Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

Cộng sản hàng nhái 1.X

PVH
Chúng ta cần phải công nhận một thực tế rằng, CSVN tồn tại được cho đến ngày hôm nay là nhờ họ biết cách thích nghi và thay đổi theo hoàn cảnh thực tại. Cho dù đó là phương thức hướng ác của lớp săn mồi, nhưng đó là sự thật, rất phũ phàng và cay đắng cho đất nước và dân tộc này.

Bên cạnh bản chất bảo thủ cố hữu dựa trên học thuyết duy vật biện chứng, họ cũng không ngần ngại, có thể nói là bất chấp tất cả để luồn lách, uốn lượn theo mọi hình dạng... chỉ để nhằm vào mục tiêu cuối cùng là củng cố và bảo vệ quyền lợi cá nhân đang quấn chặt lấy nhau trong cùng một nhóm, tạm gọi là nhóm thống trị (hay nhóm cầm quyền). Lưu ý ở đây tôi dùng từ "nhóm" thay cho từ "đảng". Bởi lẽ, theo như dẫn nhập ở trên, đảng CS hiện nay đã thực sự biến chất so với gian đoạn khởi thủy của nó. Ở đây cần mở một dấu ngoặc, nói như thế không có nghĩa là tôi công nhận CNCS bản gốc tốt đẹp, ưu việt nhé. Thực chất nó như thế nào, xin mời độc giả tự tìm hiểu(1), nó không phải là vấn đề được bàn thảo ở đây.

Trên cơ sở nào có thể khẳng định CNCS ở VN hiện nay đã biến tướng? Và đâu là điểm khác biệt giữa CNCS bản gốc và CNCS hàng nhái?

Xin thưa rằng, có rất nhiều điểm để nhận ra.

Về khách quan, chúng ta nhận thấy ngay là CNCS bản gốc không hề có đuôi "Kinh tế thị trường", cho dù cái đuôi dị dạng này đã được gắn thêm cái chân rết "định hướng XHCN". Thật ra, trong kinh tế học không có cái mô hình này, nó chỉ là một mớ hổ lốn pha tạp. Lấy ví dụ thế này cho dễ hình dung:

* Kinh tế TB giống như một cái Bánh-rán, được nhào từ bột, đường và chiên lên bằng dầu ăn.

* Kinh tế CS giống như một cái Bánh-thiên-đường, được nhào nặn bởi tất cả những nguyên vật liệu cao quý bổ dưỡng, tạm gọi là nhóm nguyên liệu mang tên Làm-theo-năng-lực-hưởng-theo-nhu-cầu. Và đặc biệt, nó được chiên bởi loại dầu mang tên Bất-tận. Ưu điểm của loại dầu này là Bánh-thiên-đường không bao giờ bị cháy, bởi vì, thời gian chín tới của nó chưa xác định (N/A). Sau mươi, mười lăm năm, người dân bắt đầu kêu gào:

- Chúng tôi đói, chỉ cần Bánh-rán thôi dẹp Bánh-thiên-đường đi!

Dùng Bánh-rán có khác nào thừa nhận sai lầm của CNCS? Vậy là, với tư duy đỉnh cao, họ đã tìm ra giải pháp trên cả tuyệt vời: Dùng nguyên liệu bột, đường và chiên bằng dầu Bất-tận.
Khi đã hiểu tính chất của loại dầu Bất-tận này, xin đừng ai đặt câu hỏi:
- Bao giờ chúng ta sẽ đi lên Thiên-đường-cộng-sản, nhé!

Về mặt chủ quan, độc giả hãy làm một phép thử như sau, bảo đảm sẽ rất thuyết phục:

1. Hãy sàng lọc ra khoảng 10 đến 15 cá nhân có xu hướng bảo vệ CNCS mạnh mẽ nhất ở VN hiện nay;

2. Lấy tờ giấy, kẻ một vạch chia làm đôi;
Phía bên trái liệt kê các mục sau:
- Chủ nghĩa Mác-Lênin
- Chuyên chính vô sản
- Đấu tranh giai cấp
- Liên minh Công-Nông
Phía bên phải để ký tự chỉ đồng Mỹ kim ($). Nếu ai có năng khiếu thì vẽ thêm cái ghế hay miếng vàng SJC cũng được, nhưng tôi nghĩ là thừa rồi <img style='border: 0; padding:0'  src='http://us.i1.yimg.com/us.yimg.com/i/mesg/emoticons7/3.gif' alt=';)'/>

3. Bước này có tính chất quyết định: Hãy tập trung tư tưởng để nhận định rằng, phía bên nào của tờ giấy thực sự quan trọng đối với những vị đã được chọn ra ở bước 1?

Nếu kết quả nhận định nằm phía bên trái, tôi thành thật xin lỗi đã làm mất chút ít thời gian Bất-tận của quý vị. Xin chào!
Còn kết quả là bên phải, thì, CNCS lúc này thực sự là cái gì? Độc giả có thể gọi tên thế nào cũng được, miễn ghi nhớ đó không phải là CNCS bản gốc.



Đến đây, chúng ta đã thừa nhận CNCS ở VN hiện nay biến thái rồi, không còn là chính gốc nữa.
Và câu hỏi kế tiếp được nêu lên là:

- Thế tại sao nó vẫn được số đông chấp nhận? (Coi như cam chịu vì có người không chấp nhận nhưng chưa dám phản đối)

Có rất nhiều nguyên nhân góp phần duy trì hiện thực đau đớn này:

Thứ nhất, đó là do tâm lý cam chịu sự trói buộc, hình thành bởi thói quen bị áp đặt từ nhỏ. Mà câu chuyện Con voi và sợi xích(2) là một ví dụ rất sinh động.

Thứ hai, hậu quả của một nền đạo đức dưới mặt bằng văn minh nhân loại. Đâu phải tất cả gần 90 triệu "con voi"(3) đều không thể nhận ra sức mạnh của nó so với sợi xích trói buộc? Tuy nhiên, trong những con voi biết được sức mạnh ấy, một số vẫn còn mang tư duy thấp của vật nuôi:

- Thoát ra làm gì khi rừng xanh đầy rẫy cọp beo rắn rết? Chiến đấu với chúng để có miếng đâu phải dễ. Chi bằng an phận thế này, ngày ngày có người mang thức ăn, xung quanh có tường rào che chắn há chẳng sung sướng hay sao?

Một số rất ít sở hữu tư duy bậc cao của loài Người:

- Dẫu đời sống bên ngoài bấp bênh nguy hiểm, có khi mươi bữa nửa tháng mới kiếm được khúc mía lót dạ. Nhưng ta sẵn lòng chấp nhận để sống đời tự do không xiềng xích!

Thứ ba
, đó là mối quan hệ tương hỗ hai bên cùng có lợi giữa nhóm cầm quyền và số đông ô hợp. Luôn thừa nhận một thực tế rằng, thành phần ưu việt thường chiếm số ít trong cộng đồng. Cái mô hình kinh tế lai tạp hổ lốn như đã minh họa ở trên không thể là động lực cho một xã hội phát triển. Mở cửa thị trường nhưng không có một thiết chế đủ mạnh và minh bạch để quản lý. Trái lại, nó trở thành môi trường cộng sinh cho đủ loại vi khuẩn sinh sôi nảy nở, mà nguy hiểm nhất là quốc nạn tham nhũng. Những kẻ bất tài luôn yêu thích thể chế độc tài, bởi vì, lo lót và chạy chọt vẫn dễ hơn nhiều so với đầu tư trí tuệ, chất xám. Những kẻ ấy cũng đâu phải là đảng viên CS!

Thực tế là vậy, khi con ác thú có khả năng thay đổi vẻ ngoài và màu da, mà ta cứ tung cú đấm vào giữa cái hình hài xưa cũ thì làm sao hạ được nó đây?

-----------------------
(1) Gợi ý: Độc giả có thể tự tìm hiểu bằng cách dùng Google tìm theo các từ khóa sau:
- Nghị quyết 1481 Âu châu
- Cách mạng văn hóa Trung Quốc
- Tội ác diệt chủng Stalin
- Cải cách ruộng đất Việt Nam
...

(2) Câu chuyện này có nhiều dị bản:
A/ Một người đàn ông đi ngang qua một chú voi đang bị xích, đột nhiên ông dừng lại và tự hỏi tại sao một chú voi lớn như vậy lại không tự làm đứt một sợi dây thùng nhỏ buộc ở chân và trốn thoát. Thậm chí còn không có cả dây xích và lồng giữ. Hiển nhiên là chú voi hoàn toàn có thể làm được, bất cứ lúc nào chú muốn nhưng vì một lý do nào đó chú đã không làm như vậy.
Người đàn ông đã đến gặp người quản tượng gần đó và hỏi anh ấy vì lý do tại sao con voi vẫn đứng yên ở đó và không bao giờ bỏ đi. Người huấn luyện voi trả lời: “À, khi mà con voi này còn nhỏ và bé hơn bây giờ, chúng tôi đã sử dụng cùng một loại kích cỡ dây thừng giống như bây giờ để trói chúng. Ở độ tuổi đó, các sợi dây vẫn đủ sức để giữ chúng. Khi mà voi lớn lên, chúng tin rằng chúng không có đủ khả năng phá được dây. Con voi này luôn tin rằng sợi dây có thể giữ chúng lại và không bao giờ thử trốn thoát”.

Người đàn ông đã rất ngạc nhiên. Những con vật to lớn như vậy đều có khả năng làm được, nhưng chúng đã không bao giờ tin và sẽ mãi mắc kẹt ở nơi này.
----------
B/ Có lẽ bạn đã nhìn thấy con voi thật to lớn trong rạp xiếc bị xích vào chiếc cọc nhỏ xíu. Sinh vật to lớn ấy có thể nâng hàng trăm ký bằng chiếc vòi của mình, nhưng lại cam chịu xích như thế chăng? … Khi con voi đó còn nhỏ chưa có đủ sức mạnh, nó đã bị trói vào chiếc cọc thép bằng một sợi dây xích thật lớn. Vì thế dù nó có ra sức cỡ nào cũng không thể phá đứt dây xích mà thoát đi.
Sau một thời gian dài nó đành bỏ cuộc. Và sau đó, dù đã lớn mạnh nó vẫn không bao giờ nghĩ đến việc phá xích thoát đi. Câu nói “Khó quá! Mình không thể làm được…” đã hằn sâu vào trong tâm trí nó. Rất nhiều người trong chúng ta cũng có những suy nghĩ như chú voi kia trong rạp xiếc. Chúng ta đã tự hạn chế, tự ràng buộc và cứ tự nhủ rằng “mình chẳng bao giờ làm gì được đâu”, và đã rất nhiều lần chúng ta bỏ cuộc vì câu nói ấy.

Chắc chắn chúng ta ai cũng có những ước mơ trong đời muốn thực hiện, nhưng chính “vết hằn” kia đã níu kéo chúng ta... Giống như những con voi, có bao nhiêu người trong chúng ta luôn bám chặt vào niềm tin rằng mình không thể làm được một việc gì đó, chỉ vì một lần thất bại trước đây? Có bao nhiêu người trong chúng ta không chịu thử một cái mới và gắng làm một việc gì mang tính thử thách bởi vì cách tư duy ấy của chúng ta? Nỗ lực của chúng ta có thể không thành công, nhưng xin bạn đừng bao giờ không cố thử

(Nguồn: http://hgth.vn/diendan/hat-giong-khat-vong/32800-con-voi-va-soi-xich.html#ixzz2ENSYZmvG)

(3) Ở đây tôi dùng từ "con voi" trong ngoặc kép để không hạ thấp nhân phẩm con người, cho dù trong một số trường hợp ở xã hội VN hiện nay, con người còn thua cầm thú!

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"