Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

Hậu ý cuộc bắt giữ

Phạm Hồng Sơn - Hậu ý cuộc bắt giữ ngày 21/08/2011

Phạm Hồng Sơn
Hồi còn học phổ thông và cả khi học đại học, khi học về giai đoạn lịch sử của Việt Nam từ 1956-1975, chúng tôi luôn được dạy rằng chính quyền Việt Nam Cộng Hòa là của những kẻ “ngụy quyền bán nước”, hoặc “quân tay sai, bán nước” cho “kẻ xâm lược Mỹ”. Nhiều hình ảnh và phim ảnh minh họa cho các bài học đó bao giờ cũng có những cuộc biểu tình, tuần hành nườm nượp người đi ngay giữa các đường phố của thủ đô Hà Nội mến yêu, với những khẩu hiệu, băng-đơ-rôn rất to: “Đả đảo bè lũ tay sai bán nước”, “Đả đảo quân xâm lược”.
Nhưng sau này khi tự tìm hiểu thêm thì chúng tôi không thấy một tư liệu hay một nguồn tin nào cho thấy Việt Nam Cộng Hòa “quân tay sai bán nước” đã ký hiệp định hay đàm phán gì với Mỹ hay với bất kỳ quốc gia nào dẫn đến để mất lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc. Ngược lại, các tư liệu còn cho thấy chính quyền Việt Nam Cộng Hòa còn thể hiện một lập trường dứt khoát, cương quyết trong việc phản đối và bảo vệ Hoàng Sa khi Trung Quốc cộng sản của Mao Trạch Đông tấn công chiếm Hoàng Sa năm 1974. Thời còn sinh viên non nớt đó nhiều đứa chúng tôi, những người có bà con sống ở miền Nam trước 1975, cũng thấy một điều rất lạ là “ngụy quyền bán nước” không bao giờ để ảnh của tổng thống Mỹ được treo cạnh ảnh của tổng thống “ngụy quyền” trong các công sở. Đó là vài chuyện vụn vặt của khoảng vài chục và nhiều năm về trước.

Từ đầu tháng Sáu năm 2011 đến nay, ở giữa thủ đô Hà Nội cũng có các cuộc biểu tình với nhiều khẩu hiệu, băng-đơ-rôn rất to, với thiết kế, màu sắc rất bắt mắt, ấn tượng để phản đối, đả đảo quân xâm lược Trung Quốc, nhưng tuyệt không có một chữ nào nói đến từ “bán nước” hay “đả đảo bè lũ tay sai bán nước”. Thậm chí còn có nhiều khẩu hiệu, biểu ngữ ca ngợi, trích dẫn lời nói, hình ảnh của các vị lãnh tụ, lãnh đạo của nhà nước, của chế độ hiện nay- một nhà nước, một chế độ đã có những công hàm đặc biệt như Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958, có những hiệp định đặc biệt với Trung Quốc như Hiệp ước Biên giới năm 1999 và Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ năm 2000, có những so sánh hình tượng bất hủ về mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là “Mối tình thắm thiết đơm hoa vừa là đồng chí, vừa là anh em” và biết bao những thỏa thuận đặc biệt khác với Trung Quốc mà nhiều lão thành cách mạng cũng đã phải lên tiếng đòi bạch hóa hay phản đối.

Chúng tôi thầm nghĩ phải chăng những người biểu tình chống quân xâm lược Trung Quốc vừa qua lại mắc sai lầm, ấu trĩ như thời trước, chỉ có khác là ngày trước nhiều người đã đả đảo lầm người yêu nước là kẻ bán nước, còn nay thì ngược lại, quên mất kẻ bán nước?

Đó là điều rất có thể vì con người là một thực thể có khả năng mắc sai lầm (fallible creature). Nhưng cũng rất có thể chính chúng tôi lại mới là kẻ sai lầm, cứ đinh ninh rằng những người cầm quyền rất yêu nước của chế độ này là kẻ bán nước hoặc là kẻ đồng lõa với quân Trung Quốc xâm lược. Nhưng liệu những người tham gia, trợ giúp biểu tình chống Trung Quốc xâm lược vào ngày hôm qua (21/08/2011) vẫn đang bị giam cầm ở Hỏa Lò (hay ở Mỹ Đình) và những gia đình của họ, những người ủng hộ, yêu mến, kính trọng họ có đồng ý rằng chúng tôi là kẻ sai lầm như vậy hay không? Chắc phải chờ đến lúc tất cả những người biểu tình yêu nước đó bước chân ra khỏi nhà tù thì mới biết được.

Phạm Hồng Sơn
21:30 22/08/2011

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"