Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Lịch sử sẽ trả lại sự thật

TT Ngô Đình Diệm: Lịch sử sẽ trả lại sự thật, danh dự và công bằng cho ngài

Kể từ sau hiệp định Genève 54 chia đôi đất nước giữa Pháp và chính quyền cộng sản Hà Nội . Cuộc chia đôi đất nước đẫm máu đầy bi thương của dân tộc ! Miền Bắc thuộc quyền cai trị của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa , tức là thuộc về cộng sản . Còn miền Nam thuộc về Việt Nam Cộng Hòa (VNCH ), tức là thuộc về thế giới tự do .
Như mọi người đều biết , VNCH có nền Đệ I và Đệ II Cộng hòa. Đệ I Cộng hòa được thành lập vào ngày 07 / 07 / 1954 do Chí sĩ Ngô Đình Diệm bôn ba từ hải ngoại về nước sáng lập và lãnh đạo. Ông được dân chúng miền Nam từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mâu bầu lên, bằng một cuộc tổng tuyển cử tự do đầu phiếu làm Tổng Thống đầu tiên của nền Đệ I  của nước  Việt Nam Cộng Hòa cho đến ngày Tổng thống Ngô Đình Diệm bị Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng lật đổ ngày 01-11-1963.

Sau đó Đệ II Cộng hòa được thành lập cho đến ngày miền Nam rơi vào tay Cộng sản Bắc Việt .
Đây là một bước ngoặt đánh dấu cho một nền dân chủ đầu tiên của dân tộc, chấm dứt chế độ độc tài phong kiến cai trị đất nước cả hàng nghìn năm và một trăm năm đô hộ của người Pháp.
Sau khi hiệp định Genève 54 có hiệu lực. Một làn sóng người di cư tị nạn Cộng sản vĩ đại từ miền Bắc tràn qua sông Bến Hải xuống miền Nam Việt Nam. Đó là một cuộc di cư lánh nạn lớn nhất trong lịch sử, kể từ khi lập quốc. Hơn 1 triệu người từ bỏ tài sản nhà cửa ruộng vườn để đi  vào Nam tìm tự do no ấm .
Trước đó những người dân miền Bắc đã sống trong vùng Việt Minh kiểm soát. Họ đã hiểu thế nào là Cộng sản. Thế nào là độc tài sắt máu. Thế nào là sự lừa bịp mị dân. Họ đã từng chứng kiến những cuộc đấu tố dã man. Con tố cáo cha, vợ tố cáo chồng. Những cuộc ám sát thủ tiêu bí mật. Những vụ thanh trừng bắn giết để tiêu diệt các đảng phái yêu nước đối lập như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Cách Mạng Đảng… những người không chịu đứng chung trong hàng ngũ với Cộng sản. Tôn giáo được coi là mê tín dị đoan phải xóa bỏ. Chỉ có Bác và Đảng là trên hết .
Cả một xã hội bị ly tán và phân hóa chia rẽ giầu nghèo, người ta gây căm thù giữa hàng ngũ địa chủ và nông dân khiến họ xâu xé, tố khổ lẫn nhau , kể từ khi chính quyền của cái gọi là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập từ mùa Thu năm 45. Mà người Cộng sản thường gọi là Cách mạng tháng 8.
Sau này khi đã lớn khôn , tôi được nghe mẹ kể lại những hệ lụy do cuộc Cách mạng tháng 8 mang lại những bi thương khổ ải cho cả đất nước và dân tộc. Đó cũng là sự nhức nhối ray rức, không chỉ riêng của người viết, mà là với mọi người Việt Nam yêu nước. Đó cũng là động cơ khiến người viết làm nên một bài thơ đã lâu. Nhân đây muốn xin được chia sẻ với bạn đọc. Bài thơ có tên là Một Chiều Thu Ấy như sau:
Có một ngày đã xa còn đó
Quên làm sao vết sẹo nghìn đời
Thân ngã sấp cõng hồn tím lặng
Vách núi sầu lãng đãng trời mây
Giữa ngọ dìm ngày không níu được
Thuyền không neo Trời nước mênh mông
Cứ lênh đênh từ đó tang bồng
Mẹ đứng khóc một chiều Thu ấy
Chưa mừng vui đã vội hao gầy
Kể từ đó tương tàn cốt nhục
Bắc Nam Trung chìm ngập đạn bom
Biết hận thù khi nao xóa được
Chảy biển Đông ngập máu chia lìa
Như chim Yến mỗi ngày thổ máu
Dán đời mình vách đá điêu linh
Ôm trần gian trợn tròn hai mắt
Đá xám đen nghẹn uất chiêm bao
Mùa Thu vàng xác người ướp lá
Nuốt âm thầm lênh láng đau thương
Trách làm chi Trời chập âm dương
Trụ lại thành con người vật vã
Trên trần gian chắp cánh vô thường
Nghe gió thổi rơi vào nghìn kiếp
Vàng rộm hong một chiếc lá bay
Xin ngàn sau thôi trở lại nơi này
Nhưng Trời hỡi ! Đất này tôi yêu quá.
Từ khi hiệp định Genève được hai bên ký kết, khắp miền quê xa xôi hẻo lánh đến các thành phố  lớn nhỏ, đồng bào xôn xao bàn tán về chuyện di cư vào Nam. Nhất là đồng bào theo đạo Công giáo. Người ta loan truyền có “tầu há mồm khổng lồ” của Mỹ tới các hải cảng để  đón rước đồng bào. Thế là dân chúng lũ lượt  về thu xếp gia đình, bồng bế nhau  già trẻ lớn bé chạyï trốn. Bất kể đe dọa, bắt bớ lẫn phủ dụ tuyên truyền. Cán bộ Việt Minh khuyên lơn đồng bào ở lại. Họ nói, “bây giờ đất nước đã được hòa bình độc lập rồi hãy ở lại làm ăn, đừng nghe theo đi làm tay sai cho địch” !
Theo nguyên tắc trong văn bản hiệp ước qui định, người dân Việt Nam có quyền ai muốn sinh sống ở đâu, thì được tự do lựa chọn. Nghĩa là ai theo Bác và Đảng thì ở lại miền Bắc. Còn ai yêu quí tự do dân chủ thì đi vào miền Nam sinh sống. Nhưng đó chỉ là trên văn bản giấy tờ, còn trên thực tế thì chính quyền Bắc Việt ra sức ngăn cấm. Nên ở các vùng xa xôi hẻo lánh, ai muốn đi tìm tự do ở miền Nam thì phải lén lút lẩn trốn. Họ chỉ tiết lộ tin tức ra đi cho những người thân quen và bạn bè với nhau mà thôi.  Ngoài ra tất cả phải giữ bí mật. Nếu không muốn bị ngăn cản hay bị bắt giữ.
Cuộc di cư của hơn 1 triệu người miền Bắc lánh nạn Cộng sản vĩ đại nhất, từ trước đến nay ở Việt Nam như đã nói. Công lao lớn nhất phải được nhắc đến, là của anh em trong gia đình Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Suốt thời gian còn ở Hoa Kỳ chuẩn bị về nước chấp chánh lãnh đạo đất nước, Chí sĩ họ Ngô đã vận động trong khối Thế giới tự do, đặc biệt là sự giúp đỡ to lớn về tài chính, lương thực,thực phẩm các phương tiện vận chuyển của chính phủ Mỹ và giáo hội Công giáo Vatican đối với người  tỵ nạn Cộng sản. Ân nhân của những người di cư tỵ nạn cụ thể nếu không được nói đến là một điều thiếu sót, là Đức Hồng y giáo chủ Spellman của Hoa Kỳ.
Những người tỵ nạn sau khi được các phương tiện đưa tới Sài gòn. Họ được tập trung vào các trại tạm cư, được giúp đỡ  phương tiện chuyên chở, tiền bạc, thực phẩm thuốc men một thời gian dài, rồi sau đó họ được đưa về các nơi ruộng đồng phì nhiêu để định cư, tạo dựng cuộc sống mới. Những địa danh sau này nổi tiếng như vùng Cái Sắn Rạch Giá, Hố Nai, Gia Kiệm, Phương Lâm, Blao Bảo Lộc… không một người miền Nam nào là không biết đến .
Suốt 9 năm cầm quyền lãnh đạo miền Nam Việt Nam của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, người dân có dịp sống trong thời gian đó và sống trong thời gian nhiễu nhương của các Tướng lãnh cầm quyền sau này. Khi chế độ Đệ I Cộng hòa bị lật đổ, người ta mới vô cùng tiếc nuối một vị lãnh đạo yêu nước, đức độ tài ba có một tinh thần độc lập quốc gia dân tộc,  rất đáng kính trọng .
Ông đã bị một số Tướng lãnh thuộc hạ thân tín, cam tâm nhận tiền bạc, và bị mua chuộc của ngoại bang phản bội. Dưới chiêu bài, lật đổ Chế độ độc tài gia đình trị nhà Ngô, vào ngày 01-11-1963, cả hai anh em ông là Cố vấn Ngô Đình Nhu đều bị sát hại một cách thê thảm .
Sau hiệp định Genève 1954, khi ông Ngô Đình Diệm được Hoàng Đế  Bảo Đại mời về làm Thủ tướng, công việc của ông lúc đầu thật là khó khăn đầy gian nan vất vả. Chính phủ của ông vừa được thành lập chân ướt chân ráo, ngoài việc tìm những nhân tài yêu nước, có tinh thần quốc gia dân chủ  tham gia vào trong Nội các, Quân độI, chính phủ còn phải đối phó với những Đảng phái đội lốt tôn giáo như Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên. Mỗi đảng phái chiếm cứ một vùng để kiểm soát sách nhiễu dân chúng. Những đảng cướp khác cũng  nổi lên khắp nơi như hồi Thập Nhị Sứ Quân thời  Đinh Bộ Lĩnh, chúng hà hiếp cướp bóc dân chúng , rất khó khăn cho việc ổn định an ninh trật tự. Đó là chưa kể  đến sự phá hoại của phía Cộng sản Bắc Việt còn cài Quân đội và tình báo ở lại để đánh phá gây rối loạn cho miền Nam Việt Nam . Trong khi chính quyền còn phải lo xây dựng tổ chức một thể chế chính trị, như  tổ chức Trưng cầu dân ý, Tổng tuyển cử bầu ra tổng thống, quốc hội Lập Hiến. Củng cố chính quyền và Quân đội được bàn giao từ phía chính quyền cũ do người Pháp thành lập theo hiệp định Genève qui định .
Kể từ  tháng 8 năm 1945 khi Việt  Minh chiếm được chính quyền từ tay thực dân Pháp , cho đến ngày miền Nam bị mất về tay Cộng sản 30-04-1975 . Dưới thời chính phủ của Tổng thống Ngô Đình Diệm , đời sống dân chúng rất là sung túc và thịnh vượng . Trong những năm đó đất nước có thể nói được là thanh bình an vui , sau vài năm giặc giã loạn lạc cướp bóc  được quét sạch do hậu quả của chế độ thực dân phong kiến để lại .
Chưa có thời gian nào kinh tế của đất nước lại được độc lập và ổn định như vậy. Người dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có tiếng là làm chơi ăn thật, vì đất đai ruộng đồng phì nhiêu bát ngát, thẳng cánh cò bay, nông dân canh tác không hết. Sông rạch thì tôm cá rất nhiều, bắt không xuể. Ở những miền quê khắp nơi đời sống thanh bình êm ả, nông dân ăn nhậu, đàn hát thâu đêm suốt sáng . Họ không phải lo toan đến cái ăn cái mặc. Cuộc sống tuy phải lam lũ với ruộng đồng , nhưng tinh thần thì rất là thoải mái , sự vô tư và tánh tình mộc mạc chất phát càng làm cho người nông dân Nam Bộ dễ gần , dễ mến hơn .
Ngày đó nền kinh tế của miền Nam rất là thịnh vượng. Đồng tiền Việt Nam rất là có giá trị. Người ta có thể xé đôi tờ bạc 1 đồng ra để mua bán, chi tiêu. Vì con cá, mớ rau được tính từ xu, từ cắc. Muốn rủ bạn đi ăn tô phở chỉ tốn có dăm sáu đồng bạc. Rồi cho đến những năm cuối thập niên 60, tình hình chiến sự ngày càng tồi tệ, do miền Bắc cho quân xâm nhập vào miền Nam, mỗi lúc mỗi gia tăng. Lúc đó chính phủ Mỹ nôn nóng muốn gửi quân sang can thiệp để giải quyết cuộc chiến cho mau lẹ. Biết được ý định đó của Mỹ, chính phủ Ngô Đình Diệm chỉ chấp thuận cho cố vấn Mỹ ở miền Nam và phản đối việc Mỹ đem quân chính quy sang tham chiến trực tiếp ở miền Nam Việt Nam .
Vào cuối những năm thập niên 60  người ta bàn tán , đồn đoán là ông Diệm đã bí mật cho người tiếp xúc với chính quyền Hà Nội để thương thuyết hòa giải giữa người Việt Nam với nhau. Sau này sự việc đổ bể không thành,  khiến người Mỹ tức giận nên họ đã quyết định mượn tay các Tướng lãnh sát hại và lật đổ chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm vào ngày 01-11-1963 .
Trong thời gian 9 năm cầm quyền của Chính phủ Ngô Đình Diệm, những đảng phái đối lập cho rằng, Chính phủ của Tổng thống họ Ngô là độc tài gia đình trị, kỳ thị tôn giáo. Vì trong chính phủ có ông Ngô Đình Nhu là Cố vấn Chính trị , bà Trần Lệ Xuân vợ của Cố vấn Ngô Đình Nhu là chủ tịch Hội Phụ Nữ Liên Đới. Ông Ngô Đình Cẩn là bào đệ của Tổng thống được cử giữ chức Cố vấn đặc trách miền Trung Nam phần. Ông Ngô Đình Luyện là Đại sứ Việt Nam ở Anh quốc. Tổng Giám mục Ngô Đình Thục làm Tổng Giám mục Giáo phận Huế. Ông Trần Trung Dung cháu gọi Tổng thống Diệm là cậu được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng….
Hồi đó phong trào chống đối mạnh nhất và dữ dội nhất phải kể, là của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Rồi của Sinh viên Học sinh các trường Đại học Trung học do Cộng sản đứng sau lãnh đạo giật dây. Lực lượng Thanh Sinh Công do các Linh mục Cấp tiến dòng Chúa Cứu Thế lãnh đạo.
Họ cho rằng Chính quyền Ngô Đình Diệm dành ưu đãi cho Giáo hội Công giáo như giúp đỡ xây dựng  nhiều nhà thờ, các cơ sở Tôn giáo, Trường học… Đề bạt người Công giáo vào các chức vụ then chốt, và kỳ thị các tôn giáo khác, nhất là Phật giáo.
Có dư luận cho rằng những viên chức trong Chính phủ và Quân đội muốn được đề bạt từ cấp Tỉnh trưởng trở lên phải là người có đạo Công giáo. Nên hồi đó đa số Tướng Tá theo đạo Công giáo. Rồi sau ngày Đảo chính 01-11-63  khi Chế độ ông Diệm không còn, họ âm thầm bỏ đạo.
Người ta còn nhớ hầu hết  những Tướng Tá, viên chức Chính phủ khúm núm nịnh bợ gia đình họ Ngô một cách thái quá. Thường trong cách xưng hô mỗi ngày khi vào yết kiến hay tiếp xúc, họ gọi ông Ngô Đình Diệm bằng cụ và xưng con. Gọi Ngô Đình Cẩn bằng Cậu cũng xưng con, tuy có người bằng tuổi hay hơn cả tuổi ông Cẩn !
Suy cho cùng Chế độ của Tổng thống Ngô Đình diệm bị sụp đổ và anh em ông bị giết thảm, ngoài bàn tay lông lá của ngoại bang ra, phần nào cũng là do những viên chức, tay chân trong Chính quyền bợ đỡ quá mức làm hại đất nước và gia đình ông.
*
Suốt một quãng thời gian  khá dài, hơn 46 năm nhìn lại lịch sử cận đại Việt Nam. Trong hàng ngũ lãnh đạo. Người ta có thể bình tâm khách quan, phần nào đánh giá tư cách, công và tội của  những vị đó. Sử sách đã nói rất nhiều thiết nghĩ không tiện viện dẫn ra đây.
Riêng cá nhân của Tổng thống Ngô Đình Diệm, kể từ khi bị lật đổ và bị giết cho đến nay đã gần nửa thế kỷ trôi qua. Tư cách và đạo đức của  một nhà lãnh đạo, chúng ta chưa thấy ai vạch ra những vết nhơ bẩn thỉu vấy trên người ông. Ngay cả những thế lực căm thù chống đối ông và Chế độ. Thí dụ: như tham nhũng, hối lộ, ăn cắp của công, tiền bạc gửi ở ngân hàng ngoại quốc, dinh thự chỗ nọ chỗ kia, vợ lớn vợ bé, làm tay sai cho ngoại bang phản bội lại quyền lợi của đất nước của dân tộc v.v… Tuyệt nhiên không có ai nói tới. Mà nhiều người giúp việc hay thân cận đã nói về đức độ, đời sống  sinh hoạt thường ngày trong suốt cuộc đời gương mẫu của Ngài Tổng thống.
Hầu hết các Tướng lãnh tham gia vào việc hãm hại và lật đổ ông, sau này đã hối hận, có người đã cạo trọc đầu tu tập để sám hối .
Ngô Đình Diệm xuất thân trong một gia đình quan lại phong kiến. Bản thân ông là một quan Thượng Thư Bộ Lại. Sau này được cử làm Thủ tướng Chính Phủ, nhưng ông đã có công xây dựng nền Đệ I Cộng hòa đầu tiên cho Việt Nam tự do dân chủ. Chứ không thiết lập một nền quân chủ độc tài phong kiến để vinh thân phì gia, vinh hoa phú quí như những vua chúa trước đây. Thiết nghĩ đó đã là một nhân cách phi thường ít người nắm được quyền hành có được.
Hiểu như thế chúng ta lớp hậu sinh sau này, có thể thông cảm cho hoàn cảnh một đất nước, một Chí sĩ  chân ướt chân ráo, mới bước chân đưa đất nước vào học tập để xây dựng một nền dân chủ đầu tiên cho Việt Nam mà trước đó đất nước đã hình thành hàng ngàn năm vua quan phong kiến. Và mới vừa thoát ra khỏi ách nô lệ Pháp thuộc một trăm năm không khỏi có những khiếm khuyết hoặc sai lầm. Lại phải đối phó với những thế lực ngoại bang áp đặt những điều kiện có nguy hại đến chủ quyền và quyền lợi đất nước .
Công và tội của Chính phủ Ngô Đình Diệm, chúng ta phải bình tĩnh chờ đợi lịch sử sau này phán xét.

MỘT CẢM NGHĨ THẬT VỀ ÔNG NGÔ ĐÌNH DIỆM
Ông Ngô Đình Diệm thực chất là con người yêu nước. Nhưng nói yêu nước thì có cả triệu người, không cứ chỉ một ông Diệm. Nhưng hoàn cảnh bản thân ông Diệm khác, những người yêu nước khác lại khác, chưa chắc có được hoàn cảnh thuận lợi như ông. Ông Diệm học trường hậu bổ ra, là để đi làm quan. Đó là thời thế và điều kiện bản thân đã thật sự chuẩn bị trước cho ông. Và quả nhiên, khi ra trường ông đã có điều kiện làm quan thành công, cũng phần nào nhờ bản chất tốt đẹp, năng lực và sự hiểu biết về hành chánh quản lý của ông. Trong hoàn cảnh xã hội lúc đó, ông Diệm không thể có con đường lựa chọn nào khác. Bởi không thể biểu ông làm nhà cách mạng bạo động hay tảy chay Pháp hoặc Nam triều băng mọi giá. Ông chỉ là người bình thường, gặp thời thế thế thời phải thế. Vấn đề là tấm lòng, là cái tâm yêu nước vốn có, không phải là sự biểu hiện hay thể lộ ra một cách miễn cưỡng hoặc giả tạo. Không thể đứng ý nghĩa người nay để đánh giá, kết luận về người khác. Vấn đề chính còn là ông là người công giáo, nhưng lại là người yêu nước theo tinh thần Khổng Mạnh cổ điển, truyền thống. Đó là nét nổi bật đáng kính, đáng yêu, đáng mến của ông. Thực tế ông Diệm vì thế mà không hợp tác với người Nhật, hay ông đã ngấm ngầm chống Nhât. Nếu so ông Diệm với ông Trần Trọng Kim, cũng không nên nặng ông nào mà nhẹ ông nào, trọng ông nào hay khinh ông nào. Bởi vì cùng hoàn cảnh, nhưng điều kiện, cá tính và cơ hội làm việc lịch sử của hai ông thật sự khác nhau. Ông Trần Trọng Kim thất bại trước thời cuộc, nhưng không phải vì thế mà ông bị đánh giá thấp hay đáng chê. Ông Ngô Đình Diệm tuy lúc đầu cũng phải chịu lùi trước hoàn cảnh, nhưng quả thật cơ hội lịch sử đã không tửng bỏ ông. Cho nên, nói đến hai ông Trần Trọng Kim và Ngô Đình Diệm, cũng không thể không nói đến ông Hồ Chí Minh. Ông Hồ quả nhiên là một nhà cách mạng quốc tế cộng sản. Còn ông Kim, ông Diệm quả là hai nhà yêu nước theo tư tưởng dân tộc kiểu tư sản. Thật ra, nếu ông Hồ Chí Minh không có hậu thuẩn của cách mạng cộng sản quốc tế khi đó, cũng chưa chắc đã thành một nhân vật lịch sử nổi cợm. Cả hai ông Trần Trọng Kim và Ngô Đình Diệm không nhờ sự ủy thác của Hoàng đế Bảo Đại mà đứng ra lập chính quyền quốc gia không cộng sản khi đó, cũng chưa chắc đã thành những nhân vật lịch sử nổi tiếng hay quan trọng. Như vậy, những người theo ông Hồ và theo ông Diệm sau này cũng đều thứ yếu. Bởi nếu không có hai gã khổng lồ đầu đàn dẫn đắt, các loại tép riu đàn em về sau thật sự cũng khó có vị trí trò trống gì. Chỉ nói bao quát như vậy để thấy nhân vật lịch sử và hoàn cảnh lịch sử tương ứng với nhau như thế nào thôi. Còn điều đáng nói nữa, hoàn cảnh VN khi đó đã rơi vào thế tranh chấp quốc cộng trên toàn thế giới, trong khu vực, cũng như trong nước. Cho nên hiện tượng Hồ Chí Minh và hiện tượng Ngô Đình Diệm cũng là con đẻ của lịch sử thế giới và lịch sử đất nước trong thời buổi và hoàn cảnh cụ thể lúc đó mà thôi. Người xưa nói người tuấn kiệt phải biết thời vụ. Còn hạng bình dân hay hạng điếu đóm tôn bên này, chưởi bới bên kia, tung hô người này, đả đảo người nọ, thì kể làm gì. Cho nên chuyện ông Diệm đi với Mỹ, còn ông Hồ đi với Liên xô, Trung quốc, và thế giới CS thì cũng là việc đại tượng của lịch sử được phân tuyến vào lúc ấy mà thôi. Cũng chính trong ý nghĩa phải đương đầu lẫn nhau như thế, mà thực chất ông Hồ phải có chế độ toàn trị ở miền Bắc, và ông Diệm lại có chế độ được coi là độc tài tại miền Nam. Bởi vì nếu không có chế độ kiểu ông Hồ ở miền Bắc, cũng chưa chắc đã có kiểu chế độ của ông Diệm ở miền Nam. Còn những trò lăng nhăng đả đảo ông Diệm, hoan hô ông Hồ lúc đó, của những người khuynh tả đủ loại mà ai cũng biết, cũng phần lớn đều là tay chân giấu mặt của ông ông Hồ lúc đó. Còn ngược lại, những người nâng bi ông Diệm, đả đảo ông Hồ, hay chống cộng kiểu cảm tính, cũng chưa chắc phần lớn đã có lý tưởng quốc gia thật như ông Diệm mong muốn. Có điều quan trọng nữa, có phải ông Diệm phản bội Bảo Đại khi truất phế vị quốc trưởng này hay không ? Nếu hiểu theo nghĩa tầm thường thì đúng là như vậy. Nhưng nếu hiểu theo cương vị của ông Diệm lúc đó, chẳng qua ông Diệm muốn biến miền nam VN thành một quốc gia theo kiểu tổng thống chế, dân chủ, tự do, tư sản theo kiểu Mỹ, nhằm ngược lại với chế độ CS của ông Hồ Chí Minh ở miền Bắc. Tất nhiên, ông Diệm, ông Nhu có lẽ chưa có chính sách nào cụ thể để chống lại ông Hồ ở miền Bắc. Nhưng ông Hồ ngược lại ngay từ đầu, đã có thể có những sách lược nhằm triệt hạ ông Diệm ở miền Nam. Việc ông Diệm bị lật đổ năm 1963, sau đó là một loạt các chính phủ quân nhân võ biền tại miền Nam, không ngoài là thế bị động của ông Diệm trước MTGPMN của ông Nguyễn Hữu Thọ, mà thực chất chỉ là môn đệ đàn em của ông Hồ Chí Minh mà thôi. Đả đảo, lên Mỹ Ngụy, đúng ra thực chất chỉ là phương thức chính chị khôn khéo để nhằm thực hiện cho được suông sẻ, tiện lợi cuộc cách mạng cộng sản tại miền Nam thế thôi. Thế nên, thực chất việc Mỹ nhảy vào miền Nam sau khi ông Diệm bị giết là một tai hại của Mỹ, tai hại cho VN nói chung, nhưng là điều kiện để ông Hồ chiến thắng trên toàn đất nước VN sau khi ông qua đời năm 1968. Đấy lịch sử thực chất là thế, và mọi khía cạnh râu ria khác nhau của lịch sử đích thực cũng chỉ như thế. Nói như vậy, chỉ có những người đúng nghĩa là cán bộ cộng sản, thì mới nhao nhao lên phản đối, cho là nói bậy, còn những người VN nào không cộng sản, tất nhiên phải thừa nhận đó là cách nói trung thực của một con người VN, với dân tộc tính và quan điểm dân tộc đúng nghĩa, mà không đảng phái, và cũng không thuộc bất kỳ những khuynh hướng chính trị nào chỉ có tính cách nhất thời và trước mắt cả.
Võ Hưng Thanh
(29/8/11
)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"