Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Cháy xe lòi mặt kẹ

Nhạc sĩ Tuấn Khanh 
 
chayxe_0eae5.jpg
Hàng loạt các vụ cháy xe cá nhân từ miền Bắc trải dài tới miền Nam đang là đề tài của những câu chuyện tai nạn bí ẩn ở Việt Nam.
Tin về các vụ cháy, có thể thấy là được báo chí mô tả và gần như van nài, kêu gào các cơ quan có trách nhiệm vào cuộc. Cái chết của một thai phụ và trẻ em, cùng vô số thiệt hại của cải, từ các công dân Việt Nam dường như cuối cùng đã được “vào cuộc”, bởi một vài đáp trả của cơ quan điều tra, các nhà sản xuất xe, cung cấp nhiên liệu.
Nhợt nhạt, dè chừng và cuối cùng là đầy màu sắc buông chối trách nhiệm, đó là những gì mà người ta có thể cảm nhận được từ các bản tin, phỏng vấn… phản hồi. Chuyện lẽ ra chỉ là cuộc điều tra đơn giản, mạnh mẽ để có được một kết luận hoàn hảo, nay lại tiếp tục gieo thêm nhiều nghi vấn trong dân chúng.
Trong khi đó, hầu hết các phát biểu trên các mạng xã hội tiếng Việt đều đặt vấn đề về trách nhiệm của phía cung cấp nhiên liệu có thể đã có tạp chất đã tạo ra thảm cảnh. Và nói rõ hơn, nghi vấn rất lớn đang lan rộng là xăng có pha tạp chất được nhập từ Trung Quốc.
Cũng vì vậy, khi có câu trả lời nhanh chóng và bảo toàn từ một nhân vật của Cục đo lường chất lượng vào cuối năm 2011, sự phản ứng của các dân cư mạng cũng mãnh liệt không kém lửa bùng lên từ những chiếc xe bị cháy.
Nhiều hiệu xe, dòng sản xuất, nhiều loại động cơ… đang là nạn nhân của các vụ cháy, nên từ phương pháp loại trừ, có thể nói hoàn toàn không phải do sai lầm kỹ thuật của một nhà sản xuất. Vậy thì phải từ một phía khác.
Phía khác là phía nào? Thật là không đúng khi làm chuyện “dạy” các cơ quan điều tra ở Việt Nam đi tìm thủ phạm, nhưng từ câu chuyện này, có thể nhìn thấy rằng một khi lửa đã lan đến nhà của công dân, mà những người đang có trách nhiệm – đang sống từ tiền thuế của nhân dân, hoặc kinh doanh từ những đồng tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân – lại rất khoan thai và thích cao giọng những tuyên bố thay cho sự thật cuối cùng, thì khó trách người dân không thể không lên tiếng.
Khi người dân mắc nạn ngay trên đất nước của mình, nếu những người đang làm quan trên không biết lo toan, không biết xao xuyến suy tư, thì ai sẽ làm chuyện ấy? Không biết từ lúc nào, miệng nhà quan Việt Nam đã có thói quen nói lớn để phủ lên sự thật, tuyên bố để trấn áp nội dung chính, thay cho một kết quả công chính, thay cho sự suy tư tử tế về đồng bào của mình.
Trong một bài báo mô tả, có một cô gái chỉ còn biết khóc, bất lực nhìn chiếc xe đang bị cháy của mình. Có lẽ cô gái ấy còn khóc cho nỗi cô đơn và oan nghiệt sẽ chìm sâu của mình. Đáp án “không lỗi do ai” được chia trong bàn tiệc an toàn của nhiều quan chức, vẫn đang là một ví dụ rất cụ thể cho công thức phổ biến từ một thời đại hệ thống hành chính – cầm quyền che chắn cho nhau trước các sự cố. Nỗi đau và mất mát sẽ mãi thuộc về nhân dân trong sự vô cảm của kẻ có quyền.
Đó là những ông kẹ, thế lực, và chuyên nói bằng quyền hạn và sự vô trách nhiệm, đang mọc ra như một loại ký sinh trùng ghê tởm, sống bám vào sự phát triển của đất nước này, rút rỉa năng lượng niềm tin của nhân dân.
Những vụ cháy xe, để lòi ra những gương mặt kẹ, và họ chỉ là một phần nhỏ trên đất nước này.
T.K.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"