Đến đây, Chủ tọa phiên tòa tuyên bố cắt đứt phần tranh tụng để chuyển sang phần đối đáp.

Đối đáp, VKS kết tội sai điều luật truy tố

Đại diện Viện Kiểm sát phát biểu, phần này không hề được Tòa nhắc nhở “dừng lại”, “nói đúng nội dung”, hay “không nằm trong vụ án” như khi các Ls hoặc bị cáo phát biểu. Nội dung của VKS đưa ra là:
- Sau khi đã nghe các Ls và bị cáo tranh luận, VKS thấy cần tranh luận một số nội dung như sau:
- Tất cả các vấn đề VKS kết luận đầu phiên tòa sẽ không tranh luận lại.
- Việc bị cáo phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước theo bản án như thế nào?
- Theo đề nghị của Ls và bị cáo, rút một số bài viết khỏi các đầu tài liệu được dùng khởi tố. Viện Kiểm sát khẳng định các tài liệu mà bị cáo và Ls đề nghị rút thì thấy rằng như quan điểm của VKS thì các tài liệu đó đều mang nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Vì vậy 10 tài liệu dùng là có cơ sở.
- Bài “Hòa giải…” hồ sơ thể hiện và kiến nghị có nội dung khác, là 2 tài liệu khác nhau, nên yêu cầu của bị cáo rằng đây là bản kiến nghị là không chính xác…
- Về nội dung có phạm tội hay không, bị cáo và Ls đều cho rằng đó là việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, không chống nhà nước, đảng CS, không xuyên tạc chính sách… Nhưng trong thực tế, 10 bài viết và trả lời phỏng vấn đều có nội dung phỉ báng chính quyền nhân dân, đảng CSVN.
Theo từ điển Pháp luật, nhà nước chính là bộ máy của giai cấp công nhân và nhân dân lao động… Hiến pháp quy định quyền lực nhà nước là thống nhất, trong đó có việc phân công trong hành pháp và tư pháp, lập pháp.
Trong các bài viết của Cù Huy Hà Vũ đã có hành vi bội nhọ, phỉ báng cơ quan nhà nước rằng Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng là chế độ độc tài.
CHHV: Đúng là độc tài.
Viện kiểm sát:
– Hành vi của bị cáo vi phạm công ước Quốc tế, điều 1: Mọi dân tộc có quyền tự quyết định… vi phạm Hiến pháp, điều 2, 12…
- Bị cáo phỉ báng thể chế chính trị này là chống nhà nước.
- Đây rõ ràng có hành vi xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân.
- Điều 2 Luật báo chí: Không ai được dùng tự do ngôn luận để xâm hại lợi ích… (Điều này chắc VTV chưa đọc nên mới có chương trình Nhận diện về phiên tòa này chăng?)
- Điều 19, khoản 2: Mọi người đều có quyền… Bị cáo thực hiện quyền của mình, nhưng quyền phải đi đôi với nghĩa vụ…
- Bị cáo đã phạm điều 2, điều 12 của Hiến pháp: Nghĩa vụ công dân…
- Kích động hằn thù Bắc – Nam
- Án sơ thẩm đã tuyên là đúng người, đúng tội.
- Về một số sai sót trong vụ án sơ thẩm xét thấy bản án sơ thẩm và Cáo trạng có 1 vài sai sót về chính tả, từ ngữ… nhưng về cơ bản không làm thay đổi nội dung bản án. Do đó, không có cơ sở để tuyên hủy bản án.
Khi VKS đọc các ý kiến của mình, khỏi phải nói đến sự ngạc nhiên của các luật sư cũng như những người dự tòa về việc VKS đã nói sai nội dung đang truy tố.
Ngay sau khi VKS dứt lời, thì Ls Trần Đình Triển đề nghị được phát biểu. Ông nói:
- Đề nghị Viện kiểm sát xem xét lại. Vụ án truy tố theo điểm C, khoản 1 điều 88 của Bộ Luật Hình sự là Chống nhà nước CHXHCNVN. Nhưng trình bày của VKS tại Tòa hôm nay, đã chuyển sang điều khoản khác của Bộ luật hình sự (xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân… ở khoản a của điều luật này). Việc sai này là điều không thể chấp nhận được tại phiên tòa. (cả phòng xử xôn xao, VKS lúng túng).
- Đề nghị VKS theo điều 64 là thu thập chứng cứ phải theo đúng trình tự pháp luật quy định. Việc sai sót trong quá trình thu thập chứng cứ thì sao?
- Đây rõ ràng là sự thiếu hiểu biết về pháp luật của công tố viên. Như vậy mà dám đi tranh tụng?
- Cù Huy Hà Vũ có quyền lưu trữ những vấn đề liên quan đến mình, đó là quyền dân sự. Chẳng hạn một người hàng xóm chửi mình, nói xấu mình mình có quyền lưu lại những thứ đó mà không có tội gì.
Chủ tọa: Ls không được dùng lời lẽ xúc phạm đến VKS.
Ls Trần Đình Triển: Tôi không xúc phạm, tôi đang nói đúng ý đảng và lòng dân. Một công tố viên mà trình độ pháp luật thế này thì không có án oan mới là chuyện lạ…
Chủ tọa: Yêu cầu không nói lại.
Ls Trần Đình Triển: Chủ tọa có theo dõi phiên tòa không? Yêu cầu Chủ tọa phiên tòa phải làm đúng quy định của pháp luật. Tôi sẽ đọc điều 218 của bộ luật TTHS.
Chủ tọa: Đề nghị Ls không đọc điều luật.
Ls Trần Đình Triển: Việc kiến nghị trả tự do cho tù nhân chính trị đây là vấn đề nhân đạo và là kiến nghị, nên không thể đưa ra kết tội.
- Văn bản nào của nhà nước đã quy định người dân được nói gì? và cái gì không được nói?
- Nói chống nhà nước? Chống như thế nào?
Ls Trần Đình Triển giải thích một số khái niệm về việc chống, về cấu thành tội phạm phải như thế nào…
Chủ tọa: Đề nghị Ls không giải thích.
Ls Trần Đình Triển: Tại sao lại đưa ra kết tội Chống nhà nước, trong khi đang nói về một khái niệm về Luật học?
- Câu nói “kích động phần tử tội phạm và một nhóm của chế độ CH miền Nam trước đây…”. Đề nghị VKS đưa ra là nhóm người nào, ở đâu? Ở California hay ở đâu?… Cần phải chỉ rõ, chứ không thể nói chung chung để đưa ra kết tội.
- Viện kiểm sát cho rằng: Không thay đổi nội dung phiên tòa. Nhưng thực tế là có thay đổi. Chẳng hạn Cù Huy Hà Vũ không hề nói: “Đại hội 11 là Đại hội cuối cùng”, nhưng Cáo trạng lại có câu đó?
Đến đây, có lẽ sự ngạc nhiên đến sửng sốt của tất cả mọi người đã đến tột đỉnh khi những câu nói được bịa đặt đến cỡ này nhưng đã đưa vào cáo trạng để truy tố một con người mà VKS vẫn tỉnh bơ là “không làm thay đổi nội dung”…
Sự ngán ngẩm đến mức, một người ngồi bên tôi hỏi: “Anh có biết hai tay bên Viện Kiểm sát tên là gì không. Tôi cần phải ghi lại hai cái tên này?”
Sau Ls Trần Đình Triển là Ls Vương Thị Thanh, Ls Thanh có ý kiến như sau:
- Yêu cầu VKS giải thích cho từ “độc quyền” và “tiếp tục” có khác nhau không? Nếu nói hai từ này thay thế nhau là sai sót không ảnh hưởng nội dung, thì tôi không đồng tình, Viện Kiểm sát giải thích như thế nào?
- VKS cho rằng ông Vũ đã phỉ báng chính quyền nhân dân thì phỉ báng như thế nào? Ls Thanh nêu một số dẫn chứng và kết luận.
- Vậy tuyên truyền như thế nào và phỉ báng ở chỗ nào?
Tiếp theo Ls Vương Thị Thanh là Ls Trần Vũ Hải, ông đặt vấn đề:
- Đề nghị VKS đừng quên điều 69 Hiến pháp Việt Nam.
- Có luật nào ở VN nói về ngôn luận không?
- Có luật nào công dân không được đề xuất hủy bỏ Hiến pháp không?
- Tại sao các sai phạm của bản án sơ thẩm và cáo trạng giống hệt nhau? Điều này chứng tỏ HĐXX đã không độc lập.
- Vụ Trần Khải Thanh Thủy có đoạn đề nghị rằng: Đây là tin báo và yêu cầu VKSND Tối cao vào cuộc… Đã có ai giải quyết chưa? Chưa giải quyết thì tại sao lại kết luận là chống phá?
- Viện Kiểm sát có trách nhiệm công bố các tài liệu không?
Luật sư Trần Quốc Thuận thì phát biểu về việc ghép tội nhầm điều luật của Viện Kiểm sát:
- Viện kiểm sát dùng chữ “xuyên tạc, phỉ báng” là truy tố bị cáo theo điểm A, trong khi Tòa đang xử theo điểm C của điều 88 BLHS.
Luật sư Vương Thị Thanh ý kiến tiếp:
- Đề nghị VKS giải thích những sai sót trong cáo trạng?
Liên tiếp những vấn đề đặt ra, vấn đề nào cũng nghiêm trọng, nặng nề dồn vào Viện Kiểm sát với những sai sót không thể chấp nhận được và có nguy cơ làm vỡ những vấn đề VKS đã kết luận chắc như đinh đóng cột làm hai cán bộ VKS hết sức lúng túng.
Lúng túng đến độ cán bộ VKS gọi các Ls là “các bị cáo”, cả hội trường chăm chú nhìn vào hai cán bộ này xem họ tranh tụng lại như thế nào và hi vọng sẽ có những lập luận sắc bén của những người giữ vai trò công tố.
Nhưng, dường như sự trông đợi đó chỉ là sự mơ mộng hão huyền. Đại diện Viện Kiểm sát phát biểu không tranh luận điều gì ngoài những một câu xanh rờn: “Những vấn đề tranh luận của Viện Kiểm sát đã khá đầy đủ”.
Chỉ có thế, còn đầy đủ ở đâu, khi nào thì… tự hiểu lấy.
Cả phòng xử ngạc nhiên nhìn cách tranh tụng của Viện Kiểm sát, người ngồi bên tôi, tóc cắt ngắn vuông vức vẫn chăm chú theo dõi phiên tòa nay ớ người quay lại: “Thôi được rồi, HĐXX sẽ phải hiểu rằng không thể chấp nhận được sự kết tội kiểu này đâu. Sinh ra HĐXX thì họ phải nghe và họ vừa bảo là HĐXX sẽ xem xét mà”.
Tôi mỉm cười, đây mới thật đúng là quần chúng tốt, anh ấy cố tình tin cho đến cùng điều anh ta nghĩ là đúng. Có lẽ chăm chú, nhưng anh ta không nhìn thấy cách điều hành và thái độ của Chủ tọa phiên tòa như thế nào từ sáng đến nay.
Và anh ta vẫn tin phiên tòa có một kết quả tốt đẹp dựa trên kết quả tranh tụng vừa qua.

Kết án, vọng lời của Cựu Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao: Xử kiểu gì cũng được

Cù Huy Hà Vũ tiếp tục ý kiến:
- Tôi đã không gây thiệt hại cho nhà nước CHXHCNVN, vì nếu có thì nhà nước đã thiệt hại như thế nào? Tôi đã đề nghị Chủ tịch nước tham dự phiên tòa với tư cách là người đại diện cho Nhà nước, nhưng đã không được trả lời. Vì thế không thể cấu thành tội phạm chống Nhà nước CHXHCNVN.
Rồi ông nói tiếp:
- Tôi không sợ bị ghép tội, tôi không sợ chết, nhưng cần phải tố tụng đúng để không có những người bị oan như tôi.Cho đến giờ, Viện Kiểm sát cũng không chứng minh được tôi có tội như thế nào.
Chủ tọa phiên tòa: Cho bị cáo nói lời sau cùng.
Cù Huy Hà Vũ: “Tôi, Cù Huy Hà Vũ, khẳng định trong những bài viết, trả lời của tôi đều nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm các thuộc tính: Pháp quyền, của dân, do dân, vì dân, mọi quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, quyền lực Nhà nước là thống nhất “vì chỉ có một chủ nhân là nhân dân, thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp như Điều 2 Hiến pháp định nghĩa.
Tôi hoàn toàn vô tội.
Do đó, nếu Tòa án kết án tôi với lý do các bài viết, trả lời phỏng vấn của tôi có nội dung đòi xóa bỏ điều 4 Hiến pháp quy định sự lãnh đạo của Đảng, đòi đa nguyên đa Đảng, đòi từ bỏ chủ nghĩa xã hội gắn liền với chủ nghĩa Mác Lê Nin, về việc khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng… không gì khác hơn là sự trả thù, đàn áp của Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước hết, đối với tôi.
Do đó, Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước hết, phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính mạng của tôi trong thời gian tôi bị cầm tù và nếu tôi chết vì bất kỳ lý do nào trong thời gian bị cầm tù thì Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước hết, phải bị nhân dân Việt Nam xét xử theo nguyên tắc “Sát nhân giả tử – Giết người thì phải đền mạng”
Anh chỉ nói được đến đây, thì anh bị cảnh sát dẫn đi để tòa nghỉ nghị án. Khi đó là 17h50 phút.
Cả phòng xét xử tập trung ra ngoài, những câu chuyện khá râm ran tại mọi góc, mọi nơi, những ánh mắt nhìn nhau nhưng không dám nhìn thẳng, những chi tiết của phiên tòa được bàn tán.
Đứng với các Ls của Cù Huy Hà Vũ, tôi thấy chị Dương Hà rất bình tĩnh và kết quả phiên tòa hình như không làm họ quan tâm lắm. Tôi hỏi một Ls về chuyện bài viết của Cù Huy Hà Vũ khi chưa viết xong, được đưa ra kết tội thì có ý nghĩa gì? Ông nói:
- Việc đó là bậy bạ, làm gì có chuyện kết tội cái bào thai vì có thể sau này nó thành tướng cướp?
Tôi chợt nghĩ đến câu chuyện hồi xưa tôi được nghe thời bao cấp: Một đoàn cán bộ vào bắt và lập biên bản một bà già vì tội nấu rượu lậu, nguyên nhân là xét trong nhà bà có bộ nồi nấu rượu. Sau khi cán bộ lập biên bản tội nấu rượu lậu xong, thì bà già yêu cầu cán bộ và nhân dân lập thêm biên bản thứ hai về tội hiếp dâm. Cán bộ ngạc nhiên hỏi vì sao bà nói đến cái tội đó, ai hiếp dâm ở đây? Bà già thong thả trả lời: “Tôi chỉ có dụng cụ nấu rượu mà bị khép tội nấu rượu lậu. Vậy thì yêu cầu lập biên bản về tội cán bộ hiếp dâm tôi vì hiện nay, cán bộ đang mang dụng cụ hiếp dâm vào nhà tôi”.
Cuối cùng thì cán bộ phải hủy bỏ biên bản bà già nấu rượu lậu.
Có lẽ thời xưa, một bà già ít học và anh cán bộ dốt nát kia chỉ có những lý lẽ đơn giản vậy nhưng vẫn biết việc làm sai và phục thiện.
Vậy thì thời nay, các quan tòa, các công tố viên bằng cấp đầy mình, lý luận đầy mình mà chẳng lẽ không nhìn ra sự thật hay sao?
Nếu cứ kết tội kiểu này, thì điều chắc chắn là ai cũng có thể bị kết tội, ít nhất là tội ỉa bậy vì bất cứ lúc nào, tôi cũng sẵn sàng lôi được từ trong người anh ra một đống… phân người. Mà đã có phân, thì cũng có thể ỉa bậy chứ sao.
18h30 phút, Tòa tập trung tuyên án.
Trái với những chứng cứ hiển nhiên mà các Ls đã đưa ra, cụ thể và chi tiết theo các điều luật rõ ràng, Tòa vẫn kết luận:
- CQĐT không vi phạm thủ tục tố tụng hình sự.
- Tòa án Nhân dân Hà Nội không vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự.
- Các tài liệu không cần phải giám định.
- Tại tòa Cù Huy Hà Vũ đã thừa nhận có quan điểm trái với đường lối của Đảng và Nhà nước VN.
- …
- Giữ nguyên mức án sơ thẩm.
- Cù Huy Hà Vũ phải chịu án phí: 200.000 ngàn đồng.
Tôi giật mình nhớ câu nói của ông Trịnh Hồng Dương, cựu chánh án tòa tối cao trước Quốc Hội: “Ở nước ta xử đúng cũng được, xử sai cũng được, xử hòa cũng được, xử thắng cũng được”.
Cù Huy Hà Vũ giơ tay: Tổ quốc và Nhân dân phá án cho tôi, Người Việt Nam yêu nước Cù Huy Hà Vũ!
Cảnh sát ập tới lôi anh đi, cả phòng xử không ai bảo ai, lặng lẽ đi ra ngoài.
Chủ tọa, thẩm phán, đại diện Viện Kiểm sát… lục tục ra về. Tôi chợt nghĩ: Họ đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng đêm nay và cả những đêm sau, họ có ngủ ngon hay không và có nhớ đến phiên tòa này?
Tôi bước ra khỏi phiên tòa, khi lực lượng cảnh sát, dân phòng, xe cộ, công an chìm, nổi dày đặc khắp mọi ngả đường. Phía trong tòa, các lực lượng báo chí, bảo vệ, nhân viên rầm rập đi lại.
Tôi chợt nghĩ đến con số 200.000 đồng án phí. Hai trăm ngàn đồng của bị cáo Cù Huy Hà Vũ mà huy động được lực lượng, phương tiện khủng khiếp như thế này thì ai bảo là đồng tiền Việt Nam mất giá?
Hà Nội, ngày 9/8/2011
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Chủ tọa đọc bản án

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"