Truy tìm tông tích người thân (chị Minh Hằng, chị Bích Phượng, anh Dũng)
Nguyễn Ngọc Già
Bất kỳ ai rơi vào hoàn cảnh không liên lạc được với người thân
(đang chung sống một nhà) trên 24 giờ, người thân đó được xem là mất
tích không rõ lý do. Vì vậy, sự lo lắng, bất an là điều khó tránh. Tuy
vậy, người viết bài xin lưu ý thân nhân các anh chị bị mất liên lạc
trong ngày 21/8/2011, yếu tố đầu tiên cần có là THẬT BÌNH TĨNH. Không
bình tĩnh, không thể giải quyết được gì cả. Với tư cách là "người ngoài"
bao giờ cũng bình tĩnh hơn "người trong cuộc", những ý kiến dưới đây,
xin chia sẻ và gợi ý MỘT CÁCH THẬT TÂM (xin nhấn mạnh vì tưởng như nó
ngô nghê và buồn cười) cho thân nhân của các anh chị: Bùi Thị Minh Hằng,
Đặng Bích Phượng và Nguyễn Văn Dũng.
1. Trên tinh thần công dân nước CHXHCNVN, thân nhân các anh chị nói
trên phải khẳng định trong TÂM TƯỞNG RẰNG: không hề biết đến bất kỳ một
trang báo nào, một thông tin nào khác ngoài những trang báo có phép hoạt
động tại Việt Nam, theo ý kiến chỉ đạo của TT. Nguyễn Tấn Dũng "Cấm báo chí tư nhân dưới mọi hình thức",
ĐÂY LÀ TÂM THỨC TỐI QUAN TRỌNG VÀ KHÔNG AI CÓ THỂ TRANH CÃI. Do đó,
thân nhân các anh chị này không hề biết người thân của mình đi đâu, làm
gì mà tại sao không liên lạc được trong suốt 3 ngày qua.
2. Trên tinh thần đó, thân nhân (gồm: cha, mẹ, anh, chị, em, vợ,
chồng, các con) hãy suy nghĩ và làm (SONG SONG) một số việc cụ thể như
sau thử:
2.1 Tập hợp ngay các thông tin về nhân thân của người mất tích gồm:
họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, số CMND, số điện thoại di động,
địa chỉ thường trú, các chi tiết nhận dạng cô đọng nhất, đặc biệt nên có
một tấm ảnh chân dung dễ nhận mặt nhất.
2.2 Làm một lá đơn và ra ngay cơ quan công an phường (nơi các anh chị
ấy có hộ khẩu) gởi, để trình báo thân nhân mất tích và yêu cầu công an
địa phương phải thực hiện chức năng công vụ. Xin nhấn mạnh, không quan
tâm việc họ nhận đơn & giải quyết (vì chắc chắn họ không thèm đếm
xỉa), tuy vậy đây là việc phải làm và rất cần làm, đó đạt được tính
chính danh và tinh thần quang minh, trước một sự việc nghiêm trọng đối
với thân nhân một cách kịp thời, đúng lý, hợp pháp, thuận tình. Lưu ý,
làm ít nhất là hai bản, một bản gởi công an địa phương, một bản lưu giữ
(nếu bản lưu có chữ ký của người nhận đơn càng tốt). Trường hợp công an
không nhận đơn, hãy ghi ngày vào là đơn (có trong tay) ngày giờ, phút
(giây càng tốt), họ và tên người tiếp dân lại không chịu nhận đơn (nếu
có lý do không nhận đơn càng tốt).
2.3 Soạn thảo ngay một văn bản ngắn gọn theo dạng "truy tìm người
thân mất tích", đưa tất cả các thông tin này, một mặt lên các trang báo
và trang blog để nhờ tìm tông tích người thân, mặt khác in thông tin này
(cố gắng gói gọn trong một trang A4) vừa đến các trang báo (Thanh niên,
Tuổi Trẻ, Tiền Phong... chọn báo bán chạy nhiều nhất) để đăng mục tìm
người thân (khi đăng tin nên chịu tốn nhiều tiền một chút để đăng khổ
lớn gây chú ý), vừa đến đài truyền hình VTV, đài Hà Nội, đài phát thanh
để đề nghị đăng thông tin tìm người thân trên phương tiện truyền thông
đại chúng, (có thể) vừa đến văn phòng thám tử tư để yêu cầu ký hợp đồng
tìm thân nhân, vừa TỰ BẢN THÂN (tức là người thân của chị Hằng, chị
Phượng, anh Dũng) in ra thành nhiều bản, chia nhau đi đến các phố sầm
uất của Hà Nội, các giao lộ giao thông đông đúc người qua lại, để phát
bảng thông tin (theo dạng phát tờ rơi của các công ty quảng cáo chuyên
nghiệp vẫn làm hàng ngày). Xin nhấn mạnh TỰ BẢN THÂN CÁC THÂN NHÂN CỦA
CÁC ANH CHỊ NÓI TRÊN NÊN LÀM điều này, vì tâm trạng bức xúc mất liên
lạc, lo an nguy cho thân nhân của mình sẽ thể hiện lên nét mặt càng làm
cho nhiều người chú ý và quan tâm hơn. Trường hợp các báo, đài truyền
hình, đài phát thanh từ chối nhận đăng và phát thông tin cũng làm như
mục 2.2 và cần lưu trữ lại tất cả các thông tin này.
2.4 Trường hợp, khi tự các thân nhân đi phát tờ rơi mà gặp cản trở
của CAGT... thì ôn hòa để chia sẻ mối lo người thân mất tích không rõ lý
do đã qua 3 ngày, thu hút người đi đường quan tâm càng nhiều càng tốt,
chú ý tránh gây cản trở giao thông là điều quan trọng (để CAGT không bị
khó xử khi thi hành công vụ).
2.5 Xin chú ý, thân nhân của các anh, chị nói trên nên liên lạc
thường xuyên chặt chẽ, thống nhất phương thức làm, nhưng khi thực hiện
thì "mạnh ai nấy đi", mục đích việc này để tránh cái gọi là "chống đối
nhà nước".
3. Riêng trường hợp TS. Nguyễn Xuân Diện, xin góp ý với anh như sau:
theo thông tin mới nhất trên trang anhbasam, tôi được biết, anh Diện đã
làm việc 2 ngày liên tiếp với công an và chưa thấy thư mời tiếp tục làm
việc thêm. Hãy thử nghĩ, chính BẢN THÂN anh Diện, CHỦ ĐỘNG chọn một ngày
(có giờ cụ thể) nữa và trực tiếp gởi thư (hoặc bằng đường bưu điện bảo
đảm cũng được) đến nơi mà anh đã làm việc với họ để đề nghị làm việc với
họ một lần nữa.
Hy vọng, những ý kiến này coi như góp một chút suy nghĩ cho các anh chị trong lúc này.
Trân trọng.
Nguyễn Ngọc Già