Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

Nam Hà - Mắt thấy, tai nghe và suy ngẫm

Mắt thấy, tai nghe và suy ngẫm.
Nam(Tác giả gửi cho X-Cafevn) 
Hai tuần qua, nào là thử máu, đo huyết áp, điện tim, Siêu âm tim, Siêu âm gan, lách, thận, tiền liệt tuyến, động mạch, tĩnh mạch v.v… và cuối cùng la chụp cắt lớp tim và động mạch vành. Mỗi ngày 3 lần uống thuốc, ba lần đo huyết áp, sáng ra, thay quần áo (đồng phục bệnh viện), biết bao nhiêu là việc cho một cái thể xác ọp ẹp. 
Khi ra viện tưởng như bao nhiêu thứ cũng đổi thay, nhưng vẫn những bộ áo đỏ với dòng chữ vàng, nông dân đòi đất và tên các địa phương, từng đoàn rải rác các phố. Những sinh mạng thi gan cùng tuế nguyệt và cũng là thi gan cùng với các sắc phục của lực lượng an ninh, cảnh sát. Nói theo cách nói của bệnh viện, họ là những con virus đã lờn thuốc. Nói lý lẽ phải trái để nghe với nhau thì được, còn dở trò dùi cui, vòi rồng, còng số 8… Thì chắc không phải họ không có phương án đề phòng. 

Dân ta có kinh nghiệm từ thuở “biểu tình, cướp chính quyền” từ thời “Cách mạng mùa Thu”. Các đội quân tóc dài, nón trắng… Mấy chục năm trời, bài học cách mạng dậy cho dùng chưa hết. 
Ngồi trên xe nghe anh tài xế taxi kể chuyện, mới biết anh ta không chỉ thuộc các con phố mà còn nhớ vanh vách đến những điều đang xảy ra ở cuộc họp Quốc Hội mà anh ta đã nghe qua đài. Nào là Nghị quyết Trung Ương 4, 6 … ra đến Quốc Hội đã được sàng lọc ra nhiều hạt sạn lớn, không phải để vứt bỏ mà là để cất giấu. Nào là ông đại biểu tỉnh Thái Bình nói đến món nợ Vinashin mà tỉnh ông phải gánh thì dân tỉnh ông phải nhịn ăn đến 10 năm mới trả đủ. Không biết khi nói thế anh thanh niên này có nghĩ đến trận đói năm Ất Dậu (1945) đã đẩy dân Thái Bình “tay bị, tay gậy, tung hoành bốn phương”, Khi trận đói đã qua hàng chục năm, dân còn “tiếu lâm” xin cho Thái Bình xây dựng hai nhà máy là nhà “Máy muôi” và nhà “Máy cháo”. Bây giờ mà toàn dân nhịn ăn 10 năm thì hậu quả sẽ mang tính diệt chủng, thế mà thủ phạm đã được chỉ tên vạch mặt vẫn nhơn nhơn bám vào các ngân hàng của thủ tướng trả nợ đậy, và chờ thủ tướng cơ cấu lại. 
Nếu quả Việt Nam nặng tình máu mủ ruột rà quá thì xin giao cho tòa án Lahay và dứt khoát không thoát được tội diệt chủng.
Anh thanh niên này còn nói thêm: Khi mở cửa xe đón khách cũng đồng thời sẵn sàng đón nhận các thứ án phạt cao ngất ngư mà anh nói để bù cho những món nợ xấu khó đòi của ngân hàng.
 Nên biết rằng người dân của năm 2012 nay đã khác xa với người dân trước năm 1945. Thế mà với trình độ ấy nhân dân đã cùng với đảng cướp được chính quyền từ tay Đế Quốc Pháp và Phát Xít Nhật. Cuộc nổi dậy vì không chịu được sự bất công của xã hội. Cũng chính nhờ có cái hậu quả của sự bất công ấy, đảng mới dành được sự ủng hộ to lớn của nhân dân. Đảng nghĩ gì khi sự bất công xảy ra hiện nay dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng.
 Thử hỏi nông dân Việt Nam hiện nay có bị cướp đất không? Cướp trắng trợn hay lừa gạt để cướp ngọt ngào thì cũng vậy. Ngày xưa thì “người cày có ruộng” còn bây giờ chỗ này, chỗ nọ “Người cày mất ruộng?. Điều luật “Đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân” đã bị lạm dụng và xuyên tạc. 
Xem Tivi nghe một ông già ở Xí Mần thều thào nói: 
-         
Đói lắm!... Đói quanh năm! 
Không biết đảng ta nghĩ gì? Thủ tướng nghĩ gì?
Ngày xưa câu nói cửa miệng của hầu hết mọi người dân là:
 -          Ơn Đảng, ơn Bác!
 Người ta quen nói như niệm chú vậy, và quả thật lời nói đó xuất phát từ đáy lòng, không có chút gượng gạo. 
Câu nói của ông già Xí Mần là lời than vãn không phải chỉ của một người, và tất nhiên nó cũng là lời trách móc không phải của một người, đới với sự bất công của xã hội hiện nay 100% là do ta gây ra cho ta từ những điều hành của đảng, của chính phủ, chứ không do bất cứ thế lực thù địch nào? 
Khi biết từ trong ống tay áo của Bộ Chính Trị, của “đồng chí X’ chui ra những Bầu Kiên, những Trầm Bê, những Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thanh Phượng, những thủ phạm của PMU 18, của Đường cao tốc Đông Tây, Những Vinashin, Vinalines, của vụ hối lộ in tiền Polymer v.v… thì việc nhân dân đòi xé toang cái tay áo, thậm chí cái áo đó ra là một điều công bằng mà người dân lao động Việt Nam có quyền đòi hỏi. 
Thực tế cách mạng Việt Nam cho thấy khi thay đổi bất kỳ chức vụ nào trong đảng cũng như trong chính phủ, cũng hết sức phức tạp. Ngó bên phải, nghe bên trái, mình về làm cố vấn thì ông X ông Z cũng phải về cùng mình. Phái này bớt một thì phe kia cũng rút một cho nó thăng bằng, một cái thăng bằng bất thành danh, nhưng vô cùng mật thiết, vô cùng quan trọng. 
Đã có một ông thủ tướng, tự nhận mình là một ông thủ tướng “bất lực” vì mấy chục năm làm thủ tướng ông đã không cách chức nổi một nhân viên dưới quyền phạm lỗi. Ông đã trở thành con “bù nhìn” của Bộ Chính Trị. Đó là ông Phạm Văn Đồng. Nay lại có một ông thủ tướng lấy bộ chính trị ra làm lá chắn, khi ông phạm nhiều sai lầm thì cái chất tiên phong của đảng cũng sút giảm theo với ông. Ấy thế mà vẫn không dứt bỏ được ông. Không cần đem ông ra mổ xẻ, mà đem cái cơ thể vẫn dung dưỡng ông ra cho cái VCT 64* nó chụp cắt lớp, bảo đảm sẽ lòi ra tất cả những chỗ sơ vữa trong cơ thể ông. Khi đó may ra mới có quyết định rứt khoát và thích đáng.
-------------- 
* Máy CT-Scanner của General Electric

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"