Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

Nguồn cơn của bản thông báo bất hợp lệ

Người Quan Sát


Bản thông báo ngày 18 tháng 8 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (UBNDHN) đã gián tiếp xác nhận một sự phân hóa đang ngày càng lớn trong giới chức lãnh đạo. Sự phân hóa này không phải mới xảy ra, mà đã hình thành cùng với sự khởi đầu của phong trào biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội.
Cũng bởi thế, điều đã luôn làm cho người dân ngạc nhiên là trong suốt hai tháng rưỡi trời với các cuộc biểu tình diễn ra khá suôn sẻ, đã không hề xuất hiện một văn bản nào xác quyết thái độ của nhà cầm quyền đối với việc biểu tình được thông báo công khai cho công luận và dư luận. Mà chỉ có những văn bản lưu hành nội bộ với các dấu “Mật“, “Tối mật” hay “Tuyệt mật” đỏ chói.
Ý tưởng về một văn bản khắc chế việc biểu tình đã được nêu ra trong các cuộc họp của những người có có trách nhiệm cao nhất ngay sau cuộc biểu tình đầu tiên. Với cái nhìn ở tầm vĩ mô, các nhà làm luật đề cập đến việc phải có Luật Biểu tình – một công việc đã bị đình hoãn nhiều lần cho tới nay – nhằm giải quyết vấn đề biểu tình trên nhiều phương diện, tránh cho chính quyền rơi vào tình trạng bị động.
Tuy nhiên, công an vẫn thường là ngành ít mặn mà nhất với Luật Biểu tình, với lý do một khi văn bản pháp lý cao nhất này được ban hành, hoạt động biểu tình sẽ được hợp pháp hóa, cho dù trong nội dung luật này có thể xác lập được những điều khoản khiến cho người biểu tình gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, thời gian để soạn thảo và hoàn chỉnh Luật Biểu tình cho đến lúc ký ban hành sẽ kéo dài ít nhất hàng năm trời, trong khi chuyện biểu tình ở Hà Nội và một số địa phương khác lại diễn ra hết chủ nhật này đến chủ nhật khác.
Khi phương án Luật Biểu tình không nhận được sự ủng hộ của đa số, những văn bản với cấp độ thấp hơn được suy tính đến. Không có luật thì cũng không thể có pháp lệnh, nghị định hay thông tư về biểu tình. Vậy chỉ còn những thể thức văn bản như chỉ thị hay thông báo thì mới có thể có tác dụng tức thời đối với việc ngăn chặn biểu tình.
Tất nhiên, Chính phủ hoàn toàn đủ thẩm quyền để ký ban hành một bản chỉ thị có tính bao quát và trên hết là phù hợp với chức trách của chính quyền hơn là chức trách của Đảng, cũng là tránh cho Đảng khỏi bị dư luận nhân dân dị nghị về chuyện can thiệp vào những vấn đề thuộc về khối chính quyền.
Có lẽ Chính phủ đã sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm cho một chỉ thị như thế, nếu không xảy ra một điểm bất cập là hoạt động biểu tình chỉ diễn ra chủ yếu trên địa bàn Hà Nội chứ không phải toàn quốc. Với lý do đó, một văn bản chỉ đạo của Chính phủ sẽ có vẻ như quá can thiệp vào công việc của riêng Thủ đô.
Trong một cuộc họp, cũng đã có ý kiến nên giao cho Bộ Công an ra văn bản ngăn chặn biểu tình, vì bảo vệ an ninh trật tự là nhiệm vụ chính của ngành công an. Tuy nhiên, ý kiến này vấp phải sự phản đối khá rộng của nhiều vị, kể cả giới chức ngành công an, bởi khi đưa lực lượng công an xử lý biểu tình sẽ rất dễ bị các thế lực xấu trong và ngoài nước lợi dụng để gây kích động về chuyện công an đối đầu với nhân dân, đàn áp nhân dân. Việc này càng phải cẩn trọng hơn sau vụ một sỹ quan công an hành hung người biểu tình mà đã gây lớn chuyện ngoài xã hội và cả trong ngành công an.
Đó cũng là lý do tại sao để ngăn chặn biểu tình, không cần đến văn bản từ cấp Chính phủ mà chỉ Hà Nội mới có thẩm quyền đúng đắn nhất để làm việc này.
Hẳn nhiên, đường đi của những lý luận và lý lẽ như trên đã kéo dài suốt từ tuần này sang tuần khác, với mỗi tuần đều có một ngày chủ nhật. Cuối cùng, khi nhiệm vụ đã được đặt vào những người có trách nhiệm cao nhất ở Hà Nội, thì chỉ còn lại vấn đề Thành ủy hay UBNDHN, ai là người chịu trách nhiệm chính ký ban hành văn bản.
Trong thực tế, vấn đề này đã được giải quyết dễ dàng hơn. Theo nguyên tắc ngành dọc bên Đảng, một khi Ban bí thư đã không tham gia trực tiếp vào chuyện ngăn chặn biểu tình bằng văn bản công khai thì Thành ủy Hà Nội cũng chẳng có lý do nào để can thiệp vào chức trách của UBNDHN một cách lộ liễu. Điểm cuối của đường đi văn bản chính là người có trách nhiệm của UBNDHN.
Ban đầu, người ta tưởng chính chủ tịch UBNDHN là người ký văn bản ngăn chặn biểu tình chứ chẳng phải ai khác. Nhưng hóa ra không phải vậy. Mà cũng chẳng phải phó chủ tịch có trách nhiệm liên quan đến công tác nội chính.
Cấp độ văn bản cũng theo đó mà tuột dần, từ luật xuống chỉ còn là chỉ thị. Nhưng đến chỉ thị rồi mà người ta vẫn còn e ngại. Thế nên cuối cùng mới xuất hiện hình thức thông báo.
Nhưng dù chỉ là một bản thông báo bình thường như bao bản thông báo khác, người ta vẫn e ngại với những nội dung khá đặc biệt của nó. Với những nội dung này, khi cả chủ tịch và phó chủ tịch đều không ký thì chỉ còn lại cấp chánh văn phòng hay phó văn phòng UBND thôi. Nhưng với cấp chánh phó như thế, tác dụng của văn bản thông báo lại có vẻ bị hạ thấp như một kiểu “thừa lệnh thông tin“, chẳng có giá trị chế tài gì hết. Còn nếu giao cho giám đốc Công an Hà Nội – trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, người đã từng xác nhận hoạt động biểu tình là biểu hiện lòng yêu nước – thì lại có vẻ như không logic lắm với nội dung khá cứng rắn của bản thông báo.
Bàn đi tính lại cho đến tận những ngày gần đây vẫn chưa ngã ngũ. Trong khi đó, hàng ngày cấp trên của UBNDHN vẫn thúc giục phải có biện pháp ngăn chặn biểu tình. Cuối cùng, cực chẳng đã, văn bản thông báo vẫn cứ được ban hành, nhưng chẳng có ai ký.
Chẳng có ai ký, cũng chẳng có số văn bản hay nơi nhận. Chỉ có một cái dấu treo làm bằng chứng rằng đó là một văn bản của UBNDHN. Cái dấu treo cả trên lẫn dưới trong văn bản như thế cũng khiến người dân liên tưởng đến mấy trăm dự án bất động sản và kéo theo nhiều khu dân cư đang nằm trong diện quy hoạch treo tràn lan mà trước đây UBNDHN đã sẵn lòng ký không biết mỏi tay.
Có lẽ đây là một trong số hiếm hoi trường hợp văn bản hành chính của UBNDHN bị biến thái một cách kinh khủng.
Những nguồn cơn dẫn đến bản thông báo bất hợp lệ của UBNDHN không chỉ phản ánh sự phân hóa ngày càng rõ nét về quan điểm và phương pháp xử lý biểu tình trong giới chức lãnh đạo cấp cao, mà còn xác nhận tình trạng đùn đẩy trách nhiệm đến mức tối đa đối với những đầu việc hoàn toàn chẳng có lợi lộc gì cho bản thân.
Với tâm thế đùn đẩy trách nhiệm như vậy, liệu chính quyền có sẵn sàng “ra tay” trong ngày chủ nhật 21/8/2011? Rất khó khăn để có thể thuyết phục các cấp thừa hành, trong đó phần lớn là công an viên, rằng công an mới là người chịu trách nhiệm chính trong việc xử lý cái đám đông biểu tình “ngoan cố” kia, trong khi không một ai trong số cấp trên của họ lại là người dám đưa đầu chịu báng, dù chỉ là một chữ ký nhỏ nhoi.
Với tất cả những lý do và động thái trên, có đến 70-80% khả năng cuộc biểu tình ngày 21/8 vẫn diễn ra với bầu không khí “thắm tình hữu nghị” như chủ nhật trước đó. 20-30% còn lại tùy thuộc vào yếu tố tùy nghi ứng biến của lực lượng bảo vệ pháp luật. Tuy nhiên, tính ứng biến này không hoàn toàn là thái độ cứng rắn như đã được chuẩn bị, mà còn phụ thuộc vào diễn biến phát sinh của thực tế.
Có thể trong tuần sau, một cuộc họp liên ngành sẽ được tổ chức để bàn luận và tìm xem có giải pháp nào mới hơn, hiệu quả hơn, chẳng hạn như một thông báo mới nhưng sẽ có số và được ký tên đóng dấu đàng hoàng…nhằm khắc chế hoạt động biểu tình. Nhưng ngay cả nội dung cuộc họp đó cũng còn tùy thuộc vào kết quả của ngày chủ nhật này.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"