Nguyễn Hoài Vân
Sau chiến bại, khi người ta đã mất hết, thì sự thật sâu xa nhất về chính mình hiển lộ ra. Khi ấy, người bại trận chỉ còn hai chọn lựa : hoặc trả thù, hoặc tái sinh.
Trả thù là cố giữ lại con
người cũ của mình, như thể không gì có thể làm cho nó
thay đổi được. Để rồi người ta làm mọi cách để
cho đối phương phải trả một giá thật đắt cho những
mất mát mà mình đã phải chịu đựng. Trả thù cũng là
kéo dài cuộc chiến dưới những hình thức khác, trong
điều kiện khác, nhưng chủ yếu vẫn là : duy trì
chiến tuyến, giữ vững lằn ranh bạn thù.
Tái sinh là sống lại một cuộc
sống khác, chấp nhận cho « cái tôi » được
nhào nặn trong một khuôn khổ mới. Trong cuộc sống mới
này, nhiều điểm tựa có thể thay đổi, thí dụ như
người ta có thể chấp nhận một quê hương mới, chấp
nhận thuộc về một thành phần xã hội mới, hình thành
những liên hệ bạn bè mới, trong khi những mối thù xưa
dần dần nhạt bóng. Cuộc chiến của thời xưa cũng dần
dần thay đổi bản chất để chuyển sang một cuộc đấu
tranh sinh tồn trong môi trường mới.
Thật ra, đó chỉ là lý thuyết.
Trong đời thực, những người bại trận đều sống hỗn
hợp hai thái độ vừa nêu, trong những chừng mực khác
nhau, tùy « thảo trình » tâm lý của mỗi cá
nhân.
Điều quan trọng cho các thế hệ
tương lai là : hãy trân trọng học bài học của
những người bại trận, mà đừng phê phán cá nhân họ.
Dù cho họ có chọn lựa thái độ nào đi chăng nữa, thì
họ cũng là những con người đã mang một kinh nghiệm
sống quý giá. Chính từ kinh nghiệm ấy mà một tương
lai tốt đẹp sẽ được thêm cơ hội đâm chồi nẩy
mộc, để trở thành cây trái tốt tươi. Một điều
không thể nào có được trên những phiến đá cẩm thạch
của các đài tưởng niệm chiến thắng. Trên đó, chỉ
có lạnh lẽo và quạnh hiu...
Kẻ chiến thắng luôn tự gán
cho mình tất cả vinh dự, quyền hành, lợi lộc. Họ luôn
tìm cách bán sự thành công của họ với cái giá đắt
nhất mà họ có thể bán được. Nhiều thế hệ sẽ còn
tiếp tục phải trả « món nợ » vô cùng to lớn
ấy.
Trong khi đó, người chiến bại
chỉ có một gia tài đầy khổ đau, sẵn sàng cống hiến
cho những ai biết dùng đến. Kinh nghiệm sống của họ
là một món quà, tặng không cho những thế hệ tương
lai. Kể cả, trong nhiều trường hợp, vì sự chiến bại
của mình, họ đã bị loại khỏi cộng đồng dân tộc.
Vũ khí vẫn còn trong tay kẻ
chiến thắng, để bảo vệ tư thế và những lợi lộc
đã mà họ đã đoạt được.
Trong khi đó, người chiến bại
đã buộc phải giã từ vũ khí. Và, khi vũ khí đã rời
khỏi bàn tay, thì chỉ còn bàn tay, sẵn sàng nắm lấy
những bàn tay khác...
Nguyễn Hoài Vân
29 tháng 4 năm 2012