Tạ Phong Tần
Vụ 14 thanh niên Công giáo bị bắt
Trong chiến dịch bắt cóc người hàng loạt ở giáo phận Vinh của nhà cầm
quyền Việt Nam, sau 22 ngày bị “bắt cóc” đem đi mất tích, thân nhân
những người bị bắt chạy long tóc gáy khắp nơi từ xã lên huyện lên tỉnh
rồi đến Bộ Công an nhưng cơ quan nào cũng chối bỏ trách nhiệm và “Bộ chỉ
về địa phương, địa phương chỉ lên Bộ”. Đến vài ngày sau Bộ Công an (An
ninh điều tra) mới “lòi mặt” ra bằng thông báo cho gia đình các anh
Nguyễn Xuân Anh (29 tuổi), Nguyễn Văn Oai và Nguyễn Văn Duyệt (cả hai
đều 31 tuổi), Hồ Đức Hòa (37 tuổi) và Đặng Xuân Diệu (32 tuổi) biết là
thân nhân của họ bị bắt vì tham gia vào đảng Việt Tân, vi phạm Điều 79
BLHS. Tình trạng những người bị công an bắt cùng thời điểm trên là Trần
Hữu Đức, Đậu Văn Dương, Paul Trần Minh Nhật, Đặng Xuân Tương, Chu Mạnh
Sơn, Thái Văn Dung, Nông Hùng Anh, Hồ Văn Oanh thì “biệt vô âm tính”.
Anh Paulus Lê Văn Sơn sau khi bị đám đông công an bắt cóc và niêm
phong tài sản (bằng miệng, trái pháp luật) tại nơi anh Sơn thuê trọ,
thông báo gửi cho gia đình anh dù có ghi rõ họ tên, địa chỉ người nhận
nhưng vẫn cứ “nằm ì” ở Công an xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đến
26 ngày sau, khi người nhà đi tìm thì Phó Công an xã mới chịu chìa ra.
Tôi lấy làm ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến “Thông báo về việc tạm
giam bị can” số 153/ANĐT ngày 11/8/2011 của Cơ quan An ninh điều tra Bộ
Công an (ANĐT) gửi cho thân nhân anh Paulus Lê Văn Sơn ghi: “Tham
gia tổ chức phản động Việt Nam canh tân cách mạng đảng” hoạt động nhằm
lật đổ chính quyền nhân dân Quy định tại Điều 79 Bộ luật hình sự nước
CHXH Việt Nam” (nguyên văn).
Thông báo này tất nhiên theo mẫu do Bộ Công an quy định, khác nhau ở
chổ tên người và lý do bị bắt mà thôi. Chúng ta biết rằng văn bản của cơ
quan pháp luật chỉ được sử dụng từ ngữ trong hệ thống văn bản pháp
luật, mà toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam không có từ “phản động”,
không có định nghĩa “phản động”. Cái sai thứ 1 là cơ quan ANĐT lấy những
từ ngữ “nôm na mách qué” nhét vào một văn bản pháp luật quan trọng (như
cái Thông báo trên) để loan báo cho nhiều người biết công dân đó đã bị
bắt vì phạm tội đó rõ ràng là sai hoàn toàn. Cái sai thứ 2 thuộc về lỗi
ngữ pháp, viết hoa tùy tiện, thích hoa thì hoa, thích thường thì thường,
nguyên tắc ngữ pháp tiếng Việt học sinh phải hoàn tất trong chương
trình phổ thông lớp 9, không hiểu sao cán bộ ANĐT lại “chơi” chữ “Quy”
viết Hoa là ý nghĩa gì? Cái sai thứ 3 là làm việc tắc trách, cẩu thả,
xin hỏi Cơ quan ANĐT cái quốc gia “CHXH Việt Nam” này là quốc gia nào?
Cơ quan điều tra cấp Bộ mà một câu ngắn có 34 chữ đã viết sai đến 3
chổ, ý là câu này có đến 22 chữ trích dẫn nguyên văn từ nơi khác mang
vào, nếu toàn bộ 34 chữ đều do cán bộ ANĐT tự sáng tác ra hẳn còn sai
sót nhiều hơn? Và cơ quan điều tra cấp dưới Bộ (tỉnh, thành phố, quận,
huyện) còn sai sót nhiều hơn nữa? Do đó, tôi hoàn toàn có căn cứ để nghi
ngờ năng lực điều tra của họ không đáp ứng yêu cầu khoa học-khách
quan-trung thực – điều bắt buộc phải làm trong công tác điều tra.
Tôi không có thông tin chi tiết về hoàn cảnh bị bắt của các anh
Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Văn Oai, Nguyễn Văn Duyệt, Hồ Đức Hòa, Đặng Xuân
Diệu; riêng trường hợp anh Lê Văn Sơn, căn cứ lời kể của người chứng
kiến, nội dung bản Thông báo, đối chiếu với khoản 1 Điều 81 Bộ Luật Tố
Tụng Hình Sự quy định về “Bắt người trong trường hợp khẩn cấp” thì thấy
rằng Cơ quan ANĐT đã hành động tùy tiện trái pháp luật và có nhiều hành
vi khuất tất.
Anh Lê Văn Sơn “bị một đám người bắt cóc ngay trước cổng nhà trọ”.
Chị chủ nhà nói: “Sơn nó bị 6-7 người hung tợn bắt đi rồi cùng với chiếc
xe máy và một người bạn đi cùng cũng bị bắt đi luôn”.
Khoản 1 Điều 81 BLTTHS quy định như sau:
1. Trong những trường hợp sau đây thì được bắt khẩn cấp:
a) Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm
chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà
xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;
c) Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của
người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc
người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.
Anh Lê Văn Sơn bị bắt cùng một người bạn nữ ở trước cổng nhà trọ,
không có tang vật phạm pháp khi bị bắt nên không có căn cứ để cho rằng
“đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc
biệt nghiêm trọng” nên không đủ điều kiện đáp ứng điểm a;
Không có một vụ án hình sự nào đã xảy ra do anh Sơn thực hiện nên tại
thời điểm bị bắt không có “người bị hại” hoặc “người có mặt tại nơi xảy
ra tội phạm”, cũng không có dấu hiệu anh Sơn bỏ trốn, nên không đủ điều
kiện đáp ứng điểm b;
Không hề phát hiện thấy “dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở
của người bị nghi thực hiện tội phạm”, nơi ở của anh Sơn ngoài những vật
dụng sinh hoạt cá nhân, quần áo cũ rách ra thì nó trống trải đến mức
thậm chí Cơ quan ANĐT cũng không thèm ra lệnh khám xét, do đó không đủ
điều kiện đáp ứng điểm c.
Vì không hội đủ những điều kiện đã nêu ở trên, nên cơ quan điều tra
phải có hành vi như bọn xã hội đen không coi pháp luật ra gì, đó là bắt
cóc người lôi ù về cơ quan mình nhốt. Mãi đến hơn 20 ngày sau (chắc là
ép ra) được một mớ “tờ nhận tội” nên mới khởi tố ra lệnh tạm giam?
Lâu nay, ở ViệtNam, tham gia đảng Việt Tân là cái cớ để quy chụp và
bắt bớ công dân. Cần nhấn mạnh rằng, bắt khẩn cấp là kiểu “nghi thì ra
lệnh bắt” chớ chưa đủ chứng cứ chứng minh ai đó phạm tội để khởi tố bị
can. Nếu cơ quan ANĐT có đầy đủ bằng chứng (Ví dụ như: Đơn xin vào đảng,
thủ tục kết nạp, tuyên thệ, thẻ đảng viên, các quyết định phân công tác
của người lãnh đạo đảng đối với đảng viên…) thì cơ quan ANĐT đã đường
hoàng khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam một
cách công khai đúng trình tự quy định tại Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự, không
cần phải bắt cóc giữa đường rồi hợp pháp hóa bằng lệnh bắt khẩn cấp.
Ông Lý Thái Hùng- Tổng bí thư đảng Việt Tân nói với BBC những thanh
niên Công giáo và Tin lành bị bắt trong hơn 20 ngày qua ở Nghệ An, Hà
Nội và Sài Gòn không liên quan gì đến đảng Việt Tân của ông.
Ông Bao đại nhân “mặt sắt” (phim Bao Thanh Thiên, Đài Loan sản xuất
năm 1993) hùng hồn cãi trước mặt hoàng đế Nhân Tông rằng: “Đặt phạm nhân
dưới ngọn roi sấm sét thì muốn họ nói gì chẳng được”.
Thống kê từ giữa năm 2007 đến năm 2011 có hơn 20 người dân vô tội mới
bị “tạm giữ” đã chết oan ức trong đồn công an. Từ đầu năm 2011 đến nay
có 7 người chết tức tưởi trong đồn công an sau khi bị bắt gồm: Nguyễn
Lập Phương, Trịnh Xuân Tùng, Đặng Ngọc Trung, Nguyễn Công Nhựt, Trần Văn
Dữ, Đặng Phi Vũ, Lê Văn Trận.
Ở thời điểm hiện nay, tôi cải biên lại lời Bao đại nhân rằng: “Đặt
người dưới uy lực ngọn dùi cui, roi điện, xà lim, án tù…, làm mất sự học
hành, làm ăn, hạnh phúc, con cái hư hỏng, cha mẹ đau ốm không người
chăm sóc… thì muốn khai gì chẳng được. Đừng nói một vài lời khai, một
ngàn lời khai cũng có như thường”. Xin quý vị nhớ cho rằng: Thân nhân
của quý vị vô tội, nếu như trong tay cơ quan điều tra chỉ có mỗi chứng
cứ duy nhất là lời khai.
Tạ Phong Tần