Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Nghĩ từ bìa sách "Bên Thắng Cuộc"

Nguyễn Ngọc Già

Tôi chưa được đọc "Bên Thắng Cuộc" của nhà báo Huy Đức, nhưng bìa sách tạo cho tôi một cảm giác thật ấn tượng. Dù không biết đó là ý tưởng của Huy Đức hay của nhà thiết kế, phải công nhận đó là chi tiết đắt giá cho nội dung câu chuyện gồm 2 phần:
Phần I: GIẢI PHÓNG
PHẦN II: QUYỀN BÍNH.
Hình ảnh bìa có vẻ khô khan nhưng đầy ý nhị của cái mà tôi cho rằng rất nhiều người đồng thuận: một trong những chiêu bài góp phần cho "Bên Thắng Cuộc" thành công đó là "tuyên truyền" như Paul Joseph Göbbels - Bộ trưởng Bộ Thông tin Quần chúng và Tuyên truyền của Đức Quốc xã [1] đã thành công và được nhiều người đúc kết dành cho loại tuyên truyền được nâng lên đến tầm "nghệ thuật": Sự thật là sự dối trá được lặp đi lặp lại nhiều lần.

Bìa trước, nổi bật trên cái cột cũ kỹ cùng mấy sợi dây điện mắc ngang dọc là 2 cái loa chĩa về 2 hướng, cùng một chóa đèn...tối thui, không chút ánh sáng. Tất cả những công cụ đó đen đặc, tương phản với màu trắng sáng trang bìa. Sự tương phản, đối nghịch này làm tôi đặc biệt thích thú với ý tưởng trình bày, mà một số người đã đọc gọi là khá đầy đủ, trung thực về lịch sử Việt Nam kể từ 30/4/1975. Hình ảnh này gợi cho tôi về khái niệm "tuyên truyền mù lòa" như người có miệng, có tai nhưng bị bịt mắt không nhìn thấy bất kỳ sự việc lớn nhỏ nào, cùng các biến cố lịch sử của một thời điêu linh. Không những thế, nó làm cho tôi cảm nhận ngay cái dĩ vãng "trời tối đen như mực" đã ám ảnh hàng chục năm đối với người Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung: "BÓNG TỐI VÀ NẠN ĐÓI", phủ trùm trong thành phố "Hòn Ngọc Viễn Đông" của những năm đầu sau thành công của "Bên Thắng Cuộc".
Đối lại với bìa trước, bìa sau là gam màu đen thẫm với những dòng nhận xét, đánh giá bằng chữ trắng của những người nổi tiếng như: GS. Trần Hữu Dũng, Nhà văn Nguyên Ngọc, GS. Chu Hảo, Nhà báo Đinh Quang Anh Thái v.v... kéo người đọc về xem một bức tranh bằng 2 gam màu chủ đạo đại diện cho Thiện - Ác: TRẮNG - ĐEN.
Bìa trước như tượng trưng cho hiện tại, bìa sau như tượng trưng cho quá khứ, đã tạo cho cuốn sách một mạch lịch sử trôi chảy, không đứt gãy, nhờ vào kinh nghiệm dày dạn cùng vị trí xã hội mà ít nhà báo nào có được, đã giúp tác giả trình bày, bóc tách và phơi ra những sự thật suốt gần 40 năm qua bị bẻ cong phần lớn.
Gáy sách, tựa như chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, đã được chọn gam màu "Xanh Rêu" - một màu sắc đại diện cho những chủ đề thường được gọi là "phủ màu thời gian", tạo cảm giác buồn hiu, ẩm ướt và trơn trợt. Tác giả như leo trên những vách đá gai góc với rêu phong phủ đầy bằng những sự kiện, những tư liệu hiếm để đưa người đọc tìm về lịch sử chân thật, nếu không cẩn thận có thể dẫn đến tai nạn bất ngờ được báo trước. Phải chăng là một ẩn ý chấp nhận những rủi ro, khi đứng ra tự chịu trách nhiệm đưa đến tay bạn đọc, sau khi nhà xuất bản trong nước từ chối???
Điều thú vị không kém, tựa đề "Bên Thắng Cuộc" cũng được sử dụng gam màu "Xanh Rêu" ấy. Một "chiến thắng" dựa trên nền tảng ẩm ướt và trơn trợt như "bẫy rập", liệu có là một thắng lợi bền vững trường tồn dựa trên một sự thật bị bưng bít và bóp méo lâu nay? Kỷ niệm như rêu, Huy Đức đang níu vào và cố tránh trượt ngã bằng tấm lòng của một nhà báo thuộc về nhân dân?
Ngay đây, nảy ra trong óc tôi khẩu hiệu "Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh muôn năm", nó bỗng trở nên thật khôi hài trong tình hình nguy khốn Việt Nam hiện nay!
Chỉ từ cái bìa trước, bìa sau, gáy sách và dòng chữ "BÊN THẮNG CUỘC" với sự chọn lọc màu sắc tinh tế cùng hình tượng 2 cái loa và chóa đèn tối thui, người thiết kế đã chạm đến chân lý "Chân - Thiện - Mỹ". Bên cạnh đó, thông qua bìa sách, người đọc cảm được tính trách nhiệm rất cao và cả lòng trìu mến, chăm chút cho đứa con tinh thần đầu tay qua hàng ngàn trang viết.
Với 3 gam màu: trắng, đen, xanh rêu, tác giả đã ngay lập tức tạo được dấu ấn cho người đọc về một giai đoạn lịch sử đầy tranh cãi, tao loạn thời hậu chiến với việc tranh đoạt quyền bính trong nội bộ người CSVN, trong khi người dân Việt trở thành "chuột thí nghiệm" liên miên hết từ chính sách này đến ý tưởng nọ, suốt gần 40 năm qua.
Một bìa sách cho nội dung lịch sử & chính trị - xã hội vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ cao về nghệ thuật thiết kế!
Nhiều người cũng thắc mắc, tại sao tác giả không đặt tựa là "Bên Thắng Trận", "Bên Chiến Thắng"(?) Có lẽ mỗi người tự tìm trong tác phẩm thì... tốt hơn?! Bởi như Huy Đức trần tình, viết không chỉ cho "bên thắng cuộc" mà anh "mong mỏi đi tìm sự thật" [2].
Chỉ từ tóm tắt qua trang anhbasam [3], những cụm từ: "đổi tiền", "vượt biên", "kinh tế mới", "đánh tư sản", "nạn kiều", "xé rào", "ngăn sông cấm chợ", "tem phiếu", "sổ gạo", "chầu chực", "xếp hàng cả ngày" v.v... ngỡ đã chìm vào quên lãng bỗng chốc ùa về tràn ngập lòng tôi như nó mới vừa diễn ra.
Tôi rùng mình nhớ lại... ngày xưa!
Ngoài "Bên Thắng Cuộc", nhất định phải có "Bên Thua Cuộc". "Cuộc" nào đây? "Cuộc cờ người" hay "cuộc đời", "cuộc chiến"? Quả nhiều ý nghĩa miên man và lan man trong óc những ai quan tâm về lịch sử Việt Nam! Dù là "cuộc" nào đi nữa, khi chiến cuộc đi qua, trên những vùng đất khô cằn sỏi đá, lật xác quân thù, người ta chỉ thấy: NGƯỜI VIỆT NAM, dù dưới sắc áo "lính cải tạo" hay chiếc áo thường dân! Và...Máu!!! Và... Nước Mắt!!! Của đồng bào Việt Nam!
Cần lắm, những tiếng nói khách quan, duy lý khác từ "Bên Thắng Cuộc" cho đến "Bên Thua Cuộc", đặc biệt từ những người đã sống và chịu đọa đày như Nhà văn Phan Nhật Nam [4] - một trong những người thuộc "Bên Thua Cuộc" nổi tiếng với tác phẩm "Mùa Hè Đỏ Lửa", không những thế, điều quan trọng hơn, ông đã "tồn tại" 18 năm (1975 - 1993) như nhân chứng sống, trước khi tị nạn tại Mỹ. Sự lên tiếng ở đây, không phải để khơi gợi hận thù mà cần làm rõ lịch sử như là trách nhiệm cá nhân ông, như Huy Đức viết:
"Không ai có thể đi đến tương lai một cách vững chắc nếu không hiểu trung thực về quá khứ, nhất là một quá khứ mà chúng ta can dự và có phần cộng đồng trách nhiệm" [2]
Hy vọng, "Bên Thắng Cuộc" sẽ trở thành "best seller" nhanh chóng trên thế giới.
Chúc mừng nhà báo Huy Đức và cám ơn anh với tác phẩm đầu tay này.
Nguyễn Ngọc Già
_______________
p/s: xin đừng hỏi tôi thuộc "bên nào", bởi thật sự tôi cũng chẳng biết tôi là "bên nào", ngoài định nghĩa của cá nhân tôi - bên Năm [5]

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"