Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

Khinh thường lòng yêu nước

Hà Nội ‘khinh thường lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam’


Ông Lý Thái Hùng, tổng bí thư Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Ðảng
Ðinh Quang Anh Thái
Theo: Radio CTM
-
Báo Người Việt Phỏng vấn tổng bí thư đảng Việt Tân
Trong thời gian gần đây, công an tại Việt Nam đã bắt giữ một số người và cáo buộc họ là đảng viên Ðảng Việt Tân; cùng lúc đó, báo chí Trung Quốc viết rằng “các thế lực người Việt ở nước ngoài đang muốn lật đổ chính quyền cộng sản Việt Nam.” Ông Lý Thái Hùng, tổng bí thư Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Ðảng (gọi tắt là Việt Tân) giải thích về những lời cáo buộc này trong bài trả lời phỏng vấn của báo Người Việt.

***
Ðinh Quang Anh Thái (ÐQAT): Cách đây hơn một tháng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN là bà Phương Nga nói rằng: “Ðảng Việt Tân đang lợi dụng tình hình căng thẳng để kích động nhân dân Việt Nam có những hành vi chống nhà nước”; xin nghe ý kiến của ông Hùng về lời tuyên bố này của bà Nga?
Ông Lý Thái Hùng (LTH): Thưa anh, có thể nói ngay rằng tuyên bố của bà Phương Nga có 2 điểm cần làm sáng tỏ.
Trước hết, chỉ có tình hình căng thẳng giữa Bắc Kinh và nhân dân Việt Nam chứ không hề có sự căng thẳng giữa lãnh đạo Trung Cộng và Việt Cộng.
Vì rõ ràng Hà Nội vẫn tiếp tục tụng niệm 16 chữ vàng; tiếp tục cho các khu biệt lập của người Hoa mọc lên trên khắp đất Việt, kể cả những vùng mang tính chiến lược quân sự như cao nguyên Trung phần và dọc theo biên giới; tiếp tục dâng nhượng từ lãnh thổ đến khoáng sản và quyền lợi kinh tế của Việt Nam. Hơn thế nữa, Hà Nội còn đang thay mặt Bắc Kinh trấn áp lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam.
Ðiểm thứ nhì là dù có hay không có sự xâm lấn của Trung Quốc, chúng tôi vẫn cố sức trình bày căn nguyên của tình trạng tụt hậu cùng các quốc nạn hiện nay; và đã cố sức cùng dân tộc đấu tranh để tháo gỡ xiềng xích độc tài đang trói buộc tiềm năng canh tân của dân tộc. Nay với tình trạng ngoại bang xâm lấn trong lúc sức lực của đất nước quá yếu sau bao thập niên tụt hậu và những kẻ cai trị lại thông đồng với kẻ thù, nỗ lực đấu tranh lại càng cấp bách để lấy lại sức của dân tộc cho nỗ lực bảo vệ đất nước.
Do đó, những kiểu nói Việt Tân kích động nhân dân Việt Nam làm bất cứ chuyện gì đều chỉ cho thấy sự khinh thường của người nói câu đó đối với trí tuệ và lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam chúng ta.
Lãnh đạo đảng CSVN không phải là những kẻ cai trị đầu tiên trong lịch sử Việt Nam chủ trương dâng nhượng đất nước để được yên thân, để được tiếp tục ngồi ghế cai trị. Nhưng dân tộc chúng ta chưa bao giờ chấp nhận điều đó và sẵn sàng hy sinh ngay cả xương máu để giữ gìn tiền đồ cha ông cho các thế hệ con cháu tương lai.
Truyền thống yêu nước của người Việt Nam đang hiện lên ngày hôm nay. Hơn ai hết, lãnh đạo CSVN biết rõ sức mạnh của lòng yêu nước đó. Nay họ đang lo sợ và cố gắng tạo chia rẽ để những người yêu nước không thể kết hợp lại và không lan rộng ra được với những người chung quanh.
ÐQAT: Lý do nào Hà Nội cứ đổ cho Việt Tân như thế mà không nhắm vào các tổ chức đảng phái khác đang hoạt động ở tại Việt Nam hay hải ngoại?
LTH: Thưa anh, các hoạt động của đảng viên Ðảng Việt Tân ở trong và ngoài nước đã và đang tạo nhiều sức ép lên chế độ Hà Nội nên CSVN phải phản công. Ðặc biệt lý do khiến đảng Việt Tân bị CSVN thù hằn nhất, là nỗ lực quảng bá phương pháp Ðấu Tranh Bất Bạo Ðộng đến mọi cá nhân, đoàn thể muốn đem lại những đổi thay tích cực trên đất nước mà vẫn tránh đổ máu và tàn phá. Sau khi thấy sức mạnh và kết quả của cuộc cách mạng Hoa Lài tại Bắc Phi, lãnh đạo Hà Nội lại kéo chúng tôi ra dán nhãn, từ “khủng bố” đến “phản động” rồi “kích động.” Tôi nghĩ đó cũng là điều dễ hiểu thôi.
ÐQAT: Một mặt trong nước thì Việt Tân bị nhà cầm quyền kết tội “kích động nhân dân Việt Nam chống nhà nước,” mặt khác, ở hải ngoại lại có dư luận cho rằng Việt Tân “chống đối cuội,” “đi đêm với đảng cộng sản để tạo đối lập giả”; ông giải thích như thế nào về hai cáo buộc trái chiều này?
LTH: Nếu tìm hiểu sâu vào chi tiết, hai luận điệu có vẻ trái ngược đó đều xuất phát từ một nguồn, đó là chế độ CSVN. Khi sử dụng 2 luận điệu đó, CSVN trông cậy vào tình trạng độc quyền và bưng bít thông tin trong nước cũng như hiện tượng theo dõi hời hợt và khẳng định vô tội vạ của một số người tại hải ngoại.
Nhưng chúng tôi tin những hoạt động của Ðảng Việt Tân trong 30 năm vừa qua, và những hy sinh mà các đảng viên Việt Tân ở mọi cấp đang dâng hiến cho đất nước đủ để minh chứng sự thành tâm và lòng quyết tâm của chúng tôi trong nỗ lực tranh đấu vì tương lai của dân tộc.
Ðiều đáng mừng là bất kể những đòn phép dán nhãn, hù dọa của CSVN trong những năm qua, chúng tôi vẫn tiếp tục mở rộng được vòng cảm thông và hợp tác tích cực với nhiều cá nhân và lực lượng ở trong và ngoài nước.
ÐQAT: Có người nhân cách đứng đắn, lập trường chống Cộng rất quyết liệt nhưng vẫn cứ dè dặt và e ngại Việt Tân, ông nghĩ sao?
LTH: Có thể những vị này không có điều kiện biết rõ những chủ trương và hoạt động của Ðảng Việt Tân và có thể chỉ nghe qua những xuyên tạc, vu cáo từ CSVN hay từ một số người đã có sẵn những thành kiến đối với chúng tôi nên dè dặt và e ngại. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm hoạt động trong thời gian qua, nếu có điều kiện tiếp xúc và trao đổi với những vị nói trên, đa số chúng tôi đều có thể giải tỏa mọi e ngại hay những thắc mắc của họ đối với các nỗ lực của Ðảng Việt Tân.
ÐQAT: Tờ Thế Giới Tân Văn của Trung Quốc mới đây đăng bài viết tựa đề “Ai kích động biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam” và cho rằng “sau các cuộc biểu tình là bóng dáng của Mỹ” và “các thế lực người Việt ở nước ngoài”; theo nhận định của ông thì tại sao cả hai chế độ cộng sản Hà Nội lẫn Bắc Kinh đều đồng thanh hô hoán như thế vào thời điểm này?
LTH: Thưa anh, từ sau Hội Nghị Thành Ðô tại Trung Quốc hồi tháng 10 năm 1990, lãnh đạo đảng CSVN đã và đang đi theo mọi sự điều hướng của Bắc Kinh. Do đó, người ta không ngạc nhiên về thái độ “hèn với giặc – ác với dân” của lãnh đạo Hà Nội trong suốt nhiều thập niên qua về vấn đề Biển Ðông và đặc biệt là sự hung hãn của công an đối với các đoàn biểu tình từ đầu tháng 6 đến nay. Trên căn bản đó, báo lề phải của cả 2 chế độ ca cùng một bài bản là điều dễ hiểu.
Nhưng mặt khác, hiện tượng Trung Quốc phải cho báo đài của họ nhập cuộc cũng cho thấy Trung Quốc bắt đầu lo ngại về khả năng và ý chí trấn áp của lãnh đạo CSVN, cụ thể như cái lệnh cấm biểu tình không ai dám ký của UBND Hà Nội vào tuần trước.
ÐQAT: Cám ơn ông đã trả lời phỏng vấn của Người Việt.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"