Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

Ba cái vô duyên

Bùi Tính

Hôm qua anh chàng bán bảo hiểm nhân thọ đến nhà tôi tư vấn bán bảo hiểm cho đứa cháu nội đang học lớp 3. Anh chàng nói “thưa, gia đình ta trung bình mỗi tháng dư được bao nhiêu để cháu chọn phương án trả tiền ạ?”. Nghe thấy, bà nội của cháu mắng nửa đùa, nửa thật: “ơ hay, sao lại gia đình ta nhỉ? Gia đình bác chứ!”. Nghĩ lại thấy bà xã nói cũng đúng. Anh chàng có thuộc gia đình đâu mà lại “gia đình ta”, hơi vô duyên hỉ. Tuy nhiên, cái vô duyên thứ nhất này có thể thông cảm, vì anh chàng cố tạo vẻ gần gũi, thân mật để kinh doanh.

Cái vô duyên đáng nói hơn là danh xưng “Đảng ta” của Đảng cầm quyền ở Việt Nam. Thật là buồn cười khi một Đảng viên phát biểu trước đám đông (có người ngoài đảng) cứ một điều “Đảng ta”, hai điều “Đảng ta”. Đảng là của ông chứ có phải của tất cả chúng tôi đâu? Chúng tôi không nói đảng viên là ưu tú hay thấp kém so với chúng tôi. Chúng tôi chỉ biết rằng chúng tôi không phải đảng viên nên dùng từ “Đảng ta” là sai, là vô duyên. Sự vô duyên này còn trắng trợn hơn khi có tay bút đã mặt dày, mặt dạn viết “không ở quốc gia nào như ở nước ta, người dân gọi Đảng cầm quyền bằng hai chữ thân thương “Đảng ta””. (Báo công an xuân 2011). Viết thế chẳng khác nào nói không có ở đâu người dân vô duyên như ở Việt Nam – thấy đảng sang bắt quàng làm “đảng ta”.
Một chuyện vô duyên nữa, cái vô duyên thứ ba, kéo dài vài chục năm nay là danh xưng “bác Hồ”. Thật vô duyên cho ai nghĩ ra cái danh xưng này. Tôi, với cái tuổi ngoài 70, gọi Hồ Chủ Tịch là bác thì cũng hợp lý. Đến thế hệ con tôi năm nay ngoài 30 vẫn tiếp tục gọi ông ấy là bác, thì cũng còn ráng chấp nhận! Đằng này đến cháu nội tôi, đứa bé chưa đầy 10 tuổi vẫn tiếp tục hai tiếng “bác Hồ”. Thật ra không ai giải thích “bác” là một đại từ nhân xưng hay là “bác” gắn liền với Hồ thành tên riêng? Nếu vế sau là đúng thì dứt khoát bác phải viết hoa “Bác Hồ”. Để tìm hiểu chuyện này, tôi tìm cách nói chuyện với một đứa bạn của con tôi, mà theo cháu là “cực kỳ lý tưởng”. Và để cho câu chuyện tự nhiên, thuần túy dân sự chứ không có tính chính trị, tôi làm vẻ mặt hết sức ngu ngơ.
- Cháu này – gãi đầu – bác không hiểu mình lại gọi bác Hồ là “bác” nhỉ, sao không gọi là ông như bình thường?
- Dạ, thưa bác – trong khi một bên ngu ngơ thì bên kia lại rất trịnh trọng – chúng ta gọi Người là bác vì Người là cha già dân tộc, trẻ mãi không già và thân thiết với mọi thế hệ.
- Ờ ha... ủa, vậy sao không gọi bằng chú cho trẻ?
- Chú thì có vẻ khinh mạn, không kính trọng.
- Vậy nếu phải dịch tiếng Anh thì sao cháu?
- Dạ, thì uncle Hồ bình thường thôi bác.
- Nhưng mà uncle thì sẽ lẫn lộn giữa chú và bác. Vậy mình dịch thành senior uncle Hồ được không cháu?
- Không cần bác ạ. Từ Uncle Hồ đã có tính quốc tế rồi. Người đã là của nhân loại. Bác nên hiểu rằng bác Hồ là người giản dị, thân thiết, gần gũi, hòa đồng. Chúng ta dịch senior Uncle sẽ làm phức tạp, không đúng bản tính của Bác.
- (con bé này khá thật) À, nếu vậy tại sao mình không quy định gọi bác Minh cháu ha, nghe thân mật hơn nữa.
- Không được! bác gọi bác Minh thử đâu ai hiểu.
- Thì bây giờ tuyên truyền trên tivi. Bác thấy gọi bác Minh thì đúng với bản chất của “người” hơn cháu ạ. Giản dị, thân mật, gần gũi hơn.
- Chúng ta không nên làm phức tạp vấn đề - cả đời Bác đã hi sinh cho Tổ quốc, nên để bác yên nghỉ.
Trước khi kết thúc bài viết khá vô duyên này, xin nói thêm một điều: Cô bạn của con tôi là một Đảng viên trẻ tuyệt vời. Cháu sống lý tưởng, bảo vệ Đảng và chế độ một cách vô vụ lợi. Tất cả những điều quái gở trong xã hội ngày nay, cháu đều khẳng định “đó không phải bản chất hoặc Nhà Nước và Đảng không có chủ trương đó”. Như vậy sự thật là vẫn còn một bộ phận (không biết lớn hay nhỏ) dân chúng vẫn ủng hộ Đảng (nhấn mạnh là thực sự ủng hộ - vô vụ lợi). Câu chuyện tôi kể trên diễn ra một cách tự nhiên, cô bé đó không hề chuẩn bị gì cả. Như vậy, chế độ này quản lý thì không ra cái giống gì, nhưng với tài năng nhồi nhét như vậy, tôi e rằng chế độ này còn tồn tại lâu…
BÙI TÍNH (Viết từ Nghệ An)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"