Nguyễn Tường Tâm
“Trong bài này, người viết chú ý tới một dữ kiện quan trọng là
hành vi ăn cắp của một hay vài công an thuộc lực lượng chính quyền trong
lúc lục soát nhà Huỳnh Thục Vy.” Không biết chính quyền có thể tìm ra
hay có muốn tìm ra thủ phạm hay không nhưng tai tiếng vụ này làm xấu mặt
chính quyền.
Theo nhiều tin tức trên báo mạng hải ngoại và báo chí của chính
quyền, chiều mùng 2 tháng 12, công an Quảng Nam đã ập vào hành hung gia
đình blogger Huỳnh Thục Vy tại Tam Kỳ, Quảng Nam.
Việc đột nhập tư gia của gia đình Thục Vy lần này là tiếp theo cuộc
đột nhập lục soát tư gia của gia đình cô hôm mùng 8 tháng 11. Lý do khám
xét hôm 8/11 là chính quyền kết tội ba cha con ông Huỳnh Ngọc Tuấn đã
viết các bài viết tung lên mạng “đi ngược lại chính sách đoàn kết dân
tộc, phủ nhận thành quả cách mạng”.
Khác với lần trước, lần này khởi đầu chính quyền tới chỉ với mục đích
đọc và trao 3 quyết định xử phạt ba cha con ông Tuấn số tiền tổng cộng
270 triệu tiền Việt Nam, tương đương 13 ngàn đô Mỹ (2 triệu = 100 đô Mỹ)
và phải nộp phạt trong thời hạn 10 ngày tại kho bạc nhà nước, nếu không
thì sẽ bị cưỡng chế. Thế nhưng không hiểu sao chính quyền lại chuyển
hướng xoay sang lục soát nhà bà chị ông Huỳnh Ngọc Tuấn mà ba cha con
ông đang ở nhờ. Chính quyền đã lục tung hết đồ đạc trong nhà để khám
xét. Và việc lục soát như thế không có đọc lệnh xét nhà gì cả.
Mặc dù số lượng công an và viên chức mọi ngành thực hiện việc đột
nhập và khám xét cả hai lần đều đông đảo như nhau, khoảng trên 100
người. Nhưng lần sau này có những thiếu sót trầm trọng về thủ tục và có
phong cách tàn bạo hơn lần trước. Theo tường thuật của Thục Vy hôm 3/12 cho đài Á châu Tự do thì “Lần
trước ngày 8 tháng 11 thì người ta có vẻ bình thường, ôn hòa, không có
vấn đề gì: người ta để cho mình quay phim chụp hình bình thường.”
Công an có kiểm tra các điện thoại di động của những người trong gia
đình và định tịch thu, nhưng do các thành viên trong gia đình phản đối
quyết liệt nên họ đã trả lại. Lần trước sau nhiều tiếng lục tung mọi
ngóc ngách, họ đã tịch thu 2 bộ dàn vi tính, một bộ loa đài, máy in,
những vật dụng được cho là đã “sản xuất ra các tài liệu phản động”; cùng
một số giấy tờ sổ sách. Nhưng việc khám xét và tịch thu mọi đồ vật đều
có làm biên bản và yêu cầu gia chủ ký. Anh Tuấn đã ký biên bản và khi
trả lời truyền thông hải ngoại anh còn cho biết: “Tôi có ký vào biên
bản thu giữ đồ đạc của gia đình nhưng đã ghi rõ vào đó là tôi hoàn toàn
phản đối việc khám xét này vì những việc gia đình chúng tôi làm phù hợp
với điều 69 về quyền tự do ngôn luận quy định trong Hiến pháp”.
Lần này, ngoài việc lục soát không án lệnh của tòa, trong khi lục
soát công an lại còn hành hung gia chủ khi gia chủ định chụp hình, quanh
phim để làm bằng chứng, một hành động không bị luật pháp ngăn cấm.
Huỳnh Thục Vy tường thuật với đài Á Châu Tự Do ngày 3/12 như sau, “2
công an nữ đã vật tay con ra phía sau, rồi 2 công an nam chạy vô lấy
máy ảnh của con mà rồi còn đánh con nữa, đánh vào tay vào chân con nữa.
Người ta đánh con rất là đau và con chưa bao giờ tiếp xúc với công an
theo cái kiểu người ta thô bạo đến như vậy.” Thục Vy nói tiếp, “Bây giờ người con tay chân bầm hết. Họ xé cả áo đến rách toạc áo của cô và áo của con, áo của em trai con nữa.”
Điều ngạc nhiên hơn hết là tất cả những hành động lục soát, tịch thu
tài sản và hành hung gia chủ vô cớ đó đều không được lập biên bản.
Tất cả những hành vi trái pháp luật trầm trọng đó của chính quyền địa
phương sẽ được bàn tới trong một bài khác, trong bài này, người viết
chú ý tới một dữ kiện quan trọng là hành vi ăn cắp của một hay vài công
an thuộc lực lượng chính quyền trong lúc lục soát nhà cô Huỳnh Thục Vy.”
Trong tường thuật với đài Á Châu Tự Do ngày 3/12, Thục Vy cho biết, “hai
cô con lúc chiều khi người ta ra về hết rồi thì lục tủ tiền thì thấy
tiền mất hết. Cả mười ngày nay thì có cô chú bác ở hải ngoại gửi về được
3 ngàn đô, thời gian này nhà con cất trong tủ mà chiều nay khi họ về
rồi, mở ra thì thấy không còn tiền đâu, chú ạ, rất là lo lắng, rất là
căm phẫn.”
Việc lục soát nhà không có án lệnh hợp pháp, không cho chủ nhà đi
theo chứng kiến và không có biên bản. Cuối cùng, khi lực lượng công an
ra về rồi, cô của Thục Vy, chủ nhà, không liên quan gì tới vụ việc của
cha con ông Huỳnh Ngọc Tuấn, phát hiện ba ngàn đô la Mỹ ($3000 USD) cất
trong tủ “không cánh mà bay”. Thật là một sự nhục nhã cho lực lượng lục
soát nhà Huỳnh Thục Vy hôm đó.
Việc lục soát nhà ông Huỳnh Ngọc Tuấn lần này có đúng theo thủ tục
pháp lý hay không là việc tạm gác một bên. Việc ba cha con ông Huỳnh
Ngọc Tuấn có vi phạm hành chánh hay không cũng hãy tạm gác sang một bên
để xem xét sau. Nhưng sự việc một vài nhân viên công an lợi dụng trong
lúc thi hành công vụ để ăn cắp tài sản nhân dân là điều không thể chấp
nhận được và phải xem xét tức khắc. Mỗi một ngày trôi qua mà sự việc
không được làm sáng tỏ thì hình ảnh của chính quyền ngày một xấu đi một
cách tàn tệ. Không một chính quyền nào dung dưỡng hành vi trộm cắp tài
sản của nhân dân, nhất là trong lúc thi hành công vụ, cho dù người dân
đó có vi phạm pháp luật. Cũng có thể các nhân viên công an ăn cắp đó
nghĩ rằng gia đình ông Huỳnh Ngọc Tuấn đang là điểm nhắm quan trọng của
chính quyền; gia đình ông Huỳnh Ngọc Tuấn không dám thưa gửi; hay có
thưa gửi cũng chẳng ai xét, nên mấy nhân viên công an đó thừa gió bẻ
măng. Nhưng mấy nhân viên công an đó đã lầm. Một chính quyền dù mất lòng
dân tới mấy chăng nữa cũng không thể chấp nhận viên chức chính quyền ăn
cắp của dân một cách lộ liễu như vậy. Cho dù hiện nay chưa thấy gia
đình ông Huỳnh Ngọc Tuấn thưa gửi, bởi vì họ phải lo tìm phương tiên
tuân thủ lệnh phạt, một điều quan trọng hơn, nhưng trên phương diện bảo
vệ danh dự đảng và chính quyền, chính quyền cần phải tự động thực hiện
công việc điều tra nội bộ để tìm ra mấy viên công an có hành vi bất hảo
đó. Dù có muốn bao che, có muốn bảo vệ đàn em tới mấy đi nữa, thì vụ
“nhân viên công an lợi dụng trong lúc thi hành công vụ ăn cắp của dân”
cũng không thể che dấu được nữa. Bộ mặt chính quyền là đây. Danh dự của
đảng là đây. Không ai nói ra, vì họ không có điều kiện để nói ra, nhưng
hầu như toàn thể dân chúng đang chờ đợi thái độ của chính quyền địa
phương trong vụ việc này.