Sau khi xem đi, xem lại mấy chục lần đoạn video quay cảnh lực lượng cưỡng chế đánh đập dã man hai người vô tội ở Văn Giang vào sáng ngày 24.4.2012, tôi đã lưu lại cảm xúc phẫn nộ trong bài "Một thoáng nguyên hình". Rồi hồi hộp, thấp thỏm, không biết nạn nhân sống chết thế nào? Tại sao không thấy xuất hiện thêm thông tin về họ?
Đột nhiên, trong hội nghị trực tuyến về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vào ngày 2.5.2012, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào đã báo cáo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng: "Trong vụ việc ở Văn Giang, có sự móc nối chặt chẽ với những phần tử chống đối ở nước ngoài. Các thông tin thậm chí còn được tường thuật tại chỗ, từng giờ, để tuyên truyền xuyên tạc, dàn dựng những video clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền."
Đột nhiên, trong hội nghị trực tuyến về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vào ngày 2.5.2012, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào đã báo cáo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng: "Trong vụ việc ở Văn Giang, có sự móc nối chặt chẽ với những phần tử chống đối ở nước ngoài. Các thông tin thậm chí còn được tường thuật tại chỗ, từng giờ, để tuyên truyền xuyên tạc, dàn dựng những video clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền."
Thật vậy sao? Đoạn video tôi đã xem là giả ư? Vẫn biết là quan chức ngày nay hay nói dối, thường viện dẫn bóng ma "thế lực thù địch" để biện hộ mọi nhẽ, nhưng đó là khi nói với dân, đối tượng mà họ vẫn coi thường. Còn đây lại là báo cáo với Thủ tướng. Chẳng nhẽ "phó tuần phủ" Nguyễn Khắc Hào lại dám lừa cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hay sao? Vậy thì, phải chăng mình đã bị mắc bẫy, nhẹ dạ cả tin vào chứng cứ ngụy tạo của "những phần tử chống đối"?
May thay, từ ngày 5.5.2012, trên mạng internet rộ lên thông tin, chỉ đích danh hai người bị hành hung chính là nhà báo Ngọc Năm và nhà báo Phi Long, thuộc Trung tâm Tin của Đài Tiếng nói Việt Nam, và ông Ngọc Năm còn là Trưởng phòng Thời sự, Chính trị - Kinh tế. Nhiều người cho rằng Đài Tiếng nói Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phải lập tức lên án việc hành hung phóng viên của họ. Tôi thì không nuôi ảo vọng ấy, mà chỉ chờ đợi hai ông Ngọc Năm và Phi Long công khai lên tiếng, ít nhất là khẳng định rằng đoạn video kể trên đã phản ánh đúng sự thật và họ chính là nạn nhân.
Kỳ vọng như vậy không phải là quá nhiều. Nếu là nhà báo tử tế, chứng kiến cảnh người dân vô tội bị hành hung dã man, thì họ đã phải tố cáo trước công luận. Huống chi họ chính là nạn nhân, với "tư liệu đầy mình", hằn vết trên da thịt... Tôi càng hy vọng hơn, khi biết ông Ngọc Năm đã từng tuyên bố: "Nhà báo thấy sai mà không lên tiếng là có tội."
Song
đợi mãi không thấy tăm hơi, tôi đành phải cất công tìm kiếm, và cuối
cùng cũng tìm thấy... Hóa ra, ngày 26.4.2012, khi vết thương có lẽ còn
chưa lành, ông Ngọc Năm đã công bố tác phẩm mang tựa đề "Hoàn thành cưỡng chế 72 ha đất ở Văn Giang - Hưng Yên", trong đó tuyệt nhiên không nhắc đến thảm cảnh đã diễn ra trên đất Văn Giang, mà chỉ duy trì lối viết "truyền thống":
"Ngày 24/4, UBND huyện Văn Giang (Hưng Yên) đã tiến hành cưỡng chế giải phóng mặt bằng 72 ha đất nông nghiệp, thuộc xã Xuân Quan, theo đúng quy định của pháp luật, để bàn giao cho nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị Thương mại - Du lịch Văn Giang..."
Vì
sao lại viết như vậy, sau khi đã trực tiếp chứng kiến và nếm trải vụ
đàn áp ở Văn Giang, hỡi ông Nguyễn Ngọc Năm? Bản thân bị nện vào đầu, bị
đấm vào mặt, mà vẫn lặng thinh, lại còn lạnh lùng tuyên bố là "... đã tiến hành cưỡng chế... theo đúng quy định của pháp luật". Liệu nhân dân, nhất là dân oan bốn phương, có thể trông cậy vào những nhà báo với lương tâm và lòng tự trọng như thế hay không?
Nếu
các ông cho rằng chức trách của mình là phải bóp méo sự thật cho vừa ý
cấp trên, thì không nên xưng danh nhà báo, mà hãy thẳng thắn thừa nhận
rằng mình chỉ hành nghề viết thuê.
Nếu các ông không nghĩ như vậy, mà muốn xứng danh nhà báo chân chính, thì hãy viết sự thật! Hãy để lương tâm lên tiếng một lần!
Hà Nội, ngày 8.5.2012
Nguồn: Hoang Xuan Phu's Home page.