Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

Rồi sẽ không còn luật sư ở VN


Luật Sư Huỳnh Văn Ðông bị khai trừ khỏi Luật Sư Ðoàn
 
Ngăn cản bào chữa cho dân oan Bến Tre
Ðak Lak (TH) -Luật Sư Huỳnh Văn Ðông, 32 tuổi, người dự định sẽ bào chữa cho 7 người dân ở Bến Tre khiếu kiện đất đai và bị khép tội “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân,” đã bị Ðoàn Luật Sư tỉnh Ðắc Lắc, nơi ông là thành viên, ra quyết định khai trừ.

LS Huỳnh Văn Ðông từng bào chữa cho các giáo dân Cồn Dầu trong phiên tòa phúc thẩm. 
 
Tin của hãng thông tấn Ðức DPA cho hay, Luật Sư Huỳnh Văn Ðông bị tịch thu bằng hành nghề hôm Thứ Sáu tuần trước và người ra quyết định này là ông Chu Ðức Lưu, chủ tịch Ðoàn Luật Sư tỉnh Dak Lak.Luật Sư Ðông cho hãng tin DPA biết, lý do chính là giới hữu trách không muốn ông làm luật sư bào chữa trong phiên phúc thẩm của 7 người ở tỉnh Bến Tre vào ngày 18 Tháng Tám và trong phiên xử blogger Ðiếu Cày sắp tới đây.

Bảy người dân tỉnh Bến Tre bị cáo buộc tội “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” trong phiên tòa sơ thẩm diễn ra tại tỉnh Bến Tre hôm 30 Tháng Năm vừa qua, với tổng cộng 32 năm tù giam và 28 năm quản chế chia đều cho 7 người.

Bảy người này bao gồm các ông bà Dương Kim Khải, Trần Thị Thúy, Nguyễn Thành Tâm, Phạm Văn Thông, Nguyễn Chí Thành, Cao Văn Tỉnh và Phạm Ngọc Hoa, đã bị bắt từ giữa năm 2010 và bị giam tại Bến Tre cho tới nay.

Trong bảy người này, có đó 3 người là Mục Sư Dương Kim Khải, bà Trần Thị Thúy và ông Nguyễn Thành Tâm, được đảng Việt Tân nhận là thành viên của họ.

Trước và sau phiên tòa sơ thẩm, nhiều tổ chức quốc tế và các dân biểu Mỹ đã lên tiếng quan ngại và đòi trả tự do cho các bị cáo, là những người mà các vị dân biểu này cho là các nhà hoạt động vì dân chủ, nhân quyền, tôn giáo và các người dân khiếu kiện lên tiếng một cách ôn hòa.

Các dân biểu Mỹ như Edward Royce, Dana Rohrabacher, Lorretta Sanchez và những người khác đã gửi thư cho Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ quan ngại và đòi thả tự do ngay lập tức cho những người bị bắt.
 
Không ngạc nhiên

Luật Sư Huỳnh Văn Ðông, người từng tham gia bào chữa cho nhiều vụ xét xử mang tính chất chính trị, trả lời phỏng vấn của đài BBC cho biết rằng ông không được tham gia phiên phúc thẩm vào ngày 18 Tháng Tám cho dù đã chuẩn bị hồ sơ thủ tục.

Theo lời Luật Sư Ðông: “Trong quyết định kỷ luật tôi, họ đưa ra một số lý do là cho rằng tôi đã có các hành vi không tôn trọng hội đồng xét xử, không tham gia bào chữa các án chỉ định theo yêu cầu của Ðoàn Luật Sư tỉnh Daklak. Một lý do nữa là tôi không thực hiện nhiệm vụ đóng đoàn phí hàng tháng theo quy định của đoàn luật sư.”

Luật Sư Ðông nói rằng, việc khai trừ ông ra khỏi Luật Sư Ðoàn “là một kế hoạch đã được chuẩn bị từ trước.” Và cho dù có khiếu nại tiếp thì chắc là kết quả sẽ vẫn như vậy.

“Tôi cũng đã biết trước và chuẩn bị tinh thần là việc khai trừ sớm muộn cũng sẽ xảy ra, nên không ngạc nhiên. Tôi đã lên cho mình một kế hoạch và sẽ thực hiện kế hoạch đó.” Luật Sư Ðông nói với BBC.

Vẫn theo Luật Sư Ðông thì việc ông có thể quay trở lại vào một Luật Sư Ðoàn khác hay không là một việc rất khó, bởi vì “họ sẽ đề nghị Bộ Tư Pháp rút thẻ hành nghề của tôi, và tôi sẽ không còn được hoạt động luật sư ở Việt Nam nữa nên cũng không thể tham gia đoàn luật sư nào khác.”

Vụ bào chữa cho các bị cáo ở Bến Tre chỉ là một trong những phiên tòa chính trị mà Luật Sư Huỳnh Văn Ðông nhận lời bào chữa.

Trước đó, ông từng nhận bào chữa cho những người dính líu tới những vụ án được nhiều người chú ý theo dõi, trong đó có vụ án phúc thẩm hồi Tháng Giêng của những tín đồ Công Giáo thuộc giáo xứ Cồn Dầu ở Ðà Nẵng.

Việc khai trừ Luật Sư Huỳnh Văn Ðông đã gặp phản ứng của dư luận quốc tế trong đó có tổ chức “Media Defence South East Asia” có trụ sở tại Kuala Lumpur, Malaysia.

Trong một bức thư gởi ông Chu Ðức Lưu, chủ tịch Ðoàn Luật Sư tỉnh Dak Lak, tổ chức này đã bày tỏ “nỗi thất vọng về guồng máy luật pháp ở Việt Nam” khi khai trừ Luật Sư Huỳnh Văn Ðông.

Theo lời bức thư, việc khai trừ Luật Sư Huỳnh Văn Ðông, “Không những nó đi ngược lại với nguyên tắc phân quyền và sự độc lập của ngành Tư pháp, theo tiêu chuẩn và luật lệ quốc tế. Và công việc của guồng máy luật pháp là diễn giải luật chứ không thi hành, vì đó là công việc của nhà nước.”

Bức thư nói thêm rằng: “Trong trường hợp Luật Sư Ðông, quyết định này không chỉ gây ra tai tiếng cho chính tòa án nói riêng mà còn cả hệ thống Tư pháp của Việt Nam nói chung nữa.” (KN)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"