Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Like ông Nguyễn Bá Thanh!


Nguyễn Thế Thịnh

Đến kỳ họp H ĐND TP Đà Nẵng lần nào tui cũng rất thích theo dõi TV. Thích là vì có ông Nguyễn Bá Thanh nói chuyện. Ai thế nào không biết chứ tôi rất phục ông ở khía cạnh, ông là người rất giỏi tổng kết các vấn đề bằng những câu chuyện nghe rất dân dã nhưng hết sức sâu sắc và đầy tính lý luận. Kỳ này tui nhớ mấy chuyện sau:
1. Đà Nẵng được coi là một thành phố yên bình, một “thành phố đáng sống” và thực tế đã được mọi người kiểm chứng.
Tại kỳ họp HĐND TP lần này, nhiều đại biểu cũng đã tỏ ra lo lắng, thậm chí bức xúc trước tình trạng tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt, loại tội phạm này ngày càng “trẻ hóa” và ngày càng man rợ.
Lo lắng trước thực trạng trên, đại biểu Võ Văn Thương (bí thư kiêm chủ tịch quận Cẩm Lệ), cho rằng, nếu chỉ để ngành công an thì không thể giải quyết được mà cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Đây là cách nói khá quen thuộc, nên nghe xong ai cũng thấy không đúng mà cũng chẳng sai, đâm nhàm.

Ông Nguyễn Bá Thanh thừa nhận, trách nhiệm của chính quyền là làm cho người dân có cuộc sống bình yên. Nhưng ông cũng cụ thể hóa, nhiệm vụ là của chính quyền, mà công an là công cụ đắc lực của chính quyền, vì thế ngành công an phải làm chứ không thể chờ ai cả.
Về ý kiến của đại biểu Võ Văn Thương đề nghị cả hệ thống chính trị vào cuộc, ông Thanh nói: "Nói là toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nhưng thực ra trách nhiệm chính vẫn là công an”. Ông nói: “ Ở Hàn Quốc , Singapore đâu có hô "toàn Đảng, toàn quân, toàn dân" mà họ vẫn làm rất tốt...Công an phải quản lý chứ không thể bắt cả xã hội phải ngó chừng”.
Nhắc đến một vụ cướp man rợ ở TP HCM diễn ra giữa ban ngày, ông Thanh nói bằng một ngữ điệu dân dã vốn rất quen thuộc với người Đà Nẵng: "Tội cỡ đó chưa đến mức tử hình nhưng cái gan của tôi là quất cái án chung thân, kiếm hòn đảo cho ra vĩnh viễn ngoài đó. Tôi mà có quyền để làm thì tôi đảm bảo những loại đó đừng hòng lởn vởn ở xã hội này".
Rồi, vẫn cách nói vừa dân dã, khôi hài nhưng ngữ điệu mạnh hơn: "Vấn đề là phải có người chịu trách nhiệm cá nhân chứ không thể cuối cùng rồi hoà cả làng. Ở các nước nếu xảy ra cướp giật nhiều như thế thì tư lệnh cảnh sát phải từ chức…Không có chuyện đổ lung tung, cứ từ họ Nguyễn, họ Lê chuyển sang... họ Đỗ hết!". (Từ đỗ ở đây ý ông dùng từ đồng âm khác nghĩa với đổ)
Và ông kết luận, “chỉ tại mình làm không quyết liệt!”
Để minh chứng cho việc quyết liệt, ông nói: "Tại sao Đà Nẵng không có đua xe, trong khi các nơi đua ầm ầm. Bởi vì đua là tịch thu, bán lấy tiền xây nhà cho người nghèo ngay. Tui còn nhớ mãi, có lần ra quốc hội có người hỏi tịch thu xe đua là phạm pháp. Tui cũng nói đâu có luật nào cho phép đua, nên áp dụng "luật thu xe" để bảo vệ quyền sống của người dân, chứ không nó đua gây chết người thì ai chịu”?
Để xử lý tội phạm, ông Thanh đề xuất: "Tui nói thiệt, cướp mà có vũ khí chống trả người thi hành công vụ phải bắn hạ. Như hồi trước, lập các đội săn bắt cướp, đội này mạnh tay thì cướp giật chùn lại liền”.
"Làm gì thì phải mạnh mẽ lên, đừng như mấy ông đá banh, đá chi mà ì ạch, cà rù như thế sao ăn được. Hôm đá với Thái Lan, tui nói giỏi lắm thì huề, còn thua là cái chắc. Y chang..."
Rồi ông chia sẻ: "Thật quá xấu hổ nếu cả hệ thống, cả một lực lượng hùng hậu như thế này mà không bảo vệ được người dân. Chính quyền phải có trách nhiệm về chuyện này, không thể thoái thác". (Rất hay!)
2. Tôi rất thích khi nghe ông Thanh chỉ đạo các ngành phải làm sổ đỏ cho người dân. Ông nói: “Người ta ở mấy chục năm ni trong thành phố, nhà của dù chỉ có vài chục mét vuông nhưng không có lý gì lại không làm sổ đỏ cho người ta. Sổ đỏ không chỉ là cái sổ mà nó liến quan đến đời sốn. Có sổ đó họ xử lý được nhiều việc, như có thể vay ngân hàng để làm chuyện này chuyện nọ. Mấy anh địa chính đâu rồi, có làm được không? Không làm thì bảo tôi”.
Tôi thích là vì ông Thanh đã nghĩ rất sâu và thấu hiểu được cuộc sống người dân.
3. Ông Thanh nói, Công an TP nên chỉ làm 4 trạm kiểm soát giao thông là đủ. Có lắp đặt camera để theo dõi cán bộ, chiến sĩ; ai vi phạm tước quân tịch ngay, khỏi phải kiểm điểm. Bỏ hết mấy chuyện đi tuần lòng vòng dọc được, cầm cái gậy nhấp nhấp. Ông quay sang hỏi giám đốc Sở TT-TT, có làm được không (tức là mấy cái camera theo dõi các trạm). Và ông Sở TT-TT gật.
Về chuyện đèn đỏ đèn xanh tràn ngập TP khiến người dân bức xúc, ông nói ông giám đốc Sở GT-VT “chắc đầu óc có vấn đề”. (Hề hề, hay!). Ông nói, hôm rồi, có chiếc xe chở phế liệu mà thanh tra giao thông chặn lại phạt mấy trăm nghìn vì không có…hóa đơn xuất kho. Phế liệu làm chi có háa đơn mà phạt người ta cho tội?
4. Chuyện dạy bơi cho học sinh tiểu học, ông dẫn chuyện ông Peterson, nguyên đại sứ Mỹ đi vận động giúp ta tại sao ta lại không làm cho ta. Dạy bơi không chỉ dạy cho biết bơi mà còn dạy cho người ta biết ccachs cứu người khác. Học bơi được nhiều chuyện, vừa rèn luyện sức khỏ, vừa rèn luyện sự nhanh nhẹn, lòng dũng cảm. Không biết bơi, lớn lên đi bộ đội, địch nó đuổi đến cái suối chẳng lẽ nói tui không biết bơi tui đầu hàng à?
Ông rất thực tế và am hiểu khi nói, phải tận dụng các vận động viên bơi lội của TP, nhân viên các đội cứu hộ để dạy cho học sinh mới được!
5. Chuyện mũ bảo hiểm dỗm, ông nói, sắm chục cái máy kiểm tra chất lượng, lê vào các quầy bán mũ bảo hiểm, lấy ra dập, cái nào được cho bán, cái nào bể “xin về làm kỷ niệm”, thử coi có ai dám bán mũ dỗm ở Đà Nẵng này nữa không?
Chuyện gian lận xăng dầu, ông nói, đứng có phạt rồi lại cho tồn tại. Bắt các cưa rhangf phải cam kết, cứ phát hiện gian lận là đóng cửa vĩnh viễn, không lôi thôi, coi thử có dám không?
6. Cuối cùng là nhớ câu chuyện vui này: Ông khuyên từ nay đốt vàng mã đứng đốt xe ô tô xịn, iPhone, iPad…vì mấy cha dưới địa phủ không biết dùng mất công nó kêu về chỉ cho nó thì toi!
(He he)
*
Theo dõi kỳ họp, người lớn thì suy nghĩ, bàn luận rất nhiều, giới trẻ thì chỉ nói nguyên một câu bằng ngôn ngữ mạng: “Like mạnh ông Nguyễn Bá Thanh!”.
Cá nhân tôi lại thích câu “Tôi mà có quyền để làm thì tôi đảm bảo…”.
Tôi like câu này!

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"