Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

Tôi lo cho ông quá, thưa Tổng bí thư

Kính thưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng,
Tôi là một công dân quèn, một cử tri lôm côm nhưng đôi khi nổi hứng lại quan tâm đến quyền bỏ phiếu của mình. Nhân việc ông Tổng bí thư tiếp xúc với cử tri Hà Nội tôi xin gửi tới ông một vài thắc mắc mà vì ở xa quá, tận trong Sài Gòn nên tôi không trực tiếp đặt câu hỏi cho ông được.
Nhân tiện tôi xin thưa rõ là chưa bao giờ tôi cầm lá phiếu bầu trực tiếp chức vụ Tổng bí thư của ông hiện nay. Vì vậy nhân danh là một cử tri để nêu thắc mắc thật chẳng ra làm sao vì mình không bầu cho người ta mà lại đặt câu hỏi là như thế nào?
Tuy nhiên thấy ông hiền lành lại có tiếp xúc cử tri trong vai trò Tổng bí thư nên tôi cũng..."mặc kệ nó", mong ông bỏ qua chi tiết rất quan trọng nhưng cũng đáng thông cảm này. Tôi tin ông sẽ thông cảm vì mới đây tôi được biết báo chí vinh danh ông là một Tổng bí thư rất... nhân văn so với hàng chục ông Tổng trước đây.

Trước nhất, theo thông lệ của một công dân, tôi xin chúc ông luôn mạnh khỏe, sáng suốt và luôn luôn coi quyền lợi quốc gia là tối thượng như mong mỏi thường tình của hàng chục triệu người Việt khác như tôi.
Tôi mong ông mạnh khỏe là toàn tâm toàn ý chứ không phải là lời chúc suông hay đểu. Tôi rất lo nếu ông bị bọn nước ngoài vì oán giận nước ta mà chủ mưu đầu độc ông thì không những cá nhân ông đau đớn khổ sở mà cả cái dân tộc này sẽ mất tích một cách từ từ theo chất độc mà chúng bơm vào thân thể ông bằng cách nào đó. Tôi nói có khi không hên, nhưng tụi Tàu thường nói "cẩn tắc vô áy náy" chắc cũng không sai.
Dĩ nhiên không ai tin Tổng bí thư một đảng to như Đảng Cộng sản Việt Nam mà lại để nước ngoài đầu độc "thì còn gì đất nước này", (xin lỗi tôi lại lẫn sang câu nói bất hủ của ông Chủ tịch nước mất rồi!)
Vậy mà tôi vẫn lo, nên hôm nay tôi chỉ quan tâm tới sức khỏe của ông Tổng nên xin gồng mình hỏi đại (nói theo dân miền Nam) "có bao giờ bác sĩ riêng của Tổng bí thư nghi ngờ khả năng ông bị đầu độc hay không ạ?". Lý do là vì ông Tổng sang Tàu nhiều lần mà nước Tàu theo như tôi và nhân dân cùng biết thì không ưa gì Việt Nam, Bắc Kinh lại nổi tiếng về môn độc dược đủ các loại, từ hóa chất, độc thảo cho tới đồng Nhân dân tệ và hằng hà vô số gái đẹp...những độc chất ấy nếu nhắm vào ai thì ba đời trước lẫn chín đời sau của nạn nhân khó lòng thoát thân khỏi thiên la địa võng của Bắc Kinh.
Và nguy hiểm hơn nếu người bị đầu độc lại đứng đầu một nước thì số phận của nước ấy xem như gạch chữ X (lại xin lỗi nếu tôi nhầm với đồng chí mà Tổng Bí Thư đặt tên trước đây)
Tôi lo ngại Tổng bí thư bị đầu độc do những biểu hiện lâm sàng mà ông đang có như: nói lắp, nói lạc đề, không phân biệt được đen trắng một cách bình thường, không quan tâm đến lời nói của mình có đúng với tình hình thực tiễn hay không, và cuối cùng là trầm cảm...
Tất cả những dấu hiệu vừa nói có thể kê khai đầy đủ qua những bài diễn văn cũng như trả lời cử tri hồi gần đây mà tôi xin ghi lại để các bác sĩ riêng của Tổng bí thư nếu chưa để ý thì xin xem xét một cách tường tận nếu không sức khỏe của ông khó lòng hồi phục và vì vậy kéo theo sức khỏe của cả nước.
Thứ nhất: "Tật nói lắp"
Ông Tổng bí thư được cử tri nhiều lần truy vấn về "đồng chí X là ai" nhưng cứ lòng vòng lẫn tránh đến nỗi có biểu hiện nói lắp. Ông đã quên, chính ông là tác giả của cái tên đồng chí X ấy cho nên ông phải biết ngọn nguồn. Triệu chứng nói lắp cho phép tôi nghi ngờ ông đang bị nhiễm một loại độc thảo có độc tính tương đối nhẹ. Để chữa trị, ông chỉ cần nói tên của đồng chí X là ai thì bệnh sẽ tự khỏi.
Thứ hai: "Nói lạc đề"
Mới nhất khi cử tri Hà nội yêu cầu ông giải thích hai việc quan trọng, thứ nhất "Bộ phận không nhỏ là ai, thứ hai tại sao không kỷ luật được ai như sự hô hào rùm beng của hội nghị trung ương 4 vừa qua". Ông Tổng bí thư trả lời mà như không trả lời, ông nói: “Làm sao chúng ta cố gắng với tinh thần nhân văn, kỷ luật sắt nhưng phải tự giác, không tự giác mới kỷ luật. Ta ví như cái lò, có thanh củi khô, có thanh củi tươi, quan trọng phải nhóm cái lò ấy trên tạo thành hơi nóng, lúc bấy giờ củi khô hay tươi gì vào lò đó cũng cháy hết khi đã có sự đồng lòng nhất trí. Vả lại phê bình, tự phê bình đâu phải chỉ là kỷ luật, tự mỗi con người tự giác để làm kết quả mới sâu xa hơn”.
Hội chứng lạc đề vì nhiễm độc đã trầm trọng. Bệnh nhân có biểu hiện không còn phân biệt được chủ đề của câu hỏi và vì vậy khi trả lời đã nói theo sự "tưởng như có lý" của mình. Câu hỏi "bộ phận không nhỏ là ai" trả lời: "Ta ví như cái lò, có thanh củi khô, có thanh củi tươi, quan trọng phải nhóm cái lò ấy trên tạo thành hơi nóng, lúc bấy giờ củi khô hay tươi gì vào lò đó cũng cháy hết khi đã có sự đồng lòng nhất trí" như vậy là thế nào? Câu hỏi: "Sao không kỷ luật được ai?" trà lời: "phê bình, tự phê bình đâu phải chỉ là kỷ luật, tự mỗi con người tự giác để làm kết quả mới sâu xa hơn”. Đến đây thì bác sĩ đã có kết quả cụ thể về hội chứng "Nói lạc đề".
Thứ ba: "Không phân biệt được đen trắng một cách bình thường"
Hội chứng này thường thấy khi bệnh sang thời kỳ thứ ba, tâm thần bất định dẫn tới "không phân biệt được đen trắng một cách bình thường".
Cũng trong khi trả lời cử tri ông Tổng bí thư nói: “Nói về con người khó thế đấy, động đến lợi ích là va chạm, có thể chuyển từ phía này sang phía kia. Cũng như trên chùa, đâu phải ông Thiện là hoàn toàn mặt đỏ, ông Ác hoàn toàn mặt trắng. Nếu cả tập thể đấu tranh thì có thể giúp mặt tốt cùng tốt lên, giảm thiểu mặt xấu. Còn phân tích rạch ròi ra rất khó mà cũng không đúng”.
Nếu một người hoàn toàn tỉnh táo khi nghe Tổng bí thư nói sẽ đặt vấn đề: như vậy là Tổng bí thư công khai nhìn nhận không dám va chạm với ai đó ngang hàng thậm chí quyền lực hơn hơn ông và ông lẩm cẩm so sánh với hai ông thần thiện và ác khi nói rằng không phải lúc nào hai ông thần này cũng hoàn toàn có cái màu sắc đã được xác định: Đỏ là thiện, trắng là ác.
Do nhiễm bệnh, sự phân tách của ông Tổng bí thư có vấn đề. Đối với con người, sự phân hóa hay cạnh tranh quyền lực sẽ dẫn tới hai hệ quả, một là tiêu diệt kẻ thù, hai là thỏa hiệp với chúng để chia chát quyền hành. Hai thế lực này không đại diện cho ông thần nào cả mà chỉ đại diện cho lòng tham lam độc ác của con chúng. Vì vậy lấy ông thiện để ẩn dụ về phe cánh của mình và ông ác để ám chỉ người mình chống đối là không hợp với nội dung câu hỏi.
Sự "không phân biệt được đen trắng một cách bình thường" này cho thấy sức khỏe ông Tổng bí thư cần được chăm sóc chu đáo hơn.
Thứ tư: "Không quan tâm đến lời nói của mình có đúng với tình hình thực tiễn hay không" là hội chứng nhiễm bệnh chung của hầu hết các chức sắc trong chính phủ nhưng Tổng bí thư có triệu chứng nặng nhất.
Sau khi Trung Quốc phát hành hộ chiếu có hình lưỡi bò cả thế giới chống lại một cách mạnh mẽ nhưng ông thì không. Ông cũng là người tiếp phái đoàn Đảng Cộng sản Trung Quốc sang Hà Nội, một ngày sau khi tỉnh Hải Nam tuyên bố cho phép cảnh sát biển của họ được quyền xét hỏi bất cứ tàu nào xâm phạm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Ông Tổng bí thư không phân biệt đâu là sự vô hạn của quyền lợi đất nước, và đâu là giới hạn của tình hữu nghị dù là hữu nghị của Đảng Cộng sản hai nước. Ông vẫn đọc lại một cách vô thức bài diễn văn đã được soạn thảo từ hơn bốn mươi năm trước bất chấp tình cảnh dầu sôi lửa bỏng tại Biển Đông. Là một nhân vật cao nhất nước nhưng ông "không quan tâm đến lời nói của mình có đúng với tình hình thực tiễn hay không" nói lên sức khỏe của ông đã tới hồi cần phải nhập viện.
Nều còn ở ngoài, chỉ một cơn gió "lạ" thì ông sẽ không còn ở với chúng ta, há chẳng đau lòng lắm sao?
Thứ Năm: "Trầm cảm"
Hội chứng này có nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân sinh ra vẫn phải kể đến việc bị đầu độc.
Chưa có một y văn thế giới nào cho thấy trầm cảm do bị đầu độc nhưng trong nhiều chế độ Trung Hoa cổ không ít nhân vật bị đầu độc sau đó có hội chứng trầm cảm. Theo Wikipedia thì người mang bệnh này sẽ có dấu hiệu "xơ cứng rải rác"(multiple sclerosis), hay "sa sút trí tuệ"(dementia). "Xơ cứng" và "sa sút" là hai biểu hiện rõ nhất của ông Tổng Bí Thư.
"Các biểu hiện khác của bệnh trầm cảm là cảm giác do dự, không chắc chắn, tiêu chuẩn và đòi hỏi cao, yêu cầu cao với người khác và với chính mình, dễ bị tổn thương, khó thay đổi những thói quen cũ. Luôn có ý nghĩ tiêu cực về bản thân, và người khác. Cảm giác tuyệt vọng không còn lối thoát, không còn niềm tin vào bản thân và tương lai.
Bệnh do một biến cố trong quá khứ xảy ra nên từ tâm lí tác động lên thể lí (thực thể). Bệnh nhân rất đau khổ và hay lo sợ, sợ một cái gì đó thành ra ám ảnh. Người bệnh thường hay sợ nên dẫn đến đau khổ trong tâm hồn nhưng không mấy ai hiểu, chia sẻ và giúp đỡ."
Tất cả các nghiên cứu y khoa này xác nhận Tổng bí thư của chúng ta mang bệnh trầm cảm rất rõ sau khi thất bại trong hội nghị trung ương 6. Ông nằm đúng vào cái danh sách "nguyên nhân gây trầm cảm" mà y học đã thực chứng. Riêng với Tổng bí thư y học sau này sẽ có một từ mới: "Trầm cảm X" nhằm phân biệt rõ hơn thế nào là trầm cảm do chính trị chi phối, gây ra.
Tổng bí thư bệnh nặng như thế mà vẫn bị Bộ chính trị bắt tiếp tục giữ việc nước thì có quá tàn ác hay không? Tôi lo cho ông quá, ngài Tổng bí thư ạ.
Nguồn: Blog Cánh Cò

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"