Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

Viết thay lời tiễn biệt: Bên Cha những ngày cuối


Marie TM (Danlambao) - Tin LM Stêphanô Chân Tín đã vĩnh biệt cuộc đời, đối với những người ở gần cha vào những ngày tháng cuối cùng của cha như chúng tôi, thì là một sự bình thường, nghĩa là “việc phải đến, đã đến”, vì cha nằm bệnh đã khá lâu. Nhưng đối với những người đồng chí hướng, những người quý mến, ngưỡng mộ cha “từ xa”, thì quả là một tin sửng sốt và ngỡ ngàng, vì mới đây cha còn viết lách, biểu lộ ước muốn, và quyết tâm tranh đấu cho Công Lý- Nhân Quyền, chọn chỗ đứng bên những người bị oan khổ, bức bách, mà nay bỗng nghe tin cha đã vĩnh viễn ra đi, bỏ lại sau lưng những anh chị em cùng chí hướng, và những người bị áp bức bất công còn đang kỳ vọng ở cha! Vâng! Cha đã vĩnh biệt mọi người, để về an nghỉ bên Chúa, sau ngày Sinh Nhật thứ 92 của cha, mới qua hai tuần lễ.


Cha Chân Tín là một người “hoạt động cho Công Lý- Sự Thật” nổi tiếng từ trong ra ngoài nước, được mọi người quý mến dù là khác dân tộc, khác tôn giáo. Thông cảm với những người quý mến ngưỡng mộ cha, tôi nghĩ họ rất muốn được thông tin thêm về những ngày cuối cùng của cha tại dương thế như thế nào, nên tôi viết lại đôi hàng nhận định và suy nghĩ này, theo tầm mắt hạn hẹp của tôi, để thay lời tiễn biệt cha, và để ghi thêm trong tâm hồn những người trọng kính cha, một vài nét đẹp về người LM chiến sĩ rất tốt lành này.

Trước hết tôi xin nói: tôi không phải là người thân trong gia đình của cha, cũng không phải là “người hâm mộ” gì cha hết, tôi chỉ là một giáo dân bình thường. Tôi là con thiêng liêng của cha Phaolô Cơ, anh ruột của cha Chân Tín. Khi cha Phaolô qua đời, tôi mới được biết cha Tín vì cùng đi trên chuyến xe từ Sài Gòn ra Nha Trang để dự lễ an táng cha đỡ đầu của tôi. Sau đó cha Tín gọi tôi là cháu, và xưng với tôi là chú, vì cha Tín là em ruột của cha Phaolô. Trong suốt chiều dài của cuộc sống, tôi vẫn giữ liên hệ với cha Tín, nhưng cũng không được thường xuyên. Chỉ khi cha Tín lâm bệnh cách nay gần nửa năm, tôi mới thật sự có dịp gần gũi cha trong những buổi trưa hay tối, tôi và mấy người bạn, đi cùng với cha anh của tôi lên thăm và đọc kinh cầu nguyện cho cha, trong lúc cha lâm trọng bệnh, tại bệnh viện hay tại nhà hưu dưỡng của DCCT SG.

Vì thế, tôi chỉ xin sơ lược những gì tôi thấy, và một vài suy nghĩ của tôi về cha, trong những ngày cuối ngắn ngủi bên cạnh cha. Tôi đã thấy gì, và nghĩ gì về cha: đó là một chiến sĩ Công Lý can trường và bền bỉ, đồng thời là một gương can đảm và nhẫn nhục phi thường!

I. Một chiến sĩ công lý can trường và bền bỉ: trọn một cuộc đời tranh đấu!

Tôi gọi cha là một chiến sĩ can trường, vì cha không chọn cuộc sống an bình mà “hành đạo”, nhưng cha lại chọn cuộc đấu tranh, đấu tranh cho Công Lý, Sự Thật được thể hiện trên con người, trong xã hội Việt Nam, ở cả hai chế độ Tự Do và Cộng Sản. Thời đệ nhị Cộng Hòa ở miền Nam, cha cũng viết báo, lập phong trào chống tham nhũng, bất công. Và cả thời Cộng Sản ngày nay, cha cũng đã từng bị lên án, bị quản thúc nhiều năm trời vì cha không chịu ngồi yên nhìn những anh em bị oan ức, bị chà đạp, bị tước đoạt quyền sống và phẩm giá con người, hay những lối sống thiếu đạo đức, vô lương tâm của nhiều người trong xã hội. Tấm lòng của cha còn trải dài một tình yêu nước thương nòi, chống nội thù, ngoại xâm. Công việc này cha kiên trì bền bỉ làm suốt cả cuộc đời, cho đến những ngày cuối cùng của cha, ngay khi cha đang nằm trên giường bệnh. Cha cũng thật kiên trung tận hiến cho lý tưởng, không ngại nói thẳng, nói thật, nhận định rõ ràng phải trái, phê bình thẳng thắn nhằm xây dựng và bảo vệ điều công chính, cả trong đạo lẫn ngoài đời, không sợ bị trù dập, lên án bất công, cho đến hơi thở cuối cùng cha cũng không lùi bước!

Tôi không muốn nói nhiều thêm về những điều này, vì tôi chắc chắn nhiều người còn biết về cha rành rẽ hơn tôi, và có những nhận định chân xác hơn, cũng như gần gũi với cha hơn tôi để hiểu rõ về cha.

II. Một gương can đảm và nhẫn nhục phi thường: nỗi đau và nụ cười!

Những giờ thăm và đọc kinh ngắn ngủi bên cha, điều làm cho tôi và nhiều người hiện diện nhận thấy: đó là một con người phi thường! Phi thường không phải vì là cha làm những việc to tát, vĩ đại, nhưng “phi thường” với tôi có nghĩa là Cha khác mọi người trong sự chịu đựng đớn đau. Chúa đã gửi cho cha một cơn bệnh mà tôi chỉ có thể tóm tắt là “nội tạng nát bấy”, nghĩa là tim, phổi, gan, thận, bao tử… của cha đều đã trở thành… đồ phế thải, chẳng còn cái nào sài được! Chung quanh giường của cha thì đầy những máy móc: nào máy trợ tim, trợ phổi, máy hút đàm, máy đo huyết áp, đo tim mạch, và máy soi rọi những thứ gì bên trong người của cha mà tôi không rõ! Ngoài ra còn cả một đống đồ “phụ tùng” gồm những hệ thống ống nối, ống dẫn vào phổi, để hút nước từ phổi ra, ống dẫn đồ ăn, nước uống vào dạ dày, ống thoát nước, ống hút dàm… và nhiều những lổ đục khoét bên cạnh sườn, bụng… để bác sĩ dễ dàng “tác nghiệp” trên thân thể cha, như trên một… bãi chiến trường! Còn cha thì nằm im chịu trận, không một lời kêu than, la lối hay rên rỉ, dù người đứng ngoài như tôi phải nắm tay, nghiến răng, rùng mình! Xin đừng nghĩ rằng cha không biết đau đớn, trái lại, cha bị đau đớn lắm lắm. Tôi thấy cha thở hổn hển, có lúc thì như ngộp thở, đứt hơi, khiến các y tá và điều dưỡng phải luôn thao tác để hút đàm, chích thuốc, thậm chí dùng cây ngoáy ngoáy trong cái ống trợ thở đang được cắm nơi cổ của cha. Có những lúc cha đau đớn oằn mình, chân tay vật vã, nhíu mày, cau mặt, mím môi, nhưng tuyệt nhiên không một lời kêu ca rên rỉ nào được thoát ra từ cha! Những lúc cha đau như vậy, mọi người đứng nhìn khó mà chịu đựng được, chỉ còn biết kêu Chuá chữa cha! Cứ như thế kéo dài mấy tháng trời, hết đi cấp cứu ở bệnh viện, lại về nhà nằm chịu bệnh. Toàn thân cha gầy đét vì không còn ăn uống được, chỉ có thuốc và chút súp lỏng hay sữa đổ qua cái “phễu” nối với ống dẫn vào bao tử. Hai bàn chân cha dần dần bị hoại tử, các ngón chân tím rồi đen, và khô lại, các móng muốn bong tróc ra, máu không còn lưu thông được nên cha rất đau nhức! Chỉ cần chạm nhẹ vào chân định xoa bóp cho cha, là cha đau thấu tim, cắn răng và xua tay ra hiệu đừng đụng vào! Còn phần thân mình bên trên thì sưng phù trướng lên, ép cả tim phổi, càng nhức nhối! Dịch tràn vào hai lá phổi nên thường xuyên bác sĩ phải rút nước ra hàng lít. Những ngày đầu cha còn tỉnh táo, sau mê man nhưng vẫn còn nhận biết sự đau đớn qua cách cha nhăn mặt như khóc, và đập tay đập chân. Nhưng có một điều trong cơn đau triền miên Cha không than khóc, chỉ có nụ cười, và nụ cười lúc nào cũng tươi! Đó là điều phi thường không ai làm nổi! Cha triền miên chịu đau đớn và mê man. Ít khi cha mở mắt, chỉ lúc có người đến thăm đặc biệt, y tá hay người chăm sóc kề tai nói với cha, kêu cha mở mắt nhìn, thì cha mới cố mở mắt nhìn người khách thăm, và luôn luôn kèm một nụ cười, một nụ cười thật tươi, như người không hề bị đau đớn. Rồi cha đưa tay chào, như đang truyền đi một niềm vui, chứ không phải một nỗi buồn, một niềm đau! Hình như cha không muốn cho ai biết cha bị đau đớn, và như cha đang vui, đang yêu đời chứ không hề chán nản vì bệnh tật. Tại sao người bệnh mà lại vui vẻ và bình an như thế? Tại sao? Chỉ chó những người đến thăm cha như chúng tôi là cảm thấy đau và buồn mà thôi! Tôi triền miên suy nghĩ về cha:

- Có lẽ cha đang chịu đựng đau đớn xác thân, để thông phần thống khổ với Chúa Giêsu khi trên Thập giá, hầu cứu chuộc nhân loại?

- Có lẽ cha đang “thưởng thức” sự đau đớn thể xác, để cảm thông với những người anh em đang đau khổ trên quê hương VN, mà cha đã chọn để đồng hành và chia sẻ, trước giờ cha từ biệt họ, chấm dứt cuộc đấu tranh gian khổ vì sự công chính?

- Có lẽ cha muốn chịu đựng sự đau đớn phần xác, để đền bù những thiếu sót đương nhiên phải có của con người, ngay tại đời này, để đến khi Chúa gọi thì cha được trực chỉ Thiên Cung hầu hưởng hạnh phúc bên Chúa? Và Chúa đã nhậm lời cha bằng cách chuyển đến cho cha “đủ món ăn chơi”, là bệnh gì cũng có, nguy kịch và cấp cứu thường xuyên, còn cha thì cứ “êm đềm triền miên” mà lãnh nhận?

- Và vì lòng kính mến Mẹ Maria của Cha, mà sau khi cha đã đền bù tạm đủ theo ý Chúa, thì Mẹ đã rước cha đi vào đúng ngày thứ bảy đầu tháng, ngày dành để kính mến Mẹ?

Nói đến mẹ Maria, tôi chợt nhớ lại mới cách đây hơn một tháng, khi cha nằm điều trị tại bệnh viện Chợ Rãy, không hiểu vì nguyên do nào, mà cha đã tình cờ khám phá ra tượng Đức Mẹ đã bị bỏ quên từ sau năm 1975, khi CS vào chiếm miền Nam. Tượng Thánh này từng được đặt tại khôn viên bệnh viện để các bệnh nhân và thân nhân đến cầu nguyện, xin ơn. Cũng nơi bức tượng này, vào năm 1973, gia đình tôi đã được một ơn lạ: Em gái tôi mới khoảng 8 tuổi, bị rơi từ trên lầu cao hơn 5m xuống nền sân gạch, bị bất tỉnh, sọ bị nứt 6cm, ói ra máu và hôn mê cả tháng trời, nằm cấp cứu ở bệnh viện này. Mẹ tôi và tôi đã đến khẩn thiết cầu nguyện với Đức Mẹ, và sau đó em tôi tỉnh lại, về nhà bình an. Cứ như các bác sĩ chẩn đoán, thì em tôi chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đến não, không ngây thì cũng dại. Nhưng tuyệt nhiên em tôi không hề gì, vẫn tiếp tục đi học, xong đại học. Hiện em tôi đang định cư tại Mỹ, đã lập gia đình và có 3 con, đang phục vụ trong một phòng thí nghiệm y khoa tại California. Tôi trở lại với cha Chân Tín: khi ngài phát hiện được tượng Đức Mẹ bị lãng quyên bên cạnh một nhà kho không ai lui tới nguyện cầu, ngài mừng lắm, và chỉ thị cho các em đệ tử DCCT đi theo săn sóc ngài, phải tìm một họa sĩ đến để ngài nhờ sơn sửa lại tượng, và dọn dẹp tươm tất xung quanh. Khi việc xong, dù đang đau, ngài đã đến ngắm nhìn và hân hoan vui sướng như người mới tìm được mẹ của mình! Rồi Ngài mặc áo dòng, làm phép lại tượng trong sự trang nghiêm lẫn vui mừng. Cha con loay hoay thế nào mà nghe đâu đến gần nửa đêm mới xong việc và về đến nhà dòng. Rồi Cha cố viết lại sự việc này để đưa lên báo, loan tin mừng cho mọi người.

III. Giờ ra đi của Cha:

Còn một điều cần nói là về cái chết của cha: Trong lần lâm bệnh này, nhiều lần cha bị nguy kịch, các bác sĩ nghĩ cha sẽ mất trong một vài ngày, thậm chí một vài giờ. Vậy mà khi đưa cha về nhà dòng chờ chết, thì cha vẫn không chết. Cha cứ hồi tỉnh, rồi lại mê đi, và cứ “êm đềm triền miên” như vậy trong suốt hơn hai tháng trời! Các cha trong dòng cũng nhiều lần lên hỗ trợ việc thiêng liêng cho cha, nhưng cha vẫn sống, lay lứt và đau đớn, khiến có nhiều người cầu xin với Chuá đưa cha đi sớm để đỡ đau thể xác. Nhưng Chúa có chương trình của Chúa, không ai hiểu được. Có lẽ Chúa duy trì sự sống của cha để cha chịu khó cho nên mà lập công chuộc lỗi? Hay cha còn có ý chờ gặp ai đó chăng? Tôi băn khoăn nghĩ vậy và cùng với vài người thân cầu nguyện về việc này. May mắn thay, Chúa đã đưa người đó đến cho cha gặp mặt. Sau khi người đó từ xa về, ghé vào tai cha nói những lời thân thương và chúc cha đi bình an, thì cha như xúc động mạnh, nước mắt tràn ra, và cha nắm chặt tay người đó, để biểu lộ cha nghe và hiểu. Sau đó cha bắt đầu trở bệnh nặng, cơn đau tràn đến nhanh chóng và mạnh mẽ hơn, báo hiệu giờ của cha đã đến. Chiều ngày thứ bảy đầu tháng 12 năm 2012, vào lúc 4g15 phút, cha đã êm ái ra đi, rất bình an và nhẹ nhàng, sau khi cha được các anh em trong dòng đến chăm sóc linh hồn lần cuối!

Cha ơi! Thế là cha đã hoàn thành nhiệm vụ, chấm dứt mọi đau khổ buồn phiền của trần gian, để cha về bên Chúa trong thanh nhàn vinh phúc.

Trong những giờ cuối cha nằm tại phòng khách nhà dòng CCT Sài Gòn để chào tạm biệt mọi người, rất đông người thân sơ, xa gần đã có mặt trong lễ khâm liệm cha. Tôi không thể cầm nước mắt vì thương nhớ cha, nhưng cũng vui mừng tạ ơn Chúa đã cho cha được “mãn nhiệm” ở trần gian để về nghỉ ngơi bên Chúa và Mẹ, để mặc sự đời cho người đời tiếp tục lo liệu. Tôi ngắm nhìn cha nằm trong quan tài, nét mặt bình thản như người đang chìm sâu vào giấc ngủ dài. Tôi thầm nói lời tạm biệt cha, chúc mừng cha lên đường về quê thật, và cũng nhắn gửi cha nhớ cầu nguyện cho nhà dòng, cho những người anh em của cha đang bệnh, những người đang đau khổ, cho quê hương, cho dân tộc VN, và cho cả tôi nữa. Ngày mai thánh lễ an táng lúc 6g sáng tại nhà thờ DCCT SG, sau đó mọi người sẽ tiễn đưa cha đến nơi an nghỉ ngàn thu, và hẹn gặp cha trên nước trời. Nhìn di ảnh cha tươi cười bên những tràng hoa tươi thắm, tôi sẽ nhớ mãi nét tươi vui này của cha. Nó đã hiện hữu trong suốt cuộc đời cha, và cả trong cơn lâm nguy đớn đau vì bệnh tật, cha vẫn duy trì nét tươi vui ấy, khiến tôi không thể nào quên. Nếu không có thông báo không nhận hoa phúng, thì có lẽ cả sân nhà dòng đã đầy hoa của người đến kính viếng, vì những quan hệ lớn lao và rộng rãi của cha trong suốt cuộc đời, cũng như tình cảm quý mến, biết ơn của nhiều người. Nhưng thôi, đã có những đóa hoa lòng thay cho những tràng hoa tươi đó.

Sáng ngày 4 tháng 12 năm 2012, từ lúc trời còn mờ tối, đoàn người đông đảo đã lũ lượt âm thầm tiến về Thánh đường Đức Mẹ HCG Kỳ Đồng SG để tham dự Thánh lễ an táng của cha. Nhà thờ hết chỗ ngồi, đoàn chủ tế hơn trăm người, ai nấy đều ngậm ngùi xúc động. Theo hướng dẫn của vị chủ tế là cha Giám tỉnh DCCT, tất cả không ai ca ngợi cha, nhưng là ca ngợi những việc Chúa làm nơi cha: hiên ngang, can trường xây dựng nước Chúa trong mọi hoàn cảnh, dù khó khăn ngặt nghèo! Thành quả lớn lao của cha là một giáo xứ mới, từ là một “điểm trắng tôn giáo”, nghĩa là không có người theo đạo, nay đã trở thành một giáo xứ với 500 giáo dân tân tòng 100%, mà cha đã gây dựng từ con số không, ngay khi cha vừa được đưa đi “quản thúc” tại đây! Một “tên tù” phải bị quản chế, mà đã gieo hạt giống Tin Mừng để gặt hái được một mùa bội thu như vậy trong mấy năm trời, chẳng đáng cho GH vui mừng hãnh diện sao? Nay ngày tiễn biệt cha, đông đảo anh chị em GX An Thới Đông của cha đã về bên cha, và cùng đội chung vành khăn tang, vì cha đã “khai sinh” ra họ.


Ngậm ngùi, tiếc thương, và mất mát lớn lao cho chúng con, dù biết rằng Cha đã về nơi vinh phúc, và được thảnh thơi sau những tháng năm vất vả gian truân vì Công Lý, vì Nhân Quyền, vì muốn xóa đi những bất công, những gian ác và những lạm đang đè nặng trên đồng bào của cha, con chiên của cha! Chắc chắn về tới quê trời, cha cũng sẽ cầu xin Chuá ban Công Lý và bình an cho dân nước của cha.

Cha ơi! Con chẳng còn biết nói gì nữa trong giờ này! Xin vĩnh biệt cha, NGƯỜI CHIẾN SĨ HIÊN NGANG VỚI NỤ CƯỜI BẤT TẬN.

Sài Gòn ngày 4 tháng 12 năm 2012

Con,

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"