V. Quốc Uy
1/ Nỗi buồn riêng và thắng lợi chung
Phiên phúc thẩm LS Cù Huy Hà Vũ ngày 2/8/2011 đã được khép lại, với cái tên phiên toà ô nhục, phiên toà vô phúc, với kết thúc Y án 10 năm tù tội!
Ai cũng xót xa cho người trí thức dấn thân, bỏ lại vợ đẹp con khôn, để chấp nhận cõi tù, vẫn gọi là địa ngục cũng chẳng ngoa đâu, mất tay, mất mạng trước đòn thù như bỡn. Nhưng tạo hoá công bằng, không lấy không của ai cái gì mà không đền đáp. Cửa Toà khép lại nhưng đã mở ra cho xã hội luồng ánh sáng công lý, mà cả những người chiến đấu lạc quan nhất trước đây cũng đành lắc đầu thở dài chịu thua.
Tất cả diễn biến trong và ngoài phiên Toà đã cho thấy những gì?
Thắng lợi trước hết nằm trong 3 chữ: PHƠI RA HẾT! Đã ngót thế kỷ bưng hít thì điều này quý lắm. Phép lạ tuyên truyền đã hết tác dụng, một khi LÒNG YÊU NƯỚC và NHÂN PHẨM Việt Nam được thức tỉnh, vươn vai đứng dậy, thì tấm màn che rách toạc, mọi lá nho che mặt bị rụng rơi lả tả trong một trận gió cuốn cờ. Tô hô hết mọi mỹ từ, mọi xảo thuật.
Cách hành xử quá đáng của người cầm quyền đã dồn Luật sư Hà Vũ từ một con người bình thường, có đủ mọi “hỷ nộ ai lạc ái ố dục” như bao người khác đã buộc phải rũ sạch thường tình để trở thành biểu tượng của khát vọng tự do và công lý của cả dân tộc. Trong tình thế chỉ còn một con đường, nếu không muốn bị dìm toàn bộ cuộc đời, toàn bộ danh dự cá nhân và dòng họ xuống bùn nhơ, anh đã HOÁ THÂN.
Nếu không trước đòn thù anh đã ngã gục. Những kẻ cầm quyền của mọi thời, nếu chỉ quen sử dụng mặt trái thấp kém của con người để cai trị tất nhiên tiếp tục dùng thủ pháp bôi xấu hòng vô hiệu hoá, nhưng vô ích.Tiếp tục bôi xấu CHHV chính là tiếp tục sự ngu xuẩn.
Bản thân CHHV và vợ con anh, gia đình anh riêng chịu tai hoạ đau đớn, nhưng xã hội dân sự chân chính được thức tỉnh, liên kết và cổ vũ. Vụ án còn chứng minh muốn chống Ngoại xâm phải đồng thời chống Nội xâm, hai thế lực ấy luôn kết với nhau, nên Độc lập Dân tộc không thể tách rời khỏi Dân quyền Tự do.
Đúng là người ta “ngu xuẩn” thật, họ đến ngày vô phúc, nếu chỉ giảm án vài ba năm thôi, chắc áp lực không tăng đến độ như thế (may quá, người ta đã không khôn ngoan như vậy). Hoặc giả Tiến sĩ họ Cụ chỉ nhún xuống một chút, “biết điều” một chút như thói quen phải có của mỗi công dân XHCN, thì kết quả cũng sẽ lặng lẽ trôi qua như bao vụ bất công khác. (Quả thực Đảng muốn trừng trị một trí thức công thần ngang bướng như Hà Vũ để làm gương, giữa lúc quân Tàu ngấp nghé, là đi một nước cờ liều, một nước cờ sai, một nước cờ dại).
Thế là phải cảm ơn cả sự “ngu xuẩn” của bên này, lẫn sự can trường quyết chiến, sắt đá, của bên kia, cả hai yêu tố phối hợp đã cấu thành thắng lợi.
2/ Nói to và dõng dạc xem nào!
Bình luận về những biến động kể trên, chắc đủ làm đề tài cho nhiều bài viết giá trị. Ở đây tôi chỉ điểm một tin ngắn, trong đó loan đi một câu phát ngôn vỏn vẹn có 7 chữ của người tù CHHV quyết chiến trước vành móng ngựa.
Dòng tin như sau:
16:30 - Phiên tòa vẫn đang tiếp diễn...
Tường thuật từ một CTV Danlambao: Một chi tiết đáng chú ý trong phiên tòa phúc thẩm sáng nay, khi Viện kiểm sát đang đọc cáo trạng, vì nói quá nhỏ nên anh Cù Huy Hà Vũ đã bảo VKS: Nói to và dõng dạc xem nào!
Thói thường thì kẻ có tội trước vành móng ngựa hay nói ấp úng, quan Toà phải quát cho kẻ ấy nói to lên, cho rõ tội của mình, cho cử toạ đều nghe rõ, nói theo ngôn ngữ Công an, thì đấy cũng là một đòn “tấn công tội phạm”. Đằng này ngược lại, người thay mặt Viện Kiểm sát, luận tội người ta, mà thiếu tự tin đến mức nói không ra hơi, nói lí nhí, khiến người đang bị kể tội phải yêu cầu: Nói to và dõng dạc xem nào!
Nói to và dõng dạc sao được vì những “TỘI” gán cho Luật sư Hà Vũ thực chất đều là CÔNG cả, mà là CÔNG to. Kẻ gán tội cho người có công, chính là đang tự xác định mình là kẻ có tội, kẻ có tội phải nói lí nhí là hợp lẽ tự nhiên.
Nói to và dõng dạc xem nào! Bảy tiếng ấy ngắn gọn như một thách thức, một lời cảnh cáo, hơn thế còn như một mệnh lệnh hay một lời khuyên…của người đã nhìn thấu ruột gan kẻ đối diện.
Nghe 7 tiếng “Nói to và dõng dạc xem nào”, bất giác tôi nhớ ngay đến câu “Tôi nói đồng bào nghe rõ không” của người đã mở đầu thời đại cầm quyền của Đảng.
Cũng 7 tiếng (trùng hợp ngẫu nhiên kỳ lạ), cũng thuộc vấn đề âm lượng trong phát ngôn to nhỏ (volume), nhưng có cái gì đó ngược nhau?
Lời nói là tín hiệu giao tiếp của con người, nội dung và sắc thái là chính, âm lượng chỉ là yếu tố nên ngoài, nhưng nhiều khi âm lượng rất quan trọng, vì bất giác nó phản ảnh tâm trạng bên trong và tình thế của người nói.
“Tôi nói đồng bào nghe rõ không”: người nói đã nói to, nhưng vẫn muốn hỏi lại Dân vì lo Dân không nghe thấy. Hai bên rõ là tâm đầu ý hợp, và Đảng là bên chủ động.
“Nói to và dõng dạc xem nào”: bây giờ thì đổi chỗ cho nhau, người của Đảng đã cố nói nhỏ và nói cho tù mù, nhưng Dân vẫn yêu cầu Đảng phải nói to ra, nói rành mạch để Dân nghe rõ, để Dân còn phán xét, đừng ấp úng. Dân chủ động, Đảng thành bị động.
Sự khác nhau này, sự đổi chỗ này, có thể là sự khác nhau ở thời điểm đầu và thời điểm cuối của một “trào lưu” hay “triều đại” gì đó chăng, đại loại như vậy?
3/8/2011
V. Quốc Uy