Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

Tâm thư gửi các anh đã bị chính quyền bắt cóc

Báo Không Lề rất hân hạnh được đón nhận phần chia sẻ tâm tình của một bạn sinh viên Cao Đẳng Sư Phạm ở Thành Phố Vinh nói về các anh thanh niên Công Giáo đã bị công an bắt cóc trong thời gian qua. Báo Không Lề cũng cám ơn một bạn đọc ở Nghệ An đã gửi một tấm ảnh của anh Nguyễn Văn Duyệt đã bị công an bắt cóc ngày 7/8/2011 
 



Anh Nguyễn Văn Duyệt, trong một buổi sinh hoạt tại Giáo Xứ Yên Hòa, Hạt Thuận Nghĩa, Giáo Phận Vinh
Các anh kính mến!
Lúc chúng em nhận được tin các anh bị bắt cóc, chúng em hoang mang và phẩn uất vô cùng. Hoang mang không vì chúng em sợ, nhưng chúng em thấy sống trong một đất nước mà pháp luật không được tôn trọng, kẻ ác luôn tìm cách tiêu diệt những người lương thiện, những người ăn lương của dân thì lại khủng bố, đàn áp, cướp bóc của dân…
Từ mấy hôm nay, xung quanh “nhà mở” của chúng ta có thêm “ám khí” hôi thối quanh quẩn! Thậm chí nó còn xộc thẳng vào nhà khi không được một ai nghênh đón ở đây (nhà mở: trung tâm bảo vệ sự sống Gioan Phaolo II có mướn một số ngôi nhà của người dân để nâng đỡ những người lỡ lầm). Kể từ lúc các anh bị bắt cóc cho đến nay đã quá hạn giam giữ theo luật pháp qui định nhưng các anh vẫn bặt vô âm tín. Không như những lần trước, khi anh em chúng ta bị bắt vì tội “dám chôn xác các thai nhi bị giết hại” bị vứt ở sọt rác của các trung tâm y tế và bệnh viện. Chúng em nhớ lắm cái ngày anh em mình bị bắt đang khi tìm kiếm xác các thai nhi trong thùng rác của trung tâm giết người được ngụy trang bằng cái tên rất mĩ miều “ trung tâm chăm sóc và bảo vệ bà mẹ trẻ em”.
Các anh kính quí!
Chúng em rất tự hào vì đã được gặp các anh, chính các anh là những viên đá tảng trong nền móng lý tưởng sống của chúng em. Qua các anh, chúng em biết sống yêu thương hơn, biết sớt chia và sống có trách nhiệm hơn với mọi người hơn.
Chúng em nhớ lắm cái ngày đầu tiên tham gia sinh hoạt cùng các anh, cũng chính là lúc trung tâm thực hiện một cuộc bộ hành hơn 70km để kêu gọi việc chống nạn phá thai mà Việt Nam là nước đứng hàng nhất nhì thế giới (hiện tại, theo thống kê chính thức của các bệnh viện, chưa kể các trung tâm chui, thì mỗi năm Việt Nam có hơn 300.000 thai nhi bị giết hại).
Em không thể cầm nổi nước mắt khi nghĩ về các anh – các anh là những tấm gương hi sinh cao cả. Trong khi nền đạo đức của đất nước đang ngày càng tụt xuống tận đáy, thì các anh là những người dám xả thân để cứu lấy những gì có thể trong khả năng của mình. Các anh thật là những tấm gương cho chúng em noi theo!
Em nhớ lắm mỗi lần các Bầu đến ngày mãn nguyệt khai hoa. Có rất nhiều tình huống trong việc sinh nở của các bầu trong trung tâm.
Có những bầu sinh nở dễ dàng, các anh sẵn sàng nhập vai “nữ hộ sinh” ngay tại trung tâm;
Có những bầu thì sinh lúc đang còn trên đường đến bệnh viện, các anh cũng “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”;
Có những bầu vì còn nhỏ tuổi và một số bầu khó sinh nở, các anh lại tập trung ngoài hành lang của bệnh viện túc trực 24/24 hai đến ba ngày liền.
Mỗi lúc bầu sinh nở xong, các anh sẵn sàng chia nhau vào chăm em bé và “vợ”. Nhìn các anh như những người cha, người chồng thực thụ vậy: cho em bé ăn, thay tả cho em bé, thay “bỉm” cho sản phụ…các anh thật là những con người cao cả!
Các anh luôn trăn trở trước các vấn nạn của xã hội, muốn đóng góp phần nhỏ của mình để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Có lẽ chính vì thế mà các anh quên đi xây dựng hạnh phúc cá nhân mình. Có anh năm nay đã ngoài 40 tuổi những vẫn chưa lập gia đình như anh Hồ Đức Hòa; 34 tuổi như anh Đặng Xuân Diệu; 31 tuổi như anh Nguyễn Văn Oai; 30 tuổi như anh Nguyễn Văn Duyệt hay những sinh viên mới ra trường, trẻ, khỏe, năng động, tương lai đầy hứa hẹn như anh Trần Hữu Đức, anh Đậu Văn Dương, anh Chu Mạnh Sơn hay nhiệt thành như anh Nguyễn Xuân Anh (đa phần các bầu lỡ lầm đến với trung tâm không phải vì do ăn chơi trác tán mà thường là vì bị dụ dỗ hoặc bị ép buộc khi họ phải bỏ những miền quê nghèo đói để đến các thành phố kiếm kế sinh nhai hoặc các chị em sinh con thứ 3 mà sợ cơ quan đuổi việc…).
Trung tâm bảo vệ sự sống Gioan Phaolo II còn được rất nhiều người dân biết đến như một “ngân hàng máu nhân đạo di động”, luôn thăm viếng, chia sẻ với những người ốm đau bệnh tật, người neo đơn, bất hạnh.
Các anh rất kính mến!
Chúng em lo cho sức khỏe và tính mạng của các anh, vì chúng em thấy có quá nhiều người được mời vào đồn công an làm việc thì sau đó gia đình lại nhận được những thi thể “đột tử”.
Chúng em cảm thấy buồn vì sống trong một đất nước mà mạng sống của người dân không bằng mạng của một con cóc, con nhái ngoài đường.
Sống trong một đất nước mà người dân bị kết án và bỏ tù bất cứ lúc nào khi chính quyền muốn.
Sống trong một đất nước mà sự ác độc, gian dối luôn được khuyến khích để dập tắt những điều chính nghĩa.
Nhưng chúng em cũng có những hi vọng vì sự ác độc, dối trá ngày càng được bạch hóa dưới nhiều hình thức.
Chúng em vui hơn vì ngày càng có nhiều người thuộc các thành phần khác nhau đã hiên ngang đứng lên kêu gọi đấu tranh để cho sự thật, công lý và yêu thương sớm được hiện diện đúng nghĩa trên đất nước Việt Nam thân yêu này.
Các anh yêu quí!
Qua thời gian 2 năm được sinh hoạt với các anh qua trung tâm BVSS, chúng em luôn xác tín rằng: các anh là những tấm gương tốt cho chúng em noi theo. Dù ở đâu, làm gì thì chúng em vẫn tin rằng, các anh luôn làm những việc xuất phát từ đáy lòng yêu thương, trách nhiệm và luôn luôn thuận theo xu thế phát triển của xã hội.
Hơn 150 sinh viên tổ cao đẳng sư phạm chúng luôn tin tưởng và hướng về các anh từng giây, từng phút.
Một lần nữa, chúng em xác tín rằng: sự thật-công lý và yêu thương sẽ luôn làm cho những kẻ gian ác phải e sợ và thua cuộc.
Tp Vinh, ngày 18 tháng 08 năm 2011
Một sinh viên tổ cao đẳng sư phạm
V.H.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"