Lê Nguyên Bình (ĐVDVN)
Kể từ ngày lập đảng, Cộng sản Việt Nam luôn trung thành với chủ
trương thống trị. Cướp chính quyền bằng chiến tranh và giữ chính quyền
bằng bạo lực đã trở thành một thứ truyền thống đặc thù của toàn thể chế
độ Cộng sản. Quá trình lịch sử chứng minh rằng: Những hình thức thương
thảo, liên hiệp, liên minh của Cộng sản đều là công cụ chính trị hay
tuyên truyền cho mục tiêu chiến thắng sau cùng. Cộng sản Việt Nam rõ
ràng KHÔNG có "Văn hóa Đối thoại". Ít nhất là CHƯA.
Thực vậy! Nếu hiểu "đối thoại" là tranh luận với nhau trong
tinh thần xây dựng để hiểu nhau rõ hơn, dù vẫn có bất đồng, thì cho đến
nay ở Việt Nam vẫn chưa có đối thoại đúng nghĩa; kể cả giữa nhà cầm
quyền và những cựu đảng viên CS có tinh thần tiến bộ. Nếu hiểu "đối thoại" là thương lượng, đàm phán để tìm một giải pháp chung mà hai bên đều có lợi, thì thực tế cũng chưa hề có.
Riêng ở ngoài nước, bằng nhiều hình thức và tầm vóc khác nhau, nhà
cầm quyền CSVN đã tiếp xúc với khá nhiều người Việt. Nhưng tất cả chỉ
nhằm mục đích kêu gọi sự ủng hộ cho nhà nước đương quyền. Nhiều cuộc
tiếp xúc của các cán bộ ngoại giao với những người bất đồng chính kiến ở
ngoài nước đã từng xảy ra nhưng luôn dừng lại ở mức tìm hiểu và thuyết
phục ngưng "chống đối nhà nước", hơn là trao đổi để tìm kiếm giải pháp chung cho đất nước.
Khi nhà cầm quyền CSVN không có chủ trương đối thoại thì rõ ràng là
họ mặc nhiên tạo ra tình trạng đối đầu. Lời báo động về sự nguy hiểm của
các "thế lực thù nghịch, phản động... âm mưu lật đổ chính quyền..." là sự khẳng định sự hiện diện của nhiều lực lượng đối đầu ở cả trong và ngoài nước.
Thái độ thù nghịch của nhà cầm quyền CSVN với những người yêu nước ôn hòa mâu thuẫn hoàn toàn với "chủ trương hòa giải, hòa hợp" hay "đại đoàn kết dân tộc"
mà đảng CSVN vẫn luôn nói đến. Sự kiện này tự nó giúp cho những người
chủ trương đối đầu với CSVN luôn có lý do chính đáng để giữ các thái độ
cứng rắn nhất.
Bản chất Cộng sản là khai thác mâu thuẫn để tồn tại và phát triển. Ở
giai đoạn thoái trào, Cộng sản bị chán ghét bởi chính những mâu thuẫn
nội tại. Bây giờ, những thứ lý tưởng giúp đảng cướp được chính quyền ở
miền Bắc và cả miền Nam đã không còn nữa. Tiêu chí "độc lập" đã trở thành một danh từ mỉa mai khi chế độ không dám chống lại sự xâm lấn của Bắc phương. Tiêu chí "đánh Mỹ cứu nước"
trở thành một điều đáng mắc cỡ khi chế độ tồn tại được là nhờ có sự
giao thương với Mỹ -- dù rằng CSVN không bao giờ tin được người Mỹ. Tiêu
chí chống "bóc lột, tham ô" cũng trở thành trò hề khi hầu hết
quan chức của bộ máy cầm quyền đang làm giàu bằng mồ hôi và nước mắt của
hàng chục triệu đồng bào lao động nghèo. Những đảng viên lý tưởng bất
mãn vì họ ý thức được rằng: Chỉ riêng tội gây ra quốc nạn tham
nhũng có hệ thống từ trung ương đến địa phương, thì chế độ đương quyền
đã xứng đáng để bị lật đổ. Và đối với những người đảng viên
liêm chính, đám quan chức ăn cắp của công, ăn cướp của dân cần phải bị
trừng trị để làm sáng nghĩa công lý.
Sự thật của những vấn đề Việt Nam bây giờ không còn là bí mật nữa
nhưng hóa giải bế tắc đó không thể chỉ bằng sự biểu hiện những phẩn uất
ngút trời, hay chỉ từ một sự thay đổi cơ chế.
Qua một quá trình hơn nửa thế kỷ cầm quyền, ân oán và hệ quả chính
trị đã ảnh hưởng vào hàng triệu gia đình từ Bắc chí Nam. Tìm một giải
pháp để cả chục triệu người (bao gồm đảng viên, công chức bộ máy cầm
quyền và thân nhân) không phải trở thành nạn nhân của chính thể mới...
là một thử thách vô cùng cam go. Chính phủ mới không thể, và không có
quyền, nhân danh nhu cầu tự do cho 70 triệu người dân để biến 10 triệu
người đang phục vụ cho chế độ CS thành những tội phạm phải bị trừng trị,
tương tự như Cộng sản đã nhân danh "giải phóng" để đối xử tàn
tệ đối với toàn thể quân-cán-chính VNCH và gia đình. Những kẻ có trọng
tội phải được minh xử nhưng không thể là sự ngược đãi đối với toàn thể
đảng viên, công chức bộ máy cầm quyền CS. Việt Nam cần có một giải pháp
để tháo gỡ các bế tắc chính trị hiện nay một cách tốt đẹp và an toàn
nhất. Giải pháp đó là gì, câu trả lời tùy thuộc nhiều yếu tố và nhiều
phía. Nhưng rõ ràng là nó không thể tự nhiên mà có.
Nếu như trong thời gian tới, đảng CSVN đột nhiên thay đổi thái độ để
tìm lối thoát cho chính họ và đất nước bằng cách giải tỏa những ràng
buộc phi lý đã có trong luật bầu cử, để Việt Nam có điều kiện dân chủ
hóa bộ máy Lập Pháp qua một cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội thật sự tự do;
từ đó có Hiến pháp mới, rồi có bộ phận Hành pháp Dân cử, kể cả ngành Tư
Pháp dân cử, thì tiến trình dân chủ hóa Việt Nam sẽ không phải đánh đổi
bằng máu xương và nước mắt.
Ngược lại, nếu như đảng CSVN tiếp tục con đường thống trị độc tài thì hệ quả đương nhiên sẽ tự nó xảy ra: "Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh!"
Và trong trường hợp Việt Nam thay đổi từ biến động nghiêm trọng, dẫn
đến tình trạng đảng CSVN mất khả năng kiểm soát, thì chắc chắn là khó ai
có thể hình dung được lòng căm phẩn chất chồng từ bao nhiêu năm nay sẽ
diễn ra thế nào.
Tóm lại, muốn thay đổi đất nước một cách hòa bình và tốt đẹp, chúng
ta không có con đường nào khác hơn là đối thoại nghiêm chỉnh để tạo điều
kiện thương thảo tìm kiếm một giải pháp chính trị thích hợp cho Việt
Nam. Nhưng đó phải là một tiến trình đối thoại đúng đắn.
Quan điểm cơ bản về việc đối thoại mà Đảng Vì Dân khẳng định là:
1. Nếu nhà cầm quyền CSVN muốn hòa giải
dân tộc và tìm kiếm một giải pháp chính trị thích hợp cho Việt Nam, họ
cần khởi đầu bằng việc đối thoại với những nhà dân chủ và đoàn thể bất
đồng chính kiến ở Việt Nam trước.
2. Nếu CSVN muốn hòa giải với cộng đồng người Việt ở hải ngoại thì họ phải chính thức lên tiếng với các đoàn thể đối kháng, và việc đối thoại phải được thực hiện bình đẳng, công khai ở cả trong và ngoài nước, với sự chứng kiến của các cơ quan truyền thông và hiệp hội nhân quyền.
3. Việc đối thoại phải được thực hiện trên tinh thần hòa giải dân tộc và tìm kiếm giải pháp chính trị thích hợp cho đất nước, chứ không phải là một sự thỏa hiệp chính trị để chia quyền lãnh đạo với đảng CSVN.
2. Nếu CSVN muốn hòa giải với cộng đồng người Việt ở hải ngoại thì họ phải chính thức lên tiếng với các đoàn thể đối kháng, và việc đối thoại phải được thực hiện bình đẳng, công khai ở cả trong và ngoài nước, với sự chứng kiến của các cơ quan truyền thông và hiệp hội nhân quyền.
3. Việc đối thoại phải được thực hiện trên tinh thần hòa giải dân tộc và tìm kiếm giải pháp chính trị thích hợp cho đất nước, chứ không phải là một sự thỏa hiệp chính trị để chia quyền lãnh đạo với đảng CSVN.
Tóm lại, tuy những sự lên tiếng thể hiện thiện chí đối thoại với CSVN
ở thời điểm này chưa hợp thời song vẫn vô cùng cần thiết để minh định
chủ trương cho một thời điểm sẽ tới -- khi biến động lớn xảy ra. Ở bối
cảnh nghiêm trọng này, Việt Nam cần có một giải pháp chính trị có khả
năng tạo sự ổn định sớm -- tốt hơn là dồn CS vào thế phải quyết tử vì
nhu cầu sinh tồn.
Chuỗi đối thoại nhân quyền giữa Mỹ và CSVN có lắm trở ngại nhưng
không phải vì thế mà tương lai đối thoại của Việt Nam sẽ không xảy ra.
Thực tế chưa có đối thoại, và ở tương lai cũng còn nhiều nhiêu khê nhưng
lúc nào thì nhu cầu hóa giải các vấn đề Việt Nam bằng con đường hòa
bình vẫn cần có ưu tiên lớn nhất.
Lê Nguyên Bình (ĐVDVN)