Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

Hạt Ươm Hư [2]

Chương 4.
Chưa một dân tộc nào có những cuộc chiến tranh dài lâu như dân tộc Việt Nam. Và cả sự chịu đựng của người Việt Nam, phải làm cả thế giới kinh ngạc lẫn bội phục.
Chiến tranh và đói nghèo, đã hút cạn kiệt trên thân xác con người Việt Nam vốn còm cõi, hơn 4 ngàn năm văn hiến. Giữ nước, giữ bờ cõi của Tổ tiên để lại, đã là một gánh vác nặng nề cho nhiều Nhân sĩ trí thức và người dân yêu nước. Một Nguyễn Trãi phải nén thù nhà, đưa tiễn cha là Nguyễn Phi Khanh qua Ải Nam Quan – như một dâng hiến tôi đòi và thần phục Bắc triều – để dốc lòng phù Chúa mới, quên chuyện thù nhà, phải trả nợ nước.
Nước Việt Nam hình cong như chữ S, chạy dài dọc bờ biển Thái Bình Dương, từ Ải Nam Quan tới Mũi Cà Mau, tài nguyên rất phong phú, là miếng mồi ngon, béo bở mà bọn phương Bắc rất thèm muốn, và vì đây là “Cửa Lớn” thông thương ra Thái Bình Dương qua eo biển Maclaca.

Bao ngàn năm, chúng luôn muốn thâu tóm mảnh đất giàu, đẹp và màu mỡ này, nhưng bao giờ chúng cũng thất bại nặng nề, dưới sự kiên trì, gan dạ với đất nước của con dân Việt.
Việt Nam luôn là một mảnh xương hóc, đâm vào cái yết hầu dơ dáy của gã Đại Hán to lớn, nhưng vô cùng thô bỉ! Do đó, bằng mọi cách, chúng phải tiêu diệt tộc Việt tìm đường ra Cửa Lớn.
Sự thâm nhập chủ nghĩa lai căng Tam vô của Cộng sản, bắt đầu từ thập niên 1930. Đảng CSVN thành lập ngày 03/02/1930 (thực ra là đảng CS Đông Dương), dưới chiêu bài độc lập và giải phóng dân tộc, do Hồ Chí Minh đứng đầu, giả danh ái quốc, qua hệ thống cộng sản quốc tế, tại miền Bắc; đã làm thay đổi cuộc diện xã hội và đời sống của nhân dân miền Bắc và sau này của miền Nam.
Vĩ tuyến 17 Bến Hải, là một vết chém nham nhở, thâm độc, và vô cùng đau đớn, trên thân thể Mẹ Việt Nam, bởi một chủ nghĩa lai căng mới vừa xuất hiện không lâu!
Sau những biến động lịch sử đã qua, và còn đang đến ở những vùng khác trên đất nước.Nhiều đêm, ngồi trước một màn hình tròn, nhỏ để sửa những cuộn film, Tuấn từng suy nghĩ thế. Là con mọt sách, như bạn bè thường gọi, anh luôn kiếm tìm những loại sách, vừa mới xuất bản ở Sài gòn. Đặc biệt, Tuấn mê Phan Nhật Nam như điếu đổ, và Duyên Anh!
Tuổi 17, chưa hẳn đã trưởng thành, nhưng cũng không còn là đứa con nít trí năng tồi tệ.
Tám tuổi, Tuấn mồ côi cha.Sau đó, Mẹ thì điên điên, khùng khùng, khi thấy những xác chết, sau khu vườn rộng mát của bà, là những con dân Việt bắn giết nhau đến tồi tệ, tàn ác.
&
Cả ngày nay, không hiểu vì sao Bảy Rắn thấy bồn chồn trong dạ, vừa làm, vừa ngồi không yên. Đưa đôi tay rắn chắc, nhanh nhẹn, hắn bào lướt trên mảnh ván. Những âm thanh “rúut, rúut” trên mặt gỗ nghe nhẹ tênh, thật ngọt.Bảy Rắn lẩm bẩm chữi thề mấy tiếng, rồi vứt cái bào trên mảnh ván, gạt mồ hôi trán.
- Đ.m! Giờ này, sao chưa thấy “mấy chả” vô kìa. Hay có sự cố gì đây?
Bảy Rắn leo xuống con “ngựa gỗ”, xỏ đôi chân cáu ghét vào dép, rút trong túi quần cái khăn trắng – vật bất ly thân – quấn ngang đầu, thít chặt lại. Hắn cầm cái bào gỗ, suy nghĩ lung lắm, rồi cẩn thận bọc lại lớp vải mỏng lận sau lưng, sẳn chai sơn đánh vẹc-ni, Bảy Rắn bỏ vào túi áo, đi ra ngã ba A Ùi.
Bấy giờ là buổi trưa.Trời nắng chang chang như đổ lửa, không một ngọn gió.Phố Thành im lìm trong không khí cực căng thẳng.Mọi nhà đều đóng cửa, im lìm trong cái nắng nóng chảy da thịt. Bảy Rắn chạy sang bên kia đường, nép vào tường của Chùa Thành, nơi các Sư nữ đang tu, ngóng mắt nhìn lên Đình dò dẫm.
- Mẹ! Tụi Nghĩa quân chéc ngủ trưa hết rầu!Trong lúc không biết làm gì, đi đâu. Bảy Rắn chợt thấy binh nhất Cu dài từ dưới cầu Ông Cạn lơn tơn đi lên! Gã vừa đi, vừa thổi khúc nhạc quân hành, mà gã đã bị khai trừ không lâu, sau khi nhập ngũ.
- Trời ạ. Thằng lạ đời! Bữa nay, lại bày đặt mặc áo! – Bảy Rắn lẩm bẩm.Đúng là lạ đời! Binh nhất Cu dài mặc cái áo không biết nhặt ở đâu, dài quá gối. Thấy Bảy Rắn đứng dang hai tay trước Chùa sư nữ, gã trố mắt, ngạc nhiên đứng khựng lại, nhìn Bảy Rắn. Lần đầu tiên, Bảy Rắn “dám” xâm phạm con đường đi của gã, sau “hiệp ước đình chiến”!
Đã lâu, sau một trận chiến gay go bằng đòn gánh, thúng và đá đất, dân chúng ở ngã ba A Ùi đã sắp xếp cho câu chuyện êm xuôi.
Chuyện thế này: Binh nhất Cu dài và Bảy Rắn là hai cực điên rất đối chọi nhau.
Cu dài thì ngơ ngơ, ngẩn ngẩn, thích ở truồng đi lang thang. Bảy Rắn vừa lươn lẹo, ma mãnh, lại vừa khùng khôn! Bảy Rắn thích ăn ngon. Cu dài lại thích ăn bông vạn thọ! Đường bên này là Trần Quí Cáp, có ngôi Chùa do các Sư nữ trụ trì. Trước Chùa xếp những hàng bông vạn thọ dài, hai bên cửa sắt.Cu dài mặc sức ngắt ăn. Bên kia là đường Phan Bội Châu, có những thùng nước lèo luôn bốc hơi nóng hổi, khiêu khích khẩu vị của ông A Ùi. Thế là, Cu dài chọn con đường bên Chùa mà đi; dĩ nhiên Bảy Rắn đi bên A Ùi vì thích ăn ngon.
Thường nhật, Cu dài sống bằng nghề gánh cá mướn quanh năm, khi những chiếc xe lam từ Nha Trang chạy lên Thành vào mỗi sáng sớm. Khi gánh đôi thúng cá, gã luôn mặc cái áo che khuất hạ bộ, xong việc, gã cởi áo xách cu đi về cây Dầu đôi ở xã Diên An. Bảy Rắn là dân thợ mộc nổi tiếng chính tông, ai ai cũng biết. Không hiểu sao, năm rồi, thi thoảng hắn cũng cầm cây đòn gánh ra gánh mướn cá, định chiếm “thị trường làm ăn” của Cu dài!
Thấy Bảy Rắn định chiếm thị trường làm ăn của mình, Cu dài tức tối, liền đổi chiến thuật thầm lặng! Sau những gánh cá tanh lờm mỗi sáng sớm, Cu dài với cây bút chì vắt ngang tai, đi từng nhà, gạch ngang, dọc, xéo từng số nhà treo ở mỗi góc, miệng lẩm bẩm những câu vô nghĩa.
Gã đi từ đầu phố đến cuối phố đường Trần Quí Cáp, nhằm mục đích kiểm soát hành vi xâm phạm giới tuyến của Bảy Rắn!
Chỉ có Đại tướng (hoặc Tổng thống, mới làm cái việc ấy – nhưng cũng chưa chắc- mới dám làm!) Vì thế, dân ở Thành gọi Cu dài là Đại tướng Lê văn Cu, và Bảy Rắn bị hạ xuống hai bậc: Thiếu tướng Bảy Rắn!
Thế là một trận thư hùng xẩy ra. Thúng, đòn gánh, đá đất… bay vun vút giữa sáng tinh mơ. Vì vậy, mấy bà bán cá mới phân định “biên giới” hai bên. – Cu dài bên đường Trần Quí Cáp, vì thích ăn bông vạn thọ của Chùa, Bảy Rắn bên kia A Ùi vì thích ăn ngon. Cấm xâm phạm chủ quyền giới tuyến… lẫn nhau!
Vậy mà hôm nay, thằng cha Bảy Rắn dám xâm phạm chủ quyền! – Cu dài buông cây kèn, hỏi.
- Thiếu tướng Bảy. Ngài chiếm mặt đường của tôi, rồi còn vung tay chận tôi là nghĩa làm sao? – Nói xong, Cu dài nhảy hai chân tanh tách như con khỉ đột. Thân thể gã nghiêng ngã, con cu lúc thò ra, thục vô như trái bắp đầy râu đen thui. Gã thổi khúc quân hành lớn thêm cho khí thế.
- Đại tướng cái con cặt gì mày. Thằng điên khoe cặt, thì có! Tao nhịn mày lâu rồi. Tại sao mày chọn con đường bên phải, còn tao bên trái?
- Thưa ngài Thiếu tướng! Tui không chọn, mà “nhân dân”… bán cá, chọn cho tui!
- Á, à… Mày khùng mà còn khôn! Mày có bao giờ thấy chiếc xe Lam nào, đậu bên đường lề trái chưa? Chỉ có thằng thực dân, đế quốc và bọn thuộc địa ngoan ngoãn! Hầu hết, xe phải đậu bên lề phải trước cổng Chùa. Mày đi với chính quyền, như một thứ bị bắt buộc, – mày – phải – đi – lề – phải! Như nó vạch cặt ra, bắt mày phải bú! Mày cướp cơm chim của ông!
- Có! Mấy ông tài xế đậu xe trước cái vòng cong của quán ông A Ùi, đậu lề trái, ngược ngạo coi đời như vung. Thưa thiếu tướng! Bây giờ tui nói thiệt: Ông bước qua bên kia A Ùi!
- Hừm… Tao không bước, mày làm gì tao!?
- Á, à… Ông xâm phạm “hiệp ước”. Tôi đánh thấy mẹ ông!
Vừa nói, Cu dài nhào tới, vừa thổi kèn, vung tay đấm tới tấp. Bảy Rắn lùi lại, vì biết, thằng cu to này, dĩ nhiên nó có đôi tay hộ pháp dũng mãnh. Hắn rút cái bào gỗ, dứ dứ.
- Tao bào cái mặt… điên tướng của mày, như bào tấm thớt, ngon ơ!
- Bào đi, bào đi… thử cái coi, biết liền, ngài Thiếu tướng! – Cu dài vỗ vỗ vào má nghe bành bạch thật to, thách thức.
Bảy Rắn nhìn cái lưng cong vòng, đôi vai chắc nịch thường gánh cá mỗi sáng sớm, rồi hắn nhìn xuống con cu của Cu dài đang ló ra, đong đưa. Hắn gờm gờm.
- Ông đếch thèm chơi nữa. Đồ… Chí phèo, bạo lực chân tay, óc lò xo, chập chùng lên xuống! – Bảy Rắn lậng lưng cái bào, định đi qua bên kia đường (mà ông A Ùi, vừa kéo cánh cửa vì nghe tiếng đốp chát của hai gã điên), đớp tô phở nóng tái, nạm gân gầu.
“Réét, réét…”
- Dừng tay, dừng tay… hai cha điên!
Bảy Rắn chợt té xuống, nằm quằn quại dưới lề đường, la ré lên, hai tay ôm đầu, với cái tang trắng nhuộm đỏ bên thái dương, rồi lẹ làng đút vào túi quần chai sơn đánh vẹc-ni!
Anh lính Nghĩa quân trong Đình chạy ra, với cái còi trên miệng, dí cây súng M.16 vào lưng hai kẻ điên, dẫn về Đình.
Bảy Rắn được ông anh xã trưởng bảo lãnh ra chiều hôm đó. Binh nhất Cai dù, tức Cu dài bị hốt về trại Trung Dũng, nơi vừa huấn luyện tân binh, cũng là nơi nhốt thường phạm.
Vừa được ông anh xã trưởng bảo lảnh ra, Bảy Rắn bước sang bên kia đường là chợ Thành, đưa đôi mắt rắn rà suốt từ đầu chợ, đến cuối chợ. Hắn nói như rên.
- Mẹ nó. Chờ mỏi con mắt!
Chiều bắt đầu buông tối, Bảy Rắn lùng sục lần nữa quanh nhà lồng chợ. Không thấy gì, hắn nhảy tót lên tấm phảng chặt thịt heo, cong mình nằm im.
Bảy Rắn lại vừa “xâm phạm chủ quyền bản địa” của binh nhất Cu dài. Dù Cai dù, đang ngồi tù!
Nằm một chập, không thấy động tịnh gì, Bảy Rắn bực bội, rón rén bước xuống tấm phảng chặt thịt heo, dạo thêm một vòng chợ. Hắn chợt thấy, trong một góc tối, dường như có bóng người đang ngồi nấp lấp ló sau gờ tường. Tưởng người đưa tin xuất hiện, Bảy Rắn mừng húm, chạy nhanh tới.
Thì ra mụ Nuôi đang ngồi chồm hỏm tiểu tiện! Hắn thất vọng, chửi mụ Nuôi.
- Mụ Nuôi. Mụ làm gì mà ngồi đái tồ tồ, nghe như nước suối đổ vậy?
Mụ Nuôi giật mình, kéo quần cái rột để che đôi mông trắng hếu. Mụ đứng dậy, trừng trừng nhìn Bảy Rắn. Mụ chợt nhớ, buổi trưa hôm nay, giữa Bảy Rắn và Cu dài có chuyện xích mích động chân tay đến đổ máu, Cu dài phải ngồi tù. Mụ điên tiết.
- Tui đái giữa chợ, chớ không đái vào cái mả cha nhàông nhé. Làm người ta hú hồn. Đồ điên!
- Mụ nói ai điên? – Bảy Rắn nhìn láo liên quanh lồng chợ, tính toán. Dường như, mụ Nuôi ngửi thấy sự đe dọa trong cặp mắt rắn của Bảy Rắn. Mụ nói lớn.
- Cái mả cha nhà ông điên, chứ ai. Tui thích đái ở đâu, đó là quyền của tui. Đây là nơi công cộng!
Bảy Rắn lấm lét xuống giọng.
- Nhưng mụ đái, nghe tồ tồ đến phát ớn!
- Ớn, hay thèm cái lỗ, gây ra tồ tồ? Ông làm gì, đêm hôm cứ rảo quanh chợ đến mấy bận. Không sợ, tụi Việt cộng đang sắp về tới nơi, nó cắt cái của quý… thèm cái lỗ gây ra tiếng động tồ tồ?
- Mụ Nuôi. Mụ giả điên hay điên thật?
- Bảy Rắn. Ông điên thật hay giả điên vậy? Bớ người ta… – Mụ Nuôi la toáng lên. Bảy Rắn hoảng hốt chạy thục mạng về nhà, quên luôn nhiệm vụ.
&
Thông thường, hằng đêm, muộn lắm chín giờ tối, cả nhà ông Năm đi ngủ. Một giờ sáng, chuông đồng hồ gõ bí boong, bí boong… Cả nhà thức dậy công tác vệ sinh và bắt đầu lên gác ngồi thiền đến hai giờ.
Chợp mắt hơn ba giờ nữa, Tuấn thức dậy. Trời còn tối, Tuấn phải cố gắng “retouch” cho xong cuộn film, trước khi đi đến trường. Cả tháng nay, trường học đóng cửa vì không khí sôi động của chiến tranh ngày càng cao.
Ngồi vào ghế chưa nóng chỗ, Tuấn nghe những tiếng vang vang.
- Chạy mau… chạy mau, chúng sắp tới rồi!
Ở những thành phố nhỏ, người ta không làm những cánh cửa sắt kéo ra, vào rất tiện và nhanh, mà là những thanh chắn bằng gỗ dày và cứng không thua gì những thanh sắt. Nó được lắp vào nhau, thẳng đứng, cở hai gang tay (20 centimet), thanh này nối thanh kia, được chốt bên trong bằng một cây vắt ngang. Vì thế, cánh cửa lúc nào cũng có những lỗ hỏng một đường dài, thẳng đứng.
Tuấn lấy cái cán cây bút lông vạch kẻ hở, nhìn ra.
- Úi chao! Người ở đâu mà chạy nhốn nháo thế kia! Lính có, thường phạm có, vừa chạy vừa tuột cả áo quần, súng đạn vất bừa bãi xuống lòng đường! Họ vừa chạy, vừa la toáng lên vì mừng rỡ lẫn sợ hãi. Lính thì sợ hãi vì đang tan hàng. Tù nhân thì mừng vì vừa thoát ra khỏi nhà tù.
- Việt cộng vào rồi, bà con ơi! Chạy thôi…
Họ chạy như ma đuổi, dáo dác tỏa tứ hướng. Ông Năm mở bung cánh cửa, chạy theo đoàn người hoảng hốt.
- Cậu chạy đi đâu vậy? – Tuấn hỏi.
- Ở nhà chờ Cậu… cách mạng về rồi!
Ông mất biến sau ngã ba chợ Thành.
Tuấn hoang mang.
- Mẹ nó. Cách mạng! Cách mạng, đã chôn vùi nửa triệu dân miền Bắc, cũng nửa triệu dân miền Nam, qua chiến tranh. Ta từng biết qua, đọc sách, báo, hình ảnh…
- A lô, a lô… Đại diện cách mạng lâm thời miềm Nam VN, đang tiến về Diên Khánh! Xin mọi người ở yên trong nhà, để quân cách mạng lâm thời dàn xếp, trị an thành phố! A lô, a lô…
Dường như, đó là tiếng nói của Bảy Rắn, Tuấn ngờ ngợ như thế.Tuấn nhìn ra, chỉ thấy sương lờ mờ. Đúng là Bảy Rắn, với cái tướng đi xiên xẹo như rắn của hắn, vai đeo cây a-ka 47 bá ngắn. Mặc Bảy Rắn nói, đám lính và thường phạm vẫn tháo chạy.
Khi bóng người cuối cùng còn sót lại chạy lạch bạch, túm hai vạt áo lính dưới hạ bộ. Chạy qua khỏi Bảy Rắn một đoạn, gã quay lại, với cây súng ngắn trên tay dấu sau lưng. Bất thình lình, gã đưa súng lên, dí vào trán Bảy Rắn.
- Thằng Thiếu tướng giả điên, giả khùng, Bảy Rắn kia. Mày vất cha cái loa và cây A-ka, cho tao được nhờ! Mày tưởng ở cái xứ Thành này, chỉ có tao: Đại tướng, và mày: Thiếu tướng là điên sao!? Mày lầm rồi, Bảy Rắn ạ! Nhiều, nhiều lắm… trên cái đất nước hệ lụy chiến tranh này!
- Mày… mày… không điên à? – Bảy Rắn bỏ súng xuống, run run hỏi.
- Tao trốn lính, bởi tao hèn. Tao sợ chết, đành giả điên! Nhưng tao không mải quốc, cầu vinh: “Ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản. Mày hiểu không!”
Binh nhất Cu dài, kẻ bị đào thải khỏi chiến tranh vì tật nguyền: tâm thần giả trá. Gã đưa nòng súng ngắn, lượm đâu đó, khi chạy thoát khỏi nhà tù, lần xuống yết hầu của Bảy Rắn bóp hai tiếng chát chúa, rồi vụt chạy đi. Bóng Cu dài loãng dần, như ma trơi trong màn sương.
Cả thân người Bảy Rắn bật ngữa về sau đánh cái “bịch”. Hai tay quơ quơ, như bắt những con chuồn chuồn trong cơn bão rớt, trước khi mưa chụp xuống. Dòng máu nơi yết hầu, sủi bọt. Những vòng tròn bong bóng màu đỏ, nhỏ tí lăn tăn phì ra… như con nít thổi ống đu đủ bằng xà phòng. Bảy Rắn trợn trừng đôi mắt.Bây giờ mắt hắn thật to, hai đồng tử mở rộng một màu trắng đục vàng, của kẻ nát rượu, bị bệnh sơ gan, không ti hí như mắt rắn thường ngày.
Trời chưa sáng, còn nhọ mặt người. Chưa ai kịp nhìn thấy kẻ sát nhân, cả lời hạch tội, ngoài Tuấn, vì cái dáng quen quen của binh nhất Cu dài, thường đi ngang nhà anh mỗi sáng, cầm cây bút chì quẹt, gạch, xóa những con số.
Cùng lúc, ông Năm chạy về, thấy Bảy Rắn nằm thẳng cẳng. Ông la lên.
- Đồng chí Ba Nhân! Đồng chí làm sao vậy?Ai bắn đồng chí?
- Thằng… thằng…
Bảy Rắn nghẹo đầu qua một bên, hai mắt trợn trừng, tay bắt chuồn chuồn rồi buông xuống nhanh chóng. Bấy giờ trên hai mép Ba Nhân, tuôn ra hai giòng máu đỏ thắm. Đây là máu thật. Không phải thứ máu, màu đỏ của vẹc-ni, mà hắn thường dùng để đánh lừa kiếp nhân sinh!
- Hắn tên Ba Nhân, chứ không phải Bảy Rắn. Có bao nhiêu Bảy Rắn ở miền Nam VN?
Tuấn tự hỏi và kéo tấm ván hở, đóng lại.
Như sau này, cái bóng ngã nghiêng của Cu dài, đầu bị cạo trọc lóc khi ở tù, sẽ đóng lại vĩnh viễn trong tiềm thức anh.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"