Bài (3)
Kể lể dài dòng trong 2 kỳ trước, tôi không chỉ muốn ghi lại và chia
sẻ những cảm xúc của mình (tất nhiên ghi lại cho người khác hiểu cũng
tốt), mà thực ra muốn khẳng định một điều: tôi đã từng tham gia biểu
tình ở HN (dù là tự phát), nên tôi tin rằng tôi có thể nói tiếng nói của
người trong cuộc.
Và thông điệp mà tôi muốn đưa ra là như thế này: tôi tin rằng tuyệt
đại đa số những người đi biểu tình – nếu không muốn nói là tất cả – đều
là những người giống như tôi: muốn biểu lộ ra bên ngoài, tất nhiên không
phải là cho những người hàng xóm, hay cho cơ quan, mà chủ yếu là cho
nhà nước, cho thế giới, và chắc chắn là cho đối tượng bị phản đối trong
cuộc biểu tình, tức là nhà cầm quyền TQ ấy, hiểu rõ nguyện vọng về độc
lập dân tộc, chủ quyền đất nước, và ý chí bảo vệ tổ quốc khi bị xâm
chiếm của người dân Việt Nam.
Tất nhiên, theo cách nghĩ của nhiều người VN, trong đó có cả tôi nữa,
là việc này dường như không mấy an toàn, vì hình như không được nhà
nước ủng hộ, bật đèn xanh. Đó là lý do tại sao khi tham gia tôi lại lo
lắng đến như vậy. Đến nỗi khi đoàn biểu tình bị chia cắt, giải tán, thì
lá cờ tổ quốc mà trước đó tôi cầm chung với người khác cuối cùng nằm một
mình trong tay tôi. Và tôi vội gấp nhỏ lá cờ ấy lại, cất vào trong túi
mà lòng thì vô cùng sợ hãi, thực sự thế. Kèm một ý nghĩ chua chát thoáng
qua trong đầu: tôi mang cờ tổ quốc, mà sao sợ hãi như đang mang hàng
quốc cấm?
Nhưng tôi đã làm gì sai? Tôi chỉ biểu lộ lòng yêu nước, có thể tự
phát, nhưng hoàn toàn không hề phạm pháp (lúc ấy nào đã có ai ra quy
định cấm?), có thể không theo chỉ đạo của nhà nước, nhưng nếu tôi muốn
biểu lộ một cách có tổ chức, thì tôi sẽ nói với ai đây? Khi xung quanh
tôi, cơ quan tôi, tổ dân phố, báo chí truyền thông, và các đoàn hội, mọi
người đều im thin thít, dường như né tránh đụng chạm đến những vấn đề
nhạy cảm trong quan hệ Việt – Trung này. Trong khi trên báo chí, truyền
thông của thế giới và của cả Trung Quốc, thì người ta đưa ra đủ loại
thông tin về Hoàng Sa (mà TQ bảo là của họ, không thể tranh cãi, trong
khi tôi vẫn còn nhớ rõ mồn một trận hải chiến năm 1974 của quân đội VNCH
với Trung Quốc – mà lúc ấy chính quyền miền Nam gọi là Trung Cộng), về
tranh chấp biển Đông, toàn là những thông tin bất lợi cho VN. Trong khi
ngư dân VN thì cứ ra biển là bị đánh, bị bắt, bị giam, bị hành hạ, bị
nộp tiền phạt, và nhà nước VN thì vẫn chẳng có thái độ rõ ràng, hoặc
giải thích cho dân hiểu gì cả.
Mà đây có phải là lần đầu tiên ở VN có biểu tình biểu lộ lòng yêu
nước một cách tự phát đâu nhỉ? Tôi nhớ năm tôi 18-19 tuổi, đang học năm
thứ nhất ở ĐH Tổng hợp, chỉ mới hơn 3 năm sau ngày đất nước thống nhất,
thì Pol Pot gây hấn, giết hại dân người Việt Nam ở biên giới Tây Nam
(tôi có những người bạn ở Tây Ninh chạy lên Sài Gòn, với những ký ức
kinh hoàng về giặc Pol Pot), còn TQ thì tấn công ở biên giới phía Bắc.
Tôi nhớ lúc ấy bọn thanh niên chúng tôi – và có lẽ cả người lớn nữa? –
quên hết những oán giận của người miền Nam (những người thua cuộc), để
say sưa hát những bài hát yêu nước của chế độ mới, thời đại mới của
chúng tôi: “Chưa yên vui cho trọn ngày/ Áo lính lại khoác vào ngay…”,
hay “Từng đôi mắt mang hình viên đạn/ Từng đôi mắt sáng lên, cháy lên
như ngàn ánh lửa …”.
Tôi vẫn nhớ, hôm nghe tin Trung Quốc tấn công vào biên giới phía Bắc,
đám thanh niên trong lớp tôi đã tự phát tổ chức một cuộc biểu tình
mini, tự tập hợp nhau lại trong ký túc xá, hát những bài ca yêu nước, và
hô to “Đả đảo bọn bành trướng Bắc Kinh” hay một cái gì tương tự như
vậy. Không bị ai giải tán hay phê bình, bắt bớ gì cả. Rồi hôm Campuchea
được giải phóng, tôi nhớ hôm ấy là gần Tết (hình như là giao thừa?), đêm
ấy sinh viên trong ký túc xá cũng đã biểu tình, đốt lửa trại ăn mừng,
ca hát …. Cũng không có ai giải tán, phê bình, bắt bớ gì cả, mà hình như
còn được … khen?
Nhưng lần này thì khác. Biểu tình ở SG chỉ được 1, 2 lần là bị trấn
áp hoàn toàn. Hà Nội thì kéo dài được một số lần, ngày càng hoành tráng
hơn, có vẻ có tổ chức hơn, mà không bị đàn áp. Nên hôm 17/7 tôi mới hăng
hái tham gia biểu tình để thực sự cảm nhận mọi điều như một người trong
cuộc. Và tôi cũng đã thực sự muốn viết bài ca ngợi chính quyền Hà Nội.
Vì ngay cả với vụ đạp mặt người yêu nước, thì công an Hà Nội dường như
cũng tử tế hơn, và đặc biệt là giám đốc CA Hà Nội cũng đã phát biểu cho
rằng biểu tình là yêu nước – khác hẳn với sự trấn áp lạnh lùng, không
giải thích của CA Sài Gòn.
Thế mà mấy hôm nay tôi xem được những mẩu tin trên VTV phê phán biểu
tình yêu nước, cùng với loạt bài phê phán trên các báo HNM, ANTĐ, QĐND
về “những trò lố” của “nhúm người” biểu tình với những lời lẽ nặng nề,
xúc phạm nhất mà tôi có thể tưởng tượng ra, vào thời điểm đầu thế kỷ 21
như thế này. Mà nhúm người ấy có những ai nhỉ? Có thể Nguyễn Xuân Diện,
Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Quang A thì tôi không thực sự quen biết, nên
không thể nói gì hơn. Nhưng còn nhà văn Nguyên Ngọc, tác giả của Đất
nước đứng lên, chẳng lẽ là phản động ư? Còn GS Lâm Quang Thiệp, nguyên
vụ trưởng Vụ Đại học của Bộ Giáo dục, người mà tôi rất kính trọng, chẳng
lẽ cũng là phản động ư?
Tôi hoang mang lắm, vì chẳng biết biểu lộ lòng yêu nước ra như thế
nào nữa. Hình như viết blog như thế này cũng là … phản động thì phải, vì
đó là điều tôi thấy được ám chỉ trong những bài viết mà tôi nhắc ở
trên. Biểu tình thì đã bị cấm (ở Hà Nội) rồi, dường như thế, qua cái
thông báo … kỳ kỳ không có người ký mà chỉ có dấu treo ấy.
Biểu lộ lòng yêu nước có tổ chức thì dường như hôm 21/8 người ta cũng
tổ chức ở Hà Nội đấy, nhưng qua hình ảnh trên mạng thì tôi cũng thấy …
kỳ kỳ, không hợp gu của tôi, khi thấy mấy cô gái trẻ ăn mặc khá hở hang,
hao hao giống như sườn xám, nhảy nhót trên sân khấu. Chẳng lẽ chỉ cần
do Đoàn, Hội của nhà nước tổ chức thì nó trở thành đúng, còn do dân tự
nghĩ ra thì nó là sai hay sao? Mà già như tôi, muốn biểu lộ lòng yêu
nước theo kiểu của mấy cô gái ấy, cũng làm sao mà làm được?
Nên câu hỏi của tôi, mà đến giờ vẫn chưa thể nào trả lời được, đó là: Yêu nước như thế nào mới là đúng cách đây?
Nguồn: Blog AnhVu
Xem lại