Theo BBC Việt Ngữ
Tin liên quan:
Gia đình của một số phạm nhân trong vụ án chính trị Lê Công Định –
Nguyễn Tiến Trung vừa hé lộ cho BBC hay lý do thực sự đằng sau việc
người thân của họ nhận tội khi bị bắt hơn một năm về trước, đồng thời
cho biết về tình hình giam giữ, sức khỏe và ‘lập trường’ của người nhà
của họ ở trong tù hiện nay.
Trước hết, vợ của ông Trần Huỳnh Duy Thức, người bị phạt nặng nhất
trong vụ án với mức án được y án tại phiên phúc thẩm 11/05/2010 là 16
năm tù và 5 năm quản chế tại gia với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ
chính quyền nhân dân,” cho hay chồng của bà hiện vẫn được giam riêng với
một bạn tù cùng vụ án.
Bà Lê Đính Kim Thoa, nói sau hơn một năm thụ án phúc thẩm, chồng của
bà hiện bị giam cùng với ông Lê Thăng Long, người bị kết án 5 năm tù với
cùng tội danh theo điều 79 Bộ luật Hình sự, trong khi cha đẻ của ông
Thức, ông Trần Văn Huỳnh, 74 tuổi, tháng trước vừa gửi thư lần thứ ba
tới các cơ quan chức năng xin xét lại bản án của con trai mình.
“Ba chồng tôi có gửi một thỉnh nguyện thư công dân tới các nơi có
thẩm quyền để xin giám đốc thẩm, gửi tới các nơi, Quốc hội, Viện Kiểm
sát Nhân dân, giải thích thêm những công việc chồng tôi làm không có gây
hại gì cho đất nước,” bà Thoa cho hay ông Thức và gia đình hiện vẫn
đang chờ phản hồi.
Vợ của ông Thức, người thăm chồng một lần mỗi tháng tại trại giam
Xuân Lộc, thuộc tỉnh Long Khánh, nói chủ đề giao tiếp của các cuộc gặp
với chồng bà được trại giới hạn về thăm hỏi tin tức gia đình, sức khỏe,
tuy nhiên cho hay chồng của bà không thay đổi về lập trường của mình:
“Anh ấy đâu có tội gì đâu nên vẫn bình thường, tinh thần vẫn ổn như cũ vậy thôi. Vẫn giữ vững lập trường từ xưa đến giờ.”
Khi được hỏi về lý do ông Thức đã từng đọc một bản nhận tội trước cơ
quan an ninh điều tra vốn được công bố rộng rãi trên truyền thông trong
nước, nhưng lại bất ngờ cáo buộc ông bị “nhục hình và bức cung” trong
quá trình bị điều tra, rồi phủ nhận hoàn toàn việc có tội tại các phiên
sơ thẩm (20/1/2010) và phúc thẩm (11/05/2010), bà Thoa đáp:
“Cái đó tôi cũng không hiểu chồng tôi lắm. Nhưng tôi vẫn tin rằng
chồng tôi vô tội. Chồng tôi không làm gì gây hại cho đất nước Việt Nam
này hết.”
“Vì chịu sức ép”
Các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long, Lê Công Định (trái sang) tại phiên sơ thẩm tháng 01/2010.
Gia đình của Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung, một phạm nhân khác cùng vụ
án, đang thụ mức án 7 năm tù giam, 3 năm quản chế tại gia với tội danh
“hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân,” cho hay “Trung vẫn khỏe”
trong lần gần nhất gia đình vào thăm nuôi ở số 4 Phan Đăng Lưu, quận
Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, hôm 18 tháng Tám.
Bà Lê Thị Minh Tâm, mẹ của Tiến Trung cho BBC hay con trai của bà
đang tiến hành một số thủ tục trong trại giam được cho là liên quan tới
việc xin ân xá:
“Ở trong trại người ta đang bảo Trung làm một số đơn từ để xin khoan
hồng, Trung cũng có thực hiện một số vấn đề. Người ta cũng hứa, nhưng
hoàn toàn gia đình không nghe thấy gì cả.”
Bà Tâm nói từ ngày 1 tháng Chín, gia đình sẽ giảm việc được thăm nuôi
từ hai lần một tháng xuống chỉ còn một lần theo thông báo mới của trại
tuy không biết lý do vì sao. Bà cũng nói Thạc sỹ Trung được giam chung
với một tù nhân thường phạm:
“Giam chung với một người tù nữa, tù về kinh tế. Chủ yếu gia đình cung cấp thức ăn, còn trong trại chỉ có cơm thôi.”
Bà Tâm cũng cho biết một người bạn gái thân thiết của Thạc sỹ Trung,
nhà hoạt động dân chủ Hoàng Lan hiện đang tu nghiệp ở Hoa Kỳ, “vẫn
thường xuyên liên lạc về hỏi thăm tình hình của Trung” và “gia đình cũng
động viên Hoàng Lan cố gắng học cho xong Tiến sỹ.”
Về lý do đằng sau việc Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung nhận tội, bà Tâm cho
biết: “Theo tôi vì cái áp lực của nhà tù là chính. Còn những việc làm
của Trung, thì tôi nghĩ, Trung biết là Trung làm đúng, chứ không sai.
Trung cũng động viên gia đình là vì nhiều nguyên nhân khác nữa mà Trung
phải làm như vậy.”
“Những cái đó không thể đưa hết lên truyền hình đâu. Nhiều khi vì
những áp lực với gia đình nữa, cho nên Trung không muốn ảnh hưởng đến bố
mẹ.”
Khi được hỏi liệu có phải Thạc sỹ Trung đã nhận tội vì muốn áp lực
lên gia đình bị giảm đi và muốn bản án được nhẹ hơn hay không, mẹ của
nhà hoạt động này khẳng định:
“Cái đó chỉ là một phần thôi, Trung rất thương gia đình. Có lẽ bây
giờ chưa tiện nói ra, nhưng sau này các anh sẽ hiểu thôi. Vì nó có ảnh
hưởng đến gia đình, cái chính là thế.”
Bà Tâm không cho rằng con trai của bà đã chịu nhận tội dưới các tác
động điều khiển tâm lý như “bị thôi miên,” nhưng tin rằng có thể đã có
ai đó mong muốn làm “hạn chế” tiếng nói của Tiến Trung sau sự việc, sau
này, khi con trai của bà mãn hạn tù”.
“Trung có một niềm tin. Cái gì Trung không làm được thì mọi người tiếp tục làm… Tôi tin rằng con tôi vô tội.”
“Tôi nghĩ rằng Trung không làm gì sai cả, chỉ có điều Trung đi hơi
sớm, đơn lẻ, chứ không như tình hình bây giờ,” bà Tâm nhận định.
“Ý thức cải tạo kém”
Vợ của một phạm nhân khác trong vụ án, cựu chiến binh Trần Anh Kim,
người bị kết án 5 năm rưỡi tù giam, ba năm quản chế và đang thụ án tại
trại giam Ba Sao ở tỉnh Nam Hà, cho hay ông Kim “mạnh khỏe” và tinh thần
“vẫn dũng cảm.”
“Anh Kim bây giờ được giam chung với một số đồng bào ở Tây Nguyên bị
bắt trong vụ kiện đòi đất cát và một một số anh đấu tranh về chính trị
khác,” bà Nguyễn Thị Thơm, vợ của vị cựu trung tá quân đội, cựu Bí thư
Đảng ủy quân sự, phó chỉ huy chính trị Ban quân sự Thị xã Thái Bình, cho
biết.
Người nhà ông Trần Anh Kim (bên phải) cho hay ông vẫn “giữ nguyên lập trường chính trị” của mình trong trại giam.
Về khả năng được giảm án, ân xá của ông Kim, bà Thơm cho hay: “Với
những người tù chính trị như anh Kim, khi mà mình vẫn giữ lập trường của
mình, thì có lẽ họ cũng không thể có ân xá hay khoan hồng cho những
người làm chính trị mà lập trường vững vàng như cánh anh Kim đâu.”
Bà Thơm cho BBC hay ông Kim được trại giam đánh giá là có “ý thức cải
tạo kém,” “không chấp hành,” và do đó khó có khả năng ông được ân giảm:
“Đợt vừa rồi, tôi nhận được thư của trại giam gửi về cho gia đình,
thân nhân. Họ nhờ gia đình kết hợp giáo dục thành viên phạm nhân, như
anh Trần Anh Kim là ý thức cải tạo kém, không chấp hành… Vấn đề họ đưa
ra nhận xét anh Kim như thế thì chuyện ân xá hay ra sớm như anh Kim thì
chắc là không có.”
Vợ của nhà hoạt động đang bị giam thuật lại rằng chồng bà tiếp tục
tin ông vô tội: “Lúc nào anh ấy cũng khẳng định những việc anh ấy làm có
ích lợi cho dân tộc Việt Nam, đòi quyền lợi cho bản thân anh và quyền
lợi của dân tộc, nhân dân mình được hưởng theo những công ước quốc tế mà
Việt Nam đã ký kết.”
“Anh ấy là những người biết cho nên anh ấy đòi quyền lợi cho bản
thân, dân tộc và đất nước và anh ấy khẳng định điều ấy là đúng. Thứ hai,
anh ấy bảo cả cuộc đời anh ấy sống trong sạch, làm việc gì cũng vì việc
chung, vì dân tộc cả, chứ anh không làm việc gì sai cả. Còn bây giờ họ
bắt anh ấy vào đây là vì họ muốn bịt đi tiếng nói của anh ấy thôi.”
Trước câu hỏi vì sao ông Kim đã nhận tội, nhưng nay lại không chịu
“cải tạo” tốt, bà Thơm bình luận: “Nếu như họ làm được bất cứ điều gì để
đạt được mục đích để hạ uy tín của ông Kim đối với trong và ngoài nước,
thì họ phải làm như thế. Nhưng tôi nghĩ đó chỉ là một khía cạnh để che
mắt tất cả những người nào đó không am hiểu sâu về mục đích cao cả và
chính trị thôi.”
“Còn những người nào hiểu sâu về mục đích cao cả, về chính trị, về
đất nước, họ sẽ không nghĩ như thế. Và tôi nghĩ mục đích ấy của họ không
đạt được, cho nên trong vụ án của ông Kim, họ tuyên án ông Kim rất nặng
nề.”
Người nhà của ba trong số các phạm nhân mà BBC có dịp trao đổi đều
cho biết họ gặp khó khăn ít nhiều từ mặt vật chất, tới tinh thần, sau
khi các phạm nhân, vốn là các trụ cột gia đình về phương diện kinh tế,
tinh thần, bị lãnh án tù.
BBC chưa liên lạc được với gia đình của luật sư Lê Công Định. Trong
một cuộc phỏng vấn gần đây trên báo Việt Nam, cô Ngọc Khánh, vợ của luật
sư Định, tiết lộ “chúng tôi coi như là đã ly thân rồi”.
Một bản tin hôm 29/8/2011 của Thông tấn xã Việt Nam cho biết Nhà nước
vừa công bố ân xá cho 10.535 phạm nhân, nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh
2/9, trong đó có 1.333 người là nữ, 29 người trên 70 tuổi, và 150 cựu
cán bộ, quan chức.
Tuy nhiên, các phạm nhân trong vụ án chính trị thu hút sự quan tâm
của dư luận trong nước và quốc tế năm 2010, có thể còn phải trải qua
nhiều thời gian nữa trước khi có thể được xét ân xá, đặc xá hay hưởng
khoan hồng như kỳ này.