Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

Sự thối nát của hệ thống ?

Phải là một con người có lòng căm thù ghê gớm và thú tính tột cùng mới có thể đạp vào mặt của một người khác. Phải là một bộ máy trơ trẽn mới có thể biến trắng thành đen và đen thành trắng. Câu chuyện viên đại úy công an tên Minh đạp vào mặt anh Nguyễn Chí Đức và lời tuyên bố của công an Hà Nội xứng đáng với hai câu trên.
Thời còn theo học trường y tôi nhớ có lần vào nhà xác thực tập môn anatomie, thầy dặn đi dặn lại là phải tôn trọng tử thi. Bất cứ một hành động nào khiếm nhã hay tỏ ra bất kính với tử thi như gõ vào đầu, lấy búa gõ vào chân liền bị thầy “đập” cho một trận nên thân. Bài học đầu đời của sinh viên trường thuốc là không làm hại người, cho dù người đó đã qua đời.

Ấy vậy mà ngày nay có người đạp vào mặt của người còn sống được khiêng như khiêng súc vật! Nhà văn Phạm Toàn nhận xét chí lý rằng phải là một con người có lòng căm thù ghê gớm mới đạp vào mặt đồng loại. Ngay cả súc vật cũng không làm như thế. Nếu con người mà làm như thế thì con người đó chắc phải có thú tính. Vậy mà chúng ta chứng kiến một con người như thế. Con người đó tên là Minh. Đại úy công an. Nhìn mặt mũi thì không nhận ra đó là một kẻ ác ôn, nhưng hành động của y thì quả là có phần thú tính.
Hành động của viên đại úy công an tên Minh thể hiện một sự suy đồi đạo đức nghiêm trọng. Ai cũng biết đạo đức xã hội nước ta đang tuột dốc. Nói chính xác hơn là suy đồi. Đó cũng là sản phẩm của một nền giáo dục bị chính trị hóa. Chúng ta đã và đang chứng kiến sự kiện điểm 0 của môn sử. Nhưng ít ai chú ý hàng vạn điểm 0 môn văn. Có gì đặc biệt trong 2 môn học này? Xin thưa: đó là 2 môn học bị chính trị hóa toàn diện. Nhà nước XHCN muốn dùng giáo dục như là một phương tiện tuyên truyền chính trị chứ không chỉ khai sáng dân trí. Nước ta có một lịch sử 2000 năm (dù có người nói 4000 năm), nhưng thử hỏi sách giáo khoa sử dành bao nhiêu phần trăm cho cổ sử. Nhà văn Nguyên Ngọc có một nhận xét chí lý rằng các câu hỏi về môn sử và sách giáo khoa sử dành phần lớn cho “sử cách mạng”, làm như trước cách mạng chỉ là thời … tiền sử, không có sử. Đó không là một sự vô lễ với tiền nhân thì là gì. Một chính thể vô ơn và vô lễ với tiền nhân thì sẽ không thể nào đứng vững được trong lòng dân tộc.
Nhà văn đại tá Nguyên Ngọc gọi đó là một cách đẩy người thường dân đến “đường cùng, đã thấy xã hội này là không còn sống được đối với họ nữa, thì là chuyện khác hẳn rồi đấy. Là báo động đỏ!Bố anh Nguyễn Chí Đức gọi hành động dã man của viên công an tên Minh là “phát xít”. Tôi nhất trí. Hai chữ phát xít thật là chính xác. Phát xít là dã man, là những con người mất nhân tính. Đó là cú đạp của một tên phát xít. “Công an nhân dân” đã biến thành phát xít đẩy thường dân đến tận cùng. Đúng là báo động đỏ.
Câu chuyện viên đại úy công an Minh đạp vào mặt anh Nguyễn Chí Đức quá hiển nhiên. Clip video là minh chứng hùng hồn. Hàng chục người chứng kiến tại hiện trường. Ấy vậy mà công an Hà Nội nói rằng “không có căn cứ xác định anh Nguyễn Chí Đức bị lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự đánh, đạp khi tham gia biểu tình tự phát phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông ngày 17-7-2011”. Đó là một cách nói biến đen thành trắng, một cách gian giảo. Công an ăn nói gian giảo như thế thì ai còn tin vào họ?
Sự gian giảo của công an HN là một phát biểu xem thường dư luận. Họ không xem dư luận ra gì cả. Cái clip video được tung lên mạng. Hàng ngàn, có thể hàng triệu người đã xem qua và phẫn uất. Đó là một hành động đen của viên sĩ quan công an. Vậy mà hành động đen đó được hô biến thành trắng. Một con người đánh mất nhân tính thì còn hiểu được, nhưng cả một bộ máy công quyền dám nói đen là trắng thì đó là triệu chứng của một hệ thống đã bị hư hỏng và thối nát.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"