Vũ Duy Phú
Tiến sỹ Vũ Duy Phú
Nỗi băn khoăn mà tôi sẽ nói sau đây đã nẩy nở trong nhiều người ngày
càng rõ nét về bệnh hoang tưởng trên thế giới. Có thể nhiều người khác
sẽ cho chúng tôi cũng là hoang tưởng. Tuy vậy, biết đâu nói rõ ra lại có
chút bổ ích gì đó cho những nhà nghiên cứu về tâm lý và bệnh lý học
hiện đại?
Vấn đề là ở chỗ này.
Về động cơ chính đáng ham muốn sống ngày càng sung suớng, đầy đủ,
hạnh phúc không có giới hạn của con người ta thì đã rõ rồi. Và hơn thế,
người ta cũng đã thừa hiểu, cho đến nay, khi thế giới đã trở nên “phẳng”
theo cách hiểu và diễn giải rất có lý của Thomas L. Friedman (1), và
mọi sự kiện và trạng thái trên trái đất đều tuân theo hiệu ứng “con bướm”
(Butterfly effect) của Edward Lorenz (2) thì khi mọi người muốn sống
sung sướng như thế, đều không thể không chú ý đến môi trường sống chung
quanh, trong đó quan trọng nhất là môi trường xã hội, môi trường của “bầy đàn NGƯỜI” bao quanh họ (như Fritzof Capra đã viết trong tác phẩm triết học hiện đại “Đạo Vật lý’
(3) Quá trình tiến hoá của Loài người không chỉ là quá trình chuyển từ
phương thức tranh giành miếng ăn và môi trường sống từ dạng tranh cướp
kiểu thú vật, mạnh được, yếu thua, mưu mẹo thì sống, thật thà, chân
thành thì chết, (mà trước đây Richard Bergeron đã viết trong quyển “Phản phát triển, cái giá của chủ nghĩa tự do”(4), và ngay gần đây đã được tác giả người Mỹ Noam Chomsky viết khá đậm nét trong tác phẩm “Tham vọng bá quyền”)(5).
Cuộc sống và những thất bại cay đắng đã buộc người ta phải dần dần từng
bước, từng bước chuyển sang các dạng thức văn minh, hiện đại, sang
phương thức ngày càng “NGƯỜI” hơn, tức là thông qua sự chăm
chỉ, cần cù, tài năng, sáng tạo giỏi giang hơn, trên nền tảng luật pháp
quốc gia và quốc tế hơn, tạo sự bình đẳng cơ hội cho nhau hơn, hiện thực
hoá tư tưởng của một xã hội dân trị đã được Tocqueville miêu tả tỷ mỷ
trong tác phẩm cùng tên (6) rất công phu của ông (và gần đây đến lượt
Barack Obama viết trong “Hy vọng táo bạo. Suy nghĩ về việc tìm lại giấc mơ Mỹ”(7)
Không chỉ như vậy trong mỗi quốc gia, mà sự tiến hoá về phía NGƯỜI còn
là quá trình liên kết, giúp đỡ, tương trợ nhau để những xã hội “địa chính trị”
gần nhau, những bầy đàn người xung quanh cũng trở nên văn minh hiện đại
sung sướng như mình, bởi dần dần qua thực tiễn đã giúp người ta buộc
phải thấy được và thừa nhận coi cái sung sướng, cái văn minh, hiện đại
tập thể cộng đồng đó mới là cái văn minh, hiện đại đáng nói nhất, nhân
đạo nhất, an toàn ổn định hoà bình nhất và đáng “nể trọng” nhất. Cũng
nên nói ngay cho khách quan rằng, cho đến nay, những xã hội văn minh
thật sự đi tiên phong nhất trên thế giới này cũng đã từng trải qua những
giai đoạn “hạnh phúc, sung sướng” kiểu “thú vật” (tức
là tranh giành, bóc lột nhau thậm tệ, chém giết, xâm lược lẫn nhau để
có một đời sống sung sướng riêng). Nhưng nay, ít nhất là trong nội bộ
các quốc gia loại ấy, họ đã dàn xếp được để có cuộc sống văn minh trong
tự do dân chủ và nhân quyền (tiêu biểu tượng trưng nhất là đã đạt được
một yêu cầu tối thiểu là: muốn bắt giam một người, chứ đừng nói muốn
giết một người coi là có tội, thì cần phải xét xử theo pháp luật).
Phương thức sống văn minh tập thể bước đầu kiểu đó đã được nhiều nước
truyền bá, mở rộng, chuyển nó sang các cộng đồng lớn hơn bao gồm nhiều
quốc gia, như trong cộng đồng EU, khối cộng đồng Nam Mỹ, khối cộng đồng
Đông nam Á... Tôi muốn nói thêm về ý này rằng, trước kia đã có những
người, bản thân họ có thể đã rất sung sướng, nhưng họ không thể đứng
nhìn sự khổ đau của người khác, và không muốn sống trong môi trường mà
người khác không được sung sướng như mình, nên đã đi tu, hoặc tìm một
nơi vắng vẻ để ẩn dật, để quên đi cảnh khổ đau của trần gian. Hoặc nếu
tích cực hơn, họ đã tự mình lao vào cuộc đấu tranh cho quyền sống tự do
sung sướng hơn của mọi người. Điển hình nhất của loại người đặc biệt
mang tính NGƯỜI từ rất sớm này là Đức Phật..., và ở Việt nam ta, có thể
kể đến Đức vua Trần Nhân Tông. (8), và sau này là Hồ Chí Minh.
Nhưng vấn đề đáng nói bây giờ là ở hiện tượng đối nghịch sau đây.
Song song với sự sống thực chất và quá trình tiến hoá tự nhiên của hầu
như tuyệt đại đa số con người như vừa miêu tả, theo tôi, còn có một
trạng thái tồn tại khác, đó là sự sống theo mộng tưởng hão huyền, chứ
không nhất thiết chỉ là sự chật vật, trả giá cho việc tìm kiếm cuộc sống
vật chất và tinh thần sung sướng hạnh phúc có thật như chúng ta hiểu và
đã nói đến ở trên. Đó là mộng tưởng bá chủ, bá quyền của các lãnh chúa,
thiên triều hùng mạnh đời xưa, của các đế quốc biến thành phát xít thế
kỷ trước, và theo tôi, của giấc mộng bá vương có nguồn gốc từ Chủ nghĩa
Đại Hán ngày nay. Tôi không tin rằng, những tư tưởng tạo ra nhiều trạng
thái tâm lý đặc biệt hoang tưởng như vậy, hoàn toàn không dính đến nhu
cầu và mong muốn hưởng thụ vật chất và tinh thần sung sướng theo kiểu
thông thường. nhưng nó chủ yếu còn là một thứ gì đó thuộc dạng tâm thần,
dị dạng hoặc cuồng tín nào đó mà các nhà tâm lý học, các nhà bệnh lý
học coi thường và cho đến nay còn đang bỏ qua! Trước kia, các lãnh chúa
cỡ bự như Đế chế La mã, coi mình là bậc thiên thần con Trời, Hít Le thì
coi dân tộc German là nòi giống thượng đẳng, phải thống trị thế giới,
ngày nay, chủ nghĩa hoang tưởng ở Trung Quốc thì coi dân tộc Hán là
thông minh, tài giỏi hơn người, trời sinh ra là đã nhắm để thiết lập
Thiên triều, làm chúa tể thiên hạ. (Tất nhiên có thể còn có một số người
khác tồn tại xen lẫn đây đó trong xã hội loài người mang tính hoang
tưởng muốn độc quyền làm con Trời như vậy). Sự hoang tưởng đó là có
thật, thậm chí là “nghiêm chỉnh” và chân thật, nhưng nó xen kẽ
với những tư duy và hành động bản năng con người làm cho dưới con mắt
của mọi người bình thường khó hình dung và bóc tách ra được. (Nếu theo
quan điểm khách quan nào đó, thì cách hiểu của Các Mác thời ông còn trai
trẻ về phương thức đấu tranh cho quyền lợi của các tầng lớp dân nghèo
đau khổ bằng cách tiêu diệt giai cấp chủ, đưa giai cấp công nhân lên cầm
quyền để xây dựng chủ nghĩa cộng sản – cũng là một dạng hoang tưởng,
cuồng tín về phía “duy vật”). Lấy ví dụ riêng về Trung Quốc.
Hiện nay tại Trung Quốc đang tồn tại mấy trạng thái xã hội đan xen như
sau: Một là trạng thái tiến hoá tự nhiên của xã hội loài người từ CON
văn minh hoá dần thành NGƯỜI, được Các Mác miêu tả bằng các chặng đường
tiến hoá khác nhau: Cộng sản nguyên thuỷ, Nô lệ, Phong kiến, Tư bản, rồi
đến Hậu tư bản. Trong dạng tiến hoá tuần tự loại này, Trung Quốc đang ở
thời kỳ đầu phát triển TBCN. Dạng tiến hoá thứ hai là cách mạng XHCN
theo học thuyết của CN Mác – Lê, muốn nhẩy vọt, vượt qua đầu CNTB để tới
nền văn minh cao hơn tiếp theo; Dạng tiến hoá thứ ba, hơi bị mờ đi do
tàn dư phong kiến rơi dớt lại làm lẫn lộn (làm người ta cứ tưởng nhầm đó
chỉ là tàn dư của xã hội phong kiến), đó là dạng Chủ nghĩa hoang tưởng,
tức hoang tưởng là dân tộc thượng đẳng, trung tâm thế giới, Thượng đế
đã trao cho trách nhiệm cần phải bá chủ toàn cầu Dạng thái thứ ba này
đang góp phần có hiệu quả dẹp bớt các luồng tư tưởng tiêu cực, bất mãn,
đấu tranh đòi tự do, dân chủ, nhân quyền trong nước, thúc đẩy mạnh phát
triển kinh tế tư bản Trung Quốc, nhưng vì nó hoà lẫn và xen kẽ vào các
dạng thái phát triển thứ nhất và thứ hai, nên nó phần nào bị che khuất
đi. Nhưng cái tai ác là chủ nghĩa hoang tưởng Thiên triều lại bị hai
dạng thái thông tục nói trên cùng nhau lợi dụng, dùng nó để kích động
lòng “tự hào” dân tộc như một động lực rất lợi hại.
Chủ nghĩa hoang tưởng Trung Quốc nó rất tệ hại là ở chỗ, nó kết hợp
được với cuộc cách mạng KH và CN lần thứ ba, và cuộc hội nhập (cũng là
lần thứ 3) hiện nay của thế giới, nó cho phép người Trung Quốc chấp nhận
một sự dung hoà lớn giữa nhiều luồng và trường phái tư tưởng đối chọi
nhau ở trong nước, nó đẩy được một cách có kết quả những khó khăn mâu
thuần trầm trọng trong nước ra bên ngoài biên giới, và nó tạo động lực
cho người Trung Quốc phát huy mọi sở trường mưu cao, kế sâu kiểu “Tào Tháo” để thực thi mộng bá chủ thế giới của mình. Cái tệ hại còn thể hiện ở đường lối rất thực dụng “Mục tiêu biện minh cho giải pháp”,
có nghĩa là, vì cái ảo tưởng trở thành Thiên triều của thế giới mà tổ
tiên đã truyền đời lại, coi đó là mục tiêu vĩ đại, thì Chủ nghĩa ảo
tưởng Trung Quốc sẽ không từ một giải pháp nào, dù trước mắt nó chưa
được lòng dân và bè bạn đến đâu, dù trước mắt thậm chí có phải tàn bạo,
chà đạp lên dân thường, bất chấp luật pháp quốc tế đến đâu, (mà cái mẹo
vặt và rất “hâm” in hình đường chín đoạn “lưỡi bò” lên hộ chiếu chỉ là một ví dụ nhỏ tường minh gần đây nhất).
Khi dân số ngày càng đông hơn và già hoá, tài nguyên chiến lược đang
bị đe doạ cạn kiệt, môi trường sinh thái ngày càng nổi cộm (9) lại gặp
lúc suy thái kinh tế thế giới tác động xấu trộn với trăm ngàn khó khăn
nội bộ, thì lòng lang dạ sói còn sót lại và lâu nay vẫn tiềm ẩn ở Trung
Quốc lại đang ngóc đầu dậy, thậm chí có nguy cơ bùng phát. Ở các nơi
khác, ngoài lý do cạnh tranh sinh tồn, chẳng có nhiều lý do gì lớn khác
mang tính tâm thần để “kích động” lòng dân. Trong khi ở Trung
Quốc, kinh tế phát triển ngoạn mục (cứ cho là như thế đi), lại chưa trải
qua một thất bại tầm thế kỷ nào, nhân dân còn chưa ra khỏi hết trạng
thái u mê phong kiến nên rất dễ bị thôi thúc bởi tư tưởng sô vanh nước
lớn, lại được Chủ Nghĩa Đại Hán con Trời kích động, thì lúc này đây,
theo họ là thời cơ rất tốt để thực hiện ảo tưởng theo “Mệnh Trời”.
Có người nói, thì nước nào lên lãnh đạo thế giới mà họ chẳng muốn
được lợi. Và vì muốn được lợi, nên các nước lớn mới tranh dành ngôi vị
đứng đầu thế giới gay gắt như thế. Những nước nhỏ bé hãy cứ ngoan ngoãn
mà nghe theo họ cho êm chuyện, để được sống hoà bình. Thậm chí nhiều
nước còn ngây thơ hồn nhiên nhận sự mua chuộc, vỗ về để yên tâm “tuân chỉ”.
Được thôi. Nhưng xin quý vị đừng nhầm. Nền văn hoá, trình độ văn minh
và tư duy của nước bá chủ thế giới nó rất ảnh hưởng đến cuộc sống của
những dân tộc còn lại, đặc biệt là các dân tộc nhược tiểu. Nói ví dụ như
tại Mỹ, siêu cường đã từng được miêu tả là xấu xa trong mấy tác phẩm đã
nói đến ở trên, thế mà, đối nội, khi người thiểu số da đen nổi lên đấu
tranh đòi quyền bình đẳng, giới cầm quyền cũng không thể dập tắt phong
trào này trong biển máu, mà tìm cách giải quyết vấn đề bằng luật pháp:
Tự do, Dân chủ, Bình đẳng, và Nhân quyền. Đến nay, sau chưa đầy thế kỷ,
một người da mầu, do có tài, được dân bầu, thì cũng có thể lên làm tổng
thống nước Mỹ. Nhiều nước xung quanh nước Mỹ gần đây chẳng thấy nước nào
kêu ca, kiện cáo LHQ về việc nước Mỹ cậy giầu mạnh tranh dành vùng đất
và vùng biển của họ. Chứng tỏ, dầu sao “Đế quốc Mỹ” làm gì cũng
phải tuân thủ luật pháp nước mình và luật pháp thế giới. Đương nhiên,
nước Mỹ còn lâu mới là miền đất của những ông Bụt, hoặc những ông Thánh,
hay Thiên thần, mà ở đây vẫn tồn tại “chân lý nằm ở người có sức mạnh”,
nên vẫn còn đầy dẫy những khó khăn và bất cập. Chúng ta cũng có thể
nghĩ, rằng Trung Quốc mà tranh được vị trí lãnh đạo thế giới thì cũng
hoan nghênh thôi, nhưng tốt nhất thì sự chấp nhận ấy phải là tự nguyện,
với điều kiện, nếu Trung Quốc có thể tiến nhanh đến một nền văn minh cho
dù mới là ở cuối thời kỳ TBCN như Mỹ và Châu Âu, như Nhật và Nga...;
nếu Trung Quốc cũng có chế độ Tự do, Dân chủ, Nhân quyền như các cường
quốc khác, nếu dân các miền Tân Cương, Tây Tạng và Nội Mông của họ được
thoát khỏi vị thế công dân loại 2, loại 3, cũng được tôn trọng và sống
bình đẳng thật sự, được tham gia chính quyền trung ương với người đa số ở
Trung Quốc; nếu Trung quốc có nền kinh tế thị trường được kiểm soát
chặt chẽ, không tự do sản xuất và đẩy hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất
lượng và độc hại sang các nước lãng giềng; nếu Trung Quốc dùng phát
triển Khoa Học và Công Nghệ để làm giầu, thay cho nghĩ ra mọi mưu mẹo
thủ đoạn độc chiêu chèn ép các nước khác, bất chấp luật pháp quốc tế;
nếu Trung Quốc không vì quyền lợi riêng của quốc gia mà gây căng thẳng ở
Biển Đông và ở Đông Nam Á như đang diễn ra, và trên tất cả, là Trung
Quốc phải bỏ được ảo tưởng Thiên triều, ít nhất cũng đẩy được nền văn
minh xã hội nước mình lên ngang bằng các nước tiên tiến để được hầu hết
các nước trên thế giới thực lòng tin cậy. Mọi nước sẽ nhìn vào nội bộ
Trung Quốc để xem, rồi nước mình sẽ được đối xử thế nào, liệu có bằng
các công dân loại 2, loại 3 như trên lục địa Trung Quốc hiện nay hay
không, khi Trung Quốc thực hiện được mộng bá quyền thế giới của mình!?
Nỗi băn khoăn ám ảnh này có thể là do nhiều người quá lo xa, thậm chí
họ cũng có chút hoang tưởng, cho rằng nước nào muốn lên lãnh đạo thế
giới cũng được, miễn là có sức mạnh vật chất áp đảo các nước còn lại như
thời thế kỷ 19, 20. Xem ra sang thế kỷ 21, tình thế đã khác hẳn. Sự
giác ngộ của Loài người bây giờ đã ở tầm cao (10): Những nước muốn trở
thành lãnh đạo thế giới thì ít nhất cần phải có một thể chế chính trị
tiên tiến, ví như tối thiểu cũng đã có một bản Hiến pháp khẳng định chế
độ Tự do, Dân chủ, Nhân quyền và chính thể tam quyền phân lập; phải có
một nền văn hoá do con người, của con người và vì con người, ở đó các
tập đoàn quyền lợi muốn giành quyền lãnh đạo đất nước thì buộc phải
thông qua một cuộc “sát hạch”, giải trình, cạnh tranh công khai
cho dân có thể tự do tuyển chọn và kiểm sóat ít nhất cũng như tại nước
Mỹ hiện nay, nếu chưa có thể tiến bộ hơn của họ?!
Vì vậy, nhân có câu chuyện Trung Quốc, quá mưu cao kế sâu đã trở thành “hâm tỷ độ” (như cách đánh giá của anh bạn tôi), khiêu khích trắng trợn thế giới bằng cách in đường “lưỡi bò”
lên hộ chiếu công dân của họ - một biểu hiện cụ thể của mộng tưởng con
Trời bá chủ thế giới của Trung Quốc, làm nhiều nước phản ứng và lo ngại,
thì qua câu chuyện này cũng là dịp để mọi người cùng bàn luận làm sáng
tỏ giúp cho nỗi băn khoăn ám ảnh chắc chắn không chỉ của riêng một mình
chúng tôi!
Vũ Duy Phú
________________________________________
Sách dẫn:
(1) Thomas L. Friedman. Thế giới phẳng. NXB Trẻ. 2006
(2) Edward Lorenz. Hiệu ứng con bướm (Butterfly effect). NXB TT.2006
(3) Fritzò Capra. Đạo Vật lý. NXB Trẻ. 2007
(4) Richard Bergeron. Phản phát triển. Cái giá của chủ nghĩa tự do. NXB CTQG. 1995
(5) Noam Chomsky. Tham vọng bá quyền. NXB Tri thức. 2007
(6) Tocqueville. Nền dân trị Mỹ. NXB Tri thức.2010
(7) Barack Obama. Hy vọng táo bạo. Suy nghĩ về việc tìm lại giấc mơ Mỹ. NXB Trẻ. 2008
(8) Trần Dương. Phật hoàng Trần Nhân Tông. NXB VH-TT.2009
(9) Dự báo thế kỷ XXI. NXB Thống kê. 1998, và “Mao Trạch Đông ngàn năm công tội”, bản của TTXVN phát hành.
(10) Edgar Morin. Nhập môn tư duy phức hợp. NXB TT. 2009