Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

Ngóc nghếch và ngốc nghếch

Đông Ngàn Đỗ Đức

Theo blog Đông Ngàn Đỗ Đức

Tháng 7 năm 1979, ông Hoàng văn Hoan chạy sang Trung quốc từ sân bay Carasi, Đài tiếng nói Việt Nam đã có một chương trình nói xấu ông ta khá kì quặc. Không biết lúc ấy đài lôi ở trong hang cua nào ra được mấy ông nói năng thều thào chẳng ai biết đến tên tuổi, bôi xấu Hoàng Văn Hoan là tên cơ hội nhát chết, rồi kể những cái tồi tệ về đời tư đến từng chi tiết nhỏ nhặt. Câu chuyện được vòng vo kéo từ Thái lan về Việt Nam.
Lúc ấy tôi nghĩ ngay: Hoàng văn Hoan là Phó chủ tịch thường trực Quốc hội, người bạn chiến đấu thân tín của ông Hồ, Ủy viên Bộ chính trị, là thành viên sáng lập Đảng lao đông Việt Nam, có thế và lực đến thế, chắc chắn ông không là kẻ bất tài. Nếu là phản động chui vào thì đó cũng là một đại gian hùng vì hoạt động giấu mình còn khó hơn nữa. Nhưng người này đi theo cụ Hồ và được cụ lựa chọn vào vị trí đó thì chắc chắn không phải là loại người như mấy ông hết hơi kia kể. Vì đã như thế thì sao lại vào đến chỗ nắm quyền lực cao như vậy...
Chẳng qua đây là bất đồng quan điểm, bức bách nhau trong cấp cao mà bỏ chạy thôi. Lúc ấy tôi nghĩ truyền thông thật tẹp nhẹp, bọn làm chương trình dốt nát và người chỉ đạo cũng quá kém cỏi, coi thường người nghe, làm kiểu ấy thì không thể thuyết phục ai trừ mấy người ít giao du, cả tin. Tôi nghi ngờ truyền thông Việt Nam từ đấy.
Có người hỏi tôi, vậy thì lí giải cách nào về việc ông ta ra đi. Tôi bảo ngay: hôm qua là Anh hùng, nhưng hôm nay có thể thành kẻ phản bôi, chuyện đó chẳng có gì là không có thể cả. Với ông ta, sự đóng góp với cách mạng là có thật, chúng ta nên ghi nhận đàng hoàng, còn hôm nay không theo kịp tiến trình lịch sử, chạy theo giặc, chống lại đất nước thì có thể xử bắn, nếu tội đáng thế. Cần minh bạch như thế thì người nghe mới tâm phục khẩu phục. Còn dùng cách bôi xấu thế này thì khác gì mấy đứa trẻ con đầu đường xử với nhau khi bất hòa!
Hôm nay thời đại thông tin mạng toàn cầu, nói xin lỗi, nếu một vị cao cấp tiếp khách vô ý đánh cái rắm, thì chỉ không đầy phút sau toàn cầu có thể biết nếu người bên cạnh nghe thấy và nhấp chuột. Nếu có máy ghi âm toàn cầu lại có thể nghe thấy cả âm thanh. Có môt câu đố dân gian đố về cái rắm như sau: Xóm dưới lên xóm trên/ biết tên không biết mặt. Cái thứ huyền bí đó chẳng còn là huyền bí khi phương tiện truyền thông đã kéo mọi vị trí địa lí vào sát vách nhà mỗi người.
Vậy nên phóng sự 16 phút của VTV1 về vụ án Cù Huy Hà Vũ nó làm cho tôi thực sự sốc. Sốc vì cách làm truyền thông như thế thì đúng là ếch uôm quá, nó ngây ngô kém cỏi phản tác dụng vì nó lặp lại cách làm cũ kĩ mốc meo thuở hồng hoang, giống hệt như thời bôi xấu Hoàng Văn Hoan bỏ trốn. Càng kể lắm chi tiết càng thấy thiếu tính thuyết phục, phải vơ bèo vạt tép đơn phương đặt lên bàn cân đủ thứ để tăng sức mạnh thuyết phục. Nhưng rồi người ta nhận thấy kẻ cao giọng là kẻ đuối lí phải nói lảng sang chuyện khác, càng lắm thông tin ngoài vụ án thì càng hỏng, càng lộ rõ chân tướng nói lấy được, cả vú lấp miệng em. Có chăng chỉ lừa được mấy bác vùng sâu vùng xa xem nó như xem phim truyện! Mà địa bàn cần để thuyết phục lại không phải ở đấy, mà là dân các thành phố lớn đã hiểu biết hơn nhiều và giới trí thức khoa học. Dân trí thời nay đã cao lên nhiều lần lắm rồi.
Tính ra hai câu chuyện về truyền thông cách nhau đã 32 năm, một thế hệ rưỡi rồi mà nó không lớn lên được. Vẫn chỉ là đứa trẻ con ngốc nghếch.
8/8/2011

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"