Vũ Thị Phương Anh
Cô gái sông Hương là cô gái trong bài thơ “Tiếng hát sông
Hương” của Tố Hữu, bài thơ mà chúng tôi đã được học trong chương trình
của lớp 12. Lúc ấy là vào năm 77-78 của thế kỷ trước, tức là cách đây đã
34 năm rồi.
Hồi ấy, tôi là một con bé lãng mạn yêu thơ, từ trước năm 75 đã “học
đòi” các chị lớn thời ấy chép thơ bằng tay trong những cuốn số nho nhỏ,
đẹp đẽ. Thơ chép thì toàn là Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, hoặc
Quang Dũng thời tiền chiến, còn nếu không thì chép thơ mới của những tác
giả thời ấy. Toàn là những bài lãng mạn, lời lẽ mượt mà, và hầu hết đều
nói về tình yêu. Tới giờ tôi vẫn còn khá nhiều câu, chẳng rõ tác giả là
ai, mà hồi ấy tôi hay chép hết tập thơ này đến tập thơ khác. Ví dụ như
Em về, em về rồi
Thương nhớ nặng hồn tôi
Xa xăm tình băng giá
Hò hẹn thế, rồi thôi…
Thương nhớ nặng hồn tôi
Xa xăm tình băng giá
Hò hẹn thế, rồi thôi…
Hoặc
Trời mùa đông chim én lạnh lùng bay
Tôi đứng đó nghe ngày vui chợt tắt
Trời thị trấn chưa vàng lên màu mắt
Sao người quên, cho nhung nhớ thêm dài?
Tôi đứng đó nghe ngày vui chợt tắt
Trời thị trấn chưa vàng lên màu mắt
Sao người quên, cho nhung nhớ thêm dài?
Đấy, cái “gu” thơ của tôi thời trước năm 1975 và tồn tại mãi cho đến
bây giờ là những bài nhẹ nhàng, nói về tình yêu, về thân phận con người,
về thiên nhiên (“… cảnh thiên nhiên đẹp/mây gió trăng hoa tuyết núi
sông” như trong bài thơ của Hồ chủ tịch ấy). Cho nên sau năm 75,
học thơ “cách mạng” thì tôi thấy rất lạ, đôi lúc rất khó nuốt.
Lúc ấy tôi chọn ban A-B, tức là ban Văn - Sử - Địa (A) hoặc Văn - Sử -
Ngoại ngữ (B), nên môn Văn là môn vô cùng quan trọng trong các kỳ thi
tốt nghiệp và tuyển sinh đại học. May làm sao, bọn tôi lại được học với
một thầy dạy Văn rất giỏi, tên là Trần Thế Xương (không phải là Trần Tế
Xương đâu nhé). Lúc ấy tôi học ở trường Nguyễn Thị Minh Khai (Gia Long
cũ), và thầy Xương là thầy dạy Văn có tiếng từ trước năm 75 rồi. Tôi
cũng không hiểu là trước đây thầy dạy Văn hồi trước năm 75 với những tác
phẩm, tác giả khác, quan điểm khác, và dạy rất hay, thì không hiểu tại
sao sau năm 75 thầy vẫn có thể dạy rất hay, giảng rất hùng hồn, hào
hứng, ý tứ tuôn trào như suối, khi giảng văn thơ cách mạng, toàn là đạn
bom, súng khói, chạy loạn, giết Tây, đuổi Mỹ, giải phóng dân tộc … mà
vẫn cứ hào hứng tuôn trào như vậy? Chứ tôi, thì tôi … chịu!
Năm ấy, tôi nhớ hai nhà thơ quan trọng nhất trong chương trình lớp 12
là Tố Hữu và Hồ chủ tịch. Hồ chủ tịch thì bọn tôi học tập thơ “Nhật ký
trong tù” (tiếng Hán Việt là Ngục trung nhật ký), với những bài thơ thất
ngôn tứ tuyệt (7 chữ 4 câu) ngăn ngắn mà tôi cũng còn nhớ loáng thoáng
vài bài, vài câu như
Đi đường mới biết gian lao
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng
Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng
Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non
Hoặc
Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời, người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công.
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời, người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công.
Nhưng tác giả mà bọn tôi phải học nhiều tác phẩm nhất là Tố Hữu. Nói
cho đúng, toàn bộ sự nghiệp thơ cách mạng đối với tôi – theo những gì
tôi đã còn nhớ sau thời học phổ thông – hình như chỉ có mỗi mình Tố Hữu
thôi thì phải! Bọn tôi “ăn Tố Hữu, học Tố Hữu, chơi Tố Hữu, ngủ Tố Hữu”,
vì lúc nào cũng Tố Hữu, Tố Hữu. Thơ Tố Hữu dường như ám ảnh chúng tôi.
Tôi vẫn còn nhớ 4 tập thơ của Tố Hữu mà bọn tôi được thầy giới thiệu
là “Từ ấy”, “Việt Bắc”, “Gió lộng”, “Ra trận”, với những câu thơ tiêu
biểu như “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/Mặt trời chân lý chói qua tim”,
hoặc “Bà Bủ nằm ổ chuối khô/Bà Bủ không ngủ bà lo bời bời”, “Ăn
đi vài con cá/ Năm bảy cái chột nưa/ Có ai biết ai ngờ/ Mà vẫn tròn
danh dự…”, “Chú bé loắt choắt/ Cái sắc xinh xinh/ Cái chân
thoăn thoắt/ Cái đầu nghênh nghênh...”. Hoặc những bài thơ sau này
như “Chào 61 đỉnh cao muôn trượng/ Ta đứng nơi đây mắt nhìn bốn
hướng…”, “Em là ai, cô gái hay nàng tiên/ Em có tuổi, hay không
có tuổi?”
Nói chung, tôi không thích thơ Tố Hữu. Nó khác “gu” của tôi quá, thể
hiện rất rõ quan điểm “nghệ thuật vị nhân sinh” (nói đúng hơn là nghệ
thuật vị… cách mạng vô sản, chiến tranh giành độc lập, “giải phóng” miền
Nam), trong khi tôi có lẽ thuộc quan điểm “nghệ thuật vị nghệ thuật”
thì phải. Thực ra thì tôi cũng chẳng quan tâm là mình “vị” cái gì, chỉ
thấy hay thì thích, thế thôi. Nhưng thời ấy thì chúng tôi đang được
chuẩn bị trở thành những nhà “lý luận”, phê bình văn học “nhí” mà lại,
cho nên cũng “nổ lốp bốp”, ca ngợi Đảng và Cách mạng lên tới tận mây
xanh, còn cái gì đi ngược lại – hoặc chỉ đơn giản là khác – thì đều bị
dìm xuống đáy bùn đen. Những bài nghị luận văn học của bọn tôi thời ấy
là như thế, viết theo công thức: cái gì có lợi cho cách mạng là hay, cái
gì không có lợi cho cách mạng là dở. Đơn giản vậy thôi, và không cần có
cảm xúc gì ráo.
Tóm lại, bọn tôi học thơ văn cách mạng là để thi đậu, nên chỉ chăm
chăm làm đúng những gì đã được mớm cho. Tôi nghĩ, khéo bọn tôi cũng
chẳng khác gì thời lều chõng của phong kiến, đi thi sợ nhất là phạm húy.
Phân tích bài văn của nhà thơ, nhà văn cách mạng nào cũng áp vào đó
công thức “có tính đảng, tính nhân dân”. Phê phán văn thơ cũ thì chỉ có
hai công thức, hoặc “ủy mị, tiểu tư sản”, hoặc “phản động, chống lại dân
tộc”, thì thế nào cũng … trúng tủ!
(Viết đến đây tôi chợt nhớ cô con gái của tôi đang học lớp 9, mới đây
khi nhờ mẹ xem bài Văn cô cho về nhà làm có tốt chưa, đã hồn nhiên nói:
Bài này con “bùm” nhiều quá, nên sợ nó kỳ, mẹ xem lại dùm con. Tôi ngạc
nhiên, hỏi “bùm” là gì, thì cô bé hồn nhiên nói, bùm là nổ đó mẹ. Tại
vì bài này con nói xạo, viết theo mẫu, chứ đâu có tự nghĩ gì đâu. Thế
mới biết, vì sao mà các môn xã hội – nhân văn ngày nay học sinh không
thích học nữa.)
Nhưng nói gì thì nói, trong dòng văn học cách mạng mà tôi đã học
nhuyễn nhừ như cháo thời năm lớp 12 cũng có những bài thơ hay. Một trong
những bài ấy là bài thơ “Tiếng hát sông Hương” của Tố Hữu, bài thơ mà
tôi nghe thầy giảng một lần xong thì xúc động khôn cùng, và… tự dưng yêu
cách mạng hơn một chút. Mặc dù vào năm 1978 thì hoàn cảnh đất nước đang
khó khăn ghê gớm, vì chiến tranh chỉ mới vừa chấm dứt, dân Sài Gòn
(những người có liên quan đến chế độ cũ, và cái này thì bao trùm gần hết
mọi người dân SG lúc ấy, vì người Hà Nội và các địa phương khác đến
định cư ở SG chưa nhiều) lúc ấy còn đang rất hoang mang, lo lắng, và
những cuộc chiến tranh mới ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc lại
sắp bắt đầu.
Quay lại bài Tiếng hát sông Hương. Tôi vẫn nhớ, bài thơ bắt đầu như
thế này:
Trên giòng Hương Giang
Em buông mái chèo
Trời trong veo, nước trong veo
Em buông mái chèo
Trên giòng Hương Giang…
Em buông mái chèo
Trời trong veo, nước trong veo
Em buông mái chèo
Trên giòng Hương Giang…
Hình ảnh thơ mộng quá, giọng thơ êm quá, phải không? Viết như thế này
thì hợp gu tôi quá rồi đó.
Rồi nữa, thân phận cô gái sông Hương – thân phận con người, vốn là gu
của tôi – của thời trước cách mạng năm 45 đau đớn thế này đây:
Trăng lên, trăng đứng, trăng tàn
Đời em như chiếc thuyền nan xuôi dòng
Thuyền em rách nát
Mà em chưa chồng
Em đi với chiếc thuyền không
Khi mô vô bến rời dòng dâm ô
Trời ơi em biết khi mô
Thân em hết nhục dày vò năm canh
Tình ôi gian dối là tình
Thuyền em rách nát có lành được không?
Đời em như chiếc thuyền nan xuôi dòng
Thuyền em rách nát
Mà em chưa chồng
Em đi với chiếc thuyền không
Khi mô vô bến rời dòng dâm ô
Trời ơi em biết khi mô
Thân em hết nhục dày vò năm canh
Tình ôi gian dối là tình
Thuyền em rách nát có lành được không?
Quả là những vần thơ day dứt, đau đến rỏ máu ở trong tim (tình cảm ủy
mị, tiểu tư sản?). Tôi nhớ, hôm ấy thầy tôi giảng về bài thơ này rất
xuất thần, nói về “tệ nạn” gái bán hoa trên dòng Hương, một tệ nạn xuất
phát từ thời phong kiến nhà Nguyễn, hình như thế. Tôi còn nhớ có đọc ở
đâu đó một câu lục bát như thế này (quên mất câu đầu, chỉ còn nhớ câu
sau thôi): “dưới sông là đĩ trên bờ là quan”. Đấy, con người, nhất là
người phụ nữ, dưới chế độ cũ, có thân phận tủi nhục như thế đấy.
Bài thơ của Tố Hữu kết thúc bằng một loạt câu bắt đầu bằng hai từ
“ngày mai”...
Ngày mai cô sẽ từ trong ra ngoài
Thơm hơn hương nhụy hoa nhài
Đẹp như nước suối ban mai giữa rừng
Ngày mai gió mới ngàn phương
Sẽ đưa cô tới một vườn đầy xuân...
Thơm hơn hương nhụy hoa nhài
Đẹp như nước suối ban mai giữa rừng
Ngày mai gió mới ngàn phương
Sẽ đưa cô tới một vườn đầy xuân...
Nói cho đúng, phần sau này của bài thơ tôi không thích lắm, vì nó...
sáo. Nhưng thầy tôi vẫn giảng rất hay. Ông bảo, đây mới đúng là “lãng
mạn cách mạng”. Nó tưởng tượng, bay bổng, nhưng đầy chất lạc quan, nhân
bản, yêu con người. Những thân phận bọt bèo như cô gái sông Hương như
thế, nhưng nhà thơ cách mạng của chúng ta – lúc làm bài thơ này mới chỉ
là một chàng trai trẻ theo cách mạng, chưa phải là một ông Tố Hữu ủy
viên trung ương Đảng hét ra lửa mà tất cả mọi người, nhất là văn nghệ
sĩ, khi trông thầy đều phải khép nép kiêng dè – vẫn viết về họ với những
vần thơ trìu mến và nhân hậu như vậy.
Và rồi thì tất nhiên phần còn lại của bài giảng sẽ là ca ngọi chế độ
của chúng ta, lấy con người làm trọng, nhất là những người cùng khổ. Dù
đất nước có khó khăn, nhưng lý tưởng là tuyệt đối đúng đắn, chúng ta
phải vượt qua khó khăn – mà khó khăn này có là bao so với thời kháng
chiến chống Pháp rồi chống Mỹ gian khổ – và blah blah blah blah...
Đấy là chuyện cũ. Ba mươi mấy năm rồi, cuộc sống đã diễn ra như thế
nào thì chắc tôi không cần phải nói nữa. Tôi chỉ nhớ, lúc mẹ tôi còn
sống, có lần bà đã nói: Lạ, ngày xưa thì người Việt mình kỳ thị những
người lấy Tây, chửi người ta là me Tây; cách mạng thì lại càng ghét họ,
vì theo Tây mà. Thế nhưng bây giờ thì ai có con gái lấy Tây, lấy Mỹ,
hoặc lấy Việt kiều (vốn trước đây được xem là phản bội quê hương, bỏ
nước ra đi) thì lại hãnh diện, vác mặt lên, gì thì gì ta cũng là có con
rể là Tây, là Mỹ, là Kiều ....
Thế đấy. Một sự đổi đời? Thì bao lâu nay ta đã chẳng ca ngợi thành
tích của công cuộc đổi mới của đất nước đó sao?
Tất nhiên, đổi mới là cần thiết, và công cuộc đổi mới đó đúng là mang
lại nhiều thành tựu, nhất là về kinh tế, không thể chối cãi. Nhưng cũng
có nhiều điều không thay đổi, và không thể, cũng không nên thay đổi,
tôi nghĩ thế. Mà chắc là ai cũng nghĩ thế, chỉ khác nhau mỗi một điều,
đó là nên thay đổi cái gì và giữ lại cái gì mà thôi.
Nhưng thay đổi đến như thế này thì tôi không thể ngờ. Chả là cách đây
vài hôm, bà tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa của Hội Phụ nữ, cái Hội mà trên
nguyên tắc là tổ chức đại diện cho tôi đấy, đã có bài phát biểu mạt sát
những cô gái mại dâm đến mức thậm tệ. Bà tiến sĩ đại diện cho giới của
tôi đã phán rằng, “Mại dâm là nguyên nhân trực tiếp làm suy thoái
đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm xấu đi hình ảnh đẹp của
người phụ nữ Việt Nam, khiến họ lười lao động, thích ăn diện và không
cảm thấy xẩu hổ khi cần tiền”.
Không chỉ có thế, bà tiến sĩ của tôi còn phán vài câu xanh rờn như
thế này nữa: “mại dâm là hiện tượng xã hội có từ lâu đời, tuy nhiên,
dù tồn tại dưới bất kỳ hình thức nào, mại dâm vẫn là rào cản đối với sự
phát triển kinh tế - xã hội, là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp
gây bất ổn về trật tự chính trị - xã hội”, và “ở bất cứ xã hội
nào, phụ nữ làm nghề mại dâm đều bị coi là loại người xấu xa, mạt hạng…
bị xã hội, gia đình, người thân coi khinh, dư luận xã hội lên án. Vì
vậy, họ luôn mặc cảm, sợ hãi, mất hết niềm tin vào cuộc đời, không có
tương lai…” Đúng là mạt sát đến mức thậm tệ, khó lòng có ai mạt sát
họ hơn nữa.
Ấy là báo chí đăng như thế nào thì tôi chép lại như thế, chứ chẳng
biết có đúng không. Biết đâu báo chí lại ghi sai lời bà ấy nói, hay là,
lỗi tại thằng đánh máy í mà. Tôi chép lại ở đây náy
Chứ không lẽ những gì mà nhà thơ ủy viên trung ương Đảng Tố Hữu đã
viết trong bài thơ “Tiếng hát sông Hương”, bài thơ hẳn đã làm nức lòng
hàng triệu con người để đi theo cách mạng, mong đợi ngày mai tươi sáng,
để được đổi đời, chỉ là những gì nói để mà nói? Hay nói... lấy được? Để
lôi kéo mọi người tham gia cách mạng, để rồi cách mạng thành công, đánh
đổ hai thằng đế quốc sừng sỏ, rồi 36 năm cả nước thống nhất, xây dựng
chủ nghĩa xã hội không còn người bóc lột người, để các cô gái sông Hương
của Tố Hữu lại có nhiều hậu duệ hơn gấp bội, và bị khinh rẻ, mạt sát
như thế này?
Ấy thế mà trên trang web của Hội Phụ nữ tôi vẫn tìm thấy bài viết nói
về những thân phận phụ nữ trong thơ Tố Hữu, và bài thơ đầu tiên được
nhắc tới chính là bài Tiếng hát sông Hương, với những lời lẽ dịu dàng
đầy tính nhân văn, thông cảm sâu sắc với những thân phận lỡ làng thời
ấy, như thế này đây:
Từ những nỗi đau riêng hoà trong niềm đau chung của đất nước
Khi đất nước còn chìm trong nô lệ, mỗi mảnh đời cũng chịu chung số phận lầm than. Nhưng có lẽ, chịu nhiều thiệt thòi, cay đắng nhất vẫn là những người phụ nữ. Họ chịu nhiều tầng áp bức, bóc lột. Tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ trẻ Tố Hữu đã cảm nhận sâu sắc những nỗi cơ cực đó và cất lên tiếng nói cảm thông. Gặp cô gái giang hồ trên sông Hương, nhà thơ chạnh lòng thương cho thân phận chìm nổi của cô...
Khi đất nước còn chìm trong nô lệ, mỗi mảnh đời cũng chịu chung số phận lầm than. Nhưng có lẽ, chịu nhiều thiệt thòi, cay đắng nhất vẫn là những người phụ nữ. Họ chịu nhiều tầng áp bức, bóc lột. Tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ trẻ Tố Hữu đã cảm nhận sâu sắc những nỗi cơ cực đó và cất lên tiếng nói cảm thông. Gặp cô gái giang hồ trên sông Hương, nhà thơ chạnh lòng thương cho thân phận chìm nổi của cô...
Nguồn ở đây
Hay là, hay là, tôi chợt nghĩ, có thể bọn xấu đã leo cao luồn sâu vào
trong những vị trí chủ chốt, và đang làm sai lệch đi những chủ trương
đúng đắn, đầy tính nhân bản của cách mạng. Chứ không lẽ cách mạng mà lại
cũng giống dân chợ trời ở SG, nói dzậy mà không phải dzậy?
Nhưng bọn xấu ở đâu mà nhiều thế, mà chui vào bộ máy của ta lắm thế,
và chẳng có ai phát hiện được ư? Vì Phó trưởng ban tuyên giáo của một
cái hội to nhất nước như thế hẳn phải là một vị trí được săm soi, cân
nhắc lắm chứ, có phải ai muốn ngồi vào đấy cũng được đâu? Khó hiểu thật.
Tôi càng nghĩ, càng hoang mang quá. Có ai giải thích giúp tôi được
hay không?